Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 45-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 1960

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ VIỆC NỘP TIỀN LỢI NHUẬN VÀ TIỀN KHẤU HAO CƠ BẢN CỦA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH CHO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Quyết định số 130-TTg ngày 04-4-1957 của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành từng bước chế độ hạch toán kinh tế;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 22-6-1960.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Nay ban hành điều lệ kèm theo nghị định này về chế độ thu, nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản của các xí nghiệp quốc doanh cho ngân sách Nhà nước.

Điều 2: - Nay bãi bỏ thể lệ tạm thời số 130-TTg ngày 04 tháng 4 năm 1957.

Điều 3: - Ông Bộ Trưởng Bộ Tài chính, ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, các ông Bộ trưởng các Bộ chủ quản xí nghiệp và các Uỷ ban hành chính khu tự trị, thành phố, tỉnh chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ





Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

VỀ VIỆC NỘP TIỀN LỢI NHUẬN VÀ TIỀN KHẤU HAO CƠ BẢN CỦA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH CHO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Điều 1: - Điều lệ này quy định chế độ nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản của các xí nghiệp quốc doanh (dưới đây gọi tắt là: các xí nghiệp) cho ngân sách Nhà nước, nhằm mục đích: tăng cường việc thực hiện chế độ hạch toán kinh tế ở các xí nghiệp, đẩy mạnh việc thu nộp, bảo đảm cho Nhà nước thoả mãn kịp thời nhu cầu vốn xây dựng chủ nghĩa xã hội.

II. NGUYÊN TẮC NỘP

Điều 2: - Tiền lợi nhuận và tiền khấu hao của các xí nghiệp phải được nộp vào ngân sách Nhà nước đủ số và đúng hạn, theo quy định của điều lệ này, sau khi đã trừ phần xí nghiệp được giữ lại để bù vào số lỗ, phần trích lập quỹ xí nghiệp và phần khấu hao sửa chữa lớn.

Trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định, các xí nghiệp, các Bộ và cơ quan chủ quản xí nghiệp (dưới đây gọi tắt là: các Bộ chủ quản) phải thực hiện các khoản chi theo thứ tư ưu tiên sau đây: trước hết bảo đảm trả lương cho công nhân, thứ hai là nộp đủ tiền lợi nhuận, tiền khấu hao cơ bản cho ngân sách Nhà nước, sau đó mới được chi cho các khoản khác.

III. ĐỐI TƯỢNG NỘP

Điều 3: - Tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản của các xí nghiệp, phải do các đơn vị nộp trực tiếp nộp thẳng vào kho bạc Nhà nước (dưới đây gọi tắt là: kho bạc) theo kế hoạch nộp đã được Bộ chủ quản duyệt y.

Các đơn vị nộp là: các xí nghiệp cơ sở đã hạch toán độc lập, gồm các xí nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, vận tải, xây lắp bao thầu, cung tiêu, thương nghiệp và các đơn vị kiến thiết cơ bản thuộc mỗi Bộ chủ quản, và do Bộ chủ quản ấn định sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Tổng hàng là đơn vị nộp.

Đơn vị nộp có thể nộp tập trung vào kho bạc trung ương hoặc uỷ nhiệm các xí nghiệp trực thuộc nộp tại kho bạc ở địa phương.

IV. KẾ HOẠCH NỘP

Điều 4: - Hàng năm, chậm nhất là 15 ngay sau khi kế hoạch thu chi tài vụ của Bộ chủ quản đã được Nhà nước quyết duyệt y, các Bộ chủ quản phải căn cứ vào các chỉ tiêu tài vụ đã được duyệt mà lập một bản kế hoạch nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản của năm kế hoạch (có chia ra từng quý) gửi cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trung ương.

Trong bản kế hoạch đó phải phân tích rõ số tiền nộp của từng xí nghiệp cơ sở. Mẫu bảng sẽ do Bộ Tài chính quy định.

Trong năm, nếu kế hoạch nộp có sự thay đổi, phải báo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trung ương biết.

Điều 5: - Chậm nhất 20 ngày trước khi vào mỗi quý, các Bộ chủ quản phải căn cứ vào kế hoạch nộp hàng năm mà lập và gửi Bộ Tài chính 3 bản kế hoạch nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản của quý tới, có chia ra từng tháng (theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.)

Điều 6: - Để đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm, con số phải nộp ghi trong kế hoạch hàng quý phải được lập trên tinh thần bảo đảm hoàn thành vượt mức số ghi của quý đó trong kế hoạch nộp hàng năm.

Điều 7: - 15 ngày sau khi nhận được kế hoạch hàng quý của các Bộ chủ quản, Bộ Tài chính phải xét duyệt xong và thông tri con số phải nộp cả quý có chia ra từng tháng cho Bộ chủ quản, đồng thời gửi bản sao cho Ngân hàng Nhà nước trung ương.

Điều 8: - Trong 10 ngày đầu mỗi quý, các Bộ chủ quản phải thông trì con số phải nộp trong quý đó cho các đơn vị nộp, có phân từng tháng và từng lần nộp.

Khi các Bộ chủ quản thông tri cho các đơn vị nộp, phải đồng thời gửi bản sao cho Ngân hàng Nhà nước trung ương và một bản sao cho Bộ Tài chính.

V. THỦ TỤC NỘP

Điều 9: - Mỗi tháng 2 lần, các đơn vị nộp và các xí nghiệp cơ sở được uỷ nhiệm nộp (dưới đây gọi tắt là các đơn vị nộp) phải nộp vào kho bạc số tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản theo kế hoạch và tỷ lệ nộp của mỗi lần trong tháng quy định như sau:

a) Các đơn vị nộp thuộc vào Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ và Ngân hàng Nhà nước trung ương lần thứ nhất nộp từ 30% đến 40% trước ngày 17 tháng đó, lần thứ hai nộp từ 60% đến 70% trước ngày 2 tháng sau. Các nhà máy điện quốc doanh nộp hàng tháng một lần trong thời gian 5 ngày sau khi thu tiền điện.

b) Các đơn vị nộp thuộc Bộ Công nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục Lâm nghịêp, Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Kiến trúc, Bộ Thủy lợi và Điện lực, Bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương, lần thứ nhất nộp từ 30% đến 40% trước ngày 20 tháng đó, lần thứ hai nộp từ 60% đến 70% trước ngày 5 tháng sau.

Số tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản mà các đơn vị xây dựng cơ bản phải nộp hàng tháng sẽ nộp trước ngày cuối cùng của tháng đó. Các Bộ chủ quản sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của các đơn vị nộp thuộc Bộ mình để quy thời gian nộp đối với từng đơn vị cho thích hợp.

Đối với các đơn vị nộp mà số tiền nộp hàng tháng quá ít, hoặc ở xa kho bạc, thì Bộ chủ quản có thể cho phép nộp một tháng một lần, sau khi được Bộ Tài chính thỏa thuận.

Điều 10: - Các xí nghiệp, các Bộ chủ quản và Bộ Tài chính khi báo cáo hoặc nhận xét về tình hình hoàn thành kế hoạch nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản của đơn vị nộp phải lấy con số thực tế đã nộp vào kho bạc và ngày nộp vào kho bạc ở địa phương làm căn cứ.

Điều 11: - Khi nộp tiền, đơn vị nộp phải làm giấy nộp tiền có 4 mảnh gửi cho kho bạc chịu trách nhiệm thu tiền. Sau khi thu tiền, kho bạc sẽ gửi giấy nộp tiền cho những nơi sau đây:

- Một mảnh kho bạc thu tiền giữ;

- Một mảnh trả cho đơn vị nộp;

- Một mảnh gửi cho Bộ chủ quản;

- Một mảnh gửi cho Bộ Tài chính;

Trường hợp Bộ Tài chính và Bộ chủ quản xét thấy đơn vị nào cần phải gửi thêm cho cơ quan nào khác, sẽ chỉ thị cho các đơn vị nộp lập thêm một, hai mảnh, tuỳ theo nhu cầu và báo cho kho bạc biết.

Điều 12: - Bắt đầu từ quý IV năm 1960, giấy nộp tiền phải được thống nhất theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.

Nếu giấy nộp tiền không hợp lệ (không đủ mảnh đã quy định, ghi thiếu một số điểm nào đã quy định, thiếu chữ ký và dấu của đơn vị nộp, v.v…) thì kho bạc thu tiền từ chối không nhận. Trong trường hợp này, đơn vị nộp phải lập lại giấy nộp tiền ngay trong hạn 24 giờ.

Kho bạc ở địa phương phải ghi sổ các khoản nộp cho dự toán trung ương hay dự toán địa phương đúng như đã ghi trên giấy nộp tiền và đặc biệt chú ý các khoản thu điều tiết giữa trung ương và địa phương: khoản nào thuộc dự toán trung ương, thì phải ghi nộp vào tài khoản của trung ương, khoản nào thuộc dự toán địa phương thì phải ghi nộp vào tài khoản của địa phương.

VI. KẾT TOÁN, THANH TOÁN VIỆC NỘP

Điều 13: - Sau khi có báo cáo quyết toán lập theo thời hạn quy định trong chế độ báo cáo quyết toán của Nhà nước, các xí nghiệp, các Bộ chủ quản và Bộ Tài chính phải tiến hành kết toán hàng tháng, hàng quý và thanh toán hàng năm nhiệm vụ thu nộp của Bộ chủ quản trong các kỳ kết toán, thanh toán, theo các điều 14, 15, 16 và 17 dưới đây.

Điều 14: - Nói chung, các đơn vị nộp phải làm kết toán hàng tháng việc nộp cho Nhà nước. Đối với những đơn vị nộp hiện nay chưa đủ điều kiện để làm, Bộ chủ quản sẽ cùng Bộ Tài chính xét định cho tạm thời được miễn làm, nhưng phải cố gắng chuẩn bị, tao điều kiện để chậm nhất từ quý I năm 1961, có thể thực hiện kế hoạch kết toán hàng tháng.

Điều 15: - Kết toán hàng quý và thanh toán hàng năm làm theo quy định sau đây:

Nếu đơn vị nộp hoàn thành kế hoạch tổng trị giá sản lượng, kế hoạch lợi nhuận và kế hoạch nộp tiền lợi nhuận của kỳ kết toán hoặc kỳ thanh toán năm đã được cấp trên duyệt y, thì đơn vị nộp căn cứ theo những quy định hiện hành về việc trích lập quỹ xí nghiệp, để trích phần quỹ xí nghiệp được trích trong kỳ kết toán quý hoặc kỳ thanh toán năm.

Tổng số tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản thực tế đã hoàn thành trong kỳ kết toán hàng quý hoặc kỳ thanh toán năm, sau khi đã trừ phần bù lỗ kế hoạch của đơn vị bị lỗ (theo kế hoạch đã được Nhà nước duyệt y) và phần trích lập quỹ xí nghiệp, còn lại là số tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản thực tế phải nộp trong kỳ kết toán quý hoặc kỳ thanh toán năm. Nếu số tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản phải nộp đó nhiều hơn số thực tế đã nộp thì đơn vị nộp phải nộp thêm số chênh lệch vào kho bạc ngay sau khi gửi báo cáo lên cấp trên. Nếu số thực tế đã nộp nhiều hơn số phải nộp thì số tiền đã nộp thừa sẽ hoàn trả cho đơn vị nộp hoặc chuyển làm số phải nộp kỳ sau theo yêu cầu của đơn vị nộp.

Điều 16: - Để bảo đảm con số kết toán và thanh toán được chính xác và thống nhất với con số của kho bạc trước khi báo cáo lên trên, các đơn vị nộp phải đối chiếu con số của mình với con số của kho bạc thu tiền.

VII. TRÁCH NHIỆM VÀ KỶ LUẬT NỘP

Điều 17: - Đơn vị nộp có trách nhiệm nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản theo kế hoạch, đồng thời phải kết toán, thanh toán việc nộp theo thực tế cho đủ số và đúng kỳ hạn. Các Bộ chủ quản có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị nộp hoàn thành kế hoạch nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản cho đủ số và đúng hạn.

Điều 18: - Ngân hàng Nhà nước trung ương có trách nhiệm thông qua công tác tín dụng, thanh toán và quản lý tiền mặt, mà giám đốc việc thu nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản cho ngân sách Nhà nước. Nếu đến kỳ hạn nộp mà đơn vị vẫn không hoàn thành nhiệm vụ nộp, thì Ngân hàng ở địa phương được phép chuyển số tiền gửi trong tài khoản “tiền gửi thanh toán” của các đơn vị nộp ấy để nộp cho kho bạc số tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản mà đơn vị ấy phải nộp, khi chuyển số tiền gửi nói trên của đơn vị nộp để nộp vào Kho bạc, nếu đúng vào kỳ trả lương của đơn vị nộp, thì Ngân hàng phải để lại cho đơn vị nộp đủ số tiền để trả lương, số còn lại mới được chuyển nộp. Sau khi đã chuyển hết số tiền gửi của đơn vị nộp để nộp vào kho bạc, mà vẫn chưa đủ số tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản mà đơn vị nộp ấy phải nộp vào kho bac, thì Ngân hàng phải báo ngay cho đơn vị nộp biết để tìm biện pháp nộp thêm cho đủ.

Trường hợp vì lý do chính đáng (như khi được điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tiêu thụ, v.v…) mà không có khả năng nộp đủ và đúng hạn số tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản phải nộp, thì đơn vị nộp sẽ báo cáo lên trên, theo từng cấp một; sau khi được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch mới được điều chỉnh số nộp hoặc hoãn kỳ nộp tiền.

Trên tinh thần tích cực thúc đẩy việc thu nộp cho ngân sách Nhà nước, kho bạc ở các địa phương phải bảo đảm chuyển và báo cáo thật nhanh số tiền thu được hàng ngày của các đơn vị nộp về kho bạc trung ương, không được để quá hạn chuyển tiền đã quy định trong chế độ chuyển tiền của Nhà nước.

Điều 19: - Bộ tài chính phải giám đốc, đôn đốc việc nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản cũng như việc kết toán, thanh toán việc nộp của các đơn vị nộp, bảo đảm thu đủ, đúng hạn và phải báo cáo tình hình nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản của các Bộ chủ quản lên Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp đơn vị nộp cố ý không thi hành đúng nhiệm vụ nộp, Bộ Tài chính phải báo cáo cho Bộ chủ quản và Thủ tướng Chính phủ để truy cứu trách nhiệm.

Điều 20: - Đơn vị nào không thực hiện đúng nhiệm vụ nộp cho ngân sách Nhà nước như đã quy định trong điều lệ này thì sẽ coi như không có đủ điều kiện để trích lập quỹ xí nghiệp.

VIII. CÁC ĐIỀU CHUNG

Điều 21: - Các khoản thu khác như thu về biến giá tài sản cố định, về xây dựng cơ bản, về vốn lưu động thừa … của các xí nghiệp quốc doanh, cũng đều nộp cho ngân sách Nhà nước theo quy định của điều lệ này.

Điều 22: - Đối với các xí nghiệp xây lắp nhận thầu và các đơn vị xây dựng tự làm có nhiệm vụ thu nộp cho Nhà nước, thì Ngân hàng kiến thiết phải làm nhiệm vụ giám đốc việc thu nộp như đã quy định trong điều lệ này cho Ngân hàng Nhà nước trung ương.

Điều 23: - Các Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh sẽ căn cứ vào điều lệ này mà quy định cụ thể việc thu nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản của các xí nghiệp quốc doanh do địa phương quản lý và báo cáo cho Bộ Tài chính duyệt y trước khi thi hành.