Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 139-HĐBT

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 1984

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 139-HĐBT NGÀY 20-10-1984 QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC TỔNG CỤC HẢI QUAN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Nghị quyết số 547-NQ/HĐNN7 ngày 30-8-1984 của Hội đồng Nhà nước phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Hải quan, cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng;
Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước.

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Tổng cục Hải quan, cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng là công cụ chuyên chính nửa vũ trang của Đảng và Nhà nước, có chức năng:

- Kiểm tra và quản lý hàng hoá, hành lý, ngoại hối và các loại công cụ vận tải xuất nhập qua biên giới nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Thi hành chính sách thuế xuất, nhập khẩu;

- Ngăn ngừa và chống các vi phạm luật lệ hải quan và các luật lệ khác liên quan đến việc xuất nhập khẩu;

- Chống các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới.

Nhằm bảo đảm đúng đắn chính sách Nhà nước độc quyền về ngoại thương, ngoại hối, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Điều 2.- Tổng cục Hải quan có nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu dưới đây:

1. Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định các chính sách, chế độ hoặc quyết định trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao các chế độ, thể lệ về hải quan, về phương thức quá cảnh đối với hàng hoá và công cụ vận tải của nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các quyết định đó.

2. Tổ chức chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của ngành hải quan được quy định trong Điều lệ Hải quan do Hội đồng Chính phủ ban hành theo Nghị định số 3-CP ngày 27-2-1960 và những nhiệm vụ khác theo chức năng của ngành Hải quan do Hội đồng Chính phủ quy định; lập các dự án kế hoạch thu thuế xuất nhập khẩu cho toàn ngành và đơn vị hải quan.

3. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngành Hải quan theo kế hoạch của Nhà nước.

4. Thực hiện sự hợp tác quốc tế về hải quan theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

5. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên hải quan có phẩm chất chính trị, có trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ và pháp luật.

6. Quản lý thống nhất về mặt nghiệp vụ, tổ chức cán bộ, biên chế, kinh phí, phương tiện hoạt động của ngành Hải quan trong cả nước.

Điều 3.- Hệ thống hải quan trong cả nước gồm có:

a. Tổng cục Hải quan đóng trụ sở tại thành phố Hà Nội và có bộ phận thường trực của Tổng cục đóng tại thành phố Hồ Chí Minh.

b. Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương ở những tỉnh, thành phố, đặc khu có các cửa khẩu do Hội đồng Bộ trưởng quy định.

c. Hải quan cửa khẩu ở những nơi có quy định của Hội đồng Bộ trưởng là cửa khẩu biên giới đường bộ, đường biển, đường sông; cảng biển, cảng sông, biên giới; bưu cục ngoại dịch; sân bay, ga xe lửa liên vận quốc tế.

d. Các đội kiểm soát hải quan cơ động của Tổng cục đóng tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 4.- Tổng cục Hải quan do một Tổng cục trưởng phụ trách và một số Phó tổng cục trưởng giúp việc.

Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương do một Giám đốc phụ trách và một số Phó giám đốc giúp việc.

Hải quan cửa khẩu do một Trưởng hải quan cửa khẩu phụ trách và một số Phó trưởng hải quan cửa khẩu giúp việc.

Điều 5.- Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện của Tổng cục Hải quan về các mặt nghiệp vụ, tổ chức, biên chế, lao động, tiền lương, kinh phí, trang bị và chịu sự kiểm tra của Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện kế hoạch, thi hành những chỉ thị công tác của Tổng cục Hải quan, những chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

Hải quan cửa khẩu chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện của Giám đốc Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

Điều 6.- Bộ máy của Tổng cục gồm có:

1. Văn phòng.

2. Vụ tổ chức - cán bộ.

3. Cục giám quản.

4. Cục kiểm soát - tố tụng.

5. Ban thanh tra.

6. Trường nghiệp vụ hải quan.

Điều 7.- Cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, các cơ quan hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và các đơn vị hải quan cửa khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định.

Điều 8.- Cán bộ, nhân viên hải quan được Nhà nước cấp phát trang phục thống nhất, có phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, giấy chứng minh hải quan. Hải quan Việt Nam có thang lương riêng; thâm niên công tác và các chế độ cung cấp khác theo như lực lượng Công an nhân dân.

Điều 9.- Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cùng với các Bộ Ngoại thương, Quốc phòng, Nội vụ, Tài chính v.v... bàn bạc thống nhất để ấn định cụ thể về các mối quan hệ công tác có liên quan.

Điều 10.- Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 11.- Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tố Hữu

(Đã ký)