Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 66-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 1962

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ THU THỦY LỢI PHÍ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý và khai thác các hệ thống nông giang nhằm phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp.
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Điện lực;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên học Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 2 tháng 5 năm 1962.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành, kèm theo nghị định này, điều lệ thu thuỷ lợi phí ở hệ thống nông giang.

Điều 2: Những quy định cũ trái với bản điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các ông Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Điện lực, Bộ Tài chính,và các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ





Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

THUỶ LỢI PHÍ

Chương 1:

MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA

Điều 1: Điều lệ này nhằm tăng cường công tác quản lý và khai thác các hệ thống nông giang, làm cho việc đóng góp của nhân dân được công bằng hợp lý, đảm bảo đoàn kết ở nông thôn, đồng thời tạo điều kiện tiến lên quản lý nông giang theo chế độ hạch toán kinh tế, thúc đẩy việc tiết kiệm nước hạ giá thành quản lý để phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp.

Chương 2:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 2: Tất cả các hệ thống nông giang do Nhà nước đầu tư vốn phục hồi hoặc xây dựng mới, sau khi đã hoạt động bình thường và sản lượng của ruộng đất được tưới hay tiêu nước đã tăng lên, đều do nhân dân, hợp tác xã hoặc nông trường quốc doanh có ruộng đất được hưởng mức chịu phí tổn về quản lý và tu sửa- Phí tổn này gọi là thủy lợi phí.

Điều 3: Mức thủy lợi phí sẽ căn cứ vào lợi ích hưởng nước của ruộng đất và tổn phí về quản lý và tu sửa của hệ thống nông giang tuỳ theo từng loại.

Điều 4: Nay thi hành chế độ hạch toán kinh tế ở các hệ thống nông giang có thu thủy lợi phí để phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và giao thông vận tải.

Điều 5: Để khuyến khích sản xuất:

- Ruộng đất trồng trọt quá hai vụ trong một năm cũng chỉ thu thủy lợi phí hai vụ chính.

- Ruộng đất phải tát cao quá 1 thước rưỡi so với mức nước trung bình trong kênh mương nông giang không phải trả thuỷ lợi phí.

- Ruộng đất trồng hoa màu và cây công nghiệp sẽ trả thủy lợi phí ít hơn ruộng đất gieo cấy lúa.

Chương 3:

BIỂU THU VÀ CÁCH THU

Điều 6: Căn cứ những nguyên tắc trên đây, nay định biểu thu thủy lợi phí cả năm chung cho mỗi hec-ta ruộng đất gieo cấy lúa hưởng nước tính bằng thóc như sau:

Loại nông giang

Cách hưởng nước

Mức thu

Tối đa

Tối thiểu

Hệ thống trạm bơm điện

Hệ thống cống đập hoặc hồ chứa nước

Hệ thống nước thủy triều

Tưới thẳng

Phải tát dưới 1m50

Tuới thẳng

Phải tát dưới 1m50

Tưới thẳng

Phải tát dưới 1m50

180c

60c

140c

50c

90c

40c

140c

40c

90c

30c

60c

20c

- Đối với ruộng đất chỉ được hưởng lợi về tiêu nước mà không hưởng lợi về tưới nước chỉ thu bằng ½ mức thu của ruộng đất được hưởng về tưới hoặc cả về tưới và tiêu nước.

- Đối với ruộng đất, trồng hoa màu và cây công nghiệp chỉ thu bằng ½ mức thu của ruộng đất gieo cấy lúa.

Điều 7: Uỷ ban hành chính tỉnh có nông giang sẽ căn cứ vào những nguyên tắc và biểu thu trên đây mà xây dựng biểu thu riêng cho thích hợp với đặc điểm tình hình ruộng đất hưởng nước trong nông giang của tỉnh mình. Ở biểu thu riêng của mỗi hệ thống nông giang,có thể phân thêm loại ruộng đất hưởng nước khác nhau để định mức thu khác nhau cho được công bằng hợp lý, nhưng tránh quá phức tạp gây khó khăn cho việc tính và thu.

Biểu thu riêng của mội hệ thống nông giang phải được Bộ Tài chính và Bộ Điện lực duyệt trước khi thi hành.

Điều 8: Thủy lợi phí thu bằng thóc, trường hợp đặc biệt mới thu bằng tiền, mỗi năm thu làm 2 lần, sau khi thu hoạch vụ chiêm và mùa, cùng một lúc với thuế nông nghiệp. Liên Bộ Tài chính và Thủy lợi và Điện lực sẽ quy định và hướng dẫn cụ thể việc thu thủy lợi phí này.

Chương 4:

MIỄN GIẢM THỦY LỢI PHÍ

Điều 9: Các hệ thống nông giang mới xây dựng. sẽ được miễn thủy lợi phí từ một năm đến hai năm kể từ ngày được khai thác sử dụng. Trong thời gian nói trên khi xét việc tưới hoặc tiêu nước đã ổn định, đảm bảo, tăng sản lượng, thì Uỷ ban hành chính tỉnh cùng Bộ Thủy lợi và Điện lực đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày bắt đầu thu.

Điều 10: Trường hợp do thiên tai (bão lụt, sâu …) gây nên mất mùa nơi thu hoạch bị sút kém sẽ được miễn giảm thủy lợi phí theo thể lệ và tỷ lệ miễn giảm thuế nông nghiệp.

Đối với đơn vị hoặc các nhân có ruộng đất hưởng nước nông giang mà không thực hiện đúng điều lệ quản lý nông giang hoặc không chấp hành nghiêm chỉnh kế hoạch phân phối nước của Ban quản trị nông giang là cho việc tưới tiêu nước không được bảo đảm thì dù mùa màng của đơn vị hoặc các nhân ấy có bị thiệt hại cũng không được miễn giảm mà phải trả đầy đủ thủy lợi phí.

Chương 5:

ĐĂNG KÝ RUỘNG ĐẤT

Điều 11: Tất cả ruộng đất của tư nhân, hợp tác xã hoặc nông trường quốc doanh hưởng nước nông giang đều do các nhân hoặc đơn vị quản lý đăng ký, có phân loại ruộng đất hưởng nước để trả thủy lợi phí.

Các Uỷ ban hành chính xã và huyện có trách nhiệm lãnh đạo, xét và nhận thực hiện đăng ký ruộng đất trong địa phương mình đúng với phân loại hưởng nước theo biểu của Ủy ban hành chính tỉnh đã công bố.

Việc đăng ký ruộng đất hưởng nước cần làm chu đáo lần đầu, sau này mỗi năm chỉ điều chỉnh cho số ruộng đất có thay đổi điều kiện hưởng nước, hoặc đăng ký thêm diện tích hưởng nước mới phát triển của nông giang.

Chương 6:

NHIỆM VỤ QUẢN TRỊ NÔNG GIANG VÀ CÁ NHÂN HOẶC ĐƠN VỊ CÓ RUỘNG ĐẤT HƯỞNG NƯỚC.

Điều 12: Ban quản trị nông giang có nhiệm vụ :

- Tu bổ những công trình lớn hoặc những công trình đòi hỏi kỹ thuật trong hệ thống như : cống, đập, các kênh lớn v.v…

- Hướng dẫn cá nhân hoặc đơn vị có ruộng đất hưởng nước tự làm và tu bổ các công trình nhỏ dẫn nước vào ruộng đúng kỹ thuật để sử dụng nước hợp lý và đúng kế hoạch tưới.

- Xây dựng kế hoạch tưới và quản lý việc thực hiện kế hoạch sau khi được Hội đồng quản trị nông giang thông qua và Ủy ban hành chính tỉnh duyệt, nhằm bảo đảm yêu cầu tưới hoặc tiêu nước cho tất cả ruộng đất đã đăng ký trả thủy lợi phí.

- Nghiên cứu và hướng dẫn nâng cao kỹ thuật tưới, kết hợp việc tưới nước với cải tạo chất đất làm cho ruộng đất hưởng nước ngày càng thêm phì nhiêu và đạt sản lượng cao.

- Quản lý tốt kinh phí của xí nghiệp nông giang, phấn đấu hạ giá thành nước.

Điều 13: Đơn vị hoặc cá nhân có ruộng đất hưởng nước có nhiệm vụ:

- Đăng ký đúng diện tích ruộng đất theo phân loại hưởng nước của biểu thu và trả thủy lợi phí đủ và đúng thời gian.

- Tự làm và tu bổ chu đáo các công trình nhỏ dẫn nước vào ruộng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của Ban quản trị nông giang.

- Tích cực tham gia việc cải tiến công tác quản lý nông giang, bảo vệ nông giang và phấn đấu tiết kiệm nước.

Chương VII: THƯỞNG PHẠT.

Điều 14: Những đơn vị hoặc cá nhân gương mẫu trong việc thi hành điều lệ này, vận động tuyên truyền, giải thích người khác thi hành tốt và phê bình, tố giác những người gian lận trong việc trả thủy lợi phí sẽ được khen thưởng.

Những đơn vị hoặc cá nhân không chịu thi hành nghiêm chỉnh điều lệ này, cố ý gian lận, bao che cho mình hoặc người khác sẽ bị thi hành kỷ luật hành chính.

Những người có hành động cố ý phá hoại việc thi hành điều lệ này sẽ bị truy tố trước tòa án.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 15: Điều lệ này sẽ thi hành đối với tất cả hệ thống nông giang thuộc loại thuỷ nông.

Đối với những hệ thống trung thuỷ nông thì Uỷ ban hành chính tỉnh khu, tỉnh, sẽ căn cứ vào điều lệ này để quy định việc thu thủy lợi phí cho sát với hoàn cảnh địa phương nhằm mục đích tổ chức việc quản lý khai thác, sử dụng tốt hệ thống nông giang, phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp. Các quy định này phải được Bộ Tài chính và Bộ Thuỷ Lợi và Điện lực thông qua trước khi thi hành.

Điều 16: Các ông Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Thủy lợi và Điện lực có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành thi hành điều lệ này.

Ban hành kèm theo nghị định số 66-CP ngày 05-6-1962.