Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 258-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT SỐ 102-SL/L004 NGÀY 20-05-1957 VỀ QUYỀN LẬP HỘI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật số 102-SL/L004 ngày 20 tháng 05 năm 1957 quy định quyền lập hội;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nghị định này quy định chi tiết thi thành Luật số 102-SL/L004 ngày 20 tháng 05 năm 1957 về quyền lập hội.

Điều 2. - Trừ các đoàn thể dân chủ, các đoàn thể nhân dân đã tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ kháng chiến nói ở điều 9 và các hội có mục đích kinh tế nói ở điều 10 của luật ngày 20 tháng 05 năm 1957, sự thành lập và hoạt động của tất cả các hội khác quy định như sau:

Chương 1:

THỂ THỨC XIN PHÉP LẬP HỘI VÀ XIN PHÉP CHO HỘI TIẾP TỤC HOẠT ĐỘNG

Điều 3. - Muốn lập hội trước hết phải xin phép trù bị việc lập hội. Đơn xin phép phải ghi rõ:

- Ý kiến trù bị về tên, tôn chỉ, mục đích của hội.

- Ý kiến trù bị về phạm vi hoạt động của hội,

- Nơi tạm thời dùng làm chỗ hội họp

- Ước lượng thời gian trù bị.

Phải gửi kèm theo đơn ba bản dự thảo điều lệ của hội, danh sách và lý lịch sơ lược của những người sáng lập và những giấy chứng nhận các người ấy có đủ quyền công dân và không đương bị truy tố trước pháp luật.

Điều 4. – Trong thời gian được phép trù bị, những người sáng lập được làm các công việc có tính cách trù bị, như: vận động người vào hội, dự thảo điều lệ, trù bị danh sách ban chấp hành. Mỗi khi cần hội họp thì phải xin phép theo các thể lệ hiện hành về quyền hội họp.

Điều 5. – Khi đã trù bị xong, những người phụ trách đưa đơn xin phép chính thức thành lập hội.

Nếu hết hạn mà chưa trù bị xong thì có thể xin gia hạn.

Nếu khi ấy không còn ý định thành lập hội nữa, thì cũng phải báo cáo lại với cơ quan đã cho phép trù bị biết.

Điều 6. – Đơn xin phép chính thức thành lập hội phải kê rõ:

- Tên hội,

- Tôn chỉ mục đích,

- Phạm vi hoạt động,

- Nơi đặt trụ sở,

- Nơi đặt các chi nhánh,

- Số lượng hội viên đã tập hợp được,

- Nguồn gốc tài sản, kinh phí,

- Chương trình hoạt động.

Phải gửi kèm theo đơn ba bản điều lệ của hội danh sách và lý lịch sơ lược của những người sáng lập và những người được đề cử vào Ban chấp hành.

Điều 7. – Trong điều lệ của hội ít nhất phải quy định những khoản sau đây:

- Tên, tôn chỉ mục đích, phạm vi hoạt động của hội.

- Thể thức vào hội, ra hội.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của hội viên

- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và sinh hoạt của các cơ quan của hội (đại hội đồng, ban chấp hành, ban kiểm soát, các tiểu ban…) và của các chi nhánh.

- Tài sản của hội: nguồn gốc tài sản, cách quản lý thu và chi.

- Thể thức sửa đổi điều lệ,

- Thể thức giải tán hội và thanh toán tài sản.

Điều 8.- Những hội đã được các cơ quan chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa có thẩm quyền cho phép thành lập từ sau ngày hòa bình lập lại hoặc từ trước ngaỳ hòa bình lập lại, mà không có lúc nào hoạt động trong một vùng tạm bị chiếm, thì không phải xin phép lại mà chỉ cần khai báo với chính quyền theo thể thức do Bộ Nôi vụ quy định, và điều phải tuân theo các thể lệ do luật ngày 20 tháng 05 năm 1957 và nghị định này quy định.

Điều 9. - Trừ các hội kể trong điều 8 trên đây, tất cả các hội thành lập trước ngày ban bố về quyền lập hội mà nay muốn tiếp tục hoạt động đều phải xin phép lại trong hạn 60 ngày kể từ ngày công bố nghị định này. Qúa hạn ấy, hội nào không xin phép tiếp tục hoạt động thì coi như là đã tự giải tán.

Điều 10. – Các cơ quan có thẩm quyền cho phép trù bị lập hội, cho phép các hội được chính thức thành lập hoặc tiếp tục hoạt động là:

1) Bộ Nội vụ, nếu phạm vi hoạt động của hội thuộc nhiều liên khu, nhiều khu, nhiều thành phố hoặc tỉnh trực thuộc Chính phủ trung ương,

2) Ủy Ban Hành chính liên khu, khu, thành phố hoặc tỉnh, nếu phạm vi hoạt động của hội thuộc một liên khu, một khu, một thành phố hoặc một tỉnh.

Chương 2:

QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Điều 11. – Đối với các hội đã được phép thành lập và hoạt động hợp lệ ngoài việc thu hội phí của hội viên, việc nhận tiền hoặc tài sản của bất cứ ai cho phải được cơ quan có thẩm quyền nói ở điều 10 trên đây cho phép.

Việc mua bán, đổi chác bất động sản cần thiết cho sự hoạt động của hội nghị phải khai báo trước với cơ quan có thẩm quyền nói ở điều 10 trên đây.

Điều 12. – Khi hội muốn sửa đổi điều lệ thì những điều sửa đổi phải được cơ quan có thẩm quyền nói ở điều 10 trên đây chấp thuận trước khi thi hành.

Điều 13. – Khi hội muốn lập thêm chi nhánh hoặc mở rộng phạm vi hoạt động ở một địa phương, Ban chấp hành phải xin phép cơ quan có thẩm quyền nói ở điều 10 trên đây:

Đơn xin phép lập thêm chi nhánh phải ghi rõ:

- Nơi đặt trụ sở chi nhánh,

- Số hội viên thuộc chi nhánh mới đã tập hợp được.

Nếu hội thu hẹp phạm vi hoạt động thì Ban chấp hành cũng phải khai báo với cơ quan nói trên.

Điều 14. – Sau khi được phép thành lập, chi nhánh hội sẽ gửi tới Ủy ban Hành chính địa phương bản danh sách và lý lịch sơ lược của các Ủy viên Ban chấp hành chi nhánh hội.

Điều 15. – Khi thay đổi ủy viên Ban chấp hành hoặc bầu Ban chấp hành mới của hội hoặc của chi nhánh thì phải báo danh sách của các ủy viên mới cho các cơ quan có thẩm quyền nói ở điều 10 trên đây biết.

Điều 16. - Mỗi khi muốn thay đổi địa điểm trụ sở của hội hoặc của chi nhánh; Ban chấp hành phải báo trước 3 ngày cho cơ quan có thẩm quyền nói ở điều 10 trên đây và với Ủy ban Hành chính địa phương nơi dọn đi và nơi dọn đến biết.

Điều 17. - Bản danh sách hội viện của hội và chi nhánh trong đó có ghi rõ tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ cùng những sổ sách chứng từ về tài chính của hội và chi nhánh, sổ biên bản các cuộc họp của Ban chấp hành phải để thường xuyên tại trụ sở của hội hoặc chi nhánh hội. Mỗi khi cần, chính quyền có thể đến trụ sở hoặc yêu cầu hội đưa sổ sách, giấy tờ đến để xem xét.

Điều 18. - Chậm nhất là 15 ngày sau mỗi kỳ họp Đại hội đồng của hội hoặc của chi nhánh, Ban chấp hành phải gửi tới các cơ quan có thẩm quyền nói ở điều 10 trên đây và Ủy ban Hành chính địa phương một bản sao các văn bản sau đây:

- Biên bản khóa họp, và các nghị quyết của hội nghị.

- Các báo cáo về hoạt động và tình hình tài chính của hội hoặc chi nhánh.

Chương 3:

THỂ THỨC GIẢI TÁN HỘI

Điều 19. – Ngoài những trường hợp cần đưa ra tòa án xét xử cơ quan có thẩm quyền cho phép nói ở điều 10 trên đây có quyền giải tán hội đã phạm pháp.

Quyết định giải tán của cơ quan ấy hoặc của tòa án sẽ định cách thanh toán tài sản.

Điều 20. – Khi hội tự giải tán theo điều lệ thì việc thanh toán tài sản phải theo đúng điều lệ và phải được cơ quan có thẩm quyền nói ở điều 10 trên đây duyệt trước khi tiến hành.

Điều 21. – Khi hội đã bị giải tán hoặc tự giải tán thì:

1) Trong hạn 10 ngày kể từ ngày hội quyết định tự giải tán hoặc từ ngày nhận được quyết định của chính quyền giải tán hội, Ban chấp hành phải đăng bản công bố quyết định giải tán hội trên một tờ báo hàng ngày, hoặc nếu ở địa phương không có báo hàng ngày, thì phải yết thị bản công bố ấy tại Ủy ban Hành chính các nơi có trụ sở hội và chi nhánh.

2) Trong hạn 10 ngày kể từ ngày đã thanh toán xong tài sản của hội, Ban chấp hành phải nộp tất cả giấy tờ sổ sách của hội cho cơ quan có thẩm quyền nói ở điều 10 trên đây.

Điều 22. – Trong trường hợp bị giải tán mà hội xin xét lại hoặc khiếu nại lên cấp trên thì trong khi chờ đợi giải quyết, hội phải đình chỉ họat động.

CHƯƠNG 4: CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 23. – Đối với những trường hợp vi phạm các điều 6, 7 và 8 của luật ngày 20 tháng 05 năm 1957, những cơ quan có thẩm quyền cho phép lập hội nói ở điều 10 nghị định này đều có quyền cảnh cáo hoặc yêu cầu tòa án truy tố những người phạm pháp.

Điều 24. – Những thể lệ trái với nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 25. – Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng