Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 75-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 1967

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TIỀN MẶT

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của ông Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước.
Căn cứ nghị quyết của Hội nghị thường vụ Hội đồng Chính phủ.
Để tăng cường công tác quản lý tiền mặt.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nghị định này quy định những nguyên tắc về quản lý tiền mặt nhằm quản lý chặt chẽ cả hai mặt thu và chi, tập trung tiền mặt cao độ vào ngân hàng Nhà nước, ra sức giảm chi và triệt để thực hành tiết kiệm, điều hòa lưu thông tiền tệ, góp phần xây dựng thế cân đối vững chắc về tài chính, tiền tệ, vật tư, phát huy tác dụng kiểm soát bằng đồng tiền của ngân hàng Nhà nước, thúc đẩy các đơn vị kinh doanh nâng cao trình độ hạch toán kinh tế, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục, làm cho việc chi tiêu, thanh toán của các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế được nhanh chóng và thuận tiện, tạo điều kiện hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.

Điều 2. - Việc quản lý tiền mặt do ngân hàng Nhà nước phụ trách theo những quy định của nghị định này.

Điều 3. - Tất cả các cơ quan của Nhà nước, của các đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh, các hợp tác xã (dưới đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) đều phải chịu sự quản lý tiền mặt của ngân hàng Nhà nước.

Điều 4. - Tất cả các tổ chức chịu sự quản lý tiền mặt của ngân hàng Nhà nước đều phải mở tài khoản tại ngân hàng, mọi sự giao dịch giữa các tổ chức có tài khoản tại ngân hàng đều phải thanh toán bằng chuyển khoản, trừ những món chi dưới 50đ, dưới 100đ hoặc dưới 150đ được trả bằng tiền mặt do ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể theo từng loại chi tiêu.

Chỉ được trích tiền trong tài khoản hoặc dùng tiền mặt của cơ quan, đơn vị để thanh toán những món chi tiêu cho việc công của cơ quan, đơn vị. Còn việc các tổ chức công đoàn hoặc tổ chức tập thể khác của công nhân, viên chức, bộ đội mua hàng tiêu dùng cho cá nhân công nhân, viên chức, bộ đội thì phải trả bằng tiền mặt do công nhân, viên chức, bộ đội góp lại, không được dùng tài khoản hoặc tiền mặt của cơ quan, đơn vị để thanh toán những món chi này.

Điều 5. – Trong việc giao dịch với những cá nhân hoặc tổ chức không có tài khoản ở ngân hàng thì các cơ quan, đơn vị có thể trả bằng tiền mặt, nhưng ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ những món chi này và phải từ chối xuất tiền cho những món chi không đúng chế độ hoặc không theo giá chỉ đạo của Nhà nước.

Điều 6. – Các cơ quan, đơn vị phải nộp hết số thu hàng ngày bằng tiền mặt vào ngân hàng sau mỗi buổi hoặc mỗi ngày và chỉ được giữ tại quỹ (tồn quỹ) một số tiền mặt để trả những khoản chi nhỏ do ngân hàng ấn định. Tất cả các khoản chi khác bằng tiền mặt đều phải lĩnh ở ngân hàng.

Những cơ quan, đơn vị, do điều kiện địa dư hoặc tính chất hoạt động riêng, gặp khó khăn trong việc chấp hành theo đúng quy định trên đây, có thể đề nghị với ngân hàng địa phương cho nộp và lĩnh tiền theo một lịch riêng thích hợp. Đặc biệt những tổ chức kinh tế hàng ngày có thu và chi tiền mặt có thể được sử dụng một phần tiền mặt thu vào để chi ra (tọa chi) theo sự thỏa thuận của ngân hàng địa phương.

Điều 7. - Tiền lĩnh để chi cho khoản nào phải được chi đúng cho khoản ấy.

Điều 8. – Hàng tháng, hàng quý, các cơ quan, đơn vị phải lập kế hoạch thu chi tiền mặt và gửi tới ngân hàng 5 ngày trước ngày đầu mỗi tháng và mỗi quý, và báo cáo cho ngân hàng số tiền còn trong quỹ ngày cuối cùng mỗi tháng.

Các cấp ngân hàng đều phải lập kế hoạch tiền mặt hàng tháng và hàng quý. Hàng quý ngân hàng trung ương phải trình kế hoạch tiền mặt để Thủ tướng Chính phủ xét duyệt, ngân hàng trung ương sẽ dựa vào chỉ tiêu được duyệt mà điều chỉnh kế hoạch tiền mặt của các địa phương và các ngành.

Điều 9. - Mỗi tháng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, phải phối hợp với tổ chức công đoàn tiến hành kiểm tra quỹ tiền mặt và các khoản thu chi, tạm ứng bằng tiền mặt của cơ quan, đơn vị, và qua đó đề ra những biện pháp cần thiết chẳng những để chống thất thu mà còn phải có ý thức đầy đủ để tăng thu và giảm chi, ngăn ngừa và xử lý kịp thời những việc vi phạm chế độ quản lý tiền mặt của Nhà nước.

Điều 10. – Các cấp ngân hàng có trách nhiệm tổ chức thu và phát triển tiền mặt kịp thời theo kế hoạch và lịch đã quy định, không làm trở ngại cho hoạt động của các ngành, đồng thời kiểm tra việc sử dụng tiền mặt của các cơ quan, đơn vị.

Việc kiểm tra tiền mặt ở các công trường xây dựng cơ bản, các đơn vị lực lượng vũ trang do Ngân hàng Nhà nước thỏa thuận với các Bộ Tài chính, Quốc phòng và Công an để quy định.

Điều 11. - Tổ chức hay cá nhân nào làm trái những quy định trên đây, vi phạm thể lệ quản lý tiền mặt, tùy trường hợp, sẽ bị phê bình, thi hành kỷ luật về hành chính, bồi thường thiệt hại, những hành động vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Điều 12. - Nghị định này thay thế Nghị định số 15-CP ngày 31 tháng 5 năm 1960 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 1967.

Điều 13. – Ông Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước, căn cứ nghị định này và các quy định của Chính phủ về tăng cường quản lý kinh tế tài chính, ra thông tư hướng dẫn thi hành chế độ quản lý tiền mặt này.

Các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính địa phương có nhiệm vụ lãnh đạo và đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc quyền, chấp hành nghiêm chỉnh nghị định này theo sự hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng