Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 44/2010/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2010

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY MẸ - TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 142/2007/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 9 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2005;
Căn cứ Luật Dầu khí năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 142/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 4 như sau:

“Vốn điều lệ của Công ty mẹ tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2009 là 118.000 tỷ đồng (một trăm mười tám nghìn tỷ đồng)”.

2. Sửa đổi khoản 3 Điều 5 như sau:

“Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trực tiếp quản lý và hạch toán toàn bộ vốn góp của Chính phủ Việt Nam trong Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro theo pháp luật Việt Nam và Hiệp định liên Chính phủ ký ngày 16 tháng 7 năm 1991, Công ty mẹ có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn được giao”.

3. Bổ sung thêm điểm e vào khoản 3 Điều 18 như sau:

“Hàng năm, trong trường hợp Chính phủ không có quy định khác, Công ty mẹ phải xây dựng kế hoạch về nhu cầu chi ngoại tệ báo cáo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ nhu cầu chi ngoại tệ, Công ty mẹ được sử dụng một phần số ngoại tệ phải nộp ngân sách nhà nước để cân đối cho nhu cầu chi tiêu ngoại tệ nhưng không vượt quá 50% nhu cầu chi ngoại tệ của Công ty mẹ. Phần còn thiếu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tự cân đối. Các khoản thu nộp ngân sách nhà nước tương ứng với số ngoại tệ nói trên sẽ được quy đổi ra tiền đồng (VNĐ) theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại thời điểm nộp tiền.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn và kiểm tra việc cân đối ngoại tệ của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.

4. Bỏ đoạn cuối cùng của Điều 23 và bổ sung thêm khoản 5 vào Điều 23 như sau:

“5. Trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi theo chế độ tài chính hiện hành như đối với các công ty nhà nước khác. Ngoài mức trích theo quy định, Công ty mẹ được trích tăng thêm từ lợi nhuận sau thuế để bổ sung vào Quỹ khen thưởng tương ứng với phần còn thiếu nhưng tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện cho cán bộ, công nhân viên đối với các đơn vị do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 100% vốn, mới đi vào hoạt động, chưa có lợi nhuận hoặc lợi nhuận không đủ để trích Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi theo quy định tại khoản 5 Điều 24 Nghị định này và 01 tháng tiền lương thực hiện cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại các Ban Quản lý dự án dầu khí trọng điểm.

Phần trích tăng thêm được hạch toán và theo dõi thành một mục riêng trong tài khoản Quỹ khen thưởng của Công ty mẹ, cuối năm, khi phần trích tăng chi không hết thì được để lại ở quỹ để chi tiếp cho các năm sau.

Số lợi nhuận còn lại chuyển vào Quỹ đầu tư phát triển”.

5. Bổ sung vào khoản 5 Điều 24 như sau:

“Hội đồng quản trị Tập đoàn sử dụng phần trích tăng thêm vào mục đích:

- Khen thưởng cho tập thể, cá nhân, các Ban Quản lý dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí;

- Hỗ trợ phần còn thiếu cho các đơn vị do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 100% vốn, mới đi vào hoạt động, chưa có lợi nhuận hoặc lợi nhuận không đủ để trích Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi thì đơn vị được giảm phần trích Quỹ đầu tư phát triển (nếu có) để đảm bảo mức tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện cho 2 quỹ này. Trường hợp Quỹ đầu tư phát triển của đơn vị không đủ thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ phần còn thiếu;

Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc trích lập và sử dụng Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi cho nhu cầu này và chịu trách nhiệm về việc trích lập và sử dụng quỹ”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2010.

Các quy định về quản lý tài chính đối với công ty nhà nước ban hành tại Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác và Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 142/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ không trái với Nghị định này, Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn có trách nhiệm thực hiện.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy Ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng