Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
******

Số : 115-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 1977

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ ĐẦU TƯ CỦA NƯỚC NGOÀI Ở NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để phục vụ tốt công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam:
Theo đề nghị của các ông Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Bộ Tài chính;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tại phiên họp Hội nghị Thường vụ ngày 16 tháng 3 năm 1977.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo nghị định này bản Điều lệ về đầu tư của nước ngoài ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. - Các ông Bộ trưởng các Bộ ngoại thương, Tài chính, Lao động, Nội vụ, Ngoại giao và ông Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.




Phạm Văn Đồng.

ĐIỀU LỆ

VỀ ĐẦU TƯ CỦA NƯỚC NGOÀI Ở NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(ban hành kèm theo nghị định của Hội đồng Chính phủ số 115-CP ngày 18-4-1977)

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1.- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoan nghênh việc đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam và hai bên cùng có lợi.

Điều 2.- Được coi là đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam, việc đưa vào sử dụng ở Việt Nam những tài sản và vốn sau đây, nhằm xây dựng những cơ sở mới hoặc đổi mới trang bị kỹ thuật, mở rộng các cơ sở hiện có :

- Các loại thiết bị, máy móc, dụng cụ (gồm cả những thứ dùng cho việc thí nghiệm), phương tiện vận tải, vật tư kỹ thuật,v .v…cần thiết cho mục đích nói trên;

- Các quyền sở hữu công nghiệp: bằng sáng chế phát minh, phương pháp công nghệ, bí quyết kỹ thuật (Know-how), nhãn hiệu chế tạo, v.v…

- Vốn bằng ngoại tệ hoặc vật tư có giá trị ngoại tệ, nếu phía Việt Nam xét thấy cần thiết;

- Vốn bằng ngoại tệ để chi lương cho nhân viên và công nhân làm việc ở các cơ sở hoặc tiến hành những dịch vụ theo quy định của điều lệ này.

Điều 3.- Bên nước ngoài đầu tư ở Việt Nam (dưới đây gọi tắt là bên nước ngoài) có thể là xí nghiệp, công ty, tổ chức tư nhân, tổ chức Nhà nước, tổ chức quốc tế hoặc từng cá nhân, nếu có đủ các điều kiện quy định trong điều lệ này.

Điều 4.- Bên nước ngoài có thể đầu tư vào việc khai thác các tài nguyên, vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, vận tải… trừ những lĩnh vực, những ngành mà Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành cho mình.

Chương 2:

HÌNH THỨC ĐẦU TƯ

Điều 5.- Bên nước ngoài có thể đầu tư ở Việt Nam theo các hình thức sau đây:

1. Hợp tác sản xuất chia sản phẩm;

2. Xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp;

3. Xí nghiệp tư doanh chuyên sản xuất hàng xuất khẩu.

Điều 6.- Hình thức hợp tác sản xuất chia sản phẩm giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài được thực hiện theo những điều kiện sau đây :

1. Bên nước ngoài bỏ vốn và trang bị kỹ thuật để xây dựng một hoặc một số cơ sở nhằm thực hiện một chương trình hợp tác kinh tế mà các bên thỏa thuận.

2. Những trang bị, vật tư, kỹ thuật, quyền sở hữu công nghiệp và những vốn khác do bên nước ngoài đưa vào Việt Nam được các bên đánh giá cụ thể để ghi vào phần bỏ vốn của bên nước ngoài.

3. Sản phẩm làm ra sẽ được chia giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài theo một tỷ lệ và trong suốt thời gian do các bên thoả thuận. Phần sản phẩm được chia cho bên nước ngoài không được tiêu thụ ở Việt Nam, trừ trường hợp bên Việt Nam yêu cầu để lại tiêu thụ một phần hoặc tất cả ở trong nước.

Điều 7.- Hình thức xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp được thực hiện theo những điều kiện sau đây :

1. Bên nước ngoài và một tổ chức kinh tế quốc doanh Việt Nam hùn vốn lập một xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp dưới hình thức công ty vô danh hoặc công ty trách nhiệm có hạn.

2. Xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp là một pháp nhân thành lập theo luật phát Việt Nam, hoạt động theo các điều khoản của hợp đồng hợp doanh và điều lệ của xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp.

3. Vốn do bên nước ngoài đầu tư vào xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp chủ yếu gồm thiết bị máy móc, dụng cụ, phương tiện vận tải, vật tư kỹ thuật, quyền sở hữu công nghiệp và vốn bằng ngoại tệ ghi ở điều 2. Vốn đó ít nhất phải bằng 30% và nhiều nhất không quá 49% tổng số vốn.

Vốn do bên Việt Nam góp chủ yếu gồm đất đai, công trình xây dựng, máy móc, dụng cụ, vật liệu xây dựng và các chi phí bằng tiền Việt Nam.

4. Vốn do các bên bỏ ra phải được đánh giá cụ thể, tính theo một loại ngoại tệ do các bên thỏa thuận và ghi vào hợp đồng hợp doanh,

5. Vốn bằng tiền của xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp phải gửi vào Ngân hàng ngoại thương Việt Nam.

6. Sản phẩm của xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp phải được xuất khẩu với một tỷ lệ do các bên thỏa thuận. Các bên đều có trách nhiệm thực hiện việc xuất khẩu sản phẩm nói trên với điều kiện có lợi nhất.

7. Xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp phải có điều lệ đăng ký tại Bộ Ngoại thương và Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều lệ phải gồm các điều khoản chính sau đây :

- Các bên hợp doanh;

- Tên xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp; trụ sở;

- Mục đích thành lập;

- Chương trình, kế hoạch sản xuất và kinh doanh; phương hướng phát triển;

- Vốn; thể thức góp vốn; tài khoản ngân hàng;

- Tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý; nguyên tắc bổ nhiệm, bổ sung, thay thế các chức vụ quản lý chủ chốt; thể thức quản lý;

- Lợi nhuận: nguyên tắc chi lợi nhuận và sử dụng lợi nhuận; quỹ dự trữ;

- Quỹ bảo hiểm xã hội;

- Chuyển nhượng; giải thể; thanh lý.

Điều 8.- Hình thức xí nghiệp tư doanh chuyên sản xuất hàng xuất khẩu được thực hiện theo những điều kiện sau đây:

1. Bên nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam các trang bị kỹ thuật, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, v.v…cần thiết cho việc xây dựng và hoạt động của xí nghiệp trừ các thứ mà bên Việt Nam có thể cung cấp dưới hình thức mua bán.

2. Hoạt động của xí nghiệp không được gây phương hại cho nền kinh tế Việt Nam.

3. Hàng hóa của xí nghiệp sản xuất để xuất khẩu phải chịu sự kiểm soát của Hải quan Việt Nam; ngoại tệ thu được phải ký gửi tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam.

4. Nhân viên và công nhân của xí nghiệp phải là người Việt Nam, trừ các trường hợp quy định ở điều 13 của ban điều lệ này. Lương của nhân viên và công nhân Việt Nam phải được tính trả bằng ngoại tệ.

6. Xí nghiệp là một pháp nhân, thành lập theo luật pháp Việt Nam và phải có điều lệ đăng ký tại Bộ Ngoại thương và Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương 3:

QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN NƯỚC NGOÀI.

Điều 9.- Bên nước ngoài hợp tác sản xuất chia sản phẫm được chia sản phẩm theo những điều khoản hợp đồng với bên Việt Nam. Phần sản phẩm này được miễn thuế xuất khẩu.

Điều 10.- Bên nước ngoài đầu tư vào các xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp hoặc các xí nghiệp tư doanh chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, được hưởng những quyền lợi sau đây:

1. Được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm quyền kinh doanh trong một thời hạn từ 10 đến 15 năm, kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư. Trường hợp đặc biệt, thời hạn có thể dài hơn.

2. Được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ vốn. Nếu do yêu cầu của nền kinh tế quốc dân, phải quốc hữu hóa xí nghiệp, thì Chính phủ Việt Nam sẽ mua lại theo giá cả hợp lý, do các bên thỏa thuận. Tiền mua lại được trả bằng ngoại tệ lúc đầu tư trong một thời hạn thỏa đáng.

3. Được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn sau khi được Bộ Ngoại thương và Bộ tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép.

4. Được chuyển nhượng về nước hoặc chuyển ra nước ngoài :

- Lợi nhuận ròng hàng năm sau khi đã nộp thuế và trích lập các quỹ dự trữ. Các quỹ dự trữ này bằng 5% lợi nhuận hàng năm của xí nghiệp hoặc công ty và không quá 25% tổng số vốn đầu tư

- Vốn thu hồi trong trường hợp được phép chuyển nhượng, giải thể xí nghiệp, hoặc do Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mua lại.

5. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích việc đầu tư lại ở Việt Nam. Vốn đầu tư lại ở Việt Nam được miễm giảm thuế lợi tức, tùy theo mức độ đầu tư lại và tùy theo ngành đầu tư.

Điều 11.- Ngoài các quyền lợi ghi trong điều 10, bên nước ngoài đầu tư vào các xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp được hưởng thêm những quyền lợi sau đây:

1. Được miễn giảm thuế lợi tức trong một số năm đầu kinh doanh, tùy theo ngành kinh tế, tùy theo địa bàn hoạt động và tùy theo số vốn bỏ ra. Việc miễn hoặc giảm thuế này sẽ do Bộ trưởng Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định từng trường hợp và được ghi trong giấy phép đầu tư.

2. Có thể được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu một lần hoặc nhiều lần đối với các thiết bị máy móc, dụng cụ, phụ tùng…nhập khẩu để trang bị cho xí nghiệp hỗn hợp và đối với các nguyên liệu, vật liệu, v.v…. cần thiết cho hoạt động sản xuất của xí nghiệp.

3. Có thể được miễn hoặc giảm thuế xuất khẩu đối với sản phẩm được phép xuất khẩu của xí nghiệp.

4. Có thể được xét giảm thuế lợi tức trong trường hợp xí nghiệp gặp rủi ro không lường trước được và không khắc phục nổi.

Điều 12.- Ngoài các quyền lợi ghi trong điều 10, bên nước ngoài đầu tư vào xí nghiệp tư doanh chuyên sản xuất hàng xuất khẩu còn được hưởng các quyền lợi sau đây :

1. Được sử dụng công nhân và nhân viên kỹ thuật Việt Nam theo luật lao động của Nhà nước Việt Nam và theo hợp đồng tập thể ký với đại diện người lao động.

2. Được dùng nhân viên kỹ thuật nước ngoài vào những công việc mà bên Việt Nam không nhận cung cấp, sau khi được Bộ Ngoại thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận.

3. Được hưởng chế độ nhập khẩu tạm thời, không phải nộp thuế đối với các máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu,v.v… cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp.

4. Được miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm của xí nghiệp bán ra nước ngoài.

5. Được giao dịch trực tiếp với các tổ chức kinh tế nước ngoài, theo đúng các thể thức về quản lý ngoại thương và quản lý ngoại hối của Việt Nam.

Điều 13.- Việc bảo vệ các quyền sở hữu công nghiệp nói ở điều 2 của điều lệ này sẽ được ghi trong hợp đồng.

Điều 14.- Bên nước ngoài đầu tư ở Việt Nam, dưới bất kỳ hình thức nào trong ba hình thức nói trên, có các nghĩa vụ chung sau đây:

1. Tuân theo luật pháp, thể lệ của Việt Nam và chịu sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam;

2. Theo chế độ kế toán Việt Nam hoặc một chế độ kế toán được Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận;

3. Tuân theo các thể lệ quản lý ngoại thương và quản lý ngoại hối của Việt Nam;

4. Thực hiện đầy đủ mọi điều khoản hợp đồng đầu tư.

Điều 15.- Bên nước ngoài đầu tư vào các xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp và các xí nghiệp tư doanh chuyên sản xuất hàng xuất khẩu còn có nghĩa vụ :

1. Chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ đăng ký kinh doanh, điều lệ của xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp.

2. Nộp thuế lợi tức theo thuế suất như sau :

- 30% lợi tức tính thuế đối với các ngành sản xuất chuyên dành cho xuất khẩu, thu theo hình thức khoán định mức trên doanh số hoặc đơn vị sản phẩm;

- 40% lợi tức tính thuế đối với những ngành kinh tế đòi hỏi trình độ kỹ thuật hiện đại và số vốn đầu tư lớn;

- 50% lợi tức tính thuế đối với các ngành kinh tế khác.

Điều 16.- Trong quá trình thực hiện hợp đồng đầu tư, nếu bên nước ngoài có hành vi gian lận hoặc man trá, thì tùy theo mức độ phạm lỗi, có thể bị phạt tiền hoặc tước một số quyền lợi ghi trong các điều 10, 11 và 12 của điều lệ này.

Trường hợp phạm lỗi nghiêm trọng như bỏ dở việc thực hiện hợp đồng mà không có lý do chính đáng, thì có thể bị rút giấy phép đầu tư mà không được bồi thường.

Chưong 4:

THỦ TỤC

Điều 17. - Đơn xin đầu tư vào Việt Nam phải nộp cho Bộ Ngoại thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kèm theo các giấy tờ cần thiết và một khoản lệ phí theo quy định của Bộ Ngoại thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 18. - Đơn được xét và quyết định từng trường hợp, trong thời gian là 3 tháng, kể từ ngày Bộ Ngoại thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông báo cho đương sự biết là đã nhận được đơn và hồ sơ hợp lệ.

Điều 19.- Giấy cho phép đầu tư do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp.

Điều 20.- Nhận được giấy phép, bên nước ngoài phải đăng ký việc đầu tư tại Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam .

Chương 5:

GIẢI THỂ VÀ THANH LÝ CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ CỦA NƯỚC NGOÀI

Điều 21.- Các xí nghiệp, công ty có vốn đầu tư của nước ngoài, khi giải thể do hết thời hạn hợp đồng đầu tư hoặc do bất cứ lý do nào khác, đều phải thanh lý theo luật pháp Việt Nam, hợp đồng đầu tư và điều lệ xí nghiệp.

Quyền lợi của nhân viên và công nhân Việt Nam làm việc cho xí nghiệp, công ty phải được bảo đảm theo luật pháp Việt Nam.

Điều 22. Nếu do bên nước ngoài phạm lỗi nặng hoặc vi phạm hợp đồng đầu tư mà xí nghiệp, công ty phải giải thể, thì bên nước ngoài phải chịu mọi chi phí và tổn thất do việc giải thể gây ra.

Điều 23.- Bên nước ngoài phải đăng ký việc kết thúc đầu tư tại Bộ Ngoại thương và Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam .

Chương 6:

XỬ LÝ CÁC VỤ TRANH CHẤP

Điều 24.- Những vụ tranh chấp giữa các xí nghiệp, công ty có vốn đầu tư của nước ngoài với các tổ chức kinh tế Việt Nam hoặc với nhân viên và công nhân Việt Nam làm việc trong các xí nghiệp, công ty đó hoặc với các công dân Việt Nam khác, tùy theo tính chất pháp lý của từng vụ sẽ do Hội đồng trọng tài kinh tế, hoặc cơ quan lao động có thẩm quyền xử lý theo luật pháp Việt Nam.

Điều 25.- Những vụ tranh chấp giữa bên nước ngoài và bênViệt Nam xảy ra trong quá trình thi hành hợp đồng đầu tư sẽ đưa ra hội đồng trọng tài ngoại thương bên cạnh phòng thương mại Việt Nam xử lý, trừ trường hợp đặc biệt mà các bên đã thỏa thuận một hình thức trọng tài khác được ghi rõ trong hợp đồng đầu tư.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26.- Trong những trường hợp riêng biệt, nếu cần thiết Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể chuẩn y những điều kiện thuận lợi hơn đối với bên nước ngoài.

Điều 27.- Căn cứ điều lệ này, Bộ Ngoại thương, Bộ Tài chính, Bộ lao động và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành những quy định cần thiết để hướng dẫn việc thi hành điều lệ này.