Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về:

a) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa;

b) Các hành vi vi phạm về hoạt động của phương tiện thủy nội địa ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải, bao gồm: Vi phạm của phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thủy nội địa và tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa.

2. Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến giao thông đường thủy nội địa không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng các quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa tại Việt Nam.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

3. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này gồm:

a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;

b) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

d) Đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

4. Hộ kinh doanh, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.

5. Đối với các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện) thì xác định như sau:

a) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.

b) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện.

6. Thuyền viên tàu biển, tàu cá khi hoạt động trên đường thủy nội địa có hành vi vi phạm quy định tại Điều 11, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 39 và Điều 41 của Nghị định này thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các điều đó, đối với những hành vi vi phạm hành chính khác thì áp dụng hình thức, mức xử phạt quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, thủy sản để xử phạt.

Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa là 01 năm; trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm đối với các hành vi vi phạm hành chính sau:

a) Vi phạm quy định về xây dựng công trình kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa;

b) Vi phạm quy định về hoạt động nạo vét, khai thác tài nguyên, khoáng sản có liên quan đến đường thủy nội địa;

c) Vi phạm quy định về xây dựng công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhưng có liên quan đến lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, gồm: xây dựng kè, đập thủy lợi, cầu, bến phà, phong điện, nhiệt điện, thủy điện; công trình vượt qua luồng trên không hoặc dưới đáy luồng; công trình khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa.

3. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại khoản 4 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;

b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện quy định tại khoản 5 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

4. Các hành vi vi phạm được xác định là đã kết thúc và thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm như sau:

a) Vi phạm quy định về thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền trước khi thi công công trình, tổ chức hoạt động trên đường thủy nội địa theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5, khoản 1 Điều 10, điểm c khoản 2 Điều 13, điểm a khoản 2 Điều 14, khoản 4 Điều 27, khoản 5 Điều 28, khoản 5 Điều 29 Nghị định này, thời điểm phát hiện hành vi vi phạm, chủ thể vi phạm đã bắt đầu thực hiện hành vi thi công công trình, tổ chức hoạt động trên đường thủy nội địa;

b) Vi phạm quy định về thông báo, báo cáo khi thi công công trình, tổ chức hoạt động trên đường thủy nội địa và đưa công trình vào hoạt động tại khoản 1 Điều 5, điểm h khoản 1 Điều 7, khoản 1 Điều 8 Nghị định này;

c) Vi phạm quy định bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tại Điều 11 Nghị định này mà thời điểm phát hiện hành vi đã gây sạt, lở, hư hỏng công trình đó hoặc gây cản trở giao thông;

d) Vi phạm quy tắc giao thông dẫn tới tai nạn giao thông đường thủy nội địa;

đ) Vi phạm quy định về thông báo vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu và không có giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu của phương tiện, thủy phi cơ tại điểm e khoản 1 Điều 21, khoản 3 và điểm a, điểm c khoản 5 và khoản 6 Điều 31 Nghị định này sau khi phương tiện, thủy phi cơ đã vào, rời, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu;

e) Vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ: Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận hành vi vi phạm;

g) Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định tại Nghị định này mà không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng đã được thực hiện xong trước thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm thì cũng được xác định là hành vi vi phạm đã kết thúc.

5. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định tại Nghị định này mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này được xác định là hành vi vi phạm đang thực hiện.

Điều 4. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng theo quy định tại Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Chương II Nghị định này, bao gồm:

a) Buộc phá dỡ nhà, nhà nổi, công trình, thiết bị, báo hiệu, thanh thải vật chướng ngại vi phạm;

b) Buộc trục vớt, thanh thải vật chuông ngại theo quy định;

c) Buộc di chuyển súc vật, phương tiện, cây, đồ vật, lều, quán, tre, gỗ vi phạm;

d) Buộc dỡ bỏ, di dời, thu hẹp ngư cụ, dụng cụ khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản vi phạm;

đ) Buộc thực hiện đăng kiểm theo quy định đối với phương tiện thuộc diện đăng kiểm tự ý hoán cải; trường hợp phần hoán cải được cơ quan đăng kiểm kiểm tra không thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật theo quy định thì buộc phải phá dỡ;

e) Buộc nộp lại các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động đã bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động này;

g) Buộc đưa hành khách, xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô, hàng hóa vượt quá số lượng, sức chở hoặc không được phép chở lên khỏi phương tiện;

h) Buộc xếp hàng hóa theo đúng quy định.

5. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

6. Thẩm quyền xử phạt của các chức danh quy định tại Chương III của Nghị định này là thẩm quyền xử phạt mức tối đa áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; thẩm quyền xử phạt mức tối đa áp dụng đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền xử phạt mức tối đa áp dụng đối với cá nhân.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Văn Thành