Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 420-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 1959

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ XÍ NGHIỆP CÔNG TƯ HỢP DOANH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ nghị quyết của Quốc hội;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội thương;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành điều lệ về xí nghiệp công tư hợp doanh kèm theo nghị định này.

Điều 2. – Ông Bộ trưởng Bộ Nội thương ấn định và công bố chi tiết thi hành điều lệ về xí nghiệp công tư hợp doanh.

Điều 3. – Các ông Bộ trưởng Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương, Bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ Văn hóa và Ủy ban Hành chính khu, thành, tỉnh chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

VỀ XÍ NGHIỆP CÔNG TƯ HỢP DOANH

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Để hướng dẫn tổ chức xí nghiệp công tư hợp doanh nhằm cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh, nay ban hành bản điều lệ này, quy định những nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của xí nghiệp công tư hợp doanh.

Điều 2. – Xí nghiệp công tư hợp doanh là xí nghiệp trước của tư nhân nay do nhà nước và người chủ cũ của xí nghiệp cùng nhau quản lý.

Điều 3. – Trong xí nghiệp công tư hợp doanh thành phần xã hội chủ nghĩa giữ địa vị lãnh đạo. Quyền lợi hợp pháp của cổ phần tư nhân được Nhà nước bảo hộ.

Điều 4. – Thực hành công tư hợp doanh với một xí nghiệp tư bản tư doanh phải căn cứ vào yêu cầu về kinh tế của Nhà nước và sự tự nguyện của chủ xí nghiệp.

Điều 5. – Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh xét định việc công tư hợp doanh và giao cho những cơ quan nghiệp vụ của Nhà nước có trách nhiệm quản lý các xí nghiệp công tư hợp doanh ở địa phương phụ trách.

Điều 6. – Xí nghiệp công tư hợp doanh phải thi hành chính sách và thực hiện kế hoạch của Nhà nước.

Chương 2:

VỐN, CỔ PHẦN

Điều 7. – Vốn của xí nghiệp công tư hợp doanh là do tư nhân cùng với Nhà nước hoặc một xí nghiệp công tư hợp doanh khác góp lại.

Vốn có thể góp bằng máy móc, dụng cụ, nguyên liệu, hàng hóa, nhà, đất, tiền mặt, vàng, bạc, ngọc, đá quý và những tài sản khác cần thiết cho sự hoạt động của xí nghiệp.

Điều 8. – Tài sản của tư nhân đưa vào xí nghiệp công tư hợp doanh phải được định giá và quy thành cổ phần. Việc định giá do hai bên công và tư thương lượng, có đại biểu của công nhân viên chức tham gia và phải được Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh xét duyệt.

Điều 9. – Xí nghiệp công tư hợp doanh có thể gọi thêm cổ phần tư nhân.

Chương 3:

QUẢN LÝ KINH DOANH

Điều 10. – Trong xí nghiệp công tư hợp doanh việc quản lý kinh doanh do cán bộ của Nhà nước cử đến phụ trách, có đại biểu của công nhân viên chức và đại biểu của cổ đông tư nhân hoặc chủ xí nghiệp cũ tham gia, trừ trường hợp chủ xí nghiệp cũ không đủ điều kiện quản lý xí nghiệp.

Điều 11. – Trong xí nghiệp công tư hợp doanh, các người phụ trách xí nghiệp do Nhà nước bổ nhiệm sau khi hai bên công và tình hình đã thương lượng và thỏa thuận. Người phụ trách xí nghiệp phải có quyền hạn và phải làm tròn nhiệm vụ của mình.

Điều 12. – Trong xí nghiệp công tư hợp doanh, những công nhân, viên chức làm việc trong xí nghiệp cũ vẫn được tiếp tục làm việc và được sử dụng vào những công việc thích đáng đã có điều kiện phát huy khả năng của mình.

Những người làm việc lâu năm trong xí nghiệp cũ nay mất sức lao động sẽ được chiếu cố thích đáng.

Điều 13. – Trong xí nghiệp công tư hợp doanh, chế độ tiền lương, phúc lợi, phụ cấp... đối với công nhân, viên chức cũ được giữ nguyên như trong xí nghiệp cũ và sẽ được dần dần nghiên cứu cải tiến theo chế độ trong xí nghiệp quốc doanh cùng ngành.

Điều 14. – Tùy tình hình cụ thể của từng xí nghiệp công tình hình hợp doanh mà thi hành chế độ công nhân, viên chức tham gia quản lý xí nghiệp cho thích hợp.

Điều 15. – Xí nghiệp công tư hợp doanh phải chấp hành đúng những điều quy định của cơ quan nghiệp vụ của Nhà nước về các mặt sản xuất, kinh doanh, tài vụ, lao động, v.v...

Chương 4:

PHÂN PHỐI LÃI

Điều 16. – Tiền lãi hàng năm của xí nghiệp công tư hợp doanh sẽ phân chia theo cách dưới đây:

Không cứ xí nghiệp công tư hợp doanh kinh doanh có lãi hay không, cổ phần tư nhân cũng vẫn được hưởng một số lãi hàng năm cố định. Tỷ lệ lãi hàng năm cố định ấy tùy tình hình cụ thể của từng xí nghiệp và từng địa phương do hai bên công và tư thương lượng thỏa thuận, và phải được Ủy ban Hành chính khu, thành hoặc tỉnh xét duyệt.

Ngoài ra trong trường hợp cá biệt có thể chia lãi theo cách:

Cuối mỗi năm kinh doanh, sau khi nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước, thanh toán các chi phí kinh doanh và bù trừ các khoản lỗ trong các năm trước, thì số lãi còn lại sẽ sử dụng như sau:

- Tích lũy vốn cho xí nghiệp,

- Phúc lợi cho công nhân, viên chức,

- Trả lãi cho cổ phần công và tư.

Tỷ lệ của những khoản trên đây sẽ tùy tình hình cụ thể của từng xí nghiệp do hai bên công và tư thương lượng thỏa thuận, và phải được Ủy ban Hành chính khu, thành hoặc tỉnh xét duyệt.

Điều 17. – Quyết toán hàng năm và phương án chia lãi của xí nghiệp công tư hợp doanh phải được cơ quan phụ trách quản lý xí nghiệp công tư hợp doanh cấp khu, thành, tỉnh xét duyệt mới thi hành.

Điều 18. – Tiền lãi của cổ phần tư nhân do Ban Giám đốc của xí nghiệp công tư hợp doanh trả cho cổ đông tư nhân. Phần lãi của Chính phủ thì nộp vào công quỹ.

Tiền tích lũy vốn dùng để tăng thêm vốn hoạt động, phát triển kinh doanh, mua sắm thêm thiết bị cho xí nghiệp, hoặc để góp vốn vào một xí nghiệp công tư hợp doanh khác.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN PHỤ

Điều 19. – Ngoài những điều đã quy định trong bản điều lệ này, khi thi hành, nếu thấy điều gì cần quy định thêm trong phạm vi không trái với chính sách và bản điều lệ này, thì hai bên công và tư có thể thương lượng để quy định thêm, và đề nghị lên Ủy ban Hành chính khu, thành, tỉnh xét duyệt.

Điều 20. – Bản điều lệ này áp dụng cho tất cả các cơ sở công tư hợp doanh thuộc các ngành công nghiệp, thương nghiệp, phục vụ, ăn uống, vận tải.