Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 724-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 1956

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CÔNG TÁC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA BAN THANH TRA TRUNG ƯƠNG CỦA CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Sắc lệnh số 261-SL ngày 28 tháng 03 năm 1950 thành lập Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa;
Theo đề nghị của ông Tổng thanh tra,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay quy định cụ thể về công tác, và lề lối làm việc của Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ như sau:

Điều 2. – Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ thường xuyên tiến hành công tác thanh tra căn cứ vào nhiệm vụ do sắc lệnh quy định và theo các thư tố cáo, khiếu nại của nhân dân đối với cơ quan, cán bộ, công nhân viên của Chính phủ.

Một điều cần chú ý: Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ sẽ tiến hành những cuộc thanh tra có trọng điểm, có tính chất điển hình, nhằm phát huy tác dụng giáo dục, sửa chữa chung. Việc thanh tra thường xuyên ở các Bộ, các cơ quan các cấp địa phương, chủ yếu phải do các Bộ, các cơ quan các cấp địa phương tự phụ trách lấy.

Điều 3. – Sau khi thanh tra ở một cơ quan, nếu xác nhận có sự vi phạm kỷ luật hành chính hoặc pháp luật của Nhà nước thì Ủy viên thanh tra yêu cầu cơ quan đó giải quyết; nếu cần thiết Ban thanh tra sẽ đề nghị lên cấp trên của cơ quan đó giải quyết.

Điều 4. – Ban Thanh tra trung ương tiếp nhận các thư tố cáo, khiếu nại của nhân dân đối với các cơ quan, cán bộ, công nhân viên của Chính phủ hoặc thư tố cáo, khiếu nại của cán bộ, công nhân viên của cơ quan. Sau khi sơ bộ xem xét Ban Thanh tra trung ương quyết định việc nào giao cho cơ quan có trách nhiệm thì giao ngay, việc nào do Ban Thanh tra của trung ương phải thanh tra thì làm ngay.

Điều 5. – Sau khi thanh tra xong ở một cơ quan, Ủy viên thanh tra của Chính phủ phải làm biên bản nhận xét, người phụ trách cơ quan đó sẽ ghi ý kiến và ký vào biên bản.

Nếu người phụ trách cơ quan không ký thì Ủy viên thanh tra sẽ ghi vào biên bản là người đó không ký, cùng với lý do nếu có. Tất cả các biên bản đều được gửi lên cấp trên của cơ quan được thanh tra. Đồng thời Ban Thanh tra trung ương cần đề nghị ý kiến hoặc kế hoạch sửa chữa với cơ quan đó. Những đề nghị quan trọng phải được cơ quan lãnh đạo cấp trên hoặc Chính phủ duyệt y.

Điều 6. – Trong khi thanh tra, nếu phát hiện những cán bộ phụ trách chưa chấp hành mệnh lệnh của Chính phủ thì Ủy viên thanh tra yêu cầu họ chấp hành nghiêm chỉnh, hoặc báo cho cơ quan phụ trách đôn đốc họ chấp hành.

Đối với những quyết định, chỉ thị của cán bộ phụ trách một cơ quan không đúng với chính sách của Chính phủ thì Ủy viên thanh tra yêu cầu họ sửa chữa hoặc Ban Thanh tra trung ương đề nghị cơ quan lãnh đạo cấp trên hay Chính phủ đôn đốc họ sửa chữa.

Điều 7. – Việc trừng phạt và khen thưởng ấn định như sau:

a) Đối với những người phạm kỷ luật hành chính, sau khi đã xét và kết luận, Ủy viên thanh tra đề nghị với cơ quan phụ trách căn cứ vào kỷ luật chung mà xử trí hoặc báo cáo cho cấp trên của cơ quan đó xử trí.

b) Đối với những người rõ ràng đã phạm pháp luật, Ban Thanh tra giao sang Tòa án nhân dân xét xử.

c) Đối với những người làm tổn thất tài sản Nhà nước mà xét không cần phải truy tố trước Tòa án nhân dân thì Ban Thanh tra đôn đốc cơ quan phụ trách xử trí, bắt đương sự bồi thường một phần hay toàn bộ tài tải bị mất mát, hư hỏng vì lỗi của mình.

d) Đối với những người kiên quyết đấu tranh với những hành động phạm pháp, những người có công giữ gìn và cứu được tài sản Nhà nước khỏi bị tổn thất, Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ đề nghị với cơ quan phụ trách hoặc đề nghị lên Chính phủ khen thưởng.

đ) Đối với những người gương mẫu trong việc chấp hành mệnh lệnh của Chính phủ và tôn trọng pháp luật của Nhà nước, tích cực làm việc, có nhiều sáng kiến, nhiều thành tích thì Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ đề nghị với cơ quan phụ trách hoặc đề nghị lên Chính phủ khen thương, cất nhắc.

Điều 8. – Khi gặp những việc có tính chất chuyên môn hoặc kỹ thuật, nếu xét cần Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ có thể đề nghị với các Bộ hữu quan lâm thời điều động những cán bộ chuyên môn, kỹ thuật của các Bộ đó đến giúp việc. Trong thời gian giúp việc Ban thanh tra trung ương của Chính phủ những cán bộ chuyên môn, kỹ thuật này đều thuộc quyền điều khiển của Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ.

Điều 9. – Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ đặt quan hệ công tác chặt chẽ với các ngành có liên quan, nhất là Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các Bộ thuộc về ngành Kinh tế tài chính, Ban Thanh tra trung ương cũng đặt liên lạc thường xuyên với các đoàn thể như Tổng Liên đoàn lao động, Ban Liên lạc nông dân toàn quốc, Đoàn Thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ và dựa vào những tổ chức nay để liên lạc với quần chúng, tìm hiểu tình hình các cơ quan, cán bộ và công nhân viên tốt hoặc làm trái mệnh lệnh của Chính phủ và pháp luật của Nhà nước.

Điều 10. – Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ cần hướng dẫn các Ban Thanh tra các Bộ, Khu, Thành phố, Tỉnh về công tác chuyên môn; cần định kỳ có những cuộc họp với các Ban Thanh tra này để kiểm điểm công tác đã qua, bàn bạc và phối hợp chương trình công tác sắp tới, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm.

Các Ban Thanh tra của các Bộ, Khu, Thành phố, Tỉnh cần báo cáo công tác của mình với Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ.

Điều 11. – Cán bộ, nhân viên công tác thanh tra, trong khi thi hành chức vụ của mình, cần dựa vào các đoàn thể và nhân dân, phải công minh chính trực, giữ vững lập trường, nắm vững nguyên tắc, luôn luôn có thái độ nghiêm túc và thận trọng.

Điều 12. – Các ông Bộ trưởng và ông Tổng thanh tra chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng