Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2001

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 20/2001/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 5 NĂM 2001 QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC BỔ NHIỆM VÀ MIỄN NHIỆM CÁC CHỨC DANH GIÁO SƯ VÀ PHÓ GIÁO SƯ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Hội đồng Học hàm Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư.

Điều 2. Thủ tục bổ nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư bao gồm việc xét công nhận các chức danh này và việc bổ nhiệm vào các ngạch giáo sư và phó giáo sư. Thủ tục miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư bao gồm việc xét tước bỏ các chức danh này và việc miễn nhiệm khỏi các ngạch giáo sư và phó giáo sư tương ứng.

Điều 3. Đối tượng được xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư gồm :

1. Nhà giáo thuộc biên chế giảng viên của các loại trường đại học (sau đây gọi tắt là trường đại học);

2. Nhà giáo không thuộc biên chế giảng viên của các trường đại học nhưng đang tham gia đào tạo đại học và sau đại học theo quyết định làm nhiệm vụ giảng dạy hoặc hợp đồng thỉnh giảng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký;

3. Nhà giáo nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam.

Điều 4. Đối tượng bị tước bỏ chức danh giáo sư, phó giáo sư :

1. Những người đã được công nhận chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư bị phát hiện và xác định là không đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định ở thời điểm được công nhận;

2. Những người đã được công nhận chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư phạm tội bị Toà án phạt tù mà không được hưởng án treo kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Điều 5. Đối tượng được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư gồm các nhà giáo đã được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc đã có học hàm giáo sư, phó giáo sư thuộc biên chế giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học.

Điều 6. Đối tượng miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư :

1. Những người đã được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư hoặc phó giáo sư nhưng không hoàn thành các nhiệm vụ;

2. Những người đã bị tước bỏ chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư.

Điều 7. Những người đã được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư hoặc phó giáo sư nhưng chuyển sang vị trí công tác khác mà ở đó không có ngạch giáo sư hoặc phó giáo sư thì xếp chuyển ngạch tương ứng.

Điều 8. Công nhận chức danh và bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư :

1. Việc xét công nhận các chức danh giáo sư và phó giáo sư, được căn cứ vào tiêu chuẩn và thực hiện hàng năm;

2. Việc bổ nhiệm vào ngạch giáo sư và phó giáo sư căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác, cơ cấu các chức danh công chức, chỉ tiêu biên chế.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN CỦA CÁC CHỨC DANH GIÁO SƯ VÀ PHÓ GIÁO SƯ

Điều 9. Người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư phải có các tiêu chuẩn và điều kiện chung sau:

1. Có đủ các tiêu chuẩn của nhà giáo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại Điều 63 Luật Giáo dục, trung thực, có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và khách quan trong công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ;

2. Có bằng tiến sĩ từ 3 năm trở lên kể từ ngày cấp bằng;

3. Có đủ số công trình theo quy định của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, trong đó có ít nhất 25% được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét chức danh giáo sư, phó giáo sư;

4. Có báo cáo khoa học tổng kết các kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ của cá nhân phù hợp với chuyên ngành đăng ký xét chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư;

5. Đạt số phiếu tín nhiệm của Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp theo quy định tại khoản 8 Điều 17 Nghị định này.

Điều 10. Ngoài những tiêu chuẩn và điều kiện chung quy định tại Điều 9, chức danh phó giáo sư có những tiêu chuẩn riêng sau :

1. Có ít nhất 6 thâm niên đào tạo đại học hoặc sau đại học, trong đó 3 năm cuối tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét chức danh phó giáo sư đang đào tạo đại học hoặc sau đại học;

2. Hướng dẫn chính thành công ít nhất một luận văn thạc sĩ;

3. Có đủ số bài báo khoa học đã được công bố theo quy định của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước;

4. Chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp Bộ trở lên. Kết quả nghiệm thu ít nhất là đạt yêu cầu;

5. Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho lĩnh vực chuyên môn.

Điều 11. Ngoài những tiêu chuẩn và điều kiện chung quy định tại Điều 9, chức danh giáo sư có những tiêu chuẩn riêng sau :

1. Có chức danh phó giáo sư từ đủ 3 năm trở lên và 3 năm cuối tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét chức danh giáo sư đang đào tạo đại học sau đại học;

2. Hướng dẫn ít nhất 2 nghiên cứu sinh trong đó hướng dẫn chính 1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ;

3. Biên soạn giáo trình, sách phục vụ đào tạo đại học hoặc sau đại học phù hợp với ngành đăng ký xét chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư đã được xuất bản và nộp lưu chiểu;

4. Có đủ số bài báo khoa học đã được công bố theo quy định của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước;

5. Chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp Bộ trở lên và tương đương. Kết quả nghiệm thu ít nhất là đạt yêu cầu;

6. Sử dụng thành thạo một trong năm ngoại ngữ : Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức.

Điều 12. Việc xét ngoại lệ

1. Những người thiếu một trong các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại các Điều 9, 10 và 11 của Nghị định này vì lý do khách quan đặc biệt có thể được xét ngoại lệ;

2. Các trường hợp ngoại lệ cụ thể và thủ tục bổ sung hồ sơ do Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước quy định;

3. Việc xét công nhận các trường hợp ngoại lệ được tiến hành sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đồng ý bằng văn bản đối với từng trường hợp và thực hiện theo quy trình quy định tại Điều 17 của Nghị định này.

Chương 3:

HỘI ĐỒNG CHỨC DANH GIÁO SƯ NHÀ NƯỚC

Điều 13. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và thực hiện việc xét, công nhận và tước bỏ các chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Điều 14. Tổ chức của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước :

1. Các thành viên của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm gồm : Chủ tịch Hội đồng, một Phó Chủ tịch Hội đồng, Tổng Thư ký và các uỷ viên Hội đồng;

2. Tổng thư ký và các ủy viên Hội đồng phải có chức danh Giáo sư. Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước là công chức chuyên trách. Các thành viên khác của Hội đồng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm;

3. Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Tổng thư ký. Thường trực Hội đồng chịu trách nhiệm giải quyết các công việc của Hội đồng giữa hai kỳ họp của toàn thể Hội đồng;

4. Ban thư ký và Văn phòng Hội đồng là bộ phận giúp việc Hội đồng. Tổng số biên chế của Văn phòng và Ban thư ký Hội đồng tối đa là 10 người. Số công chức này do Tổng Thư ký Hội đồng trực tiếp quản lý;

5. Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở giúp Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 13 của Nghị định này. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước ra Quyết định thành lập và quy định cơ cấu tổ chức, hoạt động của các Hội đồng này.

Điều 15. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước làm việc theo nguyên tắc tập thể, dân chủ, biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín để quyết định những vấn đề quan trọng.

Điều 16. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có con dấu hình quốc huy và tài khoản riêng. Kinh phí hoạt động của Hội đồng do ngân sách nhà nước cấp thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trụ sở làm việc của Hội đồng đặt tại trụ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương 4:

THỦ TỤC BỔ NHIỆM VÀ MIỄN NHIỆM CÁC CHỨC DANH GIÁO SƯ VÀ PHÓ GIÁO SƯ

MỤC 1: QUY TRÌNH XÉT CÔNG NHẬN VÀ TƯỚC BỎ CÁC CHỨC DANH GIÁO SƯ VÀ PHÓ GIÁO SƯ

Điều 17. Quy trình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư :

1. Thủ tục đăng ký.

Người đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư phải làm hồ sơ theo mẫu do Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước quy định và gửi hồ sơ đó đến Hội đồng Chức danh giáo sư cấp cơ sở tại trường hoặc viện (gọi chung là cơ sở giáo dục) nơi người đó công tác.

Trong trường hợp cơ sở giáo dục không đủ điều kiện thành lập Hội đồng Chức danh giáo sư cấp cơ sở thì người đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư phải làm đơn đề nghị, gửi kèm hồ sơ lên Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý. Thủ trưởng đơn vị này sau khi xem xét, lập danh sách đề nghị, gửi kèm hồ sơ đến người đứng đầu cơ quan cấp trên có thẩm quyền được phân cấp quản lý (sau đây gọi chung là cơ quan cấp Bộ). Thủ trưởng cơ quan cấp Bộ xem xét, lập danh sách đề nghị, gửi kèm các hồ sơ cá nhân đến Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Hội đồng này sẽ giới thiệu và chuyển hồ sơ đến một Hội đồng Chức danh giáo sư cấp cơ sở phù hợp để thực hiện việc xét đề nghị công nhận như quy định tại khoản 2 của Điều này;

2. Hội đồng Chức danh giáo sư cấp cơ sở xem xét, thẩm định hồ sơ, bỏ phiếu kín cho từng người đăng ký;

3. Thủ trưởng của các cơ sở giáo dục có Hội đồng Chức danh giáo sư cấp cơ sở xác nhận kết quả xét đề nghị công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư của Hội đồng Chức danh giáo sư cấp cơ sở; gửi kết quả xét của những người thuộc cơ sở giáo dục đến cơ quan cấp Bộ; gửi kết quả xét của những người do Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước giới thiệu đến Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước;

4. Thủ trưởng cơ quan cấp Bộ xác nhận danh sách, có ý kiến bằng văn bản về kết quả xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư của các Trường, Viện trực thuộc và chuyển toàn bộ hồ sơ lên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước;

5. Ban thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phân loại các hồ sơ theo ngành đăng ký và giao cho các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành;

6. Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành thẩm định theo tiêu chuẩn, bỏ phiếu kín cho từng trường hợp và báo cáo kết quả xét lên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước;

7. Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức thẩm tra kết quả xét chức danh giáo sư, phó giáo sư của các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành, ra quyết định công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phê chuẩn bằng bỏ phiếu kín theo quy định tại khoản 8 của Điều này;

8. Các quyết định của Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 3/4 số thành viên của Hội đồng tham gia biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín với tỷ lệ quy định như sau :

a) Đối với Hội đồng Chức danh giáo sư cấp cơ sở phải có trên 2/3 số thành viên có mặt tại phiên họp tán thành;

b) Đối với Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành phải có trên 3/4 số thành viên có mặt tại phiên họp tán thành;

c) Đối với Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phải có trên 1/2 số thành viên Hội đồng có mặt tán thành.

Điều 18. Quy trình xét tước bỏ chức danh giáo sư, phó giáo sư :

1. Ban Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có nhiệm vụ xác minh những trường hợp cần xem xét tước bỏ;

2. Trong trường hợp cần thiết Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có thể yêu cầu Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành xem xét lại những trường hợp cần xem xét tước bỏ trước khi trình Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước;

3. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thẩm định và bỏ phiếu kín cho từng trường hợp cần xem xét tước bỏ;

4. Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng ra quyết định tước bỏ chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư.

Điều 19. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc xét công nhận, tước bỏ chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định tại Nghị định này.

MỤC 2: QUY TRÌNH BỔ NHIỆM VÀ MIỄN NHIỆM VÀO CÁC NGẠCH GIÁO SƯ VÀ PHÓ GIÁO SƯ

Điều 20. Những người đã được công nhận chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư và những người đã có học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư được coi là đã qua kỳ thi nâng ngạch và được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư hoặc ngạch phó giáo sư theo các quy định tại Điều 8 và Điều 21 Nghị định này.

Điều 21. Quy trình bổ nhiệm:

1. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, sau đại học công lập :

a) Cơ sở giáo dục lập danh sách những người thuộc diện bổ nhiệm vào ngạch giáo sư hoặc ngạch phó giáo sư gửi đến cơ quan cấp Bộ;

b) Cơ quan cấp Bộ đề nghị bằng văn bản những người được đề nghị bổ nhiệm vào ngạch giáo sư hoặc phó giáo sư gửi Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;

c) Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ra quyết định bổ nhiệm những người có đủ tiêu chuẩn vào ngạch giáo sư hoặc ngạch phó giáo sư sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Đối với các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học bán công, dân lập, tư thục (gọi chung là cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ngoài công lập) : Hiệu trưởng lập danh sách những người đã được công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư cần bổ nhiệm vào vị trí giáo sư hoặc phó giáo sư gửi đến Hội đồng quản trị của cơ sở. Chủ tịch Hội đồng quản trị căn cứ Nghị quyết của Hội đồng ra quyết định bổ nhiệm giáo sư hoặc phó giáo sư của trường sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 22. Quy trình miễn nhiệm

1. Đối với các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học công lập :

a) Cơ sở giáo dục đề nghị bằng văn bản lên cơ quan cấp Bộ danh sách những người thuộc đối tượng miễn nhiệm quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Nghị định này;

b) Cơ quan cấp Bộ gửi danh sách những người thuộc diện đề nghị miễn nhiệm đến Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;

c) Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ra quyết định miễn nhiệm sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Đối với các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ngoài công lập : Hiệu trưởng lập danh sách những người thuộc đối tượng miễn nhiệm quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Nghị định này gửi đến Hội đồng quản trị của cơ sở. Chủ tịch Hội đồng quản trị căn cứ Nghị quyết của Hội đồng ra quyết định miễn nhiệm giáo sư hoặc phó giáo sư sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 23. Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện việc bổ nhiệm, miễn nhiệm ngạch công chức giáo sư, phó giáo sư quy định tại Nghị định này.

Chương 5:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 24. Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại về việc công nhận, tước bỏ, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Điều 25. Công dân có quyền tố cáo việc công nhận, tước bỏ, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Điều 26. Thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ : Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, đề xuất các chế độ, chính sách đối với những người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, những người được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, ngạch phó giáo sư, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 28. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Nghị định số 21/CP ngày 04 tháng 3 năm 1995 của Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Học hàm Nhà nước, Quyết định số 200/TTg ngày 04 tháng 4 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xét duyệt và công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư và những quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 29. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)