Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 63-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 1994

NGHỊ ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 63-CP NGÀY 11-7-1994 63 VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ THUỶ LỢI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Bộ Thuỷ lợi là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước (trừ nước nguyên liệu khoán và nước địa nhiệt); về quản lý khai thác công trình thuỷ lợi và công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều trong cả nước.

Điều 2.- Bộ Thuỷ lợi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định tại Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ và các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1- Xây dựng trình Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tổng thể và khu vực về phát triển nguồn nước; về xây dựng quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi và phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều theo yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và chỉ đạo, kiểm tra thực hiện;

2- Xây dựng trình Chính phủ ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp quy, các chính sách, chế độ, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn nước, các công trình thuỷ lợi và phòng, chống lụt bão, bảo vệ đê điều;

3- Trình Chính phủ xét duyệt hoặc xét duyệt theo thẩm quyền luận chứng kinh tế - kỹ thuật các dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi, đồ án thiết kế, thi công và nghiệm thu các công trình thuỷ lợi theo quy định hiện hành của Chính phủ về quản lý xây dựng cơ bản;

4- Tổ chức việc cấp hoặc thu hồi các loại giấy phép xây dựng, khai thác, sử dụng nước có liên quan đến nguồn nước, môi trường nước và an toàn công trình thuỷ lợi;

5- Thực hiện nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống lụt bão trong cả nước;

6- Chỉ đạo việc vận hành điều tiết các công trình thuỷ lợi lớn, sử dụng tổng hợp, công trình liên tỉnh;

7- Thực hiện nhiệm vụ Thường trực Uỷ ban Quốc gia Mê Công của Việt Nam và chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến việc quản lý, khai thác sông Mê Công;

8- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện luật pháp, chính sách, chế độ về quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn nước, công trình thuỷ lợi và công tác phòng, chống lụt bão, bảo vệ đê điều trong cả nước.

Điều 3.- Bộ máy tổ chức của Bộ Thuỷ lợi:

a) Tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước:

1- Vụ Kế hoạch.

2- Vụ Khoa học - kỹ thuật.

3- Vụ Tài chính - Kế toán và Thống kê.

4- Vụ Tổ chức - Cán bộ.

5- Thanh tra.

6- Vụ Hợp tác Quốc tế.

7- Vụ Quản lý xây dựng công trình thuỷ lợi.

8- Văn phòng Bộ.

9- Cục Quản lý nước và khai thác công trình thuỷ lợi.

10- Cục Phòng, chống lụt bão và quản lý đê điều.

b) Các tổ chức sự nghiệp:

1- Viện Quy hoạch thuỷ lợi.

2- Viện Nghiên cứu khoa học và kinh tế thuỷ lợi.

3- Viện Nghiên cứu khoa học thuỷ lợi Nam Bộ.

4- Trường Đại học Thuỷ lợi.

5- Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý.

6- Trung tâm Thông tin thuỷ lợi (kể cả tạp chí Thuỷ lợi).

Các đơn vị sự nghiệp khác do Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi cùng Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và các Bộ có liên quan nghiên cứu, sắp xếp và quyết định.

Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi căn cứ Nghị định này quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức trực thuộc Bộ nói trên.

Điều 4.-

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Bãi bỏ Nghị định số 88-CP ngày 6-3-1979 của Chính phủ và các quy định khác trước đây trái với Nghị định này.

Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)