CHÍNH PHỦ ******** | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 89/1999/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 1999 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 89/1999/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 9 NĂM 1999 VỀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nghị định này quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng.
Điều 2.
1. Các tổ chức tín dụng và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng có nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi bắt buộc;
2. Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải niêm yết công khai về việc tham gia bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở và các địa điểm giao dịch.
Điều 3. Tiền gửi được bảo hiểm là Đồng Việt Nam của các cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Điều 4.
1. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tối đa là 30 triệu đồng Việt Nam.
2. Việc thay đổi số tiền bảo hiểm tối đa quy định tại khoản 1 điều này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 5.
1. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có tư cách pháp nhân, có bảng cân đối riêng, được mở tài khoản tại các ngân hàng trong nước và nước ngoài, có con dấu, được Nhà nước cấp vốn điều lệ, được miễn nộp các loại thuế.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi và phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động.
3. Chế độ tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính và ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.
Chương 2:
HOẠT ĐỘNG BẢO HIỂM TIỀN GỬI
MỤC 1: PHÍ BẢO HIỂM TIỀN GỬI
Điều 6.
1. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo mức 0,15%/ năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các cá nhân tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Mức phí bảo hiểm tiền gửi này được điều chỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của tổ chức bảo hiểm tiền gửi và ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
2. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được hạch toán khoản phí bảo hiểm tiền gửi vào chi phí hoạt động.
Điều 7. Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp bốn lần trong năm tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 8. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm quy định thì ngoài việc nộp đủ số phí còn thiếu, phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,1% (một phần nghìn) số tiền chậm nộp.
Điều 9. Nếu sau thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi 30 ngày, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi chưa nộp phí bảo hiểm tiền gửi kể cả tiền phạt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có quyền:
1. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trích tài khoản tiền gửi của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước để chuyển nộp phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt nếu là các tổ chức tín dụng.
2. Yêu cầu các tổ chức tín dụng, kho bạc nơi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mở tài khoản, trích tài khoản để chuyển nộp phí bảo hiểm và tiền phạt nếu là tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng.
Điều 10.
1. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp phí bảo hiểm quá thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải nộp, tổ chức bảo hiểm quyết định chấm dứt bảo hiểm và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải ra ngay quyết định ngừng huy động tiền gửi cá nhân của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó.
2. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm bảo hiểm đối với số tiền gửi đã được bảo hiểm của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trong vòng 06 tháng kể từ ngày có quyết định chấm dứt bảo hiểm tiền gửi.
MỤC 2: VIỆC GIÁM SÁT RỦI RO VÀ CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ
Điều 11.
1. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi các báo cáo theo quy định của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
2. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải báo cáo ngay với tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong những trường hợp sau đây:
a) Gặp khó khăn về khả năng chi trả;
b) Khi thay đổi các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc).
3. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi các báo cáo tài chính năm.
Điều 12.
1. Khi phát hiện tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có quyền yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, đồng thời báo cáo bằng văn bản với Ngân hàng Nhà nước.
2. Trong trường hợp xét thấy hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng chi trả, thất thoát lớn về tài sản hoặc có tác động nghiêm trọng tới các tổ chức tín dụng khác, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có quyền yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, đồng thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp xử lý khẩn cấp.
Điều 13.
1. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm cung cấp theo định kỳ các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cho Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan.
2. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được quyền tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định tại Nghị định này của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
3. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cung cấp kết quả thanh tra, giám sát các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi; phối hợp xử lý kịp thời các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả, vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, có tỷ lệ nợ quá hạn cao.
4. Trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, Ban Kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm thông báo định kỳ về tình hình hoạt động của tổ chức đó cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để phối hợp xử lý.
MỤC 3: HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC THAM GIA BẢO HIỂM TIỀN GỬI MẤT KHẢ NĂNG CHI TRẢ
Điều 14.
1. Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả nhưng chưa đến mức đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể hỗ trợ dưới các hình thức sau:
a) Cho vay hỗ trợ để chi trả tiền gửi được bảo hiểm;
b) Bảo lãnh cho các khoản vay đặc biệt để có nguồn chi trả tiền gửi được bảo hiểm;
c) Mua lại nợ trong trường hợp khoản nợ đó có tài sản bảo đảm.
2. Việc hỗ trợ nêu tại khoản 1 điều này do Hội đồng quản trị tổ chức bảo hiểm tiền gửi xem xét quyết định.
Điều 15. Trong mọi trường hợp nêu tại Điều 14 của Nghị định này, tổ chức bảo hiểm tiền gửi chỉ tiến hành các biện pháp hỗ trợ sau khi xác định rằng việc tiếp tục hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đang gặp khó khăn có vai trò quan trọng đối với sự bảo đảm an toàn của toàn hệ thống và sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội.
MỤC 4: VIỆC CHI TRẢ CÁC KHOẢN TIỀN GỬI ĐƯỢC BẢO HIỂM
Điều 16.
1. Khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấm dứt hoạt động và tổ chức đó mất khả năng thanh toán, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm chi trả tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo nguyên tắc được quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
2. Số tiền gửi (gồm gốc và lãi) vượt quá mức tối đa được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả sẽ được trả cho người gửi tiền trong quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phù hợp với quy định của Luật Phá sản.
Điều 17. Việc chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền được thực hiện thông qua các ngân hàng, hoặc theo thoả thuận với người gửi tiền.
Điều 18. việc chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền hoặc người được ủy quyền hợp pháp, được thực hiện căn cứ vào danh sách những người gửi tiền do tổ chức bảo hiểm tiền gửi phối hợp với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lập và căn cứ vào các chứng từ hợp lệ.
Điều 19. Trong trường hợp vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để hỗ trợ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp khó khăn về khả năng chi trả hoặc để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản, tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tổ chức bảo hiểm tiền gửi được vay của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ.
MỤC 5: QUẢN LÝ VÀ THANH LÝ TÀI SẢN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC THAM GIA BẢO HIỂM TIỀN GỬI BỊ PHÁ SẢN.
Điều 20. trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi trở thành chủ nợ đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó với số tiền mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã chi trả cho người gửi tiền. tổ chức bảo hiểm tiền gửi được quyền tham gia quá trình quản lý và thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của luật phá sản.
Điều 21. Số tiền thu hồi được từ việc thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản sẽ được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 23. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành Nghị định này.
Điều 24. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của tổ chức bảo hiểm tiền gửi và các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.