Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 2004

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 22/2004/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 01 NĂM 2004 VỀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY LÀM CÔNG TÁC TÔN GIÁO THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Để thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác tôn giáo;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nguyên tắc kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo

1. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác tôn giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Phù hợp với nhiệm vụ, khối lượng công việc và yêu cầu thực tiễn ở địa phương về công tác tôn giáo.

3. Tinh gọn, hiệu quả, tổ chức sở, ban, phòng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với chủ trương cải cách hành chính nhà nước.

Điều 2. Tiêu chí kiện toàn và mô hình tổ chức làm công tác tôn giáo ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh)

1. Thành lập Ban Tôn giáo là cơ quan tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác tôn giáo, có con dấu, tài khoản riêng khi có ít nhất 4 trong 6 tiêu chí sau:

a) Có hoạt động tôn giáo diễn ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh;

b) Có từ 10% dân số của tỉnh trở lên là tín đồ tôn giáo;

c) Có số lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành từ 200 người trở lên;

d) Có trụ sở, văn phòng của các tôn giáo như Toà giám mục, cơ quan trung ương và cơ quan cấp tỉnh của các tổ chức tôn giáo; có Đại chủng viện (Công giáo), Học viện Phật học (Phật giáo), Viện Thánh kinh thần học (Tin lành), các cơ sở đào tạo hợp pháp khác của các tổ chức tôn giáo; có các địa điểm hành hương, lễ hội lớn của các tôn giáo;

đ) Có từ 100 cơ sở thờ tự trở lên;

e) Có địa bàn khó khăn, phức tạp.

2. Đối với những tỉnh chưa đủ điều kiện để thành lập Ban Tôn giáo theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ chức làm công tác tôn giáo được tổ chức theo một trong hai mô hình sau:

a) Ban Tôn giáo trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, có con dấu riêng; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo trực tiếp về công tác chuyên môn, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện và điều kiện làm việc;

b) Sở quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực trong đó có quản lý công tác tôn giáo và quản lý một số công tác chuyên môn khác có liên quan nhiều đến công tác tôn giáo, trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Tiêu chí kiện toàn và mô hình tổ chức làm công tác tôn giáo ở quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện).

Căn cứ đặc điểm, khối lượng công việc quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn cấp huyện, tổ chức làm công tác tôn giáo cấp huyện thực hiện như sau:

a) Thành lập Phòng Tôn giáo thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện khi có đủ các tiêu chí sau đây:

Có trụ sở, văn phòng của các tôn giáo như Toà giám mục, cơ quan trung ương và cơ quan cấp tỉnh của các tổ chức tôn giáo; có Đại chủng viện (Công giáo), Học viện Phật học (Phật giáo), Viện Thánh kinh thần học (Tin lành), các cơ sở đào tạo hợp pháp khác của các tổ chức tôn giáo; có các địa điểm hành hương, lễ hội lớn của các tôn giáo;

Có đông đồng bào theo tôn giáo và chức sắc tôn giáo, có nhiều sinh hoạt, hoạt động tôn giáo và địa bàn khó khăn, phức tạp.

b) Đối với những huyện có các hoạt động tôn giáo nhưng chưa đủ các tiêu chí quy định tại điểm a khoản 3 Điều này thì tổ chức làm công tác tôn giáo thực hiện theo một trong hai mô hình sau:

Thành lập phòng chuyên môn quản lý đa ngành, đa lĩnh vực trong đó có công tác tôn giáo và công tác chuyên môn khác có liên quan nhiều đến công tác tôn giáo trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện nhưng bảo đảm số phòng theo quy định của Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2001 của Chính phủ;

Bố trí bộ phận chuyên trách làm công tác tôn giáo thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân hoặc của phòng chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

4. Đối với xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) không có tổ chức độc lập mà bố trí cán bộ như sau:

a) Phân công một ủy viên Uỷ ban nhân dân kiêm nhiệm theo dõi, tổ chức thực hiện công tác tôn giáo trên địa bàn;

b) Đối với xã là địa bàn khó khăn, phức tạp có thể bố trí một cán bộ tăng cường làm công tác tôn giáo.

Điều 3. Thẩm quyền thành lập tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp

1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nguyên tắc và tiêu chí kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo quy định tại Nghị định này, xây dựng đề án kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo của địa phương mình trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

2. Đối với những tỉnh đã có cơ quan làm công tác tôn giáo cấp tỉnh thì không tiến hành thủ tục thành lập lại.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của cơ quan làm công tác tôn giáo theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Nội vụ về công tác kiện toàn tổ chức làm công tác tôn giáo ở địa phương.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Nội vụ phối hợp với Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ hướng dẫn, theo dõi thực hiện Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)