Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 02/2006/NQ-HĐND

Vĩnh Yên, ngày 14 tháng 4 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ  GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và thi hành Luật ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Trên cơ sở Tờ trình số 39/TTr-UB ngày 24/3/2006 của UBND tỉnh về chương trình khuyến công và phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2006-2010; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ và giải pháp chương trình khuyến công và phát triển làng nghề tỉnh giai đoạn 2006-2010

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

- Động viên và huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công. Nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, khôi phục các làng nghề truyền thống, du nhập và phát triển nghề mới.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp là 21%/năm, trong đó công nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân trên 35%/năm nhằm góp phần đưa tỷ trọng công nghiệp đạt 58,4% trong cơ cấu GDP tỉnh vào năm 2010.

- Mở rộng quy mô hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

- Phấn đấu đến năm 2010 có 25 - 30 làng đạt tiêu chuẩn làng nghề.

- Hàng năm đào tạo, khởi sự doanh nghiệp từ 100-150 người, bồi dưỡng kiến thức quản trị kinh doanh từ 100 - 200 người.

- Truyền nghề, đào tạo nghề gắn với khôi phục làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề mới, mỗi năm từ 1.200 đến 1.400 người để tạo nhân tố nòng cốt phát triển, nhân cấy nghề; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từ 6.000 đến 9.000 người.

2. Phạm vi đối tượng áp dụng

Phạm vi và đối tượng áp dụng của chương trình khuyến công là:

a) Các Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

b) Các Hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập và hoạt động theo Bộ luật dân sự, Luật Hợp tác xã;

c) Các hộ kinh doanh cá thể.

d) Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động dịch vụ khuyến công.

3. Các ngành nghề được ưu tiên hưởng chính sách khuyến công

a) Công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm;

b) Cơ sở sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động như: Khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, dệt may, ươm tơ, xe tơ, dệt lụa…;

c) Cơ sở sản xuất TTCN, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như: Trạm Khắc đá, trạm khắc gỗ, thêu ren, sơn mài, khảm trai, mây tre đan, gốm sứ…;

d) Cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ; cơ sở sản xuất phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp;

e) Cơ sở sản xuất sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm mới (là sản phẩm nơi cơ sở sản xuất đầu tư chưa sản xuất được); sản xuất gia công chi tiết, bán thành phẩm cho các cơ sở sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh;

g) Công nghiệp điện tử, tin học;

h) Đầu tư vốn xây dựng kết cấu hạ tầng cho cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề;

i) Xây dựng thuỷ điện nhỏ, sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo có công suất lắp đặt dưới 10.000 KW để cung cấp điện cho nông thôn, vùng sâu vùng xa.

4. Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Về quy hoạch phát triển ngành nghề, mặt bằng, đất đai:

- Tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn Vĩnh Phúc đến năm 2015. Triển khai quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh đến năm 2010 của từng huyện, thị.

b) Giải pháp về thị trường và nguyên liệu:

- Về thị trường: Hỗ trợ, tạo điều kiện cho Doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm; tham quan, khảo sát tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài nước.

- Về nguyên liệu: Đối với nguyên liệu tự nhiên, tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng lập bản đồ quy hoạch; hình thành những doanh nghiệp chuyển ngành khai thác để đầu tư công nghệ đảm bảo chất lượng nguyên liệu. Đối với nguyên liệu từ sản phẩm của ngành nông nghiệp thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyên thu mua và cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất.

c) Giải pháp về khuyến khích phát triển nghề TTCN:

Căn cứ vào tiêu chuẩn để xét công nhận làng nghề đạt chuẩn; thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ, ưu đãi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với các làng nghề đạt chuẩn. Lựa chọn hỗ trợ một số Doanh nghiệp năng động làm nòng cốt phát triển làng nghề. Khuyến khích phát huy vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi và động viên người có công đưa nghề mới về tỉnh để khôi phục và phát triển nghề, làng nghề.

d) Giải pháp về tổ chức cán bộ khuyến công các cấp:

* Đối với Trung tâm khuyến công tỉnh: Bố trí hợp đồng thêm cán bộ để phối hợp với Phòng kinh tế các huyện, thị chỉ đạo thực hiện công tác khuyến công.

* Đối với các huyện, thị: Bố trí một số cán bộ tại Phòng Kinh tế làm kiêm nhiệm công tác khuyến công.

* Đối với cấp xã:

- Năm 2006 bố trí 40 cán bộ khuyến công ở 40 xã, phường, thị trấn có công nghiệp -tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tương đối phát triển. Các năm tiếp theo tuỳ theo sự phát triển Công nghiệp - TTCN, làng nghề của từng địa phương để bố trí thêm cán bộ khuyến công. Đảm bảo đến năm 2010 các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có cán bộ khuyến công.

- Mức hỗ trợ thù lao trả cho cán bộ khuyến công cấp xã: 200.000đồng/người/tháng và được điều chỉnh hàng năm tuỳ theo khả năng ngân sách của tỉnh, đảm bảo cho công tác khuyến công cơ sở hoạt động có hiệu quả. Nguồn ngân sách tỉnh phân bổ hàng năm cho ngân sách xã chi trả trực tiếp cho cán bộ khuyến công, theo đúng luật ngân sách.

e) Giải pháp về công nghệ và bảo vệ môi trường:

Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất sạch, hạn chế tối thiểu chất thải ô nhiễm môi trường.

g) Tăng cường năng lực tổ chức quản lý chỉ đạo phát triển công nghiệp nông thôn:

Chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh theo pháp luật. Đầu tư xây dựng Trung tâm hỗ trợ truyền nghề, hỗ trợ khởi sự thành lập doanh nghiệp, nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng trụ sở Trung tâm Khuyến công tỉnh.

5. Kinh phí thực hiện

Ngoài nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, hàng năm căn cứ chương trình dự án và nhiệm vụ cụ thể, ngân sách tỉnh sẽ bố trí kinh phí theo đề nghị của UBND tỉnh đảm bảo công tác khuyến công và phát triển làng nghề có hiệu quả.

Điều 2: Tổ chức thực hiện

- HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với HĐND tỉnh.

- Thường trực, các Ban và Đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khoá XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 11/4/2006./.

 

 

T.M HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC 
 CHỦ TỊCH




Trịnh Đình Dũng