Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/2005/NĐ-CP

Hà nội, ngày 08 tháng 3 năm 2005

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 27/2005/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 3 NĂM 2005 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỦY SẢN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuỷ sản về khu bảo tồn biển, bảo tồn nội địa; nguồn tài chính để tái tạo nguồn lợi thủy sản; trách nhiệm của cơ quan chuyên môn đối với việc đảm bảo thực hiện quyền của tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản; giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; chợ thủy sản đầu mối.

Điều 2. Khu bảo tồn biển

1. Khu bảo tồn biển là vùng biển được xác định (kể cả đảo có trong vùng biển đó) có các loài động vật, thực vật có giá trị và tầm quan trọng quốc gia hoặc quốc tế về khoa học, giáo dục, du lịch, giải trí được bảo vệ và quản lý theo quy chế của khu bảo tồn.

2. Khu bảo tồn biển được phân loại thành: vườn quốc gia, khu bảo tồn loài, sinh cảnh, khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh.

Điều 3. Tiêu chuẩn phân loại khu bảo tồn biển

1. Vườn quốc gia có đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Là khu vực tự nhiên có hệ sinh thái điển hình, là môi trường sống, sinh trưởng của các loài động, thực vật biển quý hiếm, có nguồn gen đa dạng, có giá trị và tầm quan trọng quốc gia hoặc quốc tế về khoa học, giáo dục, du lịch, giải trí;

b) Là vùng có diện tích đủ rộng để duy trì và phát triển một hay nhiều hệ sinh thái;

c) Là vùng được bảo vệ nghiêm ngặt.

2. Khu bảo tồn loài, sinh cảnh có đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Là khu vực tự nhiên, là môi trường sống, sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật biển, có giá trị và tầm quan trọng quốc gia hoặc của địa phương về khoa học, giáo dục, du lịch, giải trí;

b) Là vùng có diện tích đủ rộng phù hợp với yêu cầu về môi trường sống của các loài, sinh cảnh được bảo vệ;

c) Là vùng được bảo vệ chặt chẽ.

3. Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thuỷ sinh có đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Là vùng có ít nhất hai phần ba diện tích còn trong trạng thái tự nhiên, có nhiều loài động, thực vật biển sinh trưởng và phát triển, được bảo vệ để duy trì trạng thái tự nhiên đó;

b) Là vùng có diện tích đủ rộng để bảo vệ không gây hại đến giá trị tự nhiên.

Điều 4. Phân cấp tổ chức và quản lý khu bảo tồn biển

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển; quyết định thành lập các Vườn quốc gia, các khu bảo tồn có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế hoặc liên quan đến nhiều ngành, nằm trên địa bàn nhiều tỉnh.

2. Bộ Thuỷ sản xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch các khu bảo tồn biển; tổ chức quản lý các khu bảo tồn biển do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập (trên cơ sở có ý kiến thẩm định của Bộ Thuỷ sản) và tổ chức quản lý các khu bảo tồn biển, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 5. Khu bảo tồn vùng nước nội địa

1. Khu bảo tồn vùng nước nội địa là nơi được khoanh vùng thuộc các vùng đất ngập nước để bảo vệ nghiêm ngặt các hệ sinh thái đặc thù, có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế, có giá trị đa dạng sinh học cao nhằm cân bằng sinh thái, bảo vệ các giống, loài đang sinh sống, cư trú.

2. Khu bảo tồn vùng nước nội địa được quản lý theo quy định của Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về bảo tồn và khai thác bền vững các vùng đất ngập nước.

Điều 6. Nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước để tái tạo nguồn lợi thủy sản

1. Bố trí kinh phí để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong dự toán ngân sách trung ương và dự toán ngân sách địa phương theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản được sử dụng cho các nhiệm vụ sau:

a) Tổ chức thực hiện các dự án tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản;

b) Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của hoạt động tái tạo nguồn lợi thuỷ sản;

c) Tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật phục vụ công tác tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 7. Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản

1. Thành lập Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản (gọi tắt là Quỹ) từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để chủ động tái tạo và ngăn ngừa sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.

2. Nguồn tài chính để lập Quỹ bao gồm:

a) Đóng góp của tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, nuôi trồng, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thuỷ sản;

b) Đóng góp của tổ chức, cá nhân hoạt động trong các ngành nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thuỷ sản;

c) Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

d) Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

3. Quỹ được sử dụng hàng năm cho các nhiệm vụ sau:

a) Tổ chức sản xuất, mua giống thuỷ sản, chà rạo nhân tạo và các vật liệu khác để thả xuống các vùng nước tự nhiên phục vụ tái tạo nguồn lợi thuỷ sản;

b) Quản lý và điều hành hoạt động của Quỹ.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ.

Điều 8. Các trường hợp được miễn, giảm thu quỹ

1. Đối tượng được miễn thu:

a) Cá nhân khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản không mang tính chất kinh doanh;

b) Các tàu, thuyền hoạt động nghiên cứu khoa học; tàu, thuyền công vụ; tàu, thuyền tìm kiếm cứu nạn; tàu, thuyền phục vụ an ninh, quốc phòng;

c) Các tàu thuyền khai thác thuỷ sản có thời gian hoạt động dưới 50 ngày trong năm hoặc bị tai nạn, rủi ro.

2. Đối tượng được giảm mức thu:

Các tàu thuyền khai thác thuỷ sản có thời gian hoạt động dưới 100 ngày trong năm được giảm 50% mức thu.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thủy sản quy định chi tiết thủ tục miễn, giảm thu quỹ.

Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn đối với việc đảm bảo thực hiện quyền của tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp kịp thời các bản tin diễn biến thời tiết cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam để phát sóng hàng ngày, đồng thời cung cấp cho Bộ Thuỷ sản để chỉ đạo hoạt động trong ngành.

2. Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm:

a) Lập các bản dự báo về nguồn lợi thuỷ sản trên các ngư trường theo mùa vụ, theo tháng và nửa tháng để cung cấp kịp thời cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam định kỳ phát sóng 2 lần trong một tuần;

b) Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật khai thác cho ngư dân;

c) Thông qua hệ thống cơ quan báo chí của ngành Thuỷ sản và cơ quan báo chí có liên quan của Trung ương để thông tin về hoạt động thuỷ sản trong nước và ngoài nước;

d) Phối hợp với Bộ Thương mại ra bản tin hàng tuần về thị trường thuỷ sản.

Điều 10. Giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

1. Mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản là vùng nước biển được quy hoạch để nuôi trồng thuỷ sản, tính từ đường mép nước biển triều kiệt trung bình trong nhiều năm trở ra.

2. Đối tượng được giao mặt nước biển không thu tiền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản:

a) Cá nhân sinh sống tại địa phương trực tiếp nuôi trồng thủy sản mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản;

b) Cá nhân sinh sống tại địa phương làm nghề khai thác thủy sản ven bờ chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

3. Hồ sơ xin giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản:

Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải có đơn xin giao mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản, được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận. Trong đơn phải thể hiện năng lực kỹ thuật nuôi trồng và cam kết bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản.

4. Hồ sơ xin thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản.

a) Đối với tổ chức, cá nhân trong nước :

Đơn xin thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản;

Báo cáo dự án khả thi nuôi trồng thủy sản được cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh thẩm định;

Bản thuyết minh về năng lực kỹ thuật nuôi trồng thủy sản;

Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thuỷ sản và kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao hợp lệ).

b) Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài:

Đơn xin thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản;

Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thuỷ sản và kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;

Giấy phép đầu tư nước ngoài (bản sao hợp lệ).

5. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định giao, cho thuê mặt nước biển và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản. Trường hợp không giao, không cho thuê mặt nước biển thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời là cơ quan cấp và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển.

Điều 11. Giao, cho thuê đất để nuôi trồng thuỷ sản

Việc giao đất, cho thuê đất, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai. Hồ sơ xin giao, thuê đất để nuôi trồng thủy sản áp dụng theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Điều 12. Hạn mức diện tích và thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản

Hạn mức diện tích và thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản được quy định như sau:

1. Diện tích mặt nước biển được giao để nuôi trồng thuỷ sản không quá một (01) ha.

2. Diện tích mặt nước biển cho thuê để nuôi trồng thủy sản không quá ba mươi (30) ha trong vùng biển ba (3) hải lý trở vào bờ hoặc không quá một trăm (100) ha trong vùng biển cách bờ từ ba (3) hải lý trở ra.

3. Thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá hai mươi (20) năm, được tính từ ngày ghi trong quyết định giao, cho thuê mặt nước biển.

4. Trường hợp diện tích mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thuỷ sản mà không được sử dụng hết theo quy định của Bộ Thuỷ sản, thì bị thu hồi phần diện tích mặt nước biển không được sử dụng đó.

Điều 13. Gia hạn thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản khi hết thời hạn quyền sử dụng

1. Trước thời điểm hết hạn quyền sử dụng mặt nước biển sáu (6) tháng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản phải làm hồ sơ như quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 10 Nghị định này, gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin gia hạn được giao, thuê mặt nước biển.

2. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài còn phải có bản sao hợp lệ Giấy phép đầu tư được gia hạn (nếu có).

3. Thời hạn gia hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không vượt quá thời hạn giao, cho thuê trước đó.

4. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc gia hạn thời hạn giao hoặc cho thuê và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Trường hợp không gia hạn thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 14. Xử lý tài sản đã đầu tư trên mặt nước biển, tiền thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản khi mặt nước biển đã giao, cho thuê bị thu hồi hoặc tự nguyện trả lại.

1. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi hoặc tự nguyện trả lại diện tích mặt nước biển nuôi trồng thuỷ sản quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 29 Luật Thuỷ sản phải tự chịu trách nhiệm tháo dỡ, di chuyển tài sản đã đầu tư trên mặt nước biển đó. Trường hợp thời hạn thuê chưa hết thì được Nhà nước trả lại số tiền thuê của thời gian còn lại (nếu đã trả trước).

2. Đối với trường hợp thu hồi diện tích mặt nước biển quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 29 Luật Thuỷ sản được quy định như sau:

a) Được Nhà nước trả lại tiền thuê của thời gian còn lại (nếu đã trả trước);

b) Được Nhà nước hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản đã đầu tư trên mặt nước biển và thuỷ sản nuôi trồng (nếu có);

c) Được bồi thường thiệt hại về thuỷ sản (nếu có);

d) Được ưu tiên giao, cho thuê mặt nước biển khác để nuôi trồng thuỷ sản nếu có nhu cầu và địa phương còn quỹ mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản.

Điều 15. Chợ thuỷ sản đầu mối

1. Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm: sàn giao dịch, hệ thống đường, điện, cấp nước, thoát nước trong chợ thuỷ sản đầu mối.

2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, tham gia xây dựng, kinh doanh khai thác và quản lý chợ thủy sản đầu mối.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)