Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 281-HĐBT

Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 1990

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 281-HĐBT NGÀY 7-8-1990 VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỆ THỐNG THU THUẾ NHÀ NƯỚC TRỰC THUỘC BỘ TÀI CHÍNH

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Để tăng cường công tác thu thuế; thực hiện các luật thuế, pháp lệnh thuế của Nhà nước;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng, Trưởng Ban tổ chức - cán bộ của Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Hệ thống thu thuế Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính để quản lý thống nhất trong cả nước công tác thu thuế và các khoản thu khác của ngân sách Nhà nước.

Điều 2.

Hệ thống thu thuế Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Biên soạn các văn bản pháp quy về thuế và các khoản thu khác để trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện thống nhất các văn bản này trong cả nước.

2- Xây dựng kế hoạch thu thuế và thu khác từ cơ sở để tổng hợp vào dự toán ngân sách Nhà nước trình cấp trên trực tiếp và Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

3- Thực hiện các nghiệp vụ thu thuế và thu khác đối với các đội tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế theo đúng quy định của Nhà nước: tính thuế, lập sổ thuế, thông báo số thuế phải nộp, phát hành các lệnh thu thuế và thu khác...; đôn đốc thực hiện nộp đầy đủ kịp thời mọi khoản thu vào kho bạc Nhà nước; xem xét và đề nghị xét miễn thuế, giảm thuế và các khoản thu khác thuộc thẩm quyền theo quy định của Nhà nước; thực hiện thanh quyết toán kết quả thu thuế đến từng hộ nộp thuế.

4- Được quyền yêu cầu các đối tượng nộp thuế và các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ cần thiết cho việc tính toán các khoản thu (kể cả kế hoạch kinh tế - tài chính của các Bộ, ngành và cơ sở).

Cùng các cơ quan chức năng xét duyệt đăng ký kinh doanh, trực tiếp quản lý hồ sơ đăng ký kinh doanh và các tài liệu liên quan đến công tác thu thuế của các đối tượng nộp thuế.

5- Đối với các đối tượng nộp thuế vi phạm các quy định về chế độ thu của Nhà nước, cơ quan thuế có quyền ấn định số thuế phải nộp và xử lý bằng các biện pháp chế tài theo luật định, hoặc lập hồ sơ khởi tố trước cơ quan pháp luật.

6- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách chế độ thu nộp của đối tượng nộp thuế và trong nội bộ ngành thuế. Kiểm tra, kiểm soát sổ sách kế toán, chứng từ... có liên quan đến số thuế phải nộp của các đối tượng nộp thuế; giải quyết các khiếu tố thuộc thẩm quyền theo luật định.

7- Tổ chức công tác thông tin, báo cáo, thống kê, phân tích tình hình và kết quả thu thuế phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành của các cơ quan cấp trên, Uỷ ban nhân dân đồng cấp và các cơ quan có liên quan.

8- Quản lý về tổ chức, biên chế, cán bộ và kinh phí chi tiêu của toàn bộ hệ thống thu thuế theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và theo sự phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính; tổ chức bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thuế.

Điều 3.

Hệ thống thu thuế Nhà nước được tổ chức như sau:

1- ở Trung ương, có Tổng cục thuế trực thuộc Bộ Tài chính.

Bộ máy giúp việc cơ quan Tổng cục gồm một số phòng chức năng và phòng nghiệp vụ.

Tổng cục thuế do một Tổng cục trưởng phụ trách và có một số Phó tổng cục trưởng giúp việc.

2- Ở các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) có các Cục thuế trực thuộc Tổng cục thuế, đồng thời chịu sự chỉ đạo song trùng của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp.

Cục thuế do một Cục trưởng phụ trách và có một số Phó cục trưởng giúp việc.

Lương của cán bộ lãnh đạo các Cục thuế được áp dụng như đối với các Sở ở địa phương.

3- Ở các quận, huyện, và cấp tương đương (sau đây gọi chung là huyện) có Chi cục thuế thuộc Cục thuế, đồng thời chịu sự chỉ đạo song trùng của Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Chi cục thuế do một Chi cục trưởng phụ trách và có một số Phó chi cục trưởng giúp việc.

Lương của cán bộ lãnh đạo Chi cục được áp dụng như đối với các phòng, ban của huyện.

Tổng cục thuế, Cục thuế và Chi cục thuế là tổ chức trong hệ thống hành chính Nhà nước, có tư cách pháp nhân công quyền, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của tổng cục thuế, Cục thuế và Chi cục thuế.

Điều 4.

1- Biên chế của hệ thống thu thuế Nhà nước được xác định căn cứ vào nhiệm vụ thu và đối tượng quản lý thu thuế.

2- Kinh phí hoạt động của hệ thống thu thuế Nhà nước do ngân sách Trung ương đài thọ và được thổng hợp vào dự toán chi của Bộ Tài chính.

Điều 5. Hệ thống thu thuế Nhà nước được lập quỹ khen thưởng tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên số thuế thực thu. Mức trích cụ thể do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 6.

1- Chức danh viên chức của hệ thống thu thuế Nhà nước gồm các viên chức lãnh đạo, nhân viên thuế, kiểm soát viên thuế và thanh tra viên thuế.

2- Viên chức thuế là người có phẩm chất chính trị, kiến thức pháp luật, hiểu biết chính sách của Nhà nước về kinh tế - tài chính, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tính tổ chức và kỷ luật.

3- Ban Tổ chức - cán bộ của Chính phủ cụ thể hoá chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức thuế theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 7. Cán bộ trực tiếp làm công tác thu thuế được cấp trang phục, phù hiệu, số hiệu, chứng minh thư, phương tiện làm việc theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 8.

Cơ quan thuế đặt tại địa phương chịu sự lãnh đạo song trùng của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh:

1- Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Hội đồng bộ trưởng về công tác thu thuế trong phạm vi cả nước thông qua bộ máy thuế Nhà nước.

2- Trong phạm vi quyền hạn do Luật định, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác thu thuế trên địa bàn; căn cứ vào thẩm quyền quy định trong luật thuế, được ra quyết định hoặc đề nghị cấp trên quyết định miễn thuế, giảm thuế theo tờ trình của cơ quan thuế ; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cơ quan thu thuế trong việc thi hành các quy định của Nhà nước về thuế và thu khác; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn.

Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban nhân dân các cấp có thể thành lập Ban chỉ đạo công tác thu thuế trên địa bàn. Ban chỉ đạo công tác thu thuế do một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban, đại diện cơ quan thuế làm Uỷ viên thường trực, đại diện cơ quan tài chính và các cơ quan nội chính làm uỷ viên.

3- Tuỳ tình hình cụ thể ở từng địa bàn, cơ quan thuế có thể uỷ nhiệm cho Uỷ ban nhân dân xã, phường và cấp tương đương (sau đây gọi chung là xã) trực tiếp tổ chức thu một số khoản thuế và thu khác của ngân sách Nhà nước. Uỷ ban nhân dân xã được hưởng một khoản kinh phí tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên số thuế thực thu để chi tiêu cho các nghiệp vụ thu, khen thưởng những cá nhân và đơn vị có thành tích trong công tác thu thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức trích và việc sử dụng khoản kinh phí này.

4- Các cơ quan thuế có trách nhiệm báo cáo Uỷ ban nhân dân về chủ trương và biện pháp tăng cường công tác quản lý thu thuế và tình hình thực hiện kế hoạch thu thuế trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính cùng cấp trong việc thống nhất kế hoạch thu và quản lý thu, cung cấp thông tin, số liệu có liên quan đến việc quản lý ngân sách ở địa phương.

5- Việc bổ nhiệm các cán bộ lãnh đạo cấp trưởng cơ quan thu thuế ở địa phương cần có sự thoả thuận của Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Việc đề bạt cán bộ lãnh đạo từ trưởng, phó phòng trở lên ở các Cục và Chi cục thuế phải có sự tham gia ý kiến của tổ chức chính quyền địa phương cùng cấp.

6- Mọi tổ chức, mọi công dân có trách nhiệm cộng tác, giúp đỡ cơ quan thuế làm tròn nhiệm vụ; góp ý phê bình, xây dựng ngành thuế; khiếu nại, tố cáo việc làm sai trái của cán bộ thuế và yêu cầu họ thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoặc chống cán bộ thuế thi hành nhiệm vụ.

Điều 9. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 10.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Mọi quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)