Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 78-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 1963

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA BAN THANH TRA TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 136-CP ngày 29 tháng 9 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ủy ban thanh tra của Chính phủ;
Theo đề nghị của ông Tổng thanh tra Ủy ban thanh tra của Chính phủ;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 22-5-1963,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Ban thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan của Ủy ban hành chính cấp đó, có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính trong việc giữ gìn kỷ luật Nhà nước, bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước ở địa phương bằng cách thường xuyên thanh tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách, chế độ ấy trong các Ủy ban hành chính, các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp, các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, các hợp tác xã thuộc quyền lãnh đạo của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, xí nghiệp của trung ương hoạt động ở địa phương theo sự ủy quyền của Ủy ban hành chính cấp mình.

Điều 2. – Ban thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ:

1. Thanh tra việc chấp hành những nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của cơ quan Nhà nước cấp trên và những quyết định, chỉ thị của Ủy ban hành chính cấp mình;

2. Thanh tra việc thực hành cần kiệm xây dựng đất nước, chống quan liêu, lãng phí, tham ô;

3. Thanh tra việc xét, giải quyết các việc do nhân dân khiếu nại, tố giác; trực tiếp xét, giải quyết những vụ khiếu nại, tố giác cần thiết;

4. Hướng dẫn; giúp đỡ về nghiệp vụ cho các tổ chức thanh tra của các ngành, các tổ chức, kiểm tra của các xí nghiệp và các tổ kiểm soát của hợp tác xã trong địa phương mình.

Điều 3. – Ban Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền hạn như sau:

1. Khi thanh tra việc chấp hành những chủ trương, chính sách, chế độ nào đó trong một cơ quan, đơn vị sự nghiệp, xí nghiệp, hoặc khi trực tiếp xét một việc khiếu tố, Ban Thanh tra nhận xét, kết luận về ưu, khuyết điểm trong công tác của cơ quan, đơn vị hữu quan về việc ấy, đề ra kiến nghị để cơ quan, đơn vị đó sửa chữa khuyết điểm, đồng thời báo cho cấp trên của cơ quan, đơn vị đó biết.

Cơ quan, đơn vị được thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu những kiến nghị của Ban Thanh tra, thi hành các biện pháp để sửa chữa khuyết điểm của mình và báo cáo kết quả việc sửa chữa cho Ban Thanh tra theo thời gian mà Ban Thanh tra đề ra trong kiến nghị; nếu không đồng ý với những kiến nghị ấy, thì phải báo ngay cho Ban Thanh tra biết để trình lên cấp trên có thẩm quyền giải quyết.

2. Khi cần thiết, Ban Thanh tra có thể tổ chức thẩm tra lại nhằm đôn đốc cơ quan, đơn vị được thanh tra thi hành tốt các kiến nghị đã đề ra.

3. Đối với những tổ chức hay cá nhân có thành tích, gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước, đáng được khen thưởng, cũng như đối với những tổ chức hay cá nhân phạm lỗi hoặc vi phạm pháp luật Nhà nước cần xử lý, Ban Thanh tra đề nghị lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

4. Trong khi thanh tra các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, xí nghiệp do chính quyền địa phương quản lý, Ban Thanh tra có quyền tạm thời đình chỉ những việc đang gây, hoặc sắp gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước và quyền lợi của nhân dân; tạm thời đình chỉ công tác của cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước phạm lỗi nặng thuộc phạm vi quản lý của địa phương đồng thời báo cáo ngay với Ủy ban hành chính.

5. Trong khi thanh tra, Ban Thanh tra có quyền yêu cầu các cán bộ, công nhân; viên chức của cơ quan, đơn vị được thanh tra báo tình hình, cung cấp tài liệu, sổ sách cần thiết cho công tác thanh tra; yêu cầu cơ quan; đơn vị đó hoặc cơ quan hữu quan khác cử cán bộ tham gia công tác thanh tra. Trong thời gian thanh tra, số cán bộ này thuộc sự chỉ đạo của Ban Thanh tra.

Ban Thanh tra có quyền triệu tập hoặc đề nghị Ủy ban hành chính triệu tập các cuộc hội nghị cần thiết cho công tác thanh tra; có quyền tham dự các cuộc hội nghị có liên quan đến công tác thanh tra.

Điều 4. – Ban Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban hành chính cấp mình, chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ và hướng dẫn công tác của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.

Điều 5. – Ban Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do một Trưởng ban thanh tra phụ trách. Giúp Trưởng ban thanh tra có Phó ban thanh tra và một số Ủy viên thanh tra.

Việc bổ nhiệm các Trưởng ban thanh tra; Phó ban thanh tra và Ủy viên Ban thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ủy ban hành chính cấp đó đề nghị, Tổng thanh tra Ủy ban thanh tra của Chính phủ quyết định.

Điều 6. – Tổ chức bộ máy của Ban thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ủy ban hành chính cấp đó quyết định theo sự hướng dẫn của Ủy ban thanh tra của Chính phủ và Bộ Nội vụ.

Điều 7. – Nay bãi bỏ Nghị định số 1194-TTg ngày 26 tháng 12 năm 1956 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập các Ban thanh tra ở các liên khu, khu, thành phố, tỉnh.

Điều 8. – Ông Tổng thanh tra Ủy ban thanh tra của Chính phủ, ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng