PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 17-TTg | Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 1958 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ sắc lệnh số 83-SL, ngày 17 tháng 9 năm1947 thành lập Viện Huân chương;
Căn cứ sắc lệnh số 216-SL ngày 20 tháng 8 năm 1948 đặt Huân chương kháng chiến và sắc lệnh số 43-SL ngày 22 tháng 3 năm 1950 sửa đổi thể lệ tặng thưởng các Huân chương kháng chiến;
Căn cứ sắc lệnh số 129-SL ngày 16 tháng 12 năm 1952 đặt các “Bảng vàng danh dự” và “Gia đình vẻ vang” để thưởng các gia đình có người tòng quân, và thông tư số 222-TTg ngày 16 tháng 12 năm 1952 và các văn bản tiếp theo bổ sung và quy định chi tiết thi hành sắc lệnh số 129-SL ngày 16 tháng 12 năm 1952;
Căn cứ thông tư số 379-TTg ngày 29 tháng 5 năm 1954 về việc tặng thưởng Huân chương kháng chiến cho những gia đình có năm con tòng quân trở lên;
Theo đề nghị của Viện Huân chương và Bộ Quốc phòng;
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1: - Để thi hành sắc lệnh số 129-SL ngày 16 tháng 12 năm 1952 về việc tặng thưởng các bảng “Bảng vàng danh dự” và “Gia đình vẻ vang” cho các gia đình có người tòng quân, và nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc thưởng Huân chương kháng chiến cho các gia đình có đông người tòng quân.
Nay ban hành bản Điều lệ quy định về chi tiết thi hành việc tặng thưởng các bảng “Bảng vàng danh dự”, “Gia đình vẻ vang” và Huân chương kháng chiến cho những gia đình có người tòng quân kèm theo nghị định này.
Điều 3: - Viện Huân chương và ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Bản điều lệ này đúc kết sửa đổi, bổ sung và thay thế các văn bản của Thủ tướng phủ và Bộ Quốc phòng đã ban hành từ trước đến nay quy định về việc tặng thưởng các bảng Gia đình vẻ vang, Bảng vàng danh dự và Huân chương kháng chiến cho các gia đình quân nhân.
Bản điều lệ này chỉ áp dụng đối với những quân nhân nhập ngũ từ ngày thành lập quân đội nhân dân đến ngày 27 tháng 7 năm 1956, tức là ngày ban hành nghị định số 980 về điều lệ ưu đãi gia đình quân nhân, liệt sĩ.
I. TIÊU CHUẨN TẶNG THƯỞNG CÁC BẢNG GIA ĐÌNH VẺ VANG, BẢNG VÀNG DANH DỰ VÀ HUÂN CHƯƠNG KHÁNG CHIẾN
Thủ tướng phủ quy định lại tiêu chuẩn tặng thưởng các bảng Gia đình vẻ vang, Bảng vàng danh dự và Huân chương kháng chiến như sau:
1) Bảng Gia đình vẻ vang tặng cho những gia đình có một hay hai người tòng quân.
2) Bảng vàng danh dự tặng cho những gia đình có ba người tòng quân, hoặc có hai người tòng quân mà cả hai đều là tử sĩ, liệt sĩ, mất tích hay biệt tin.
3) Huân chương kháng chiến tặng cho những gia đình có từ năm người trở lên tòng quân, hoặc có ba hay bốn người tòng quân mà trong đó có ba người là tử sĩ, liệt sĩ, mất tích hay biệt tin.
Nay giải thích thêm về các điều quy định trên như sau:
1) Các tiêu chuẩn về số người tòng quân đã quy định trên đây là đối với những gia đình có người tòng quân trong thời gian kháng chiến.
Nhưng đối với những gia đình có con tòng quân từ sau ngày đình chiến (21-7-1954) đến ngày 27-7-1956, thì tiêu chuẩn tặng thưởng Bảng vàng danh dự và Huân chương kháng chiến theo như sau:
a- Về Bảng vàng danh dự, gia đình đó phải có ít nhất là hai quân nhân tòng ngũ từ trong kháng chiến.
b- Về Huân chương kháng chiến, gia đình đó phải có ít nhất là ba quân nhân tòng ngũ từ trong kháng chiến.
2) Những người tòng quân được tính trong tiêu chuẩn của một gia đình có thể là:
a- Bản thân của chủ gia đình (vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng) và các con có tòng quân.
b- Con đẻ (con giai, con gái) con dâu, con nuôi (không nhất thiết phải còn ở chung hay đã ở riêng).
c- Em hoặc cháu (được gia đình nuôi dưỡng từ nhỏ như con đẻ và nhất thiết phải còn ở chung một hộ với chủ gia đình).
3) Quân nhân mất tích là người mà sau một trận chiến đấu hoặc sau thời gian thi hành công vụ, đơn vị không tìm thấy tung tích và sau đó đã có giấy báo mất tích cho gia đình.
4) Quân nhân biệt tin là người tòng ngũ đã lâu ngày mà gia đình không nhận được tin tức và được Uỷ ban Hành chính xã, thị xã, khu phố, thị trấn chứng nhận là có đi bộ đội.
Chỉ được coi là quân nhân biệt tin- những người mà gia đình mất tin tức, trong thời gian từ năm 1945 đến tháng 8 năm 1954, đối với quân nhân tòng ngũ ở các đơn vị bộ đội miền Bắc, - và từ năm 1945 đến tháng 9 năm 1959, đối với các quân nhân tòng ngũ trong các đơn vị bộ đội miền Nam. Những quân nhân mất liên lạc với gia đình từ tháng 8 năm 1954 trở về sau thì không coi là quân nhân biệt tin.
II. – CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC XÉT THƯỞNG
A - Điều kiện được tính là quân nhân:
Được tính là quân nhân hoặc được coi như có tòng quân là những người sau đây:
1) Quân nhân ở bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, hoặc phục vụ ở các đơn vị chiến đấu, hoặc công tác ở các ngành chuyên môn của quân đội như quân y, quân dược, văn phòng, vận tải, v.v… hiện còn tại ngũ, hoặc đã hy sinh, mất tích, biệt tin, chuyển ngành, phục viên, v.v…
2) Cán bộ và đội viên bộ đội cảnh vệ thuộc các Ty Công an trước đây và nay vẫn còn ở trong các đơn vị bộ đội bảo vệ, hoặc đã hy sinh, mất tích, biệt tin, giải ngũ, chuyển ngành, bị thương, v.v…
3) Cán bộ và đội viên các đơn vị cảnh vệ đội của Nam bộ và Liên khu 5 (tức là Quốc vệ đội, Bảo vệ đội) từ tỉnh trở lên.
4) Cán bộ, chiến sĩ của các đội Việt nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân hay các đội du kích thoát ly khác được thành lập được ngày tổng khởi nghĩa (19-8-1945).
5) Các thiếu sinh quân có thực sự công tác trong quân đội trước kia.
6) Các cán bộ đoàn thể được điều động sang công tác ở các đơn vị bộ đội từ huyện trở lên dù có hưởng hay không hưởng theo chế độ quân nhân mà công tác ở quân đội từ sáu tháng trở lên.
7) Các công nhân quốc phòng ở Nam bộ và Liên khu 5 được coi là quân nhân là những người sau đây:
a/ Quân nhân quân giới Nam bộ (kể cả những người công tác ở các dân quân xưởng của các tỉnh đội).
b/ Quân nhân quân giới vùng địch hậu Liên khu 5 không hưởng chế độ công nhân của sắc lệnh số 77-SL ngày 22-5-1950. (Những công nhân quân giới Liên khu 5 đã tại ngũ theo chế độ quân nhân trong thời gian từ sáu tháng trở lên rồi chuyển sang chế độ công nhân theo sắc lệnh số 77-SL thì được coi như quân nhân chuyển ngành để xét tặng thưởng).
c/ Các quân nhân khác làm công tác thông tin, liên lạc, quân y, quân nhu, vận tải của Nam bộ và vùng địch hậu Liên khu 5 ở các đơn vị bộ đội từ huyện đội trở lên chưa được hưởng chế độ công nhân theo sắc lệnh 77-SL ngày 22-5-1950 và còn làm công tác ấy cho đến khi tập kết ra Bắc.
8) Du kích lập công, nghĩa là những người có thành tích về chiến đấu, phục vụ cho chiến đấu hay công tác kháng chiến nói chung như võ trang tuyên truyền, trừ gian diệt tề, chống bắt phu bắt lính, địch vận, phá hoại kinh tế địch v.v… mà được từ chỉ huy Trung đoàn, Tỉnh đội dân quân hoặc Uỷ ban Hành chính trở lên khen thưởng bằng giấy khen, bằng khen hoặc huân chương.
9) Du kích bị thương trong chiến đấu được xếp thương tật từ hạng ba trở lên (theo quy định về xếp hạng thương tật hiện hành).
10) Du kích hy sinh trong chiến đấu hay trong khi thừa hành công vụ mà được xác nhận là liệt sĩ.
B- Điều kiện về thời hạn tòng quân của một quân nhân được tính trong việc tặng thưởng
1) Nói chung những quân nhân được tính trong tiêu chuẩn tặng thưởng phải đã tòng ngũ ít nhất là sáu tháng (tính từ ngày nhập ngũ đến ngày giải ngũ)
2) Riêng đối với cán bộ, chiến sĩ trong các đội Việt nam Tuyên truyền Giải phóng quân và các đơn vị du kích thoát ly khác thành lập hồi tiền khởi nghĩa (trước ngày 19-8-1945) thì thời hạn đã tòng ngũ, phải ít nhất là ba tháng.
3) Những quân nhân ở trong những trường hợp sau đây, tuy thời hạn tòng ngũ chưa đủ sáu tháng hay ba tháng, cũng được tính trong việc tặng thưởng:
- Đã hy sinh trong chiến đấu, từ trần hoặc bị thương thành thương binh.
- Vì yêu cầu công tác được điều động sang cơ quan chính quyền, đoàn thể khác công tác.
4) Đối với những quân nhân trước kia là tù binh hoặc hàng binh sau được nhập ngũ quân đội nhân dân Việt Nam thì thời hạn tòng quân quy định như sau:
a/ Những người trước đây là binh sĩ trong quân đội địch, đã giác ngộ, bỏ hàng ngũ địch và được nhập ngũ quân đội nhân dân Việt nam thì thời hạn tòng quân ít nhất phải là 9 tháng.
Nếu những người này có công tích đặc biệt như làm nội ứng, hoặc tuy chưa có công tích đặc biệt nhưng khi còn trong hàng ngũ địch đã có liên lạc và trở thành cơ sở, nhận mối của ta, được huyện đội trở lên chứng nhận thì thời hạn tòng quân được tính ít nhất phải 6 tháng.
b/ Những người trước kia là binh sĩ trong quân đội địch, bị ta bắt làm tù binh sau được gia nhập quân đội nhân dân Việt nam thì thời hạn tòng quân ít nhất phải là một năm.
Trường hợp những người này tòng quân chưa đủ thời hạn tối thiểu ấy, mà trong khi chiến đấu hoặc thừa hành công vụ đã hy sinh hay bị thương tật thì cũng được tính trong việc tặng thưởng.
C. - Điều kiện về chủ gia đình được tính trong việc tặng thưởng
1) Điều kiện về chủ gia đình nói chung:
a/ Việc khen thưởng các gia đình có người tòng quân có ý nghĩa đền đáp một phần sự đóng góp, hy sinh của những người cha mẹ đã có công sinh thành và dưỡng dục những người con của mình và vui lòng để con mình tòng quân bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ kháng chiến. Vì vậy, người chủ gia đình được tặng thưởng và đứng tên trong chủ gia đình được tặng thưởng và đứng tên trong bằng, trước hết phải là cha, mẹ đẻ của quân nhân.
b/ Nếu cha mẹ của quân nhân đã mất thì có thể tặng thưởng cho vợ hoặc chồng của quân nhân đó.
c/ Nếu quân nhân chưa có vợ thì có thể đề nghị tặng thưởng cho người nuôi dưỡng quân nhân từ 3 năm trở lên, như là con trong thời gian quân nhân ấy chưa đủ 16 tuổi. Người chủ gia đình đó có thể là ông bà, chú bác, anh chị nếu quân nhân đó được ông bà, chú bác, anh chị nuôi dưỡng như con và còn ở chung trong một hộ. Nếu nhiều người nuôi quân nhân đó đến 16 tuổi thì xét tặng cho người nào được quân nhân đồng ý đề nghị. Nếu quân nhân đã hy sinh thì do Uỷ ban Hành chính xã đề nghị tặng cho người đã được công nhận là thân nhân liệt sĩ đó.
d/ Nếu không có ai là thân nhân thuộc tiêu chuẩn trên đây (người nuôi dưỡng) thì truy tặng cho cha mẹ quân nhân.
đ/ Người chủ gia đình phải là người không can án và được chính quyền địa phương đồng ý đề nghị.
e/ Nếu chủ gia đình là địa chủ thường, đã chịu lao động cải tạo, tuân theo pháp luật được chính quyền và nông hội xã đề nghị, chính quyền tỉnh phê chuẩn thì cũng được tặng thưởng.
g/ Đối với chủ gia đình là địa chủ cường hào gian ác hay người can án, nếu quân nhân có vợ thì tặng thưởng cho vợ, nếu chưa có vợ thì khi nào có vợ sẽ xét thưởng.
h/ Nếu gia đình có đông người tòng quân mà chủ gia đình thuộc loại không được tặng thưởng thì chỉ tặng riêng cho từng quân nhân. Ví dụ: gia đình có 3 hay 5 con tòng quân mà chủ gia đình là địa chủ cường hào gian ác thì không tặng Huân chương hoặc Bảng vàng danh dự cho chủ gia đình, mà tặng cho vợ của mỗi quân nhân một Gia đình vẻ vang.
2) Điều kiện xét thưởng đối với gia đình quân nhân người ngoại quốc.
Những quân nhân người ngoại quốc dù có hay không có quốc tịch Việt nam mà đã tòng ngũ trong quân đội nhân dân Việt nam thuộc các loại đã quy định trên đây cũng được tặng thưởng. Chi tiết thi hành sẽ quy định sau:
3) Điều kiện tặng thưởng đối với gia đình quân nhân miền Nam tập kết ra Bắc.
Những quân nhân miền Nam tập kết ra Bắc, đã giãi ngũ, chuyển ngành phục viên, dù có hay không có gia đình ở ngoài Bắc, thì cũng được tặng thưởng.
Quân nhân đó xin tặng thưởng cho chủ gia đình theo quy định về chủ gia đình và do quân nhân đó giữ bằng hoặc giao cho thân nhân ở ngoài Bắc tạm giữ.
Đối với quân nhân còn tại ngũ, mà không có gia đình ở miền Bắc, thì chi tiết thi hành sẽ quy định sau.
D. Điều kiện về con em, cháu để tính trong việc tặng thưởng
a/ Con, là con đẻ (con giai và con gái), con dâu.
Đối với nữ quân nhân đã có chồng thì chỉ tặng thưởng một lần hoặc cho bên cha mẹ đẻ, hoặc cho bên cha mẹ chồng, theo đề nghị của nữ quân nhân đó, hoặc do sự thỏa thuận của hai gia đình.
b/ Con rể không được tính về bên cha mẹ vợ, trừ trường hợp quy định về con nuôi dưới đây và trường hợp cha mẹ đẻ và người thân thích không còn ai, đã lấy gia đình vợ làm cơ sở có quan hệ về tình cảm và kinh tế từ lâu: mọi quyền lợi ưu đãi đều chuyển sang gia đình bố mẹ vợ và được Uỷ ban Hành chính xã nơi trú quán của cha mẹ vợ xác nhận.
c/ Con nuôi là người được cha mẹ nuôi, nuôi nấng, dạy dỗ từ nhỏ, coi như con đẻ trong một thời gian trên 3 năm, từ 1 đến 16 tuổi. Con nuôi đựơc bố mẹ nuôi với tính cách đỡ đầu, an ủi về tinh thần thì không được tính. Nếu lúc nhỏ là con nuôi, rồi sau đó thành con rể của gia đình thì người con rể đó được tính trong việc đề nghị tặng thưởng của gia đình bố mẹ vợ.
d/ Em là em giai, em gái, được anh chị nuôi nấng từ nhỏ như con. Trong trường hợp này, nếu chủ gia đình có em giai nuôi tòng quân và sau đó lấy vợ là bộ đội thì chủ gia đình được tính cả người em dâu đó trong việc tặng thưởng của gia đình mình (nếu người nữ quân nhân đó đồng ý).
đ/ Cháu là cháu gọi bằng ông bà nội, ngoại hoặc chú bác, cô dì ….
Em và cháu chỉ được kể trong trường hợp được gia đình nuôi nấng, dạy dỗ coi như con nuôi quy định ở điểm c/ trên và còn ở chung trong một hộ. Riêng cháu gọi bằng ông bà nội nếu có cha mẹ cũng đi bộ đội ở chung một hộ với ông bà thì được tính gộp với cha mẹ để tặng thưởng cho ông bà (không cần phải được ông bà nuôi nấng).
Như vậy, trong một gia đình có nhiều người tòng quân vừa là chồng hoặc vợ, con, em, cháu (đúng như quy định về em và cháu trên đây) thì được tính gộp lại để xét khen thưởng cho người chủ gia đình.
e/ Người vợ liệt sĩ đã tái giá thì không được tặng thưởng mà tặng thưởng cho cha mẹ liệt sĩ. Nếu cha mẹ liệt sĩ cũng đã mất, liệt sĩ đã có con, thì truy tặng cha mẹ liệt sĩ, và giao cho con giữ. Liệt sĩ chưa có con thì người nào được công nhận là thân nhân liệt sĩ sẽ nhận bằng khen đó.
III. - NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC TẶNG THƯỞNG HAY TẠM HOÃN TẶNG THƯỞNG
A. - Những trường hợp dưới đây không được tặng thưởng:
1) Chủ gia đình là địa chủ cường hào gian ác (quy định sau sửa sai).
2) Chủ gia đình đã bị toà án xử phạt tù ở hoặc tù án treo.
3) Những quân nhân đã giải ngũ, sau khi về địa phương lại đi nguỵ quân, làm nguỵ quyền cho địch (trừ trường hợp đặc biệt được tổ chức bố trí vào làm cho địch để gây cơ sở cho ta, được chính quyền đoàn thể của địa phương xác nhận và đồng ý đề nghị, và trường hợp những quân nhân giải ngũ về vùng địch nhưng làm ăn lương thiện (làm ruộng, làm thợ, v.v…) thì cũng có thể tặng thưởng.
4) Những quân nhân phạm tội bị kết án tù ở hoặc bị khai trừ ra khỏi quân đội (trừ trường hợp quân nhân bị kết án treo mà vẫn còn được tiếp tục ở trong quân đội).
5) Những quân nhân tòng ngũ chưa đủ 6 tháng (trừ những trường hợp đã quy định như vì từ trần hoặc bị thương, chuyển ngành….)
6) Những quân nhân vì trốn tránh nhiệm vụ hoặc vì vô kỷ luật mà tự mình gây ra tai nạn, bị chết hoặc bị thương phải giải ngũ, (trừ trường hợp làm nhiệm vụ không may bị tai nạn mà bị chết hoặc bị thương, dù tại ngũ chưa đủ 6 tháng).
7) Những quân nhân đã phục viên, thương binh giải ngũ về địa phương mà phạm tội, bị tòa án nhân dân kết án tù ở hoặc án treo.
8) Những quân nhân chuyển ngành mà phạm tội, bị cơ quan sa thải.
9) Những quân nhân bị địch bắt và thả ra trước đình chiến về ở nhà không chịu tìm kiếm đơn vị cũ để tiếp tục chiến đấu (trừ trường hợp ốm đau vì vị tra tấn, bệnh tật, hoặc có tìm kiếm đơn vị cũ nhưng không thấy, buộc lòng phải ở lại và tham gia công tác ở địa phương, được Uỷ ban Hành chính xã công nhận và đề nghị).
10) Những quân nhân lạc ngũ mà cố tình bỏ về nhà (trừ trường hợp có tìm kiếm mà không thấy như trên.)
11) Những quân nhân đào ngũ không trở về đơn vị.
12) Những quân nhân bị địch bắt đã khai báo cho địch phá vỡ cơ sở, có tài liệu, chứng cớ rõ ràng.
B. - Những trường hợp tạm hoãn việc xét thưởng:
1) Những quân nhân giải ngũ, phục viên, thương binh về xã, và những du kích lập công hoặc bị thương, có nhiều hành động xấu, ảnh hưởng không tốt trong nhân dân thì tạm hoãn khi nào tốt sẽ xét tặng.
2) Những người chủ gia đình ngăn trở con em tòng quân, luôn gọi con em về thì tuỳ trường hợp cụ thể cần đi sát giáo dục hoặc giúp đỡ những khó khăn cho gia đình, khi nào sữa chữa tiến bộ sẽ đề nghị tặng thưởng.
3) Bản thân người chủ gia đình; trước có nhiều tội ác, bị nhân dân oán ghét thì phải căn cứ vào thái độ, hành động trước đây, chủ yếu là hiện nay, để xét tặng hay tạm hoãn.
4) Chủ gia đình có hành động chống phá chính sách tuy chưa phạm pháp thì cũng tạm hoãn.
Tất cả những trường hợp tạm hoãn trên đây Uỷ ban Hành chính xã, huyện, không được tự ý gạt bỏ một gia đình nào mà đều phải báo cáo cụ thể tất cả lên cấp trên quyết định.
IV. QUYỀN LỢI NGƯỜI ĐƯỢC KHEN THƯỞNG GIA ĐÌNH VẺ VANG, BẢNG VÀNG DANH DỰ
Các gia đình quân nhân được tặng thưởng Gia đình vẻ vang, Bảng vàng danh dự, Huân chương kháng chiến đều được hưởng mọi quyền lợi ưu đãi đã quy định trong bản điều lệ ưu đãi gia đình quân nhân liệt sĩ do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27 tháng 7 năm 1956. Trong các buổi lễ do chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức, người chủ gia đình được tặng thưởng Gia đình vẻ vang, Bảng vàng danh dự, Huân chương kháng chiến được mời ngồi hàng đầu. Ngoài ra, người chủ gia đình được tặng thưởng Bảng vàng danh dự và Huân chương kháng chiến nếu còn tuổi đi dân công thì được miễn đi dân công.
V. – THU HỒI BẢNG GIA ĐÌNH VẺ VANG, BẢNG VÀNG DANH DỰ, HUÂN CHƯƠNG KHÁNG CHIẾN
Những gia đình sau khi đã được tặng thưởng mà chủ gia đình hoặc quân nhân phạm vào những điều sau đây thì sẽ bị thu hồi bảng Gia đình vẻ vang, Bảng vàng danh dự, hoặc Huân chương kháng chiến.
1) Chủ gia đình có hành động phạm pháp và bị tòa án kết án tù ở, án treo, bị tước quyền công dân.
2) Quân nhân tự ý bỏ hàng ngũ về nhà, qua giáo dục và đơn vị nhiều lần gọi về không chịu trở lại hàng ngũ.
3) Quân nhân tại ngũ có hành động phạm pháp bị tòa án kết án tù ở hoặc bị khai trừ ra khỏi quân đội. Du kích lập công, du kích bị thương tật bị xã thi hành kỷ luật, khai trừ ra khỏi hàng ngũ du kích.
4) Trừ trường hợp quân nhân tại ngũ phạm tội bị kết án treo và còn được tiếp tục công tác trong bộ đội mà gia đình đã được tặng thưởng thì cũng không thu hồi lại.
Để chiếu cố đến gia đình có nhiều người tòng quân mà chỉ một người phạm tội, và để cho gia đình có thì giờ giáo dục người phạm tội, thì có thể tuỳ theo từng trường hợp mà xét định: Nếu xét thấy gia đình đó xứng đáng thì chỉ trừ quân nhân phạm lỗi và căn cứ vào số quân nhân còn lại mà tặng thưởng theo tiêu chuẩn đã quy định. Ví dụ: Gia đình có hai người tòng quân, một bị án tù ở thì thu lại bằng cũ và tặng bảng Gia đình vẻ vang mới và chỉ ghi tên người quân nhân không phạm pháp. Gia đình có 5 người tòng quân, một phạm tội bị kết án tù ở thì thu hồi lại Huân chương kháng chiến và tặng Bảng vàng danh dự theo tiêu chuẩn 4 người tòng quân.
Việc thu hồi phải hết sức thận trọng, Uỷ ban Hành chính xã, huyện, phải báo cáo rõ ràng lý do và có chứng cớ cụ thể lên Uỷ ban Hành chính tỉnh. Sau khi nhận được báo cáo, cơ quan có thẩm quyền sẽ nghiên cứu và quyết định thu hồi. Uỷ ban hành chính xã, huyện tuyệt đối không được tự ý thu hồi, sửa chữa bảng Gia đình vẻ vang, Bảng vàng danh dự, Huân chương kháng chiến nếu chưa có quyết định của cấp trên.
A. – Cách tính tiêu chuẩn, để đề nghị tặng thưởng:
Trong việc vận dụng tiêu chuẩn tặng thưởng bảng Gia đình vẻ vang, Bảng vàng danh dự hay là Huân chương kháng chiến, mỗi quân nhân chỉ được tính một lần để thưởng cho một gia đình; không thể vừa đứng tên xin tặng thưởng cho cha mẹ, vừa đứng tên xin tặng thưởng cho vợ, hay chồng. Nếu quân nhân muốn xin tặng thưởng cho gia đình riêng, thì quân nhân đó không được tính để tặng thưởng một lần nữa cho gia đình bố mẹ.
Ví dụ:
- Gia đình có 5 quân nhân, nếu có một lập gia đình riêng và muốn xin tặng thưởng một bảng Gia đình vẻ vang cho vợ, thì gia đình bố mẹ chỉ còn lại 4 quân nhân, và được tặng thưởng Bảng vàng danh dự;
- Gia đình có 3 quân nhân, nếu có một lập gia đình riêng và muốn xin tặng thưởng cho gia đình riêng một bảng Gia đình vẻ vang, thì gia đình bố mẹ chỉ còn lại hai quân nhân và được tặng thưởng một bảng Gia đình vẻ vang, v.v…
Nhưng nếu gia đình bố mẹ đã được tặng thưởng rồi, thì quân nhân dù có lập gia đình riêng cũng không thể xin thưởng riêng nữa được.
Trừ trường hợp thương binh có gia đình bố mẹ nuôi đã nhận nuôi mình suốt đời, được UBHC xã… chứng nhận thì thương binh đó có thể xin tặng thưởng cho cả cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi.
B. - Thủ tục đề nghị và các giấy tờ:
Về thủ tục đề nghị và các giấy tờ, có thể quy định thống nhất như sau: đối với từng vùng để bảo đảm tính chất kịp thời, chính xác và tránh phiền phức cho gia đình quân nhân:
1) Về gia đình vẻ vang:
- Ở nông thôn (miền núi cũng như đồng bằng) thì Uỷ ban Hành chính xã lập danh sách những gia đình quân nhân chưa được tặng thưởng. Kèm theo danh sách này, phải có đủ những giấy tờ như: giấy báo tử, giấy báo mất tích, chuyển ngành v.v… Nếu gia đình quân nhân không còn giấy tờ gì thì xóm và Uỷ ban Hành chính xã nhận thực là gia đình có người tòng quân.
Trường hợp xóm hoặc Uỷ ban Hành chính xã cũng không biết là người đó có tòng quân hay không, thì chủ gia đình làm tờ khai danh dự.
- Ở thành phố, thị trấn và các cơ quan thì mỗi gia đình tự làm một tờ khai riêng. Kèm theo tờ khai này phải có đủ những giấy chứng nhận của quân nhân. Nếu gia đình quân nhân không còn giấy chứng nhận thì chủ gia đình làm tờ khai danh dự có hai người biết việc làm chứng ký tên và được chính quyền địa phương hay cơ quan chứng thực chữ ký của người làm chứng. Người làm chứng có thể là đồng đội cũ, có thể là người biết rõ sự việc đó.
Hình thức kê khai danh dự chủ yếu là dùng cho gia đình quân nhân ở thành thị và cơ quan. Ở nông thôn, miền núi, chủ yếu là dựa vào sự nhận thức của xóm, xã. Vì vậy, cán bộ xóm, xã cần đề cao tinh thần trách nhiệm và chỉ nhận thực những trường hợp thật rõ ràng. Những trường hợp không rõ ràng thì cần có báo cáo cụ thể lên Uỷ ban Hành chính tỉnh.
2) Về Bảng vàng danh dự và Huân chương kháng chiến:
- Những gia đình có từ 3 người trở lên tòng quân không phân biệt ở nông thôn hay thành thị đều phải làm tờ khai riêng của từng gia đình. Kèm theo tờ khai này phải có đủ các giấy tờ của quân nhân. Nếu không thể lấy được giấy tờ của quân nhân thì mới làm tờ khai danh dự, có 2 người làm chứng như trên.
3) Về nội dung của tờ khai:
Dù danh sách các gia đình quân nhân do Uỷ ban Hành chính xã lập hay là tờ khai riêng của chủ gia đình, trong đó đều phải nói rõ và đầy đủ những điểm sau đây:
- Họ tên, tuổi, nghề nghiệp, thành phần chủ gia đình.
- Thứ bậc gia đình giữa chủ gia đình với các quân nhân (cha, mẹ, chú, …bác, ông, bà, anh, chị, v.v…)
- Họ, tên, tuổi, chức vụ, đơn vị hiện tại, ngày nhập ngũ, ngày giải ngũ, hy sinh, chuyển ngành, phục viên, v.v… (Chú ý đối với tất cả các quân nhân đã ra ngoài bộ đội (giải ngũ, phục viên) đều phải ghi rõ ngày nhập ngũ, giải ngũ, phục viên để tiện xét về thời hạn tòng quân).
- Nếu quân nhân là con nuôi, em, cháu của gia đình thì nói rõ nuôi từ bao giờ, trong nom và đối xử với quân nhân đó thế nào.
- Nếu gia đình có con gái hay con dâu tòng quân thì nói rõ nữ quân nhân đó đã xin khen thưởng ở đâu chưa? Kèm theo giấy chứng thực của Uỷ ban Hành chính xã.
c) Thẩm quyền xét và tặng thưởng:
1) Uỷ ban Hành chính xã, thị trấn, thị xã (không có khu phố) và khu phố (ở những thị xã có khu phố), sau khi lập danh sách hoặc mỗi khi nhận được đơn yêu cầu, phải thu nhập đủ các giấy chứng nhận, ghi ý kiến nhận xét và chuyển tất cả hồ sơ lên Uỷ ban Hành chính tỉnh, hoặc Uỷ ban Hành chính thành phố, qua Uỷ ban Hành chính huyện, hoặc thị xã (có khu phố) hoặc Ban cán sự quận.
2) Uỷ ban Hành chính các tỉnh, các thành phố - được Bộ Quốc phòng uỷ nhiệm, - xét và quyết định tặng thưởng bảng Gia đình vẻ vang cho những gia đình quân nhân của địa phương, đồng thời cũng xét và quyết định tặng thưởng cho những gia đình quân nhân ở nơi khác về trú ngụ tại địa phương đó, hoặc đang công tác ở các cơ quan, các xí nghiệp, công trường, nông trường đang đóng tại địa phương đó (kể cả quân nhân miền Nam chuyển ngành phục viên).
3) Về việc tặng thưởng Bảng vàng danh dự và Huân chương kháng chiến, Uỷ ban Hành chính tỉnh, hoặc Uỷ ban Hành chính thành phố, sau khi xét duyệt các hồ sơ, ghi ý kiến nhận xét và chuyển lên Thủ tướng phủ quyết định.
D- Tổ chức trao tặng:
- Bảng Gia đình vẻ vang do Uỷ ban Hành chính xã, thị trấn, thị xã (không có khu phố), và khu phố (ở những thị xã có khu phố) tổ chức trao tặng.
- Bảng Vàng danh dự do Uỷ ban Hành chính huyện, thị xã, hoặc Ban cán sự hành chính quận tổ chức trao tặng.
- Huân chương kháng chiến do Uỷ ban Hành chính tỉnh, hoặc thành phố tổ chức trao tặng.
- Lễ trao tặng phải được tổ chức trọng thể vào những ngày lễ lớn, hoặc trong những dịp hội hè lớn của địa phương.
Đ- Tổ chức theo dõi việc tặng thưởng:
Uỷ ban Hành chính cấp thành phố, tỉnh, xã, thị trấn, thị xã (không có khu phố) và khu phố, phải nắm vững tình hình khen thưởng gia đình quân nhân của địa phương mình để biết ai đã được thưởng, ai chưa được thưởng. Muốn được vậy, cần phải có sổ sách ghi chép đầy đủ vào hồ sơ phải được sắp xếp rành mạch.Phải có cán bộ phụ trách.
- Mỗi một đợt xét thưởng bảng Gia đình vẻ vang, thành phố, tỉnh sẽ làm quyết định chung, chứ không làm quyết định riêng cấp cho từng người nữa.
- Sau mỗi đợt tặng thưởng Bảng vàng danh dự, Huân chương kháng chiến Thủ tướng phủ làm nghị định chung, chia ra từng tỉnh, thành phố.
Tất cả mọi tờ khai , thư từ khiếu nại về vấn đề này cũng cần được sắp xếp theo từng xã, thị trấn, khu phố, thị xã, huyện, tỉnh, thành phố, và dần dần giải quyết tránh thất lạc.
Ban hành kèm theo nghị định số 017-TTG
- 1 Thông tư 312-TTg năm 1958 bổ sung và hướng dẫn thi hành thể lệ miễn đi dân công đối với gia đình quân nhân được tặng thưởng Bảng vàng danh dự và Huân chương Kháng chiến do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2 Thông tư 312-TTg năm 1958 bổ sung và hướng dẫn thi hành thể lệ miễn đi dân công đối với gia đình quân nhân được tặng thưởng Bảng vàng danh dự và Huân chương Kháng chiến do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 1 Thông tư 18-TTg năm 1958 hướng dẫn thi hành Bản Điều lệ khen thưởng Gia đình vẻ vang, Bảng vàng danh dự, Huân chương kháng chiến các gia đình có người tòng quân theo Nghị định 017-TTg do Phủ Thủ Tướng ban hành
- 2 Sắc lệnh số 129 về việc đặt ra bảng vàng danh dự và bảng gia đình vẻ vang do Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ cộng hoà ban hành
- 3 Sắc lệnh số 77/SL về việc quy định chế độ công nhân giúp việc Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến (thiếu trang 2) do Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ cộng hoà ban hành