Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/2023/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN PHÂN CẤP GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 69/2022/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 5 và bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 39 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 39 như sau:

“2. Doanh nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải có trách nhiệm thiết lập kịp thời báo hiệu hàng hải phục vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải, đồng thời báo cáo ngay cho Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ hàng hải khu vực. Báo hiệu hàng hải được thiết lập phục vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải không phải thực hiện thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải theo Điều 40 và thủ tục đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng theo Điều 41 của Nghị định này mà chỉ thực hiện thủ tục công bố thông báo hàng hải về thiết lập mới báo hiệu hàng hải.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 39 như sau:

“5. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 3 Điều này trước khi tiến hành thiết lập báo hiệu hàng hải phải được sự chấp thuận của Cảng vụ hàng hải hoặc Cục Hàng hải Việt Nam về vị trí, quy mô, loại báo hiệu hàng hải theo quy định tại Điều 40 Nghị định này.”

c) Bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 39 như sau:

“5a. Đối với các báo hiệu hàng hải thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hàng hải thỏa thuận bằng văn bản hoặc phê duyệt trong phương án bảo đảm an toàn hàng hải thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải theo Điều 40 của Nghị định này.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 40 như sau:

Điều 40. Thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải

1. Hồ sơ thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải, bao gồm:

a) Đơn đề nghị của tổ chức, cá nhân theo Mẫu số 15 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính thiết kế kỹ thuật của báo hiệu hàng hải;

c) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính sơ đồ, tọa độ vị trí thiết lập báo hiệu hàng hải.

2. Đối với báo hiệu hàng hải có vị trí thiết lập trong vùng nước cảng biển, tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cảng vụ hàng hải.

Cảng vụ hàng hải tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Cảng vụ hàng hải hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cảng vụ hàng hải có văn bản chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Đối với báo hiệu hàng hải có vị trí thiết lập ngoài vùng nước cảng biển hoặc hệ thống báo hiệu hàng hải có vị trí thiết lập nằm đồng thời trong vùng nước cảng biển và ngoài vùng nước cảng biển hoặc hệ thống báo hiệu hàng hải có vị trí thiết lập nằm đồng thời trong nhiều vùng nước cảng biển thuộc quản lý của các Cảng vụ hàng hải, tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Hàng hải Việt Nam.

Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 41 như sau:

Điều 41. Thủ tục đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng

1. Hồ sơ đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng theo Mẫu số 16 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính biên bản nghiệm thu bàn giao;

c) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính bình đồ khảo sát và rà quét chướng ngại vật luồng hàng hải đối với báo hiệu hàng hải trên các tuyến luồng hàng hải mới xây dựng do đơn vị có chức năng đo đạc, khảo sát thực hiện và cùng với chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ khảo sát;

d) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính thông báo hàng hải về việc thiết lập mới báo hiệu hàng hải.

2. Đối với báo hiệu hàng hải có vị trí thiết lập trong vùng nước cảng biển, Chủ đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cảng vụ hàng hải.

Cảng vụ hàng hải tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cảng vụ hàng hải hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cảng vụ hàng hải có văn bản ra quyết định về việc đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Đối với báo hiệu hàng hải có vị trí thiết lập ngoài vùng nước cảng biển hoặc hệ thống báo hiệu hàng hải có vị trí thiết lập nằm đồng thời trong vùng nước cảng biển và ngoài vùng nước cảng biển hoặc hệ thống báo hiệu hàng hải có vị trí thiết lập nằm đồng thời trong nhiều vùng nước cảng biển thuộc quản lý của các Cảng vụ hàng hải, Chủ đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Hàng hải Việt Nam.

Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản ra quyết định về việc đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

4. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 99 như sau:

“a) Giấy tờ phải nộp (bản chính), mỗi loại 01 bản, bao gồm (các mẫu văn bản được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này): Bản khai chung (đối với phương tiện thủy nội địa) theo Mẫu số 59, Danh sách thuyền viên (đối với phương tiện thủy nội địa) theo Mẫu số 60, Danh sách hành khách (đối với phương tiện chở khách) theo Mẫu số 61, Giấy phép rời cảng;”

5. Bổ sung điểm a1 vào sau điểm a khoản 2 Điều 100 như sau:

“a1. Danh sách thuyền viên (nếu có thay đổi) theo Mẫu số 60;”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 110 như sau:

“3. Trước khi cấp phép nuôi trồng thủy sản trong vùng nước cảng biển, cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo pháp luật về thủy sản phải lấy ý kiến của Cảng vụ hàng hải khu vực.”

7. Thay thế các mẫu số: 42, 43, 44, 47, 48, 5758 của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP bằng các mẫu số: 42, 43, 44, 47, 48, 5758 tại Mục 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 22 như sau:

“3. Thủ tục công bố tạm dừng hoạt động, đóng cảng cạn

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị tạm dừng hoạt động hoặc đóng cảng cạn gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Hàng hải Việt Nam. Hồ sơ gồm Tờ khai tạm dừng hoạt động hoặc đóng cảng cạn theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản quyết định công bố tạm dừng hoạt động hoặc đóng cảng cạn theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời người đề nghị và nêu rõ lý do.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:

Điều 24. Thủ tục đổi tên cảng cạn

1. Chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác cảng cạn gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Hàng hải Việt Nam 01 Tờ khai theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra sự phù hợp của hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên cảng cạn chưa phù hợp thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn chủ đầu tư hoặc người khai thác cảng cạn để hoàn thiện hồ sơ cho phù hợp.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam ra quyết định đổi tên cảng cạn; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời người đề nghị và nêu rõ lý do.”

3. Thay thế Mẫu số 04, Mẫu số 05Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 38/2017/NĐ-CP bằng Mẫu số 04, Mẫu số 05Mẫu số 06 tại Mục 2 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 69/2022/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 10 năm 2022

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 4khoản 6 Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận) là văn bản do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cấp cho cơ sở đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:

“6. Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải (sau đây viết tắt là Giấy xác nhận) là văn bản do Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải Việt Nam cấp cho tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải để xác nhận sự phù hợp về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải theo quy định của Công ước MLC.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

Điều 7. Cấp Giấy chứng nhận

1. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định này.

2. Cơ sở đào tạo, huấn luyện gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Hàng hải Việt Nam. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính để đối chiếu Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở đào tạo, huấn luyện;

c) Bản gốc Báo cáo thuyết minh các điều kiện bảo đảm cho hoạt động đào tạo, huấn luyện theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản hướng dẫn cơ sở đào tạo, huấn luyện hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức kiểm tra thực tế và cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2khoản 3 Điều 8 như sau:

“2. Cơ sở đào tạo, huấn luyện nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Hàng hải Việt Nam 01 Tờ khai đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 01 quy định lại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định, trong đó nêu rõ lý do cấp lại kèm theo các tài liệu chứng minh sự thay đổi thông tin về cơ sở đào tạo (nếu có). Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam cấp lại Giấy chứng nhận; trường hợp không cấp lại phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Khi cấp lại Giấy chứng nhận, Cục Hàng hải Việt Nam phải ghi rõ trong Giấy chứng nhận mới về việc thay thế Giấy chứng nhận cũ và phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.”

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2khoản 3 Điều 9 như sau:

“2. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ra quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải. Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền lợi nhà giáo, người học và người lao động trong cơ sở đào tạo, huấn luyện và phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Sau thời hạn đình chỉ, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ra quyết định cho phép cơ sở đào tạo, huấn luyện tiếp tục hoạt động đào tạo, huấn luyện.”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2khoản 3 Điều 10 như sau:

“2. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam, đồng thời gửi đến các cơ quan liên quan biết, để phối hợp quản lý.

3. Cơ sở, đào tạo huấn luyện phải chấm dứt ngay hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.”

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

Điều 11. Đánh giá cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải

1. Hàng năm, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đánh giá các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải về việc đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

2. Định kỳ 05 năm một lần, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đánh giá độc lập các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo tiêu chuẩn quy định của Công ước STCW.”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

Điều 13. Thủ tục cấp Giấy xác nhận

1. Tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Chi cục Hàng hải Việt Nam 01 bộ hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai theoMẫu số 04quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính giấy phép đưa thuyền viên đi làm việc ở nước ngoài hoặc giấy phép cho thuê hoặc cho thuê lại thuyền viên làm việc trên tàu biển dưới hình thức cho thuê, cho thuê lại lao động hoặc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận phù hợp hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và Quy định 1.4 của Công ước MLC về dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên.

2. Chi cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chi cục Hàng hải Việt Nam có văn bản thông báo và hướng dẫn tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chi cục Hàng hải Việt Nam phải cấp Giấy xác nhận theoMẫu số 05quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Chi cục Hàng hải Việt Nam thông báo thông tin về tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải được cấp Giấy xác nhận trên Cổng thông tin điện tử của Chi cục Hàng hải Việt Nam.”

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2khoản 3 Điều 14 như sau:

“2. Tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Chi cục Hàng hải Việt Nam 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy xác nhận. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị cấp lại Giấy xác nhận theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp thay đổi thông tin về doanh nghiệp);

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Chi cục Hàng hải Việt Nam cấp lại Giấy xác nhận và trả kết quả trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải; trường hợp không chấp thuận, Chi cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Khi cấp lại Giấy xác nhận, Chi cục Hàng hải Việt Nam phải ghi rõ trong Giấy xác nhận mới về việc thay thế Giấy xác nhận cũ và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Chi cục Hàng hải Việt Nam.”

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 như sau:

“2. Chi Cục trưởng Chi cục Hàng hải Việt Nam quyết định thu hồi Giấy xác nhận và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Chi cục Hàng hải Việt Nam, đồng thời gửi đến các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện quản lý.”

10. Thay thế Mẫu số 01, Mẫu số 03, Mẫu số 04Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 29/2017/NĐ-CP bằng Mẫu số 01, Mẫu số 03, Mẫu số 04Mẫu số 05 tại Mục 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

Điều 8. Thẩm quyền quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

Điều 9. Thủ tục quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động

1. Chủ cơ sở phá dỡ tàu biển nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Hàng hải Việt Nam.

2. Hồ sơ đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động, gồm:

a) Văn bản đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy phép môi trường của chủ cơ sở phá dỡ tàu biển được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính);

c) Quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng (Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính);

d) Văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính).

3. Trình tự tiếp nhận, xử lý hồ sơ:

a) Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra phù hợp của hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn chủ cơ sở phá dỡ tàu biển hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Trong quá trình xử lý hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam được tiến hành các hoạt động: khảo sát, kiểm chứng các thông tin, số liệu về cơ sở vật chất của cơ sở phá dỡ tàu biển.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

Điều 11. Quyết định dừng ngay hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển

1. Cục Hàng hải Việt Nam quyết định dừng ngay hoạt động của cơ sở trong trường hợp cơ sở phá dỡ tàu biển để xảy ra tai nạn, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng đối với con người, môi trường trên cơ sở đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Căn cứ đề xuất, kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển.

3. Cục Hàng hải Việt Nam thông báo cho các cơ quan liên quan biết và công bố quyết định dừng ngay hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trên Cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

Điều 12. Quyết định dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển

1. Cục Hàng hải Việt Nam quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trong các trường hợp sau trên cơ sở đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

a) Cơ sở phá dỡ tàu biển không đáp ứng điều kiện hoạt động quy định tại Điều 7 của Nghị định này;

b) Vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh;

c) Khi có dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Căn cứ đề xuất, kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển; trường hợp không dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Cục Hàng hải Việt Nam thông báo cho các cơ quan liên quan biết và công bố quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biểntrênCổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.”

5. Thay thế Mẫu số 01, Mẫu số 02Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm Nghị định số 82/2019/NĐ-CP bằng Mẫu số 01, Mẫu số 02Mẫu số 03 tại Mục 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 27 tháng 11 năm 2023. Khoản 7 Điều 1 Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 10 năm 2024.

2. Điều khoản chuyển tiếp:

a) Các văn bản chấp thuận, Quyết định, Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện cho đến khi hết thời hạn đã được quy định đối với những văn bản này;

b) Đối với các hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận, Quyết định, Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ tiếp tục thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

c) Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có thẩm quyền thu hồi các Giấy chứng nhận; Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải Việt Nam có thẩm quyền thu hồi các Giấy xác nhận được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Nghị định này bãi bỏ:

a) Điều 3, khoản 6 và khoản 7 Điều 4 Nghị định số 69/2022/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải;

b) Điều 18 Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KSTT (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà