Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1994

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 35-CP NGÀY 25-4-1994 VỀ TỔ CHỨC LẠI CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, CHỐNG ĐẦU CƠ, BUÔN LẬU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ trong phiên họp của Chính phủ ngày 3 tháng 1 năm 1994;
Để tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Nay giao Bộ Thương mại, ngoài chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thương mại theo Nghị định số 95-CP ngày 4-12-1993, thống nhất chỉ đạo công tác quản lý thị trường trong cả nước, bao gồm tổ chức phối hợp hoạt động giữa các ngành, các địa phương trong việc chống đầu cơ, buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác.

Điều 2.- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng quản lý Nhà nước của mình có trách nhiệm chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác trong phạm vi ngành, lĩnh vực và địa phương mình phụ trách; phối hợp với Bộ Thương mại để bảo đảm thực hiện thống nhất nhiệm vụ quản lý thị trường trong cả nước.

Bộ Thương mại, sau khi trao đổi với các cơ quan có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy chế cụ thể về trách nhiệm và mối quan hệ giữa Bộ Thương mại với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu.

Điều 3.- Chuyển giao bộ máy làm việc, tài liệu và tài sản thuộc Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương (kể cả các Đội kiểm tra thị trường Trung ương) về Bộ Thương mại quản lý và sử dụng để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được liên tục, không bị gián đoạn.

Sau khi bàn giao cho Bộ Thương mại, Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương chấm dứt hoạt động.

Bộ Thương mại có trách nhiệm nghiên cứu trình Chính phủ quyết định tổ chức phù hợp ở Bộ và địa phương để đảm bảo quản lý được thị trường và chống buôn lậu.

Điều 4.- Trong lúc chờ có quyết định của Chính phủ về tổ chức quản lý thị trường mới:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được duy trì tổ chức hiện có để giúp Uỷ ban nhân dân chỉ đạo công tác quản lý thị trường chống đầu cơ, buôn lậu;

- Các đội kiểm tra thị trường ở Trung ương và địa phương hiện có được duy trì để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường theo các quy định trước đây của ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương ban hành; cán bộ, nhân viên làm việc trong các Đội này vẫn được hưởng chế độ quy định tại Điều 8 Nghị định số 398-HĐBT ngày 6-12-1991 và các chế độ khác hiện hành.

Điều 5.- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành. Bãi bỏ Quyết định số 412-CT ngày 26-12-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và những quy định tại Nghị định số 398-HĐBT ngày 6-12-1991 của Hội đồng Bộ trưởng trái Nghị định này.

Điều 6.- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng ban Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương, Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)