CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 104/2018/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2018 |
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí hoạt động chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực thương mại (sau đây gọi chung là kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại) tại cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là cơ quan đại diện), việc quản lý các dự án đầu tư tại cơ quan đại diện và trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng với các cơ quan đại diện, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại cơ quan đại diện
Kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại của Bộ Công Thương tại cơ quan đại diện được bố trí trong dự toán của Bộ Công Thương.
Điều 4. Lập dự toán, phân bổ, giao dự toán và quyết toán kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại cơ quan đại diện
1. Lập dự toán
Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Công Thương căn cứ chế độ chi tiêu hiện hành và hướng dẫn lập dự toán ngân sách của Bộ Tài chính, kế hoạch, nhiệm vụ cần triển khai trong lĩnh vực thương mại tại các cơ quan đại diện năm kế hoạch để lập dự toán kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại, tổng hợp vào dự toán ngân sách của Bộ Công Thương, gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định và giao trong dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Công Thương.
2. Phân bổ và giao dự toán
Căn cứ quyết định giao dự toán ngân sách, Bộ Công Thương thực hiện phân bổ kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại các cơ quan đại diện theo từng địa bàn cụ thể, báo cáo Bộ Tài chính kiểm tra theo quy định.
3. Quản lý, sử dụng và quyết toán
Bộ Công Thương, bộ phận cán bộ biệt phái của Bộ Công Thương tại cơ quan đại diện chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và tổng hợp quyết toán kinh phí được giao theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
Điều 5. Trách nhiệm của Bộ Công Thương và bộ phận cán bộ biệt phái của Bộ Công Thương tại cơ quan đại diện
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm:
a) Tổ chức việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
b) Hướng dẫn, chỉ đạo bộ phận cán bộ biệt phái của Bộ Công Thương tại cơ quan đại diện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí đúng quy định, tập hợp đầy đủ chứng từ chi tiêu, hạch toán kế toán, gửi báo cáo về Bộ Công Thương để quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước theo quy định.
c) Kiểm soát chi, xét duyệt quyết toán chứng từ của bộ phận cán bộ biệt phái của Bộ Công Thương tại cơ quan đại diện theo quy định.
2. Bộ phận cán bộ biệt phái của Bộ Công Thương tại cơ quan đại diện có trách nhiệm:
a) Mở tài khoản của bộ phận cán bộ biệt phái của Bộ Công Thương tại ngân hàng thương mại có uy tín tại nước sở tại để hạch toán các khoản thu (nếu có), tiếp nhận nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp để chi tiêu.
b) Quản lý kinh phí, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của chủ tài khoản và các nhiệm vụ khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo chế độ quy định.
QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN
Điều 6. Nguyên tắc quản lý các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện
1. Việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án xây dựng của cơ quan đại diện từ nguồn vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư công, áp dụng quy định của pháp luật về xây dựng có liên quan và quy định cụ thể tại Nghị định này.
2. Các nội dung về quy chuẩn kỹ thuật, quy hoạch, bảo tồn lịch sử, văn hóa, trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc, giấy phép xây dựng, hợp đồng xây dựng, điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình, văn bản nghiệm thu và các quy chuẩn đặc thù khác được ưu tiên áp dụng theo quy định pháp luật của quốc gia tiếp nhận.
3. Việc xác định tổng mức đầu tư công trình, dự toán xây dựng công trình bao gồm khối lượng tính toán từ thiết kế cơ sở, khối lượng tính toán từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, yêu cầu công việc, định mức, đơn giá được ưu tiên áp dụng theo quy định pháp luật của quốc gia tiếp nhận.
4. Những nội dung quản lý, triển khai dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện không được quy định tại Nghị định này được thực hiện theo các quy định pháp luật của Việt Nam có liên quan.
5. Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an để bảo đảm an ninh, an toàn cho cơ quan đại diện theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước có liên quan.
Điều 7. Trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn khi lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện
Đối với các dự án nhóm A, trong quá trình lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng nhưng không cần lập phương án thiết kế sơ bộ về xây dựng, thuyết minh, công nghệ, kỹ thuật và thiết bị phù hợp.
Điều 8. Công tác thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư xây dựng
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực thẩm tra thiết kế cơ sở và những nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi; thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng; thẩm tra Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
2. Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá đối với Báo cáo kết quả thẩm tra do tư vấn thực hiện trước khi gửi đến cơ quan thẩm định.
3. Trên cơ sở kết quả thẩm tra, cơ quan chuyên môn của Bộ Ngoại giao thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng và xin ý kiến phối hợp của Bộ Xây dựng trong trường hợp cần thiết.
4. Căn cứ vào quy mô và tính chất của dự án, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định ủy quyền cho Chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng.
Điều 9. Việc lựa chọn nhà thầu đối với dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện
1. Việc lựa chọn nhà thầu trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành.
2. Trường hợp tiến hành lựa chọn nhà thầu ngoài lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, người có thẩm quyền quyết định phương án lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu quyết định phương án lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng nhu cầu, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu bảo đảm chất lượng, hiệu quả, giá cả cạnh tranh, cụ thể như sau:
a) Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn có giá trị không quá 3 tỷ đồng và gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, sản phẩm công trình có giá trị không quá 5 tỷ đồng thực hiện theo các bước sau:
Chủ đầu tư sẽ lựa chọn nhà thầu trong số các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm phù hợp với gói thầu.
Chủ đầu tư căn cứ vào mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu đã được chủ đầu tư lựa chọn. Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên chủ đầu tư và nhà thầu đã được lựa chọn tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng.
Ký kết hợp đồng.
b) Đối với gói thầu tư vấn, phi tư vấn có giá trị trên 3 tỷ đồng và gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá trị trên 5 tỷ đồng thì việc lựa chọn một nhà thầu thực hiện theo các bước sau:
Chủ đầu tư sẽ lựa chọn một nhà thầu trong số các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm phù hợp với gói thầu để phát hành hồ sơ yêu cầu.
Thuê tư vấn lập hồ sơ yêu cầu bao gồm các thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất; tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật và xác định giá gói thầu. Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và đánh giá về kỹ thuật.
Chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ yêu cầu và gửi cho nhà thầu đã được lựa chọn.
Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.
Thuê tư vấn đánh giá hồ sơ đề xuất:
Việc đánh giá hồ sơ đề xuất phải được thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ yêu cầu. Trong quá trình đánh giá, chủ đầu tư mời nhà thầu đến thương thảo, làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, tiến độ, khối lượng, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu.
Nhà thầu được lựa chọn khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: có hồ sơ đề xuất hợp lệ; có năng lực, kinh nghiệm và đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ yêu cầu; có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá dự toán gói thầu được duyệt.
Chủ đầu tư căn cứ vào mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu đã được chủ đầu tư lựa chọn.
Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, chủ đầu tư và nhà thầu đã được lựa chọn tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng.
Ký kết hợp đồng.
Điều 10. Việc lựa chọn nhà thầu trong dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng của cơ quan đại diện
Việc lựa chọn nhà thầu trong dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng của cơ quan đại diện được thực hiện như quy định tại
Điều 11. Tổ chức công tác nghiệm thu công trình
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chất lượng công trình, công tác nghiệm thu và thanh lý hợp đồng đối với các dự án đầu tư xây dựng tại cơ quan đại diện. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ quy mô, kỹ thuật của từng dự án, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của Chủ đầu tư.
QUY ĐỊNH VỀ TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT BỔ NHIỆM ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN
Điều 12. Trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
Trong trường hợp quá độ tuổi bổ nhiệm thông thường, người được tiến cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được xem xét bổ nhiệm căn cứ yêu cầu đối ngoại, địa bàn công tác, năng lực, uy tín cá nhân theo quy định tại Nghị định này.
Điều 13. Nguyên tắc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong trường hợp đặc biệt
1. Việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong trường hợp đặc biệt phải bảo đảm chặt chẽ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định.
2. Khi được bổ nhiệm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thực hiện đầy đủ nhiệm kỳ công tác theo quy định của pháp luật về cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đối với từng trường hợp cụ thể.
Điều 14. Điều kiện về năng lực, uy tín cá nhân
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt nếu đáp ứng các tiêu chí về năng lực, uy tín sau đây:
1. Có kiến thức, hiểu biết sâu rộng về quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.
2. Có uy tín, kinh nghiệm và năng lực vượt trội trong lĩnh vực đối ngoại.
Điều 15. Điều kiện về yêu cầu đối ngoại
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt nhằm thực hiện một trong các yêu cầu đối ngoại sau đây:
1. Thúc đẩy một hoặc một số lĩnh vực hợp tác đặc biệt quan trọng về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.
2. Xử lý một hoặc một số vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến lợi ích của Việt Nam trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.
Điều 16. Điều kiện về địa bàn công tác
Địa bàn công tác trong trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền bao gồm một trong các địa bàn sau đây:
1. Quốc gia láng giềng hoặc thuộc khu vực Đông Nam Á.
2. Quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, Liên hợp quốc hoặc địa bàn có tầm quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, phù hợp với yêu cầu đối ngoại trong từng thời kỳ.
Điều 17. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
2. Việc lập dự toán kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại cơ quan đại diện trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Công Thương áp dụng từ năm ngân sách 2019.
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
| TM. CHÍNH PHỦ |
- 1 Quyết định 936/QĐ-BNG năm 2019 về phân loại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành
- 2 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài sửa đổi 2017
- 3 Thông tư 264/2016/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Bộ Tư pháp ban hành
- 5 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 6 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 7 Luật Đầu tư công 2014
- 8 Quyết định 3557/QĐ-BCT năm 2013 về Quy chế quản lý cán bộ, công chức của Bộ Công Thương công tác tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
- 9 Bộ Luật lao động 2012
- 10 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009
- 1 Quyết định 3557/QĐ-BCT năm 2013 về Quy chế quản lý cán bộ, công chức của Bộ Công Thương công tác tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
- 2 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Bộ Tư pháp ban hành
- 3 Thông tư 264/2016/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4 Quyết định 936/QĐ-BNG năm 2019 về phân loại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành