Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 30 tháng 3 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỘ GIA ĐÌNH NGƯỜI CÓ CÔNG KHÓ KHĂN VỀ NHÀ Ở TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVII - KỲ HỌP THỨ4 (CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBNTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11 ngày 21 tháng 6 năm 2007 của UBTVQH về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công;

Căn cứ Quyết định số 118/TTg, ngày 27 tháng 2 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở.

Sau khi xem xét Tờ trình số 26 /TTr-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc đề nghị ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án Chính sách hỗ trợ hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Chính sách hỗ trợ hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2015, với nội dung chính sau đây:

1. Mục tiêu

a) Huy động tổng hợp các nguồn lực, để hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở, góp phần cải thiện điều kiện sống, thực hiện mục tiêu “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương nơi cư trú”;

b) Trong giai đoạn 2012 - 2015, phấn đấu hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 900 nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, thuộc các đối tượng hộ gia đình thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và người hoạt động kháng chiến có huân, huy chương.

2. Đối tượng

Là những hộ gia đình Người có công với cách mạng quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL - UBNTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11 ngày 21 tháng 6 năm 2007 của UBTVQH về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Yên Bái, đang có khó khăn về nhà ở, cụ thể: nhà đã dột nát, hư hỏng nặng, chật chội; bản thân, gia đình không có nguồn kinh phí để xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở.

3. Xếp loại thứ tự ưu tiên

a) Năm 2012 và năm 2013, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc đối tượng thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.

b) Năm 2014 và năm 2015, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc đối tượng người hoạt động kháng chiến có huân chương, huy chương.

4. Nguyên tắc hỗ trợ

a) Hỗ trợ trực tiếp các nguồn kinh phí đến hộ gia đình người có công với cách mạng để xây dựng, sửa chữa nhà ở trên cơ sở quy định của Đề án. Quyết toán kinh phí hỗ trợ theo thực tế phần công việc được hoàn thành, nghiệm thu.

b) Đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng đến từng hộ gia đình trên cơ sở pháp luật và chính sách của Đảng, Nhà nước, phù hợp với phong tục tập quán của mỗi dân tộc, vùng miền, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; phù hợp với thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

5. Yêu cầu về diện tích, chất lượng nhà ở

Nhà xây mới theo loại nhà cấp 4, có diện tích tối thiểu từ 35 m2 trở lên hoặc có thể làm nhà gỗ nhưng phải đảm bảo 3 yếu tố: bền vững phần mái, phần khung, phần nền; hình thức xây dựng đẹp và thời gian sử dụng tối thiểu từ 10 năm trở lên.

Riêng đối với nhà sửa chữa và nâng cấp giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng tiêu chí và yêu cầu chất lượng nhà ở.

6. Chính sách hỗ trợ

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng 01 nhà là 58 triệu đồng, trong đó:

a) Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách và các loại quỹ là 30 triệu đồng/hộ đối với hộ người có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; 28 triệu đồng/hộ đối với hộ người có công khác. Chia ra: ngân sách tỉnh 20 triệu đồng/nhà; quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh 02 triệu đồng/nhà; ngân sách cấp huyện 03 triệu đồng/nhà; quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp huyện 03 triệu đồng/ nhà; quỹ “Vì người nghèo” cấp tỉnh và cấp huyện 02 triệu đồng/nhà (áp dụng với các hộ nghèo, cận nghèo).

b) Nguồn kinh phí huy động từ các tổ chức kinh tế, xã hội, gia đình, cộng đồng dân cư là 28 triệu đồng/hộ đối với hộ người có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; 30 triệu đồng/hộ đối với hộ người có công khác.

7. Giải pháp thực hiện

a) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Chính sách hỗ trợ hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở trên địa bàn, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương;

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện chính sách chăm sóc người có công. Thực hiện xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án. Vận động các tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng, cải tạo nhà ở cho người có công với cách mạng;

c) Việc xem xét hỗ trợ người có công về nhà ở phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Tổ chức xây dựng, cải tạo nhà ở đảm bảo tiết kiệm, bền vững, phù hợp với điều kiện từng gia đình và phong tục tập quán của từng địa phương;

d) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, không để xảy ra tiêu cực, gây thắc mắc, khiếu kiện trong nhân dân;

đ) Hàng năm các địa phương phải tổ chức thống kê, nắm chắc tình hình nhà ở của người có công với cách mạng, phân loại thực trạng nhà ở, hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình để thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án và giải quyết các vấn đề phát sinh.

8. Nguồn vốn

Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án giai đoạn 2012 - 2015: 51,5 tỷ đồng. Trong đó: ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện 40%; quỹ “Đền ơn đáp nghĩa ”cấp tỉnh và cấp huyện 6%; quỹ vì người nghèo cấp tỉnh và cấp huyện 4%; nguồn huy động từ cộng đồng 50%.

Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVII - Kỳ họp thứ 4 (Chuyên đề) thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Cục kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TTTỉnh Ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- VP.UBND tỉnh (đăng Công báo);
- TTHĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh, phó VP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT; Ban VHXH.

CHỦ TỊCH




Dương Văn Thống