Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 94-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 1973

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ THÔNG TIN ĐIỆN BÁO VÀ ĐIỀU LỆ THÔNG TIN ĐIỆN THOẠI

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để tăng cường công tác thông tin điện báo, thông tin điện thoại, tạo điều kiện cho công tác này phát triển với chất lượng cao, phục vụ tốt cho sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân;

Theo đề nghị khen thưởng của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Nghị định này:

- Điều lệ thông tin điện báo,

- Điều lệ thông tin điện thoại.

Điều 2.- Hai bản điều lệ này thi hành kể từ ngày ban hành và thay thế bản điều lệ khai thác và sử dụng điện báo, điện thoại ban hành kèm theo Nghị định số 44-CP ngày 24-04-1961 của Hội đồng Chính phủ.

Điều 3.- Ông Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, căn cứ vào hai bản điều lệ kèm theo Nghị định này, hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành.

Điều 4.- Các ông Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

ĐIỀU LỆ

THÔNG TIN ĐIỆN BÁO

Trong hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, các tổ chức xã hội, các cơ quan Nhà nước, việc sử dụng bưu điện để giao dịch, trao đổi, thông tin liên lạc là một nhu cầu rất cần thiết không thể thiếu được.

Ngành bưu điện có trách nhiệm tổ chức tốt việc phục vụ các nhu cầu nói trên. Điều lệ này quy định những nguyên tắc và thể thức về thông tin điện báo, để một bên là người sử dụng và một bên là ngành bưu điện thi hành đúng đắn, nhằm bảo đảm cho công tác thông tin điện báo được nhanh chóng, chính xác, an toàn và tiện lợi nhất.

Chương 1

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1.- Chỉ có ngành bưu điện mới có quyền xây dựng, lắp đặt, cho thuê dây, máy điện báo, tổ chức việc thông tin và kinh doanh điện báo để phục vụ yêu cầu thông tin điện báo của các tổ chức và tư nhân trên lãnh thổ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà, trừ những trường hợp quy định ở điều 2 dưới đây.

Điều 2.- Quân đội nhân dân Việt-nam; ngành công an, ngành đường sắt, ngành điện được xây dựng, lắp đặt, tổ chức hệ thống thông tin điện báo riêng dùng trong nội bộ, nhưng không được làm trở ngại đến mạng lưới thông tin điện báo của ngành bưu điện.

Các ngành khác muốn đặt mạng lưới thông tin điện báo riêng phải được sự thoả thuận trước của Tổng cục Bưu điện, phải chịu sự kiểm soát về kỹ thuật của bưu điện và chỉ được sử dụng mạng lưới đó vào việc thông tin chuyên dùng trong nội bộ ngành mình.

Các ngành có mạng lưới thông tin điện báo riêng nói trên, nếu muốn kết hợp phục vụ cho tổ chức khác hay cho tư nhân, dù với mục đích kinh doanh hay không kinh doanh, đều phải được sự thoả thuận trước của Tổng cục Bưu điện.

Mọi điện báo từ mạng lưới thông tin riêng chuyển qua mạng lưới thông tin điện báo của bưu điện phải theo đúng những quy định trong điều lệ này.

Điều 3.- Điện báo thuộc về phạm trù thư tín mà tính chất bí mật và quyền bất khả xâm phạm được Hiến pháp nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và pháp luật bảo đảm.

Không ai được xâm phạm, làm mất, hủy bỏ điện báo của người khác. Người làm công tác bưu điện không được tiết lộ nội dung điện báo, tên người sử dụng điện báo mà mình biết được trong khi làm nhiệm vụ, trừ trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định.

Điều 4.- Điện báo nói trong điều lệ này là những bản viết, đánh máy hoặc in cần chuyển từ nơi này đến nơi khác bằng đường điện hoặc bằng đường điện kết hợp với đường thư.

Người sử dụng điện báo bao gồm mọi tổ chức và tư nhân trong nước hay nước ngoài gửi hoặc nhân điện báo tại nước Việt-nam dân chủ cộng hòa.

Điều 5.- Tổng cục Bưu điện sẽ tùy theo điều kiện của các địa phương mà quy định phạm vi, giờ giấc nhận chuyển, phát điện báo, khu vực phát điện báo ở các cơ sở bưu điện trong nước Việt-nam dân chủ cộng hòa.

Chương 2

CÁC LOẠI ĐIỆN BÁO

Mục I - Điện báo trong nước

Điều 6.- Điện báo trong nước là điện báo trao đổi trong phạm vi lãnh thổ nước Việt-nam dân chủ cộng hòa.

Điện báo trong nước gồm có các loại:

- Điện báo khí tượng, thủy văn,

- Điện báo công,

- Điện báo nghiệp vụ,

- Điện báo báo chí,

- Điện báo tư,

- Điện báo chuyển tiền,

- Điện báo chúc khánh.

Mỗi loại điện báo có giá cước riêng, có cách nhận, chuyển phát riêng.

Điều 7.- Điện báo khi tượng, thủy văn là loại điện báo do các cơ quan, các trạm, đài khí tượng, thủy văn để báo kết quả quan trắc về khí tượng và thủy văn hoặc dự báo thời tiết.

Điều 8.- Điện báo công là loại điện báo do các cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp, các đoàn thể từ cấp huyện hoặc tương đương trở lên, các công trường, nông trường, lâm trường; xí nghiệp, cửa hàng, trường học, bệnh viện dùng để giải quyết việc công.

Các cơ quan đại sứ, cơ quan tổng đại diện, đại diện lãnh sự, các phải đoàn nước ngoài dùng điện báo công để giải quyết việc công trong phạm vi lãnh thổ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà.

Điều 9.- Điện báo nghiệp vụ là loại điện báo do các cơ quan quản lý bưu điện các cấp, các cơ sở bưu điện dùng để giải quyết công việc trong ngành bưu điện.

Điều 10.- Điện báo báo chí là loại điện báo do các tổ chức thông tin, báo chí, các phóng viên, nhà báo dùng để chuyển tin tức, bài đăng báo, truyền thanh, phát thanh hay truyền hình.

Điều 11.- Điện báo tư là loại điện báo do các tổ hợp tác, các hợp tác xã, các đoàn thể cấp xã và tư nhân dùng để trao đổi việc công hay việc riêng.

Điều 12.- Điện báo chuyển tiền là một loại ngân phiếu do ngành bưu điện phát hành và chuyển đi bằng đường điện để phục vụ yêu cầu chuyển tiền của mọi tổ chức và tư nhân.

Điều 13.- Điện báo chúc khánh là loại điện báo do các tổ chức hay tư nhân dùng để chúc mừng nhau nhân một số ngày lễ lớn. Tổng cục Bưu điện quy định những ngày lễ lớn nào được gửi điện báo chúc khánh.

Mục 2 – Điện báo ngoài nước

Điều 14.- Điện báo ngoài nước là điện báo trao đổi giữa nước Việt-nam dân chủ cộng hoà với nước ngoài.

Điện báo ngoài nước gồm có các loại:

- Điện báo an toàn nhân mạng,

- Điện báo an toàn hàng không,

- Điện báo khí tượng,

- Điện báo quan sát vũ trụ,

- Điện báo quốc vụ,

- Điện báo nghiệp vụ,

- Điện báo tư,

- Điện báo báo chí,

- Điện báo thư.

Tổng cục Bưu điện, căn cứ vào hiệp định ký kết với nước ngoài, thông báo những loại điện báo được trao đổi với từng nước, điều kiện nhận, chuyển phát và giá cước quy định cho từng loại.

Điều 15.- Điện báo an toàn nhân mạng là loại điện báo do các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền dùng để trao đổi giữa nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và nước ngoài về các vấn đề đặc biệt khẩn cấp nhằm bảo vệ tính mạng con người trên bộ, trên không, dưới nước.

Điện báo an toàn nhân mạng do tổ chức bảo vệ sức khoẻ thế giới hay chi nhánh dịch tễ của tổ chức này gửi phải là những điện báo có nội dung đặc biệt khẩn cấp về dịch tễ liên quan đến việc bảo vệ tính mạng con người.

Điều 16.- Điện báo an toàn hàng không là loại điện báo do các phi công trên máy bay, các cơ quan hàng không của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và của nước ngoài dùng để trao đổi với nhau về việc chỉ huy, điều độ đường bay hay về những vấn đề khác nhằm bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển của máy bay.

Điều 17.- Điện báo khí tượng là loại điện báo do các cơ quan khí tượng của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và của nước ngoài dùng để trao đổi với nhau về kết quả quan trắc khí tượng hoặc dự báo thời tiết.

Điều 18.- Điện báo khí tượng là loại điện báo do các cơ quan khí tượng, khoa học của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và của nước ngoài trao đổi với nhau về kết quả quan sát vệ tinh và các đối tượng vũ trụ.

Điều 19.- Điện báo quốc vụ là loại điện báo do các vị giữ một trong những chức vụ sau đây của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà hoặc của nước ngoài gửi:

- Các vị lãnh đạo Đảng của các nước xã hội chủ nghĩa,

- Các vị đứng đầu Nhà nước,

- Các vị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các thành viên trong Chính phủ,

- Các tổng tư lệnh Quân đội, tư lệnh các binh chủng,

- Các đại sứ, các tổng đại diện, đại diện, lãnh sự.

Điện báo trả lời điện báo quốc vụ nói trên cũng được coi như điện báo quốc vụ.

Điều 20.- Điện báo nghiệp vụ là loại điện báo do các cơ quan bưu điện của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và của nước ngoài dùng để trao đổi với nhau về công việc của ngành bưu điện.

Điều 21.- Điện báo tư là loại điện báo do các cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, trường học, bệnh viện...và tư nhân dùng để trao đổi giữa nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và nước ngoài về việc công hay việc riêng.

Điều 22.- Điện báo báo chí là loại điện báo do các tổ chức thông tin báo chí, các phóng viên, nhà báo của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và của nước ngoài dùng để chuyển tin tức, bài đăng báo, phát thanh hay truyền thanh.

Điều 23.- Điện báo thư là loại điện báo cước hạ, chuyển phát chậm do các tổ chức và tư nhân của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và của nước ngoài dùng để trao đổi việc công hay việc không khẩn cấp.

Mục 3 – Điện báo tàu bay, tàu biển trong nước và ngoài nước

Điều 24.- Điện báo tàu bay, tàu biển là điện báo trao đổi qua cơ sở bưu điện, đài sân bay hoặc đài ven biển của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà; giữa đất liền với tàu bay đang bay, với tàu biển ngoài khơi; giữa tàu bay đang bay, tàu biển ngoài khơi với nhau.

Điều 25.- Điện báo tàu bay, tàu biển được phân ra điện báo tàu bay, tàu biển trong nước và điện báo tàu bay, tàu biển ngoài nước.

Điện báo tàu bay, tàu biển trong nước và ngoài nước được dùng các loại điện báo thích hợp do Tổng cục Bưu điện quy định trong phạm vi các loại ghi ở điều 6 và điều 14 trên đây.

Điện báo tàu bay, tàu biển có giá cước riêng, có cách nhận chuyển, phát riêng.

Điều 26.- Người gửi điện báo tàu biển từ đất liền có thể yêu cầu đài ven biển giữ bức điện báo trong một thời gian nhất định để chờ ngày chuyển cho tàu hoặc có thể nhờ một hoặc hai đài tàu biển khác làm trung gian chuyển tiếp.

Chương 3

CÁC CÔNG VỤ ĐẶC BIỆT

Điều 27.- Ngoài cách chuyển phát thông thường, người sử dụng điện báo còn có thể yêu cầu ngành bưu điện có cách chuyển phát riêng đối với bức điện báo của mình. Các công vụ đặc biệt được đặt ra để đáp ứng những yêu cầu riêng của người sử dụng về mức độ ưu tiên hoặc về các chuyển phát khác.

Điều 28.- Về mức độ ưu tiên, có những công vụ đặc biệt sau đây:

a) Hoả tốc: Điện báo hoả tốc là điện báo có yêu cầu phải được chuyển phát ngay, chậm nhất không được quá 4 tiếng đồng hồ kể từ lúc gửi cho đến lúc phát xong cho người nhận ở trong khu vực phát điện báo. Công vụ đặc biệt hoả tốc chỉ được dùng cho điện báo công (trong nước) mà nội dung có tính chất hết sức cấp bách thuộc về an toàn quốc gia, khẩn cấp quân sự, cấp cứu hay bảo vệ sinh mạng, cấp cứu hay bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể hay của nhân dân.

b) Thượng khẩn: Điện báo thượng khẩn là điện báo có yêu cầu phải được chuyển, phát thật nhanh chóng, chậm nhất không được quá 6 tiếng đồng hồ kể từ lúc gửi cho đến lúc phát xong cho người nhận ở trong khu vực phát điện báo. Công vụ đặc biệt thượng khẩn chỉ được dùng cho điện báo công (trong nước) mà nội dung có tính chất cấp bách.

c) Khẩn: Điện báo khẩn là điện báo có yêu cầu phải được chuyển, phát nhanh hơn điện báo thường, chậm nhất không được quá 12 tiếng đồng hồ kể từ lúc gửi cho đến lúc phát xong cho người nhận ở trong khu vực phát điện báo và trong giới hạn thời gian quy định cho việc phát điện báo khẩn. Công vụ đặc biệt khẩn có thể dùng cho điện báo trong nước hay ngoài nước, về việc công cũng như việc riêng.

Điều 29.- Về các cách chuyển phát khác, có những công vụ đặc biệt sau đây:

- Điện báo nhiều nơi; Ghi đủ các địa chỉ: Điện báo nhiều nơi là điện báo có yêu cầu cơ sở bưu điện đến phải sao chép ra nhiều bản phát cho cùng một người nhận ở nhiều chỗ khác nhau hoặc cho nhiều người nhận ở cùng một chỗ hay ở nhiều chỗ khác nhau trong phạm vi phục vụ của cơ sở bưu điện đến. Nếu muốn cơ sở bưu điện đến ghi trên mỗi bản sao đủ các địa chỉ của bức điện báo nhiều nơi thì người gửi dùng thêm công vụ đặc biệt ghi đủ các địa chỉ.

- Có cước trả lời: Điện báo có cước trả lời là điện báo mà người gửi có trả trước một số tiền để người nhận dùng thanh toán cước điện báo mà mình gửi đi.

- Đối chiếu: Điện báo đối chiếu là điện báo có yêu cầu bưu điện nhắc lại toàn bộ bức điện báo trong khi chuyển nhận trên đường điện.

- Chuyển tiếp: Điện báo chuyển tiếp là điện báo mà người gửi, người nhận hay người nhà đã trưởng thành của người nhận có yêu cầu bưu điện chuyển tiếp bằng đường điện đến địa chỉ mới của người nhận trong trường hợp người này đã di chuyển đi nơi khác có để lại địa chỉ mới.

- Báo phát; Báo trả: Điện báo báo phát là điện báo có yêu cầu bưu điện báo cho người gửi biết ngày giờ phát cho người nhận. Đối với điện báo chuyển tiền, nếu người gửi yêu cầu bưu điện báo cho biết ngày trả tiền cho người nhận thì dùng công vụ đặc biệt báo trả: người gửi có thể yêu cầu báo trả bằng đường điện (điện báo trả) hoặc báo trả bằng đường thư (thư báo trả).

- Thuê phát: Điện báo thuê phát là điện báo có yêu cầu cơ sở bưu điện đến thuê riêng người đi phát bức điện báo cho người nhận ở ngoài khu vực phát điện báo.

- Phát bằng điện thoại; Phát bằng điện báo: Điện báo phát bằng điện thoại hay điện báo phát bằng điện báo là điện báo có yêu cầu cơ sở bưu điện đến dùng điện thoại hay điện báo chuyển cho người nhận có máy điện thoại hay máy điện báo riêng.

- Phát theo thư: Điện báo phát theo thư là điện báo có yêu cầu cơ sở bưu điện đến chuyển cho người nhận bằng đường thư. Người gửi có thể yêu cầu chuyển điện báo cho người nhận theo thư thường, theo thư ghi số, theo thư máy bay thường hay theo thư máy bay ghi số.

- Phát ngày: Điện báo phát ngày là điện báo có yêu cầu phát cho người nhận vào ban ngày, không được phát vào ban đêm.

- Phát đêm: Điện báo phát đêm là điện báo có yêu cầu phát cho người nhận vào ban đêm. Nhưng nếu điện báo đến và ban ngày thì cũng được phát ngay.

- Phát định ngày: Điện báo phát định ngày là điện báo yêu cầu phát cho người nhận vào một ngày nhất định.

- Phát tận tay: Điện báo phát tận tay là điện báo có yêu cầu phát trực tiếp và đúng cho người có tên trên địa chỉ bức điện báo.

- Lưu ký: Điện báo lưu ký là điện báo có yêu cầu giữ lại tại cơ sở bưu điện đến, để người có tên ở địa chỉ bức điện báo trực tiếp đến nhận.

- Mừng; Tang: Điện báo mừng hay điện báo tang là điện báo có yêu cầu bưu điện dùng ấn phẩm đặc biệt để sao lại và phát cho người nhận, phù hợp với nội dung báo tin vui, chúc mừng hay báo tang, chia buồn về tang lễ.

Điều 30.- Tùy theo yêu cầu của người gửi, một bức điện báo có thể dùng nhiều công vụ đặc biệt trên đây, miễn là những công vụ ấy không đề ra những yêu cầu trái ngược nhau.

Điều 31.- Tổng cục Bưu điện căn cứ vào tình hình thực tế có trách nhiệm quy định và công bố những công vụ đặc biệt được dùng cho từng loại điện báo trong nước, và căn cứ vào hiệp định đã ký kết với nước ngoài mà thông báo những công vụ đặc biệt được dùng cho từng loại điện báo trao đổi với mỗi nước.

Chương 4

VIẾT VÀ GỬI ĐIỆN BÁO

Điều 32.- Điện báo nên ngắn gọn, phải viết rõ nét, dễ đọc, bằng chữ cái La-tinh và chữ số. Những chữ xoá bỏ hay viết thêm phải được người gửi ký xác nhận – Điện báo viết bằng tiếng Việt-nam phải đánh dấu hoặc dùng chữ cái thay dấu.

Điều 33.- Điện báo có thể viết bằng minh ngữ, bằng mật ngữ hoặc lẫn lộn minh ngữ và mật ngữ.

Điều 34.- Minh ngữ là tiếng nói thông dụng của mỗi dân tộc; mỗi từ, mỗi câu phải đúng với nghĩ thông thường – Quốc tế ngữ, La-tinh ngữ và mã tự, mã số phổ thông Trung quốc coi là minh ngữ.

Minh ngữ được dùng trong điện báo gồm có:

- Tiếng Việt-nam (tiếng phổ thông và tiếng dân tộc),

- Tiếng các nước xã hội chủ nghĩa,

- Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây-ban-nha,

- Tiếng các nước có quan hệ kinh tế, văn hoá, ngoại giao với nước Việt-nam dân chủ cộng hoà,

- Những minh ngữ khác được nước nhận điện báo chấp nhận.

Điều 35.- Mật ngữ là những chữ cái La-tinh hay chữ cái Ả-rập ghép lại thành từng nhóm có nghĩa bí mật hoặc những từ, những câu không có nghĩa thông thường.

Chỉ các cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp, các đoàn thể từ cấp huyện hoặc tương đương trở lên, các cơ quan đại sứ, cơ quan tổng đại diện, đại diện, lãnh sự, các phái đoàn nước ngoài mới được dùng mật ngữ để viết điện báo.

Các tổ chức thương mại, hàng hải của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà hay của các nước có quan hệ thương mại, hàng hải với nước Việt-nam dân chủ cộng hoà được dùng mã luật thương mại, hàng hải quốc tế thông dụng, nhưng phải ghi tên mã luật trên bức điện báo.

Điều 36.- Điện báo gửi đi mà nội dung có những vấn đề thuộc bí mật Nhà nước bắt buộc phải được viết bằng mật ngữ.

Điều 37.- Riêng đối với điện báo trong nước, nếu người gửi yêu cầu bưu điện nhất thiết phải chuyển bằng đường điện hữu tuyến, không được chuyển bằng đường điện vô tuyến thì phải ghi thêm chú dẫn “Dây” trên bức điện báo.

Điều 38.- Địa chỉ điện báo phải có đủ chi tiết cần thiết để bưu điện phát được dễ dàng, nhanh chóng, không nhầm lẫn. Nếu là địa chỉ tắt hay địa chỉ quy ước thì địa chỉ này phải được đăng ký trước với bưu điện. Những trường hợp phải chịu cước đăng ký địa chỉ do Tổng cục Bưu điện quy định.

Điều 39.- Nội dung bức điện báo không được phạm đến chế độ chính trị, đến luật pháp Nhà nước, đến an ninh trật tự chung, đến bí mật Nhà nước, đến đạo đức xã hội và không được đưa những tin tức không đúng sự thật. Trong trường hợp người gửi vi phạm điều quy định này, bưu điện phải giao ngay bức điện cho cơ quan có thẩm quyền xét định.

Trường hợp đặc biệt, bưu điện có thể đòi hỏi người gửi xuất trình giấy tờ căn cước.

Điều 40.- Người gửi điện báo có thể đến tại cơ sở bưu điện để gửi hoặc cũng có thể chuyển bức điện báo cho cơ sở bưu điện bằng máy điện thoại hay bằng máy điện báo riêng của mình.

Sau khi gửi, người gửi có thể yêu cầu hủy bỏ bức điện báo và phải trả cước cho yêu cầu hủy bỏ này.

Điều 41.- Người sử dụng điện báo phải trả đủ cước.

Cước của một bức điện báo gồm có:

- Cước chính về những từ trong bức điện báo phải chuyển đi; cước chính được tính tùy theo loại điện báo; đối với điện báo ngoài nước, cước chính còn được tính tùy theo hướng chuyển điện báo;

- Cước phụ về công vụ đặc biệt mà người sử dụng yêu cầu (nếu có).

Chương 5

CHUYỂN VÀ PHÁT ĐIỆN BÁO

Điều 42.- Việc chuyển điện báo trên đường điện phải đảm bảo thứ tự trước sau do Tổng cục Bưu điện quy định tùy theo mức độ ưu tiên, loại điện báo và giờ nhận điện báo.

Điều 43.- Về việc phát điện báo, nếu không có yêu cầu nào khác của người gửi hay người nhận thì cơ sở bưu điện đến có nhiệm vụ phát cho người nhận ở trong khu vực phát điện báo theo thứ tự giờ bức điện báo đến cơ sở bưu điện.

Nếu người nhận ở ngoài khu vực phát điện báo của cơ sở bưu điện đến thì cơ sở bưu điện này phải chuyển phát bức điện báo cho người nhận theo chuyến thư gần nhất.

Điều 44.- Đối tượng phát điện báo được quy định như sau:

a) Điện báo gửi cho tư nhân có địa chỉ ở nhà riêng được phát cho người nhận hoặc cho người nhà đã trưởng thành của người nhận tại địa chỉ ghi trên bức điện báo.

b) Điện báo gửi cho tổ chức, cơ quan hay cá nhân trong một tổ chức, cơ quan, có thể được phát cho nhân viên văn thư, nhân viên thường trực hoặc liên lạc viên, những người này phải được tổ chức, cơ quan ấy chính thức ủy quyền và giới thiệu với bưu điện.

Điều 45.- Mỗi tổ chức, cơ quan phải bố trí việc giao nhận điện báo với bưu điện và trong bội bộ tổ chức, cơ quan mình theo sự hướng dẫn của bưu điện, phải chịu trách nhiệm về mọi sự chậm trễ, mất mát, lộ bí mật điện báo xảy ra trong tổ chức, cơ quan mình.

Điều 46.- Người nhận điện báo phải kê nhận đầy đủ trên biên lai phát điện báo.

Người nhận thay người có tên trên địa chỉ bức điện báo phải bảo quản cẩn thận bức điện báo và giao lại ngay cho người nhận chính thức, không được làm thất lạc, mất mát, chậm trễ, không được bóc xem bức điện báo, không được tiết lộ cho người khác biết bất cứ điều gì thuộc về bức điện báo mà mình nhận thay. Nếu không phát lại cho người nhận chính thức thì người nhận thay phải ghi rõ lý do trên bức điện báo và giao trả lại kịp thời cho bưu điện.

Trong trường hợp bức điện báo bị phát nhầm người nhận nhầm phải giao trả lại ngay cho bưu điện để bưu điện kịp thời phát đúng cho người nhận.

Điều 47.- Nếu không phát được cho người nhận, bưu điện phải báo cho người gửi điện báo biết lý do không phát được.

Đối với điện báo không phát được, bưu điện không hoàn lại cước đã thu, trừ cước phụ và những công vụ đặc biệt báo phát, báo trả có cước trả lời, nếu có, thì được hoàn lại cho người gửi.

Điều 48.- Đối với những bức điện báo không phát được, cơ sở bưu điện đến phải lưu giữ trong thời hạn 42 ngày kể từ ngày hôm sau ngày gửi điện báo; sau thời hạn đó mới được phép hủy bỏ.

Chương 6

KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Điều 49.- Trong phạm vi thời hạn sáu tháng kể từ ngày hôm sau ngày gửi điện báo, người gửi hay người nhận điện báo có thể khiếu nại bằng lời hay bằng thư miễn cước với bất cứ cơ sở bưu điện nào, bất cứ cấp quản lý nào trong ngành bưu điện hoặc với các cơ quan có thẩm quyền khác về những thiếu sót, sai lầm có liên quan đến bức điện báo đã gửi hay đã nhận.

Người khiếu nại cần cung cấp chứng từ cần thiết để bưu điện tiện việc điều tra.

Điều 50.- Nơi nhận thư khiếu nại phải báo nhận thư cho người khiếu nại trong vòng 48 tiếng đồng hồ và phải mở ngay cuộc điều tra để giải quyết.

Trong thời hạn chậm nhất hai tháng kể từ ngày hôm sau ngày nhận khiếu nại, bưu điện phải báo cho người khiếu nại biết kế quả điều tra, giải quyết.

Điều 51.- Nếu vì khuyết điểm của bưu điện mà điện báo bị chậm trễ, sai sót, thất lạc, mất mát, thì tùy từng trường hợp bưu điện phải hoàn lại một phần hay toàn bộ cước cho người đã trả cước.

Ngành bưu điện không phải bồi thường những thiệt hại gián tiếp, những hậu quả do những thiếu sót, sai lầm nói trên có thể gây ra cho người gửi điện báo hay người nhận điện báo. Tuy nhiên, đối với cán bộ, nhân viên phạm lỗi cũng như đối với người phụ trách trực tiếp, ngành bưu điện phải thi hành kỷ luật hành chính hoặc truy tố trước pháp luật tùy theo mức độ phạm lỗi và hậu quả gây ra.

Điều lệ này được ban hành kèm theo Nghị định số 94-CP ngày 07-05-1973 của Hội đồng Chính phủ.

ĐIỀU LỆ

THÔNG TIN ĐIỆN THOẠI

Trong hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, các tổ chức xã hội, các cơ quan Nhà nước, việc sử dụng bưu điện để giao dịch, trao đổi, thông tin liên lạc là một nhu cầu rất cần thiết không thể thiếu được.

Ngành bưu điện có trách nhiệm tổ chức tốt việc phục vụ các nhu cầu nói trên. Điều lệ này quy định những nguyên tắc và thể thức về thông tin điện thoại, để một bên là người sử dụng và một bên là ngành bưu điện, thi hành đúng đắn, nhằm bảo đảm cho công tác thông tin điện thoại được nhanh chóng, chính xác, an toàn và tiện lợi nhất.

Chương 1

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1.- Chỉ có ngành bưu điện mới có quyền xây dựng, lắp đặt, cho thuê dây, máy điện thoại, tổ chức việc thông tin và kinh doanh điện thoại để phục vụ yêu cầu thông tin điện thoại của mọi tổ chức và tư nhân trên lãnh thổ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà, trừ những trường hợp quy định ở điều 2 dưới đây.

Điều 2.- Quân đội nhân dân Việt-nam, ngành công an, ngành đường sắt, ngành điện được xây dựng, lắp đặt, tổ chức hệ thống thông tin điện thoại riêng dùng trong nội bộ, nhưng không được làm trở ngại đến mạng lưới thông tin điện thoại của ngành bưu điện.

Các ngành khác muốn đặt mạng lưới thông tin điện thoại riêng phải được sự thoả thuận trước của bưu điện, phải chịu sự kiểm soát về kỹ thuật của bưu điện và chỉ được dùng mạng lưới đó vào việc thông tin trong nội bộ ngành mình.

Các ngành có mạng lưới thông tin điện thoại riêng nói trên, muốn nối mạng lưới riêng vào mạng lưới điện thoại của bưu điện phải được sự thoả thuận trước của bưu điện.

Mọi cuộc điện thoại thông qua mạng lưới điện thoại của bưu điện phải theo đúng nhưng quy định trong điều lệ này.

Điều 3.- Người sử dụng điện thoại không được lợi dụng điện thoại để trao đổi những điều vi phạm đến chế độ chính trị, đến luật pháp Nhà nước, đến an ninh, trật tự chung, đến bí mật Nhà nước, đến đạo đức xã hội hoặc đưa những tin tức không đúng sự thật.

Người làm công tác bưu điện không được nghe các cuộc điện thoại của người sử dụng; không được tiết lộ tên người sử dụng điện thoại hoặc nội dung cuộc điện thoại nếu biết được trong khi làm nhiệm vụ, trừ trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định.

Điều 4.- Bưu điện có trách nhiệm phục vụ người sử dụng điện thoại bất cứ ngày đêm.

Điều 5.- Điện thoại nói trong điều lệ này là những cuộc nói chuyện trao đổi bằng đường điện trực tiếp giữa người gọi và người được gọi.

Máy điện thoại mà bưu điện đặt riêng cho tổ chức hay tư nhân dùng để nói điện thoại gọi là máy điện thoại thuê riêng; máy điện thoại đặt tại các cơ sở bưu điện hoặc các nơi tập trung đông dân gọi là máy điện thoại công cộng.

Tổ chức hay tư nhân có máy điện thoại thuê riêng gọi là người thuê máy điện thoại.

Người sử dụng điện thoại bao gồm mọi tổ chức và tư nhân trong nước hay nước ngoài gọi điện thoại hoặc trả lời điện thoại tại nước Việt-nam dân chủ cộng hoà.

Điều 6.- Tổng cục Bưu điện sẽ tùy theo điều kiện của các địa phương mà quy định phạm vi thông tin điện thoại ở các cơ sở bưu điện trong nước Việt-nam dân chủ cộng hoà.

Chương 2

MÁY ĐIỆN THOẠI THUÊ RIÊNG

Điều 7.- Những tổ chức và tư nhân muốn bưu điện đặt máy điện thoại thuê riêng phải có yêu cầu trước để bưu điện ghi vào kế hoạch của mình và phải theo đúng chế độ do Tổng cục Bưu điện quy định.

Điều 8.- Mọi việc dịch chuyển, thay đổi thêm bớt hoặc tháo dỡ dây máy của bất cứ tổ chức hay tư nhân nào đều phải được sự thoả thuận trước của bưu điện. Bưu điện phải khẩn trương giải quyết những yêu cầu trên chậm nhất cũng không được quá 5 ngày sau ngày nhận yêu cầu.

Người thuê máy muốn nhường máy cho người khác hoặc cần đổi tên người dùng máy, đều phải báo cho bưu điện biết trước.

Điều 9.- Người thuê máy có trách nhiệm bảo vệ dây máy trong nhà theo đúng sự hướng dẫn của bưu điện, không được dùng dây máy ấy vào việc khác nếu không có sự thoả thuận trước của bưu điện. Trong trường hợp để xảy ra hư hỏng, mất mát thiết bị, để xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng đến việc thông tin chung thì tùy theo mức độ, nhẹ hay nặng, người thuê máy phải chịu chi phí sửa chữa, phải bồi thường thiệt hại, có thể không được dùng dây máy nữa hoặc bị truy tố trước pháp luật.

Bưu điện có trách nhiệm bảo đảm dây máy thuê riêng luôn luôn tốt; nếu có hư hỏng phải sửa chữa hay thay thế kịp thời.

Điều 10.- Ngoài chi phí đặt mới, dịch chuyển thay đổi thêm bớt thiết bị, người thuê máy còn phải trả cước thuê hàng tháng.

Chương 3

ĐIỆN THOẠI NỘI THỊ

Điều 11.- Điện thoại nội thị là điện thoại trao đổi giữa hai máy trong cùng một mạng lưới điện thoại của một thành phố thị xã, thị trấn hay một khu vực nhất định.

Điều 12.- Người gọi điện thoại nội thị có thể liên lạc ngay với máy được gọi, nếu máy này rỗi; nếu máy này bận thì phải chờ rồi gọi lại, trừ những cuộc điện thoại nội thị phòng không nhân dân hoặc có tính chất đặc biệt khẩn cấp khác thì bưu điện phải giải quyết ngay.

Điều 13. Thời gian liên lạc điện thoại nội thị không hạn chế. Tuy nhiên trong một số trường hợp do Tổng cục Bưu điện quy định, bưu điện có thể cắt ngay liên lạc hoặc hạn chế thời gian liên lạc.

Trong trường hợp phải cắt ngay liên lạc hoặc hạn chế thời gian liên lạc, bưu điện phải báo cho người sử dụng biết.

Điều 14.- Người gọi điện thoại nội thị ở máy công cộng cũng như ở máy thuê riêng đều phải trả cước theo thể thức do Tổng cục Bưu điện quy định.

Chương 4

ĐIỆN THOẠI ĐƯỜNG DÀI

Điều 15.- Điện thoại đường dài là điện thoại trao đổi giữa 2 máy thuộc 2 mạng lưới điện thoại ở 2 nơi khác nhau.

Điện thoại đường dài trao đổi trong phạm vi lãnh thổ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà gọi là điện thoại đường dài trong nước; điện thoại đường dài trao đổi giữa nước Việt-nam dân chủ cộng hoà với nước ngoài gọi là điện thoại đường dài ngoài nước.

Mục 1 – Điện thoại đường dài trong nước

Điều 16.- Điện thoại đường dài trong nước gồm có các loại:

- Điện thoại phòng không,

- Điện thoại công,

- Điện thoại nghiệp vụ,

- Điện thoại tư.

Điều 17.- Điện thoại phòng không là loại điện thoại do các trạm quan sát phòng không dùng để báo sự xâm nhập của máy bay địch hay máy bay lạ (không được biết trước), hoặc do các cơ quan chỉ huy phòng không nhân dân dùng để phát lệnh báo động phòng không.

Bưu điện phải phục vụ loại điện thoại phòng không trước tất cả các loại khác, không được trì hoãn.

Mỗi cuộc điện thoại phòng không không được kéo dài quá 3 phút.

Điều 18.- Điện thoại công là điện thoại do các cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp, các đoàn thể từ cấp huyện hoặc tương đương trở lên, các công trường, nông trường, lâm trường, xí nghiệp, cửa hàng, trường học, bệnh viện, các cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật dùng để giải quyết việc công.

Các cơ quan đại sứ, tổng đại diện, đại diện, lãnh sự, các phái đoàn nước ngoài dùng điện thoại công để giải quyết việc công trong phạm vi lãnh thổ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà.

Điện thoại công do các vị lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp gọi đi phải được bưu điện phục vụ trước các cuộc điện thoại công tác.

Điều 19.- Điện thoại nghiệp vụ là loại điện thoại do các cấp quản lý bưu điện, các cơ sở bưu điện dùng để giải quyết công việc trong ngành bưu điện.

Điều 20.- Điện thoại tư là loại điện thoại do các tổ hợp tác, các hợp tác xã, các đoàn thể cấp xã và tư nhân dùng để trao đổi việc công hay việc riêng.

Mục 2 – Điện thoại đường dài ngoài nước

Điều 21.- Điện thoại đường dài ngoài nước gồm có các loại:

- Điện thoại cấp cứu,

- Điện thoại an toàn hàng không,

- Điện thoại quốc vụ,

- Điện thoại nghiệp vụ,

- Điện thoại tư,

- Điện thoại báo chí.

Tổng cục Bưu điện, căn cứ vào hiệp định đã ký kết với nước ngoài, thông báo những loại điện thoại được trao đổi với từng nước và giá cước quy định cho từng loại.

Điều 22.- Điện thoại cấp cứu là loại điện thoại do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dùng để trao đổi giữa nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và nước ngoài về các vấn đề đặc biệt khẩn cấp nhằm bảo vệ tính mạng con người trên bộ, trên không, dưới nước.

Điện thoại cấp cứu cũng gồm cả điện thoại đặc biệt khẩn cấp về dịch tễ của tổ chức bảo vệ sức khoẻ thế giới.

Điều 23.- Điện thoại an toàn hàng không là loại điện thoại do các cơ quan hàng không của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và của nước ngoài dùng để trao đổi với nhau về các vấn đề an toàn vận chuyển của máy bay.

Điều 24.- Điện thoại quốc vụ là loại điện thoại do những vị giữ một trong những chức vụ sau đây của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà hoặc của nước ngoài gọi đi:

- Các vị lãnh đạo Đảng của các nước xã hội chủ nghĩa;

- Các vị đứng đầu Nhà nước;

- Các vị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các thành viên trong Chính phủ;

- Các tổng tư lệnh Quân đội, tư lệnh các binh chủng;

- Các đại sứ, các tổng đại diện, đại diện lãnh sự.

Điều 25.- Điện thoại nghiệp vụ là loại điện thoại do cơ quan bưu điện của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và của nước ngoài dùng để trao đổi với nhau về công việc của ngành bưu điện.

Điều 26.- Điện thoại tư là loại điện thoại do các cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, trường học, bệnh viện và tư nhân dùng để trao đổi giữa nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và nước ngoài về việc công hay việc riêng.

Điều 27.- Điện thoại báo chí là loại điện thoại do các tổ chức thông tin báo chí, các phóng viên, nhà báo dùng để đưa tin tức, bài đăng báo, phát thanh hay truyền hình giữa nước Việt-nam dân chủ cộng hoà và nước ngoài

Mục 3 – Các công vụ đặc biệt dùng trong điện thoại đường dài trong nước và ngoài nước

Điều 28.- Ngoài các thông tin thông thường, người gọi điện thoại đường dài còn có thể yêu cầu bưu điện có cách phục vụ riêng đối với cuộc điện thoại của mình. Các công vụ đặc biệt được đặt ra để đáp ứng yêu cầu riêng của người sử dụng theo quy định ở điều 29.

Điều 29.- Các công vụ đặc biệt gồm có:

- Khẩn: Điện thoại khẩn là cuộc điện thoại có yêu cầu bưu điện phải phục vụ ưu tiên trước các cuộc điện thoại thường.

- Có báo trước: Điện thoại có báo trước là cuộc điện thoại có yêu cầu bưu điện phải báo cho người được gọi có máy thuê riêng biết trước.

- Có giấy mời: Điện thoại có giấy mời là cuộc điện thoại có yêu cầu bưu điện phải mời người được gọi không có máy thuê riêng đến cơ sở bưu điện hoặc đến một máy thuê riêng nhất định để trả lời.

- Thu cước ở người được gọi: Điện thoại thu cước ở người được gọi là cuộc điện thoại có yêu cầu bưu điện thu cước ở người được gọi.

- Định giờ: Điện thoại định giờ là cuộc điện thoại có yêu cầu bưu điện cho liên lạc với người được gọi vào giờ phút nhất định.

- Hỏi tin: Điện thoại hỏi tin là cuộc điện thoại mà người gọi yêu cầu bưu điện cho mình biết những tin tức về người cần được gọi để có thể xin liên lạc với người ấy.

- Định kỳ: Điện thoại định kỳ là cuộc điện thoại có yêu cầu bưu điện cho liên lạc thường xuyên trong phạm vi thời hạn nhất định giữa 2 máy thuê riêng nhất định, vào giờ phút nhất định đã ghi trong hợp đồng ký kết giữa bưu điện với người sử dụng.

- Phát thanh truyền hình: Điện thoại phát thanh hay truyền hình là cuộc điện thoại mà người gọi yêu cầu nơi được gọi phải ghi thu lại để dùng cho phát thanh hay truyền hình.

Điều 30.- Tùy yêu cầu của người gọi, một cuộc điện thoại có thể dùng nhiều công vụ đặc biệt trên đây, miễn là những công vụ ấy không đề ra những yêu cầu trái ngược nhau.

Điều 31.- Tổng cục Bưu điện căn cứ vào tình hình thực tế có trách nhiệm quy định và công bố những công vụ đặc biệt dùng cho từng loại điện thoại trong nước, và căn cứ vào hiệp định đã ký kết với nước ngoài mà thông báo những công vụ đặc biệt được dùng cho từng loại điện thoại trao đổi với mỗi nước.

Mục 4 – Liên lạc điện thoại đường dài trong nước và ngoài nước

Điều 32.- Muốn liên lạc điện thoại đường dài, người gọi phải đăng ký trước với bưu điện và chờ đến lượt bưu điện gọi lại, trừ điện thoại phòng không thì bưu điện phải cho liên lạc ngay.

Điều 33.- Sau khi đăng ký hoặc khi được bưu điện cho liên lạc, người gọi có thể xin sửa đổi, hủy bỏ đăng ký, người được gọi có thể từ chối không tiếp chuyện. Tùy từng trường hợp do Tổng cục Bưu điện quy định, người gọi phải trả cước thủ tục.

Điều 34.- Việc cho liên lạc điện thoại đường dài phải đảm bảo thứ tự trước sau do Tổng cục Bưu điện quy định tùy theo mức độ ưu tiên, loại điện thoại và giờ phút đăng ký.

Điều 35.- Trừ điện thoại phòng không quy định ở điều 17, đối với các loại điện thoại khác, thời gian liên lạc nói chung là không hạn chế. Tuy nhiên trong một số trường hợp do Tổng cục Bưu điện quy định, bưu điện có thể cắt ngay liên lạc hoặc hạn chế thời gian liên lạc.

Trong trường hợp phải cắt ngay liên lạc hoặc hạn chế thời gian liên lạc, bưu điện phải báo cho người sử dụng biết.

Điều 36.- Người sử dụng điện thoại phải trả đủ cước. Cước một cuộc điện thoại đường dài gồm có:

- Cước chính tính theo thời gian liên lạc, theo loại điện thoại, theo đường liên lạc;

- Cước phụ về công vụ đặc biệt mà người gọi yêu cầu (nếu có).

Chương 5

KHIẾU NẠI

Điều 37.- Người sử dụng điện thoại có thể bất cứ lúc nào khiếu nại trực tiếp bằng lời hoặc bằng thư miễn cước với cơ sở bưu điện có liên quan, với bất cứ cấp quản lý nào trong ngành bưu điện hoặc với cơ quan có thẩm quyền khác về sai sót của bưu điện trong việc cho liên lạc, tính cước hoặc về tinh thần thái độ của cán bộ, nhân viên bưu điện.

Nơi nhận khiếu nại phải nhanh chóng điều tra và báo kết quả cho người khiếu nại biết.

Điều 38.- Tùy từng trường hợp sai sót do bưu điện gây nên, bưu điện phải hoàn lại một phần hay toàn bộ cước cho người đã trả.

Ngành bưu điện không phải bồi thường những thiệt hại gián tiếp, những hậu quả do những sai sót nói trên có thể gây ra cho người sử dụng. Tuy nhiên đối với cán bộ, nhân viên phạm lỗi cũng như đối với người phụ trách trực tiếp, ngành bưu điện phải thi hành kỷ luật hành chính hoặc truy tố trước pháp luật tùy theo mức độ phạm lỗi và hậu quả gây ra.

Điều lệ này được ban hành kèm theo Nghị định số 94-CP ngày 07-05-1973 của Hội đồng Chính phủ.