Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VÀ BỘ BƯU ĐIỆN
*****

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 369-NĐ

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ TẠM THỜI VỀ VẬN CHUYỂN THƯ TÍN, BÁO CHÍ, BƯU PHẨM, BƯU KIỆN TRÊN CÁC ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BỘ BƯU ĐIỆN

Căn cứ thể lệ vận tải đường bộ ban hành kèm theo Nghị định số 09-NĐ ngày 07 tháng 3 năm 1956;

Căn cứ điều lệ tạm thời về vận chuyển hàng hoá trên đường bộ và đường thủy ban hành kèm theo Nghị định số 40-NĐ ngày 23 tháng 02 năm 1957;

Căn cứ thể lệ chuyên chở hàng hóa của đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 252-NĐ ngày 19 tháng 8 năm 1957;

Theo đề nghị của các ông: Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Giám đốc Nha Giao thông, Giám đốc Cục Vận tải thủy và Chủ nhiệm Tổng cục Đường sắt,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành thể lệ tạm thời về vận chuyển thư tín, báo chí, bưu phẩm, bưu kiện trên các đường bộ, đường sắt và đường thủy.

Điều 2. Các ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện, Giám đốc Nha Giao thông, Giám đốc Cục Vận tải thủy, Chủ nhiệm Tổng cục đường sắt, Ủy ban hành chính liên khu 4, các khu 3, Tả Ngạn, Hồng Quảng các Khu Tự trị Việt Bắc, Thái-mèo, các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Ban Cán sự Lao – Hà – Yên và Ủy ban hành chính trực thuộc trung ương thi hành nghị định này.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VÀ BỘ BƯU ĐIỆN

THỨ TRƯỞNG

Lê Dung

THỂ LỆ TẠM THỜI

VỀ VẬN CHUYỂN THƯ TÍN, BÁO CHÍ, BƯU PHẨM, BƯU KIỆN TRÊN CÁC ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vận chuyển bưu phẩm là nhiệm vụ chung của các ngành vận tải và bưu điện. Các ngành vận tải trong việc hoàn thành nhiệm vụ vận tải, có nhiệm vụ phục vụ vận chuyển bưu phẩm. Trong việc vận chuyển bưu phẩm, cả hai bên bưu điện và vận tải cần đứng trên lập trường chung của lợi ích Nhà nước, nhân dân mà phục vụ, đồng thời phải chiếu cố giúp đỡ lẫn nhau tôn trọng lợi ích của nhau một cách thích đáng.

Điều 2. Thể lệ này áp dụng cho tất cả các ngành vận tải quốc doanh cũng như tư doanh, xe tàu chở khách cũng như xe tàu chở hàng (trừ xe tàu vận tải chuyên dùng của các cơ quan, xí nghiệp và xe ô tô riêng của tư nhân không dùng vào việc kinh doanh chở khách, chở hàng) và bổ sung các điều lệ, thể lệ đã ban hành sau đây:

Thể lệ vận tải đường bộ ban hành kèm theo nghị định số 09-NĐ ngày 07 tháng 3 năm 1956.

Điều lệ tạm thời về vận chuyển hàng hóa trên đường bộ và đường thủy ban hành kèm theo nghị định số 40-NĐ ngày 23 tháng 02 năm 1957.

Thể lệ chuyên chở hàng hóa của Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo nghị định số 252-NĐ ngày 19/8/1957.

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH VẬN TẢI

Điều 3. Trên các đường xe lửa, đường bộ có ô tô chạy hoặc đường thủy có ca nô, tàu thủy đi lại thường xuyên để kinh doanh chở khách hoặc chở hàng, thuận lợi cho việc vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện thì các ngành vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy quốc doanh cũng như tư doanh phải có trách nhiệm vận chuyển bưu kiện, bưu phẩm cho bưu điện.

Điều 4. Khi xe chở bưu kiện, bưu phẩm bị hỏng dọc đường, xe đi sau (trừ xe chuyên dụng của các cơ quan, xí nghiệp và xe ô tô riêng của tư nhân không dùng vào việc kinh doanh chở khách, chở hàng) bất kỳ xe của quốc doanh hay tư doanh, xe chở khách hay chở hàng, có ký hợp đồng hay không có ký hợp đồng vận chuyển bưu phẩm đều có trách nhiệm chuyên chở tiếp thư tín, báo chí, bưu phẩm, bưu kiện và hộ tống viên của bưu điện. Nếu vì lý do này mà chở quá trọng tải không bị phạt. Tiền thuê vận chuyển tiếp những bưu phẩm, bưu kiện do chủ xe có ký hợp đồng vận chuyển bưu phẩm trả.

Trường hợp xe đi sau đã chở nặng, không thể chở hết bưu phẩm, bưu kiện và hộ tống viên thì chở những gói thư tín, báo chí và hộ tống viên. Những gói bưu kiện, bưu phẩm khác (cồng kềnh và không cần nhanh chóng như thư tín và báo chí) thì chủ xe hay người thay mặt chủ xe của chiếc xe hỏng có trách nhiệm giữ gìn cẩn thận và chuyển tiếp đến Bưu cục nhận.

Điều 5. Trường hợp xe, tàu bị tai nạn, túi gói của bưu điện phải được ưu tiên cấp cứu.

Điều 6. Trên xe lửa, phải có chỗ để bưu phẩm riêng, không được để lẫn với hành khách, hàng hóa, súc vật. Trường hợp khối lượng bưu kiện, bưu phẩm nhiều quá dung tích đã thuê thường xuyên thì đường sắt có trách nhiệm bố trí chỗ để bưu phẩm quá dung tích đã thuê được an toàn.

Vị trí toa chở bưu phẩm phải móc cố định trong các chuyến và toa phải có đủ ánh sáng cho hộ tống viên bưu điện làm việc được thuận tiện. Trường hợp vị trí toa chở bưu phẩm thay đổi bất thường thì ga lập tàu có nhiệm vụ báo cho các ga đến để báo cho nhân viên giao nhận thư của bưu điện biết vị trí thay đổi của toa. Mỗi khi thay đổi giờ tàu và số hiệu tàu, đường sắt phải báo cho bưu điện biết trước 36 tiếng đồng hồ (trong trường hợp bình thường) hoặc 4, 5 tiếng đồng hồ (trong trường hợp đặc biệt).

Điều 7. Các xa trưởng (nếu là xe lửa), các chủ xe ô tô, ca nô, tàu thủy, hay người đại diện chủ xe, tàu có quyền khám xét chỗ để bưu phẩm trên xe, tàu của mình nếu nghi trong ấy có chứa những thứ hàng hóa không phải là bưu phẩm, bưu kiện hoặc những chất thuốc nổ, chất dễ bốc cháy v.v… có thể hại đến an toàn của xe, tàu.

Những hàng hóa không phải là bưu phẩm, bưu kiện là những loại hàng không cho vào bao túi và không có gắn xi và dấu của bưu điện.

Khi khám xét, nếu phát hiện có những chất dễ bốc cháy, thuốc nổ thì chủ phương tiện có quyền lập biên bản giữ số thuốc và những chất ấy nộp cho công an đồng thời báo cho bưu cục nơi hộ tống viên biết. Nếu phát hiện ra hàng hóa không phải là bưu phẩm, bưu kiện thì có quyền bất hộ tống viên phải bỏ những thứ ấy ra ngoài phạm vi chỗ để bưu phẩm và trả cước chuyên chở hàng hóa ấy (nếu xét cần) và đồng thời báo cho công an thuế vụ nếu nghi đó là hàng cấm sản xuất chuyên chở hoặc tàng trữ hay hàng buôn bán lậu thuế.

Mặc dầu vì vô tình hay hữu ý của hộ tống viên mà trong chỗ để bưu phẩm có những hàng hóa không phải bưu phẩm, bưu kiện hoặc những chất nổ, chất dễ cháy hộ tống viên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự phạm pháp ấy.

Điều 8. Tất cả, chủ, lái và công nhân của các loại phương tiện vận chuyển không có quyền mở các bao túi bưu phẩm, bưu kiện để khám xét. Nhưng có nhiệm vụ báo cho công an, thuế vụ nếu nghi là trong bao túi bưu phẩm có hàng cấm sản xuất, chuyên chở hoặc tàng trữ hoặc hàng hóa lậu thuế. (việc khám xét bao túi sẽ có quy định riêng).

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA BƯU ĐIỆN

Điều 9. Bưu điện phải giao nhận gói bưu phẩm và bưu kiện đúng giờ.

Điều 10. Bưu điện phải ghi trọng lượng gói bưu phẩm và bưu kiện trên lá nhãn. Các hãng xe, tàu có thể kiểm soát trọng lượng nếu nghi ngờ cân sai.

Điều 11. Bưu điện phải thanh toán cước phí chuyển vận túi gói và hộ tống viên cho hãng xe, tàu vận tải ít nhất nửa tháng một lần sau khi chuyển vận. Việc thanh toán áp dụng theo điều 12 chương 1 của bản điều lệ tạm thời về chuyển vận hàng hóa trên đường bộ và đường thủy (nghị định số 40-NĐ ngày 23/02/1957).

Chương 4:

XỬ LÝ HỢP ĐỒNG

Điều 12. Việc ký hợp đồng giữa bưu điện và người làm vận tải, việc sửa đổi, gia hạn hoặc hủy bỏ hợp đồng áp dụng theo điều 1, điều 26 và điều 27 của điều lệ tạm thời vận chuyển hàng hóa trên đường bộ và đường thủy (nghị định số 40-NĐ).

Điều 13. Khi một bên không thi hành đúng hợp đồng đã ký kết gây thiệt hại cho bên kia thì phải đền mọi phí tổn cho bên kia. Nếu sự thương lượng giữa hai bên không xong thì cơ quan vận tải nơi ký hợp đồng có nhiệm vụ dàn xếp. Trường hợp cơ quan vận tải nơi ký hợp đồng dàn xếp không xong thì:

a. Nếu là giữa bưu điện và vận tải quốc doanh thì hai bên có nhiệm vụ báo cáo cho ông Giám đốc Bưu điện trung ương và ông Giám đốc ngành vận tải của mình, cùng nhau thương lượng giải quyết; giải quyết không xong mới báo cáo về Bộ Giao thông và Bưu điện xét và quyết định.

b. Nếu là giữa bưu điện và nhà vận tải tư doanh thì một trong hai bên có quyền khiếu nại trước tòa án.

Chương 5:

THI HÀNH THỂ LỆ

Điều 14. Thể lệ này thi hành bắt đầu từ ngày 15 tháng 11 năm 1957. Ban hành kèm theo nghị định số 369-NĐ ngày 08 tháng 11 năm 1957.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VÀ BỘ BƯU ĐIỆN

THỨ TRƯỞNG

Lê Dung