Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2007/NQ-HĐND

Vĩnh Yên, ngày 11 tháng 5 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO KIẾN THỨC, HUẤN LUYỆN NGHỀ NGẮN HẠN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO NÔNG DÂN GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26-11-2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16-12-2002;

Căn cứ Nghị định số 56/2005/NĐ-CP ngày 26/4/2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 6-4-2006 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư;

Sau khi xem xét Tờ trình số 36/TTr-UBND ngày 19-4-2007 của UBND tỉnh về việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, huấn luyện nghề ngắn hạn và cung cấp thông tin cho nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2007 - 2010, định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua đề án bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, huấn luyện nghề ngắn hạn và cung cấp thông tin cho nông dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007 - 2010 với các nội dung cụ thể sau:

1. Mục tiêu.

a) Về bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho nông dân: Trong 2 năm 2007 - 2008 mở 2.000 lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức lần đầu cho 200.000 nông dân (mỗi lớp 100 người, thời gian 4 ngày). Từ năm 2009 trở đi, tổ chức các lớp cập nhật kiến thức (mỗi lớp 100 người, thời gian 01 ngày).

b) Về huấn luyện nghề ngắn hạn: Trong 4 năm (2007 - 2010) mở 3000 lớp huấn luyện nghề ngắn hạn cho 90.000 nông dân (mỗi lớp 30 người, thời gian từ 7 ngày đến dưới 1 tháng).

c) Thiết lập hệ thống thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến tỉnh, huyện, điểm tư vấn xãnhằm cung cấp thông tin hàng ngày về cơ chế chính sách, thị trường, lao động, việc làm, kỹ thuật sản xuất, các mô hình kinh tế cho nông dân thông qua mạng Internet.

2. Cơ chế hỗ trợ:

a) Đối với người học:

- Hỗ trợ tiền ăn 10.000đ/người/ngày.

- Được cấp tài liệu học và giấy chứng nhận đã qua lớp huấn luyện nghề.

b) Đối với người dạy:

- Giáo viên được bồi dưỡng nghiệp vụ.

- Báo cáo viên, chuyên gia được trả thù lao bồi dưỡng theo chế độ hiện hành.

3. Kinh phí: Ngân sách tỉnh đầu tư giai đoạn 2007 - 2010 dự kiến 84 tỷ đồng để:

- Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức: Mua sắm trang thiết bị, thuê phương tiện đào tạo giáo viên, biên soạn tài liệu, quản lý chương trình, mở lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức ban đầu và cập nhật kiến thức mới.

- Huấn luyện nghề ngắn hạn: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, biên soạn tài liệu, mở lớp và quản lý bồi dưỡng giáo viên.

- Cung cấp thông tin cho nông dân: Xây dựng cơ sở dữ liệu về nông, lâm, thuỷ lợi trên nền hệ thông tin địa lý (GIS); xây dựng nhà làm việc của Trung tâm tách hợp dữ liệu nông nghiệp nông thôn, 152 trạm tin học cấp xã; lập Website; hỗ trợ các điểm tư vấn cấp xã tiền thuê bao Internet; tổ chức quản lý khai thác, vận hành hệ thống trang thiết bị thông tin.

* Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, huấn luyện nghề ngắn hạn và cung cấp thông tin cho nông dân, UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi triển khai thực hiện.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Thường trực HĐND tỉnh, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khoá XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 08-5-2007./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trịnh Đình Dũng