Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 217-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 1961

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ ĐĂNG KÝ, THỐNG KÊ VÀ QUẢN LÝ QUÂN NHÂN DỰ BỊ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật nghĩa vụ quân sự ngày 15 tháng 04 năm 1960;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 09 tháng 10 năm 1961;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành điều lệ về đăng ký, thống kê và quản lý quân nhân dự bị.

Điều 2. – Những quy định trước đây về việc đăng ký, thống kê và quản lý quân nhân dự bị trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3. – Ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành điều lệ này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

VỀ ĐĂNG KÝ, THỐNG KÊ VÀ QUẢN LÝ QUÂN NHÂN DỰ BỊ

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Tất cả các công dân đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự các quân nhân (sĩ quan hạ sĩ quan và binh sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam và trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang) chuyển sang ngạch dự bị, đều phải được đăng ký nghĩa vụ quân sự theo những điều quy định trong điều lệ này.

Điều 2. – Khi đăng ký nghĩa vụ quân sự những người nói trong điều 1 được sắp xếp vào một trong những loại sau đây:

1. Loại tuyển binh thời binh,

2. Loại sĩ quan dự bị,

3. Loại hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị hạng 1,

4. Loại hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị hạng 2.

Mỗi loại hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị hạng 1 và hạng 2 được phân theo lứa tuổi ra 2 lớp: lớp từ 18 đến 35 tuổi và lớp từ 36 đến 45 tuổi.

Điều 3. – Đăng ký vào loại tuyển binh thời bình tất cả công dân nam giới từ 18 đến 25 tuổi có đủ điều kiện để phục vụ trong quân đội thường trực, trừ những sinh viên và học sinh đang học tại các trường đại học, các trường chuyên nghiệp trung cấp, và những người thuộc vào các trường hợp được miễn hoặc hoãn gọi ra phục vụ tại ngũ trong thời bình quy định trong điều 27 luật nghĩa vụ quân sự.

Để chuẩn bị cho việc đăng ký tuyển binh thời bình tất cả các công dân nam giới đến 17 tuổi đều được kê khai danh sách và kiểm tra sức khỏe theo sự hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Điều 4. – Đăng ký vào loại sĩ quan dự bị những người sau đây:

1. Những sĩ quan xuất ngũ còn đủ điều kiện về các mặt tuổi, sức khỏe khả năng để phục vụ trong ngạch dự bị và được cấp có thẩm quyền chuẩn y cho chuyển sang ngạch dự bị.

2. Những hạ sĩ quan đã hết hạn tại ngũ mà trước khi chuyển sang ngạch dự bị, hoặc trong thời gian dự bị đã trúng tuyển kỳ thi sĩ quan dự bị và được phong cấp sĩ quan dự bị.

3. Những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học đã trúng tuyển kỳ thi sĩ quan dự bị và được phong cấp sĩ quan dự bị.

4. Những cán bộ công tác ở các ngành ngoài quân đội mà có khả năng đảm nhiệm một chức vụ trong quân đội và được phong cấp sĩ quan dự bị.

Điều 5. – Đăng ký vào loại hạ sĩ quan và binh 1 dự bị hạng 1 những người sau đây:

1. Những hạ sĩ quan và binh sĩ nam giới đã phục vụ tại ngũ hết thời hạn quy định trong điều 10 luật nghĩa vụ quân sự.

2. Những hạ sĩ quan và binh sĩ nam giới xuất ngũ trước khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ nhưng đã được huấn luyện đủ theo chương trình chính quy.

3. Những học sinh tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp trung cấp đã trúng tuyển kỳ thi hạ sĩ quan dự bị và được phong cấp hạ sĩ quan dự bị.

4. Những công dân nam giới trong lứa tuổi nghĩa vụ quân sự đã được huấn luyện đủ theo chương trình chính quy hoặc có một nghề nghiệp chuyên môn tương tự với một ngành chuyên môn trong quân đội (trừ những người đủ điều kiện trong lứa tuổi tuyển binh thời bình).

Điều 6. – Đăng ký vào loại hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị hạng 2 những người sau đây:

1. Những công dân nam giới trong lứa tuổi nghĩa vụ quân sự mà không đủ điều kiện đăng ký vào loại tuyển binh thời bình và loại hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị hạng 1.

2. Những quân nhân xuất ngũ trước khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ mà chưa được huấn luyện đủ theo chương trình chính quy.

3. Những sinh viên và học sinh trong lứa tuổi nghĩa vụ quân sự đang học tại các trường đại học và các trường chuyên nghiệp trung cấp.

4. Những nữ quân nhân phục viên, chuyển ngành và những công dân nữ giới từ 18 đến 45 tuổi có một trong những nghề chuyên môn cần cho quân đội theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Điều 7. – Không đăng ký nghĩa vụ quân sự những người sau đây:

1. Những người đang trong thời gian bị tước quyền chính trị, những người đang bị tù, bị quản chế hoặc tập trung giáo dục cải tạo.

2. Những quân nhân bị tước quân tịch.

Điều 8. – Quân nhân dự bị hết hạn tuổi hoặc không còn đủ điều kiện sức khỏe để phục vụ trong ngạch dự bị thì được giải ngạch và xóa sổ đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Điều 9. – Những người vì điều kiện sức khỏe đã được giải ngạch và xóa sổ đăng ký nghĩa vụ quân sự, nhưng sau một thời gian nếu kiểm tra lại thấy sức khỏe đã thay đổi và có đủ điều kiện để tiếp tục làm nghĩa vụ quân sự, thì lại được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Chương 2:

QUY TẮC ĐĂNG KÝ, THỐNG KÊ VÀ QUẢN LÝ QUÂN NHÂN DỰ BỊ

Điều 10. – Quân nhân chuyển sang ngạch dự bị phải được đăng ký nghĩa vụ quân sự ở đơn vị mình theo quy định ở điều 28 chương IV của điều lệ này. Khi về đến địa phương cư trú hoặc công tác, trong hạn 10 ngày, phải đến cơ quan đăng ký xin chứng thực vào chứng minh thư nghĩa vụ quân sự, nếu là sĩ quan thì đến xin chứng thực ở Tỉnh đội, Thành đội, nếu là hạ sĩ quan và binh sĩ thì đến xin chứng thực ở Huyện đội, Thị đội. Trường hợp người quân nhân chuyển sang ngạch dự bị về cư trú hoặc công tác ở khu tự trị Thái Mèo thì đến xin chứng thực ở Châu đội.

Sau khi đã được chứng thực vào chứng minh thư, quân nhân dự bị phải báo cáo để vào sổ đăng ký nghĩa vụ quân sự tại Ủy ban hành chính cơ sở nơi cư trú (xã, thị trấn, thị xã, khu phố, thành phố không chia ra khu phố), hoặc tại đơn vị công tác (cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp, trường học, v.v…).

Điều 11. – Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học và trúng tuyển kỳ thi sĩ quan dự bị, cán bộ các ngành ngoài quân đội được phong cấp sĩ quan dự bị phải được đăng ký nghĩa vụ quân sự theo thủ tục quy định cho các sĩ quan chuyển sang ngạch dự bị, nếu là sinh viên thì đăng ký tại trường, nếu là cán bộ các ngành thì đăng ký tại cơ quan công tác.

Điều 12. – Hàng năm vào khoảng 5 ngày đầu tháng giêng dương lịch, khi có thông báo của Ủy ban hành chính huyện, châu, khu phố, thị xã hoặc thành phố không chia ra khu phố các công dân nam giới đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự phải đến Ủy ban hành chính cơ sở nơi cư trú để kiểm tra sức khỏe và đăng ký nghĩa vụ quân sự; nếu là công nhân, viên chức thì đăng ký ở đơn vị công tác.

Điều 13. – Sau khi đăng ký nghĩa vụ quân sự, những người đủ điều kiện thì được cấp chứng minh thư nghĩa vụ quân sự, những người không đủ điều kiện đăng ký thì được cấp giấy chứng nhận.

Điều 14. – Quân nhân dự bị khi thay đổi chỗ ở, hoặc đơn vị công tác phải báo cáo với cơ quan đăng ký cũ xin chuyển đăng ký; khi đến chỗ ở mới hoặc đơn vị công tác mới phải xin đăng ký lại. Trong trường hợp thay đổi chức vụ công tác, trình độ văn hóa, nghề nghiệp chuyên môn, v.v… người quân nhân dự bị phải báo cáo xin đăng ký bổ sung.

Điều 15. – Quân nhân dự bị, khi được gọi ra phục vụ tại ngũ thời bình hoặc thời chiến, phải mang theo chứng minh thư nghĩa vụ quân sự đến địa điểm quy định để được kiểm tra và nhận nhiệm vụ. Khi đã được tuyển và bổ sung vào một đơn vị quân đội thường trực thì người quân nhân dự bị phải nộp chứng minh thư nghĩa vụ quân sự cho đơn vị. Đơn vị có trách nhiệm báo cho cơ quan quân sự địa phương quản lý người quân nhân dự bị đó để xóa sổ đăng ký nghĩa vụ quân sự; cơ quan quân sự địa phương có trách nhiệm bàn giao cho đơn vị bộ đội những hồ sơ cần thiết có liên quan đến quân nhân đó.

Điều 16. – Quân nhân dự bị, khi được cử ra nước ngoài công tác hay học tập từ một năm trở lên, phải báo cáo xin tạm thời xóa sổ đăng ký và nộp lại chứng minh thư nghĩa vụ quân sự tại cơ quan quân sự địa phương.

Khi về nước, quân nhân dự bị phải đến cơ quan quân sự địa phương nơi công tác, báo cáo xin đăng ký và cấp lại chứng minh thư nghĩa vụ quân sự sau đó phải báo cáo với đơn vị công tác của mình để vào sổ đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Quân nhân dự bị được cử ra nước ngoài công tác hay học tập trong thời hạn dưới một năm thì chỉ báo cáo và gửi lại chứng minh thư nghĩa vụ quân sự tại đơn vị mình công tác.

Điều 17. – Nếu quân nhân dự bị bị tước quyền chính trị, bị tù, bị quản chế, bị tập trung giáo dục cải tạo hoặc bị tước quân tịch, thì cơ quan quân sự địa phương có trách nhiệm xóa sổ đăng ký, thu hồi chứng minh thư nghĩa vụ quân sự. Sau một thời gian nếu người đó lại có đủ điều kiện để làm nghĩa vụ quân sự, thì cơ quan quân sự nói trên xét và đăng ký lại.

Điều 18. – Quân nhân dự bị, khi hết hạn tuổi làm nghĩa vụ quân sự hoặc không còn đủ điều kiện sức khỏe để tiếp tục làm nghĩa vụ quân sự, thì nộp chứng minh thư nghĩa vụ quân sự tại Ủy ban hành chính cơ sở nơi cư trú hoặc đơn vị công tác để xin giải ngạch và xóa sổ đăng ký nghĩa vụ quân sự. Thủ tục giải ngạch do Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 19. – Trong thời gian ở ngạch dự bị, nếu quân nhân dự bị chết thì thân nhân có nhiệm vụ báo cáo và nộp chứng minh thư nghĩa vụ quân sự tại Ủy ban hành chính cơ sở nơi cư trú. Ủy ban hành chính cơ sở xóa sổ đăng ký nghĩa vụ quân sự và báo cáo lên cơ quan quân sự địa phương quản lý người quân nhân dự bị đó.

Trường hợp quân nhân dự bị đăng ký ở đơn vị công tác, thì đơn vị đó có trách nhiệm xóa sổ đăng ký nghĩa vụ quân sự và báo cáo cho cơ quan quân sự địa phương.

Chương 3:

QUY TẮC ĐĂNG KÝ NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC HOÃN GỌI RA PHỤC VỤ TẠI NGŨ TRONG THỜI CHIẾN

Điều 20. – Trong thời chiến, tất cả những quân nhân dự bị ở các địa phương và các cơ quan Nhà nước đều phải sẵn sàng làm nghĩa vụ tham gia bảo vệ Tổ quốc theo luật nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên để bảo đảm hoạt động liên tục của một số ngành cần thiết một bộ phận quân nhân dự bị sẽ được hoãn gọi ra phục vụ tại ngũ trong thời chiến theo điều 34 luật nghĩa vụ quân sự.

Điều 21. – Nay thành lập Hội đồng hoãn trưng với nhiệm vụ giúp Hội đồng Chính phủ nghiên cứu những quy tắc, tiêu chuẩn đăng ký hoãn gọi ra phục vụ tại ngũ thời chiến và hướng dẫn các ngành làm các công tác cần thiết để chuẩn bị cho việc trình lên Hội đồng quốc phòng dự thảo quyết định về việc hoãn gọi ra phục vụ thời chiến. Thành phần Hội đồng hoãn trưng do Bộ Quốc phòng và Ủy ban kế hoạch Nhà nước đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chương 4:

CHỨC TRÁCH CÁC CƠ QUAN TRONG VIỆC ĐĂNG KÝ, THỐNG KÊ VÀ QUẢN LÝ QUÂN NHÂN DỰ BỊ

Điều 22. – Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm lãnh đạo chung việc đăng ký, thống kê và quản lý quân nhân dự bị. Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị, trong phạm vi được Bộ Quốc phòng ủy nhiệm, chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công tác đó.

Các cơ quan quân sự địa phương từ cấp huyện trở lên, trong phạm vi quyền hạn do Bộ Quốc phòng quy định cho mỗi cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đăng ký, thống kê và quản lý quân nhân dự bị trong địa phương mình.

Điều 23. – Các Ủy ban hành chính từ cấp huyện, châu trở lên có trách nhiệm lãnh đạo các cơ quan quân sự địa phương đồng cấp và Ủy ban hành chính cấp dưới thực hiện việc đăng ký thống kê, quản lý quân nhân dự bị, và có trách nhiệm bảo đảm cho mọi công dân chấp hành đầy đủ việc đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Điều 24. – Các Ủy ban hành chính cơ sở (xã, thị xã, thị trấn, khu phố, thành phố không chia ra khu phố) có nhiệm vụ trực tiếp tổ chức việc đăng ký, thống kê và quản lý những quân nhân dự bị thuộc các loại tuyển binh thời bình, hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị hạng 1 và hạng 2, đồng thời nắm danh sách và tình hình thay đổi của các sĩ quan dự bị trong địa phương mình để kịp thời báo cáo lên cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp.

Xã đội, thị đội, khu đội có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính cấp tương đương thực hiện các nhiệm vụ nói trên.

Điều 25. – Các cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp, trường học v.v… có trách nhiệm tổ chức đăng ký, thống kê và quản lý quân nhân dự bị trong đơn vị mình dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính địa phương và theo sự hướng dẫn của cơ quan quân sự địa phương.

Điều 26. – Các Bộ, các ngành trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ đôn đốc các cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp, trường học v.v… trực thuộc thực hiện việc đăng ký, thống kê và quản lý quân nhân dự bị.

Điều 27. – Đối với các đơn vị công tác lưu động, thuộc các Bộ, các ngành trực thuộc trung ương thì các Bộ, các ngành trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức đăng ký, thống kê, quản lý quân nhân dự bị và báo cáo cho cơ quan quân sự nơi các Bộ, các ngành trực thuộc trung ương đóng trụ sở.

Điều 28. – Các đơn vị bộ đội từ cấp Trung đoàn trở lên, các Tỉnh đội, Thành đội và các Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang các tỉnh, thành và khu tự trị, trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm đăng ký nghĩa vụ quân sự, lập bảng đăng ký, cấp chứng minh thư nghĩa vụ quân sự cho các quân nhân thuộc đơn vị mình được xuất ngũ và chuyển sang ngạch dự bị; gửi bảng đăng ký của sĩ quan dự bị về cho Tỉnh đội, Thành đội hoặc Quân khu, gửi bảng đăng ký của hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị về cho Huyện đội, Châu đội, Thị đội nơi quân nhân dự bị về cư trú hoặc công tác; giao chứng minh thư nghĩa vụ quân sự cho quân nhân dự bị mang về địa phương làm các thủ tục quy định ở điều 10.

Điều 29. – Cơ quan Công an khi đăng ký hộ khẩu, cấp giấy di chuyển hộ khẩu, phải kiểm tra việc đăng ký nghĩa vụ quân sự của quân nhân dự bị. Đối với những người chưa làm đủ các thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự thì chưa cấp giấy di chuyển hoặc chưa đăng ký hộ khẩu và giúp cho họ đến cơ quan quân sự địa phương làm các thủ tục đăng ký cần thiết, để rồi cấp giấy di chuyển hoặc đăng ký hộ khẩu ngay cho họ.

Điều 30. – Các cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp, v.v… khi tuyển người vào làm việc trong đơn vị mình có trách nhiệm kiểm tra việc đăng ký nghĩa vụ quân sự đối với người được tuyển mà đã làm đủ các thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự, thì đăng ký lại cho họ; đối với người chưa làm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự, thì giúp cho họ làm đủ các thủ tục trước khi tuyển.

Điều 31. – Khi quân nhân dự bị bị tước quyền chính trị, bị tù, bị quản chế hoặc bị tập trung giáo dục cải tạo, thì cơ quan chấp hành án hoặc Ủy ban hành chính cơ sở có trách nhiệm báo cho cơ quan quân sự địa phương quản lý người quân nhân dự bị đó biết để thu hồi chứng minh thư nghĩa vụ quân sự…

Điều 32. – Cơ quan Y tế có trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho những người đăng ký nghĩa vụ quân sự theo chế độ quy định hoặc theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.

Điều 33. – Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quy định và hướng dẫn thi hành các thủ tục về đăng ký, thống kê và quản lý quân nhân dự bị, và các chế độ báo cáo, kiểm tra hàng năm về số lượng chất lượng của quân nhân dự bị.