Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ

_________

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số : 88/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2005

NGHỊ ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã về: thành lập; bồi dưỡng, đào tạo; đất đai; tài chính; tín dụng; xúc tiến thương mại; ứng dụng công nghệ; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất của hợp tác xã, đời sống của cộng đồng xã viên và tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã) đăng ký hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 1996 và đăng ký bổ sung Điều lệ, thực hiện theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003.

2. Hợp tác xã thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003.

Chương 2:

NỘI DUNG CHÍNH SÁCH

Điều 3. Hỗ trợ, khuyến khích thành lập hợp tác xã

1. Hợp tác xã chuẩn bị thành lập, sáng lập viên được hỗ trợ:

a) Thông tin, tư vấn kiến thức về hợp tác xã;

b) Dịch vụ tư vấn xây dựng Điều lệ hợp tác xã, hoàn thiện các thủ tục để thành lập, đăng ký kinh doanh và tổ chức hoạt động của hợp tác xã.

2. ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) xem xét, quyết định việc hỗ trợ trên cơ sở đơn đề nghị của các sáng lập viên và xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi hợp tác xã chuẩn bị thành lập.

Điều 4. Bồi dưỡng, đào tạo

1. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng trong hợp tác xã được quy định như sau:

a) Các chức danh trong Ban Quản trị, Ban Chủ nhiệm, Ban Kiểm soát, kế toán trưởng;

b) Xã viên đang làm công việc chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của hợp tác xã.

2. Các chức danh hợp tác xã theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này khi tham gia bồi dưỡng được hỗ trợ như sau:

a) Hỗ trợ tiền vé đi, vé về bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ máy bay) từ trụ sở hợp tác xã đến cơ sở đào tạo;

b) Kinh phí mua tài liệu của chương trình khóa học;

c) Các khoản chi phí tổ chức, quản lý lớp học; thuê hội trường; thù lao giảng viên; tham quan, khảo sát.

3. Đối với các chức danh hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, nghề muối (sau đây gọi chung là hợp tác xã nông nghiệp) quy định tại điểm a khoản 1 Điều này ngoài được hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều này còn được hỗ trợ 50% chi phí ăn, ở theo mức quy định của cơ sở đào tạo.

4. Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này khi được hợp tác xã cử đi đào tạo (chính quy hoặc tại chức) tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề được hỗ trợ tối thiểu 50% tiền học phí theo quy định của trường, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Tuổi không quá 40;

b) Đủ điều kiện tuyển sinh của cơ sở đào tạo;

c) Có quyết định cử đi học của Ban Quản trị;

d) Cam kết bằng văn bản làm việc cho hợp tác xã ít nhất 05 năm sau khi tốt nghiệp.

ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức hỗ trợ cụ thể cho các đối tượng này.

5. Nguồn kinh phí hỗ trợ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3; khoản 2, 3 và 4 Điều 4 Nghị định này lấy từ ngân sách hàng năm của địa phương, hỗ trợ từ ngân sách trung ương và các nguồn hợp pháp khác.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về mức hỗ trợ, cơ chế tài chính hỗ trợ các sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập, các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của hợp tác xã.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo các đối tượng hợp tác xã trong cả nước và bố trí nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hàng năm cho các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện kế hoạch.

Điều 5. Đất đai

1. Đối với hợp tác xã nông nghiệp quy định như sau:

a) Hợp tác xã có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ xã viên sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối nhưng chưa được giao đất thì làm thủ tục xin giao đất. ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất của địa phương xem xét, quyết định việc giao đất không thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hợp tác xã;

b) Hợp tác xã đang sử dụng đất vào các mục đích xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;

c) Ngoài diện tích đất giao không thu tiền sử dụng đất, hợp tác xã nông nghiệp được giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền hàng năm theo quy định của pháp luật đất đai và được hưởng chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ;

d) Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã thuê lại đất, sử dụng hợp pháp đất của tổ chức, cá nhân để phát triển sản xuất kinh doanh.

2. Đối với hợp tác xã phi nông nghiệp quy định như sau:

a) Hợp tác xã được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của pháp luật đất đai;

b) Diện tích đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm của hợp tác xã phục vụ xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ trực tiếp cho xã viên được xác định theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật về đất đai;

c) Trường hợp đất do hợp tác xã đang sử dụng mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

Điều 6. Về thuế

1. Hợp tác xã được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh của xã viên theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Đối với các hợp tác xã nông nghiệp ngoài được hưởng ưu đãi theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập tạo ra từ hoạt động dịch vụ trực tiếp phục vụ đời sống xã viên.

Điều 7. Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

1. Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã năm 2003.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 8. Tín dụng

1. Hợp tác xã có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh thì được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước từ Quỹ hỗ trợ phát triển theo quy định tại Nghị định số 106/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và Nghị định số 20/2005/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về bổ sung Danh mục dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo Nghị định số 106/2004/NĐ-CP.

2. Đối với các hợp tác xã có dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thuộc diện ưu đãi đầu tư thì được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10.

3. Các hợp tác xã có nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư mới, đầu tư nâng cấp, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh, thực hiện các hoạt động dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế và đời sống xã viên thì được các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn và áp dụng hình thức đảm bảo tiền vay phù hợp với loại hình kinh tế hợp tác xã. Việc cho vay được thực hiện theo các quy định hiện hành. Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vay vốn các tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành về chính sách tín dụng nông nghiệp và nông thôn.

Điều 9. Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại

Các hợp tác xã sản xuất hàng hóa xuất khẩu không thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí từ chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, nếu có dự án xúc tiến thương mại được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được hỗ trợ 50% kinh phí theo quy định của chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia cho các nội dung hoạt động sau đây:

1. Thông tin thương mại, tuyên truyền xuất khẩu.

2. Tư vấn xuất khẩu.

3. Đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng kinh doanh xuất khẩu.

4. Tham gia hội chợ triển lãm hàng xuất khẩu.

5. Quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Điều 10. Hỗ trợ ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư và khuyên công

1. Hợp tác xã có dự án ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thì được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học công nghệ của các Bộ, ngành và địa phương.

2. Hợp tác xã tổ chức tập huấn cho xã viên tiếp thu công nghệ mới thuộc Chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi thì được hỗ trợ 100% kinh phí.

3. Hợp tác xã được hưởng các chính sách về khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công theo quy định tại Nghị định số 56/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư và Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

Điều 11. Hỗ trợ hợp tác xã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của cộng đồng xã viên và tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội

1. Các hợp tác xã được hỗ trợ:

a) Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã và đời sống của xã viên;

b) Xây dựng cụm công nghiệp, cụm làng nghề nông thôn để phát triển sản xuất và kinh doanh.

2. Hợp tác xã được ưu tiên tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội sau đây:

a) Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn và quản lý các công trình sau khi hoàn thành, kể cả các công trình hạ tầng phục vụ phát triển cụm công nghiệp và cụm làng nghề ở nông thôn;

b) Các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn phù hợp với khả năng của hợp tác xã.

3. Trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ, ưu tiên:

a) Hàng năm, các hợp tác xã phải chủ động đăng ký với cơ quan quản lý chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương về nhu cầu và khả năng tham gia triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo để được hỗ trợ, ưu tiên tham gia;

b) Cơ quan quản lý chương trình mục tiêu có trách nhiệm thông báo công khai tới huyện, xã về phạm vi, đối tượng và điều kiện của từng chương trình; tiếp nhận, xem xét và phê duyệt đơn đăng ký tham gia chương trình của hợp tác xã; giúp hợp tác xã làm các thủ tục cần thiết để tham gia chương trình; kiểm tra, giám sát và giải quyết các phát sinh trong quá trình triển khai dự án giao cho hợp tác xã thực hiện.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 15/CP ngày 21 tháng 02 năm 1997 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thi hành Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NN (5b), (Hoà.305b) .

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG





Phan Văn Khải