HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số : 109-CP | Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 1962 |
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Để khuyến khích những người trọng tài và các vận động viên tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kỹ thuật và nghiệp vụ nhằm phục vụ đắc lực cho phong trào thể dục thể thao ngày càng phát triển;
Theo đề nghị của ông Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 22 tháng 3 năm 1962.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành, kèm theo Nghị định này, điều lệ về “chế độ phân cấp vận động viên” và điều lệ về “chế độ phân cấp trọng tài” áp dụng trong ngành thể dục thể thao.
Điều 2. – Các cơ quan thể dục thể thao các cấp, các ngành có trách nhiệm động viên, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành các điều lệ này.
Điều 3. – Uỷ ban Thể dục thể thao quy định chi tiết việc thi hành các điều lệ này.
Điều 4. - Điều lệ về “chế độ phân cấp vận động viên” và điều lệ về “chế độ phân cấp trọng tài” này được thi hành từ ngày 26 tháng 9 năm 1962.
T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
VỀ “CHẾ ĐỘ PHÂN CẤP VẬN ĐỘNG VIÊN”
Điều lệ về “chế độ phân cấp vận động viên” nhằm:
- Khuyến khích vận động viên thể dục thể thao tích cực học tập để nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, ý thức phục vụ, xây dựng tác phong và đạo đức thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa, rèn luyện thân thể, nâng cao sức khoẻ toàn diện, trau dồi trình độ kỹ thuật, lập những kỷ lục ngày càng cao, góp phần phát triển phong trào thể dục thể thao của nước nhà.
- Đãi ngộ thích đáng về vật chất cũng như tinh thần đối với vận động viên ở mỗi cấp bậc khác nhau.
ĐIỀU KIỆN PHÂN CẤP VẬN ĐỘNG VIÊN
Điều 1. – Vận động viên chia làm sáu cấp:
- Vận động viên cấp kiện tướng;
- Vận động viên cấp I;
- Vận động viên cấp II;
- Vận động viên cấp III;
- Vận động viên cấp IV;
- Vận động viên cấp thiếu niên.
Điều 2. – Vận động viên cấp kiện tướng, cấp I, II, III, IV phải là công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, có phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong thể dục thể thao tốt, được quần chúng yêu mến, đã đạt được yêu cầu về tiêu chuẩn vận động thể dục thể thao theo tiêu chuẩn quy định cho từng cấp.
Điều 3. – Vận động viên cấp thiếu niên phải là thiếu niên Việt Nam từ 13 đến 17 tuổi, yêu thầy, mến bạn, hăng hái học tập, lao động, có thành tích tham gia vận động các môn thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi, đạt được tiêu chuẩn vận động thể dục thể thao tiêu chuẩn quy định cho cấp thiếu niên.
Điều 4. – Vận động viên là ngoại kiều thì ngoài các điều kiện chung của các vận động viên nói ở điều 2, cần phải có một thời gian hoạt động cho phong trào thể dục thể thao ở Việt Nam: ba năm đối với cấp kiện tướng và cấp I, một năm đối với các cấp khác.
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN VỀ CÁC MÔN THỂ DỤC THỂ THAO THEO TỪNG CẤP
Điều 5. - Trước tình hình và trình độ phong trào thể dục thể thao nước ta hiện nay, việc phân cấp vận động viên chỉ tiến hành trong phạm vi các môn đã phát triển tương đối phổ biến như: thể dục dụng cụ, điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, bắn súng, thông tin, thể dục quân sự và mô hình máy bay…
Sau này do nhu cầu và trình độ của phong trào Uỷ ban Thể dục thể thao sẽ xét phân cấp dần dần các môn khác.
Điều 6. – Tiêu chuẩn cụ thể của từng môn của từng cấp sẽ do Uỷ ban Thể dục thể thao quy định cụ thể.
Điều 7. - Từ nay cho đến hết năm 1965 tạm thời quy định như sau:
a) Vận động viên có cấp bậc phải đạt “tiêu chuẩn rèn luyện thân thể” các cấp:
- Cấp kiện tướng và cấp I phải đạt “tiêu chuẩn rèn luyện thân thể”cấp II;
- Cấp II, III, IV phải đạt “tiêu chuẩn rèn luyện thân thể” cấp I;
- Cấp thiếu niên phải đạt “tiêu chuẩn rèn luyện thân thể” cấp thiếu niên đối với các em từ 13 đến 15 tuổi, phải đạt “tiêu chuẩn rèn luyện thân thể” cấp I đối với các em 16 và 17 tuổi.
b) Vận động viên có cấp bậc, trong từng thời gian nhất định phải trải qua một lần kiểm tra về tiêu chuẩn thể lực và kỹ thuật. Thời gian kiểm tra này do Uỷ ban Thể dục thể thao quy định.
Trừ vận động viên cấp kiện tướng sẽ có quy định riêng, vận động viên các cấp khác, nếu qua kiểm tra không đạt tiêu chuẩn cũ, sẽ không còn tên ở trong danh sách vận động viên có cấp bậc cũ nữa.
QUYỀN LỢI VÀ NHIỆM VỤ CỦA VẬN ĐỘNG VIÊN THEO TỪNG CẤP
Điều 8. – Vận động viên các cấp được hưởng các quyền lợi sau đây:
- Được cấp giấy chứng nhận và huy hiệu vận động viên.
- Được ưu tiên lựa chọn trong khi thi vào các trường lớp thể dục thể thao.
- Được chọn để tham gia các cuộc thi đấu và các hoạt động thể dục thể thao ở đơn vị cơ sở hoặc của địa phương.
- Được xét và khen thưởng nếu có thành tích đối với phong trào thể dục thể thao.
- Trong phạm vi khả năng, sẽ được hưởng những quyền lợi đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với vận động viên có cấp bậc do Uỷ ban Thể dục thể thao cùng với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính quy định sau.
Điều 9. – Vận động viên có cấp bậc phải:
- Không ngừng nâng cao trình độ chính trị, luôn luôn trung thành với Tổ quốc, quý trọng nhân dân, nỗ lực sản xuất, công tác, học tập và làm tốt nghĩa vụ quân sự.
- Ra sức rèn luyện thân thể, phát triển thể lực toàn diện, không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật về vận động thể dục thể thao.
- Tích cực tham gia các cuộc thi đấu, biểu diễn; thường xuyên đem hiểu biết, kinh nghiệm của mình động viên và giúp đỡ đồng đội và những người khác trong tập luyện và thi đấu.
- Tuân thủ mọi nội quy kỷ luật của ngành thể dục thể thao đối với vận động viên.
Điều 10. – Danh hiệu vận động viên cấp kiện tướng và cấp I do Uỷ ban Thể dục thể thao công nhận.
Điều 11. – Danh hiệu vận động viên cấp II, III, IV và cấp thiếu niên do Ban Thể dục thể thao tỉnh, thành, khu và các cấp ngành tương đương công nhận sau khi được Uỷ ban Thể dục thể thao phê chuẩn.
Điều 12. - Việc công nhận cấp bậc của các vận động viên các cấp phải thông qua các tổ chức thi đấu do trọng tài có cấp bậc được chỉ định chủ trì, căn cứ vào quy định tiêu chuẩn cụ thể về các môn thi.
Thời gian để xét việc công nhận cấp bậc của vận động viên không được quá ba tháng kể từ lúc vận động viên đạt tiêu chuẩn.
Điều 13. – Cơ quan Thể dục thể thao cấp có quyền công nhận cấp bậc của vận động viên sẽ cấp giấy chứng nhận và huy hiệu cho vận động viên.
Điều 14. – Đối với vận động viên đạt cấp giống nhau hoặc khác nhau của nhiều môn thì chỉ cấp một giấy chứng nhận và có ghi rõ thành tích từng môn, và về mỗi môn được cấp một huy hiệu. Nếu vận động viên đạt nhiều cấp khác nhau trong một môn, thì căn cứ vào cấp cao nhất đã đạt được mà cấp giấy chứng nhận và huy hiệu.
Điều 15. – Khi vận động viên đạt tiêu chuẩn cấp cao hơn, thì chỉ cấp huy hiệu mới và ghi vào giấy chứng nhận cũ thành tích mới đạt được. Đối với người lên cấp kiện tướng, thì cấp lại cả giấy chứng nhận và huy hiệu.
Điều 16. – Vận động viên các cấp, nếu phạm luật pháp Nhà nước, phạm sai lầm nghiêm trọng có tổn hại đến phẩm chất và danh dự vận động viên, sẽ bị tước danh hiệu, thu hồi giấy chứng nhận và huy hiệu cấp bậc.
Điều 17. - Việc tước danh hiệu của vận động viên phạm sai lầm nghiêm trọng, do đơn vị cơ sở đề nghị lên cơ quan thể dục thể thao cấp có quyền công nhận vận động viên Quyết định.
Điều 18. – Trong trường hợp đặc biệt, đối với một số vận động viên đã đạt được tiêu chuẩn cấp bậc, nhưng do cơ cấu của cơ thể hay do thương tật mà không thể thi toàn bộ “tiêu chuẩn rèn luyện thân thể”, thì Uỷ ban Thể dục thể thao có thể quyết định cho miễn thi một môn nào đấy trong “tiêu chuẩn rèn luyện thân thể”.
Ban hành kèm theo Nghị định của Hội đồng Chính phủ số 109-CP ngày 26-9-1962.
VỀ “CHẾ ĐỘ PHÂN CẤP TRỌNG TÀI”
Điều lệ về “Chế độ phân cấp trọng tài” nhằm khuyến khích mọi người làm công tác trọng tài nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ để phục vụ thi đấu, góp phần mở rộng và nâng cao phong trào thể dục thể thao, đồng thời để thi hành chính sách đãi ngộ thích hợp đối với người trọng tài mỗi cấp khác nhau.
ĐIỀU KIỆN PHÂN CẤP BẬC TRỌNG TÀI
Điều 1. – Trọng tài gồm có 4 cấp:
- Trọng tài quốc gia,
- Trọng tài cấp I
-Trọng tài cấp II
- Trọng tài cấp III
Điều 2. - Người trọng tài các cấp phải:
- Là công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; nếu là ngoại kiều đã làm trọng tài ở một nước khác thì phải có hai năm hoạt động cho phong trào thể dục thể thao ở Việt Nam.
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong tốt.
- Tuổi từ 25 đến 40
- Có sức khoẻ toàn diện đạt tiêu chuẩn quy định của Uỷ ban Thể dục thể thao.
- Đạt “tiêu chuẩn rèn luyện thân thể” cấp I trở lên.
- Nắm vững luật lệ và phương pháp trọng tài, được Uỷ ban Thể dục thể thao hoặc cơ quan thể dục thể thao có thẩm quyền công nhận.
Trọng tài các cấp phải có các điều kiện cụ thể sau đây:
a) Trọng tài quốc gia: Phải có kinh nghiệm thực tế công tác trọng tài từ bốn năm trở lên.
Trọng tài các môn bóng: Có thể làm trọng tài chính các cuộc thi đấu hạng A trở lên ở trong nước và thi đấu quốc tế.
Trọng tài điền kinh, xe đạp, bơi lội, vật…
- Có thể làm tổng trọng tài trong các Đại hội toàn quốc hoặc thi đấu quốc tế.
- Có khả năng bố trí toàn bộ công việc trọng tài cho một Đại hội hoặc một cuộc thi đấu điền kinh, bơi lội, xe đạp, vật… toàn quốc hay quốc tế.
b) Trọng tài cấp I: Phải có kinh nghiệm thực tế công tác trọng tài từ ba năm trở lên.
Trọng tài các môn bóng:
- Có thể làm trọng tài chính các cuộc thi đấu hạng A.
- Có thể làm tổng trọng tài trong các đại hội thi đấu của tỉnh, thành, khu hoặc các ngành cấp tỉnh, thành, khu.
Trọng tài điền kinh, xe đạp, bơi lội, vật…
- Có thể làm tổng trọng tài trong các đại hội thể dục thể thao của tỉnh, thành, khu, của các ngành cấp tỉnh, thành, khu hoặc điều khiển một tổ trọng tài của một cuộc thi đấu toàn quốc hay quốc tế.
- Có khả năng bố trí toàn bộ công việc trọng tài của một cuộc thi đấu cấp tỉnh, thành, khu hay các ngành cấp tỉnh, thành, khu.
- Có thể làm trọng tài trong một cuộc thi đấu toàn quốc.
c) Trọng tài cấp II: Phải có kinh nghiệm thực tế trong công tác trọng tài từ hai năm trở lên.
Trọng tài các môn bóng:
- Có thể làm trọng tài chính các cuộc thi đấu của tỉnh, thành hoặc các ngành cấp tỉnh.
- Có thể làm Trưởng ban trọng tài trong các đại hội thi đấu của huyện.
Trọng tài điền kinh, bơi lội, xe đạp, vật…
- Có thể điều khiển toàn bộ công việc trọng tài của một cuộc thi đấu ở cấp huyện.
- Có thể điều khiển một tổ trọng tài hoặc một tổ thư ký trong cuộc thi đấu ở cấp tỉnh, thành, khu.
- Có thể làm Trưởng ban trọng tài trong một cuộc thi đấu ở cấp tỉnh, thành, khu hoặc các ngành cấp tỉnh, thành, khu
d) Trọng tài cấp III:
- Đã qua một lớp trọng tài sơ cấp do tỉnh mở.
- Đã tham gia công tác trọng tài từ một năm trở lên.
- Có khả năng bố trí công việc trọng tài của các cuộc thi đấu các môn bóng hoặc các môn thể dục thể thao khác tổ chức ở cấp huyện.
Điều 3. – Uỷ ban Thể dục thể thao công nhận trọng tài quốc gia và trọng tài cấp I theo đề nghị của Ban Thể dục thể thao các tỉnh, thành, khu, ngành trực thuộc trung ương.
Ban Thể dục thể thao các tỉnh, thành, khu và ngành trực thuộc trung ương công nhận trọng tài cấp II và III.
THĂNG CẤP, GIÁNG CẤP, XOÁ TÊN TRONG DANH SÁCH TRỌNG TÀI
Điều 4. - Việc thăng cấp đối với các trọng tài có thành tích và giáng cấp đối với các trọng tài không xứng đáng do cơ quan thể dục thể thao trực tiếp quản lý người trọng tài đề nghị lên cơ quan thể dục thể thao cấp có thẩm quyền công nhận trọng tài xét và quyết định.
Điều 5. – Trọng tài nào không tham gia công tác trọng tài trong một năm mà không có lý do chính đáng sẽ bị xoá tên trong danh sách trọng tài.
QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA TRỌNG TÀI CÓ CẤP BẬC
Điều 6. – Trọng tài các cấp được hưởng các quyền lợi sau đây:
a) Được cấp giấy chứng nhận và huy hiệu cấp bậc trọng tài.
b) Theo cấp bậc đã được công nhận mà đảm nhiệm công tác trọng tài trong các cuộc thi đấu.
c) Được tham gia Ban trọng tài của địa phương mình ở, được dự những buổi học tập về nghiệp vụ có liên quan và tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
d) Được hưởng những quyền lợi về đãi ngộ vật chất và tinh thần khi làm nhiệm vụ trọng tài do Uỷ ban Thể dục thể thao cùng với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính quy định sau.
đ) Được xét và khen thưởng nếu có nhiều thành tích đối với phong trào thể dục thể thao.
Điều 7. – Trọng tài các cấp phải:
a) Tích cực tham gia công tác trọng tài, thiết thực góp phần xây dựng phong trào thể dục thể thao nước nhà.
b) Nắm vững điều luật thi đấu, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở đấu thủ chấp hành điều luật.
c) Tích cực tham gia sinh hoạt trọng tài và đào tạo trọng tài mới.
d) Không ngừng nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn về trọng tài.
đ) Phải tôn trọng khán giả và vận động viên, khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ trọng tài của mình.
e) Tích cực trong học tập, lao động và công tác.
Ban hành kèm theo Nghị định của Hội đồng Chính phủ số 109-CP ngày 26-9-1962.