Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 125/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2005


NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA NGƯỜI KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA DỄ CHÁY VÀ DỄ NỔ TRÊN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa (sau đây gọi chung là “người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa”).

2. Doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. “Đường thủy nội địa” là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

2. “Người kinh doanh vận tải” là tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải có giao kết hợp đồng vận tải hàng hóa, hành khách với người thuê vận tải để thực hiện việc vận tải hàng hóa, hành khách mà có thu cước phí vận tải.

3. “Hành khách” là những người được chở trên phương tiện vận tải thủy nội địa theo hợp đồng vận chuyển hành khách quy định tại Điều 81 Luật Giao thông đường thủy nội địa.

4. “Hàng hóa dễ cháy, dễ nổ” là các hàng hóa được phân loại từ loại 1 đến loại 4 theo quy định tại Điều 4 và Phụ lục số 1 kèm theo Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiêm và việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

5. Bên mua bảo hiểm là người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

Điều 4. Nguyên tắc tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa

1. Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

2. Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này tự nguyện tham gia loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

Điều 5. Doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa

Mọi doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu đều được kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

Chương 2:

NỘI DUNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA NGƯỜI KINH DOANH VẬN TẢI TRÊN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 6. Chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa

1. Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người kinh doanh vận tải hàng hóa dễ cháy, dễ nổ gây ra đối với người thứ ba.

2. Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người kinh doanh vận tải hành khách gây ra đối với hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách.

Điều 7. Thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa

1. Người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc quy định tại Nghị định này thông qua việc giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành.

2. Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự giữa người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa với doanh nghiệp bảo hiểm.

Điều 8. Quyền của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa

1. Được lựa chọn mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội đại tại bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào được phép kinh doanh loại hình bảo hiểm này tại Việt Nam.

2. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích, cung cấp các thông tin có liên quan đến việc giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

3. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, thỏa đáng theo thỏa thuận trong hợ đồng bảo hiểm.

4. Phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa được tính vào giá thành dịch vụ.

5. Các quyền khách theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa

1. Mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này.

2. Xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải tên đường thủy nội địa đang có hiệu lực khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa dễ cháy, dễ nổ; vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.

4. Hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

5. Áp dụng các biện pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn đối với việc vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy, dễ nổ.

6. Thực hiện đầy đủ các trách nhiệm được quy định trong hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

7. Kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm những yếu tố làm thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm.

8. Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm

1. Từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa nếu bên mua bảo hiểm không đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa do pháp luật quy định.

2. Thu phí bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

3. Từ chối giải quyết bồi thường đối với những trường hợp không thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

4. Kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh.

5. Các quyền khác theo quy định của pháp luật

Điều 11. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm

1. Bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa nếu bên mua bảo hiểm đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa do pháp luật quy định.

2. Bồi thường đầy đủ, nhanh chóng theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Chấp hành quy tắc, điều khoản, biểu phí và tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa theo quy định hiện hành.

4. Giải thích đầy đủ cho bên mua bảo hiểm những thông tin liên quan đến quyền lvợi à nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm.

5. Cung cấp cho bên mua bảo hiểm quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa; giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa với đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật.

6. Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

7. Tuyên truyền, phổ biến thông tin thường xuyên và sâu rộng về việc tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

8. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

9. Báo cáo Bộ Tài chính về kết quả kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu.

10. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA NGƯỜI KINH DOANH VẬN TẢI TRÊN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Ban hành quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm số tiền bảo hiểm tối thiểu (sau đây gọi chung là quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm) đối với các chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự nêu tại Điều 6 Nghị định này.

2. Kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

3. Xử lý các doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải tên đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tuân thủ các điều kiện về kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa đối với tổ chức, cá nhân thuộc diện phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này.

2. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa nhưng không mua bảo hiểm.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng phân tích nguyên nhân, xử lý các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện tốt chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải tên đường thủy nội địa.

4. Phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để phòng hạn chế tổn thất trong giao thông đường thủy nội địa theo đúng quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

5. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa mua bảo hiểm theo quy định tại Nghị định này và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tổ chức, chỉ đạo công tác giám sát và kiểm tra các chủ phương tiện trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

2. Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.

3. Điều tra, cung cấp các văn bản, giấy tờ cần thiết để xác định lỗi, trách nhiệm của các bên liên quan và kết quả điều tra tai nạn giao thông trên đường thủy nội địa cho doanh nghiệp bảo hiểm để việc giải quyết bồi thường diễn ra nhanh chóng, thỏa đáng và đúng pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này.

Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định này đến các tổ chức, cá nhân và người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa trên địa bàn.

2. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an áp dụng các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất do hoạt động kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa gây ra.

3. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng và đúng pháp luật những hậu quả do người kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa gây ra, nhằm sớm ổn định đời sống kinh tế, xã hội của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hướng dẫn thi hành

Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Công an và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này.
Điều 18. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viên Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b). (Hòa 310b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải