Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 359-NĐ

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH THỂ LỆ TỔ CHỨC THI HẾT CẤP I TRƯỜNG PHỔ THÔNG 10 NĂM.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ sắc lệnh số 119-SL ngày 9-7-1946 tổ chức Bộ Giáo dục;
Chiếu nghị định số 596-NĐ ngày 30-8-1956 ban hành quy chế Trường phổ thông 10 năm, đặc biệt điều 22 nghị định này;
Theo đề nghị của ông Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Nay ban hành thể lệ tổ chức thi hết cấp I Trường phổ thông 10 năm, kèm theo nghị định này.

Điều 2: - Bản quy chế này sẽ thi hành kể từ niên học 1956-1957.

Điều 3: - Các ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

THỂ LỆ

TỔ CHỨC THI HẾT CẤP I TRƯỜNG PHỔ THÔNG 10 NĂM

Chương 1:

THỂ LỆ TỔNG QUÁT

Điều 1: - Kể từ năm 1957 sẽ tổ chức thi hết cấp I cho tất cả học sinh lớp 4 các trường phổ thông (quốc lập, dân lập và tư thục).

Kỳ thi này không nhận thí sinh tự do.

Điều 2: - Ty Giáo dục phụ trách tổ chức kỳ thi hết cấp này và cấp giấy chứng nhận trúng tuyển theo mẫu thống nhất của Nha Giáo dục phổ thông.

Điều 3: - Kỳ thi hết cấp chỉ có một khóa thi và mở vào những ngày cuối niên học hoặc trong tuần lễ theo sau ngày cuối cùng của niên học.

Về mỗi khoá thi, Ty Giáo dục sẽ ấn định ngày thi thống nhất và những nơi đặt Hội đồng thi trong toàn tỉnh sau khi được Khu Giáo dục thông qua.

Điều 4: - Sẽ tổ chức thành nhiều khu vực thi, mỗi khu vực gồm một số trường ở gần nhau.

Mỗi khu vực thi sẽ không tập trung quá đông học sinh để tránh cho học sinh khỏi phải đi xa.

Học sinh trường tư và dân lập (nếu có ở một địa phương) sẽ thi chung với học sinh trường quốc lập gần nhất.

Điều 5: - Lúc vào thi, thí sinh phải mang theo thẻ học sinh có ghi rõ ngày tháng năm sinh và nơi sinh và có chữ ký của thí sinh. Thẻ học sinh phải có chữ ký của Hiệu trưởng và dấu của nhà trường. Trên thẻ học sinh cần ghi nhận dạng nếu không có ảnh. Thẻ học sinh trường tư phải có thị thực của Ủy ban Hành chính từ cấp huyện hay quận trở lên.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN DỰ THI VÀ HỒ SƠ XIN THI

Điều 6: - Thí sinh phải đủ 11 tuổi tính đến ngày 31 tháng 12 năm thi, là học sinh lớp 4 một trường phổ thông trong năm mở khóa thì và đã học hết chương trình lớp ấy.

Những học sinh lớp 4 nghỉ học từ 1 tháng trở lên trong học kỳ 4 hoặc từ 2 tháng trở lên trong suốt niên học bất cứ vì một lý do gì sẽ không được dự thi, trừ trường hợp đặc biệt (tuy nghỉ nhiều nhưng hạnh kiểm tốt, học rất tiến bộ về cuối năm) thì Hội đồng nhà trường có thể quyết định cho thi.

Điều 7: - Học sinh không phải làm đơn xin dự thi, nhưng phải nộp cho nhà trường 1 bản giấy khai sinh nếu trong hồ sơ học sinh giữ tại trường chưa có.

Căn cứ vào giấy khai sinh và học bạ của học sinh, nhà trường sẽ lập danh sách những học sinh lớp 4 được Hội đồng nhà trường công nhận đủ điều kiện ghi tên.

Danh sách sẽ ghi rõ ràng họ tên học sinh, ngày tháng năm và nơi sinh, tên trường tên lớp và dành 1 cột để học sinh ký tên ngay tại trường.

Khi vào phòng thi thí sinh sẽ ký vào sổ báo danh.

Ở cuối danh sách Hiệu trưởng có trách nhiệm "kết toán và chứng nhận những học sinh ghi tên trong danh sách đều đủ điều kiện dự thi hết cấp".

Danh sách này, kèm theo giấy khai sinh và học bạ của học sinh, sẽ do Hiệu trưởng từng trường gửi đến Ty (hay đến trường được uỷ nhiệm tổ chức thi cho khu vực trường mình) 20 ngày trước kỳ thi.

Điều 8: - Ty giáo dục có thể uỷ nhiệm cho các trường được chọn đặt Hội đồng thi, phụ trách tổ chức vật chất kỳ thi ở Hội đồng ấy dưới sự chỉ đạo của Ty (nhận hồ sơ của các trường, lập sổ báo danh, sổ ghi điểm, chuẩn bị phòng thi v.v...)

Chương 3:

HỘI ĐỒNG THI

Điều 9: - Trong mỗi huyện hay mỗi quận sẽ tổ chức thành nhiều Hội đồng giám thị (nếu có nhiều khu vực thi) và một Hội đồng giám khảo phụ trách chấm bài thi của tất cả thí sinh trong huyện hay trong quận.

Nếu trong cùng một huyện, các trường ở xa nhau quá (như ở miền núi) thì có thể tổ chức Hội đồng giám thị riêng cho từng trường.

Điều 10: - Hội đồng giám thị có thể gồm nhiều Hiệu trưởng và giáo viên lớp 4 các trường có học sinh thi ở Hội đồng ầy, và nếu cần, giáo viên các lớp 1, 2, 3 của trường dùng làm địa điểm thi.

Thành phần Hội đồng giám khảo như sau:

- Tất cả Hiệu trưởng trường có học sinh thi.

- Tất cả giáo viên dạy lớp 4.

- Thêm một số giáo viên dạy lớp 3 nếu xét cần.

- Ty có thể cử một, hai cán bộ Ty tham gia Hội đồng.

Nhân viên Hội đồng giám khảo một huyện hay một quận không nhất thiết phải điều động ở huyện hay quận khác đến.

Điều 11: - Nhân viên các Hội đồng giám thị hoặc Hội đồng giám khảo sẽ do Ty Giáo dục cử và báo cáo lên Ủy ban Hành chính tỉnh.

Hội đồng giám thị hay Hội đồng giám khảo có quyền quyết định về mọi công việc trong kỳ thi.

Chương 4:

KỶ LUẬT

Điều 12: - Trong khi thi thí sinh không được thông đồng với nhau hay với ngoài, không được mang vào phòng thi những sổ sách, tài liệu...

Điều 13: - Thí sinh nào bị bắt quả tang gian lận trong kỳ thi sẽ bị đuổi ra khỏi phòng thi và có thể bị đuổi ra khỏi trường đang học.

Việc đuổi ra khỏi trường sẽ do Ty quyết định vào báo cáo lên Khu Giáo dục và Ủy ban Hành chính tỉnh.

Điều 14: - Nếu sự gian lận bị phát giác sau kỳ thi, thí sinh cũng có thể bị thi hành kỷ luật như: bị đuổi ra khỏi trường đang học, thu hồi giấy chứng nhận trúng tuyển.

Việc huỷ bỏ giấy chứng nhận sẽ do Ty Giáo dục quyết định và báo cáo lên Khu Giáo dục.

Chương 5:

CHƯƠNG TRÌNH THI VÀ CÁC BÀI THI

Điều 15: - Chương trình thi là chương trình lớp 4. Đề thi sẽ do Ty Giáo dục chọn thống nhất trong toàn tỉnh.

Điều 16: - Chỉ có kỳ thi viết. Có 4 bài thi:

1) Tập làm văn

2) Chính tả và câu hỏi (2 câu hỏi: 1 về từ ngữ, 1 về nội dung).

3) Toán: gồm 2 câu hỏi (1 về số học và 1 về mét hệ hay hình học) và 1 bài toán số.

4) Câu hỏi thường thức: (chương trình cả năm chủ yếu chương trình học kỳ 3 và học kỳ 4) gồm 3 câu hỏi: 1 về khoa học, 1 về sử, 1 về địa.

Chính tả và câu hỏi phải coi là một môn thi, câu hỏi thường thức cũng vậy.

Điều 17: - Thời gian mỗi bài thi là 60 phút (không kể thời giờ chép đầu đề)

Sẽ thi làm 2 buổi trong cùng 1 ngày:

- Sáng: Tập làm văn – Câu hỏi thường thức.

- Chiều: Toán – Chính tả và câu hỏi

Điều 18: - Trừ Khu Tự trị Thái Mèo, Khu học xá trung ương và trường Thiếu nhi Việt Nam ở Quế lâm (ở 3 nơi này các Hội đồng thi sẽ cho điểm theo thang điểm 5 bậc), tại các khu, tỉnh khác Hội đồng thi đều cho điểm trên 10 và không tính hệ số.

Chỉ cho điểm 0 (không) trong trường hợp thí sinh nộp giấy trắng. Nếu thí sinh bỏ thi 1 bài hay nộp giấy trắng thì coi là thiếu bài và bị loại (không cộng điểm các bài khác).

Điều 19:- Cách thức cho điểm về mỗi môn thi (điểm 5 bậc hay điểm trên 10) sẽ do Nha Giáo dục phổ thông ấn định trong một chỉ thị riêng.

Chương 6:

ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN VÀ XẾP HẠNG

Điều 20: - Sẽ được trúng tuyển, những thí sinh đủ điều kiện dưới đây:

-Tại Hội đồng thi cho điểm trên 10:

a) Có từ 20 điểm trở lên về tổng số điểm các bài thi,

b) Không thiếu một bài thi nào;

- Tại Hội đồng thi cho điểm 5 bậc:

a) Có điểm "3" trở lên về mỗi bài thi,.

b) Không thiếu một bài thi nào.

Điều 21: - Có hai trường hợp được đưa ra Hội đồng thi xét cùng với học bạ của học sinh:

- Tại Hội đồng thi cho điểm trên 10:

Chỉ được 19 điểm về tổng số điểm, nhưng bài thi về tập làm văn và toán được từ 5/10 trở lên.

- Tại hội đồng thi cho điểm 5 bậc:

Bị một điểm "2" không phải về tập làm văn hay toán, nhưng có 1 điểm "4" hay "5" về tập làm văn hay toán.

Trong việc xét với một thí sinh, toàn thể nhân viên Hội đồng giám khảo có quyền biểu quyết. Quyết định sẽ lấy theo đa số tương đối. Nếu số người biểu quyết ngang nhau, thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng giám khảo là ý kiến quyết định.

Nghị quyết của Hội đồng về việc xét vớt sẽ ghi rõ vào biên bản.

Điều 22:- Học sinh trúng tuyển được xếp hạng như sau:

- Tại Hội đồng thi cho điểm trên 10:

Thứ: nếu tổng số điểm được từ 20 đến 27 điểm.

Bình: nếu tổng số điểm được từ 28 đến 31 nhưng không có điểm từ "4" trở xuống về bất cứ bài nào.

Ưu: nếu tổng số điểm được từ 32 đến 35 điểm nhưng không có điểm nào từ "5" trở xuống.

Xuất sắc: nếu tổng số điểm được từ 36 điểm trở lên.

- Tại Hội đồng thi cho điểm 5 bậc:

Thứ: nếu các điểm thi đều được "3" trở lên.

Bình: nếu các điểm thực hiện đều được "4" trở lên trừ 1 điểm "3" không phải là về tập làm văn hay toán

Ưu: nếu các điểm thi đều được "5", trừ 1 điểm "4" về bất cứ bài nào.

Xuất sắc: Nếu các điểm thi đều được "5".

Điều 23: - Kết quả kỳ thi sẽ tuyên bố ngay sau khi Hội đồng giám khảo đã chấm và lập xong danh sách những học sinh trúng tuyển.

Danh sách thí sinh trúng tuyển sẽ niêm yết ngay tại địa điểm thi viết, và tại các trường có thí sinh đi thi.

Chương 7:

HỒ SƠ HỘI ĐỒNG THI

Điều 24: - Thi viết xong, Chủ tịch Hội đồng giám thị làm biên bản kỳ thi viết, rồi gửi đến Hội đồng giám khảo cùng các bài thi và đề thi, gói kín.

Điều 25: - Chấm thi xong, Chủ tịch Hội đồng giám khảo gửi về Ty Giáo dục biên bản Hội đồng thi kèm danh sách thí sinh trúng tuyển và hồ sơ thi. Biên bản phải có chữ ký của tất cả nhân viên Hội đồng thi.

Điều 26: - Ty Giáo dục, sau khi kiểm soát lại công việc của các Hội đồng thi, sẽ tổng kết tình hình kết quả kỳ thi trong toàn tỉnh và làm báo cáo về Khu Giáo dục, đồng thời gửi đến Ủy ban Hành chính tỉnh hay thành phố một bản sao báo cáo ấy.

Điều 27: - Khu Giáo dục sẽ đúc kết tình hình kết quả thi trong toàn khu và báo cáo lên Nha Giáo dục phổ thông.