Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-HĐBT

Hà Nội, ngày 24 tháng 1 năm 1991

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 22-HĐBT NGÀY 24-1-1991 NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ THU VÀ SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

HỘIĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ luật Tổ chức Hội dồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính
,

NGHỊ ĐỊNH :

Đối tượng tính và nộp tiền thu về sử dụng vốn ngân sách

Điều 1. - Thu về sử dụng vốn đối với các tổ chức kinh tế là khoản thu tính trên vốn (bao gồm vốn cố định, vốn lưu động) do ngân sách Nhà nước cấp và vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước (gọi chung là vốn ngân sách Nhà nước cấp).

Chế độ thu về sử dụng vốn ngân sách là nhằm bảo đảm công bằng trong việc sử dụng các nguồn vốn, thúc đẩy tổ chức kinh tế sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách.

Điều 2. - Đối tượng nộp tiền thu về sử dụng vốn ngân sách là các tổ chức kinh doanh hoạch toán kinh tế độc lập, kể cả các đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế, lực lượng vũ trang làm kinh tế, ngành ngân hàng, bảo hiểm, xổ số kiến thiết có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước cấp.

Chương 2:

CĂN CỨ TÍNH VÀ MỨC THU

Điều 3. - Căn cứ để tính số tiền thu về sử dụng vốn ngân sách là tổng số vốn thuộc diện phải thu và tỷ lệ thu.

a) Tổng số vốn thuộc diện phải thu về sử dụng vốn ngân sách bao gồm: vốn cố định, vốn lưu động cho ngân sách Nhà nước cấp và vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước được xác định trên cơ sở biên bản giao nhận vốn; số vốn tăng thêm do chế độ bảo toàn vốn.

Tổng số vốn thuộc diện phải thu về sử dụng vốn ngân sách được giảm tương ứng số vốn Nhà nước đã thu hồi (khấu hao cơ bản nộp ngân sách, hoạch toán cho ngân sách, điều chuyển vốn cho đơn vị khác...).

b) Tỷ lệ thu về sử dụng vốn ngân sách được quy định hàng tháng đối với các ngành như sau:

1. Công nghiệp điện nặng, khai thác mỏ, luyện kim, cơ khí, hoá chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng, trồng rừng, khai thác lâm sản, thuỷ sản, xây dựng cơ bản, vận tải: 0,2% - 0,40%.

2. Công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp khác: 0,3% - 0,4%.

3. Ngành nông nghiệp: nông trường, trạm máy kéo, xí nghiệp thuỷ nông, cung ứng máy móc, thiết bị nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu: 0,2% - 0,3% .

4. Thương nghiệp, cung ứng vật tư, dịch vụ du lịch, bưu điện, ngân hàng, bảo hiểm, xổ số kiến thiết và kinh doanh khác: 0,4% - 0,5% .

Bộ Tài chính cụ thể hoá tỷ lệ thu phù hợp với đặc điểm kinh tế kỹ thuật của từng ngành.

Chương 3:

KÊ KHAI VÀ NỘP TIỀN THU VỀ SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH

Điều 4. - Các đơn vị nộp thu về sử dụng vốn ngân sách có trách nhiệm:

1. Khai báo trung thực và đầy đủ với cơ quan thuế theo mẫu quy định của Bộ Tài chính.

Khi có thay đổi về đối tượng tính thu, đơn vị nộp thu phải khai bổ sung với cơ quan thuế trong thời hạn 10 ngày kể tờ khi có sự thay đổi.

2. Cung cấp đầy đủ tài liệu có liên quan đến việc tính thu về sử dụng vốn theo yêu cầu của cơ quan thuế.

3. Nộp đủ và đúng hạn tiền thu về sử dụng vốn vào ngân sách Nhà nước.

Điều 5. - Tiền thu về sử dụng vốn được nộp hàng tháng vào ngân sách Nhà nước theo quy định của cơ quan thuế, chậm nhất không quá ngày 5 tháng sau. Cuối quý, cuối năm, đơn vị nộp thu về sử dụng vốn phải quyết toán số thu phải nộp với cơ quan thuế, nếu nộp thiếu phải nộp thêm cho đủ, chậm nhất không quá 10 ngày sau khi có quyết toán quý và 20 ngày sau khi có quyết toán năm. Nếu nộp thừa thì số thừa được tính vào số nộp của kỳ sau.

Điều 6. - Cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ thu về sử dụng vốn, kể cả việc ra lệnh thu, lệnh phạt và xử lý các trường hợp vi phạm.

Chương 4:

GIẢM THU, MIỄN THU

Điều 7. - Được xét giảm thu về sử dụng vốn ngân sách trong những trường hợp sau:

1. Đơn vị nộp thu về sử dụng vốn gặp khó khăn khách quan do sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu;

2. Đơn vị nộp thu về sử dụng vốn bị thiệt hại do thiên tai, dịch hoạ hoặc tai nạn bất ngờ.

Điều 8. - Được xét miễn thu về sử dụng vốn ngân sách trong những trường hợp sau:

1. Tài sản cố định của đơn vị phải nộp thu về sử dụng vốn đang trong giai đoạn vận hành thử theo chế độ;

2. Tài sản cố định và tài sản lưu động thuộc vốn dự trữ của Nhà nước giao cho đơn vị bảo quản;

3. Tài sản cố định thuộc kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn như: đường xá, cầu cống, đê điều,...;

4. Tài sản cố định và tài sản lưu động ứ đọng, chậm luân chuyển chờ thanh lý được xác định trong các biên bản kiểm kê xử lý theo chế độ trước ngày ban hành quyết định này.

Chương 5:

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI

Điều 9. - Việc xử lý các đơn vị có vi phạm chế độ thu về sử dụng vốn ngân sách quy định như sau:

1. Không thực hiện đúng các thủ tục kê khai thì bị cảnh cáo hoặc bị phạt tiền đến 500.000 đồng;

2. Khai không đúng, không đủ thì ngoài việc phải nộp đủ số thu theo quy định, còn bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền phải nộp do kê khai không đúng, không đủ;

3. Nộp chậm tiền thu hoặc tiền phạt, ngoài việc phải nộp đủ số tiền thu, tiền phạt, còn bị phạt mỗi ngày 0,5%. (năm phần nghìn) trên số tiền nộp chậm.

Điều 10. - Tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng hoặc cản trở việc thực hiện chế độ thu về sử dụng vốn sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành.

Điều 11. - Đơn vị nộp thu về sử dụng vốn có quyền khiếu nại việc thực hiện không đúng chế độ thu về sử dụng vốn đối với đơn vị mình.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. - Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1991.

Điều 13. - Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.

Điều 14. - Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)