Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2011/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 15 tháng 7 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY ĐỊNH MỨC ĐÓNG GÓP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2890/TTr-UBND ngày 22/6/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định về mức đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của UBND tỉnh về quy định mức đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với các nội dung chủ yếu sau:

1. Nguyên tắc chung:

- Quỹ quốc phòng - an ninh được lập ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) do cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động, cư trú trên địa bàn tự nguyện đóng góp hàng năm theo quy định nhằm tạo thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác quốc phòng - an ninh ngay tại địa bàn xã, phường, thị trấn;

- Quỹ quốc phòng - an ninh của địa phương tiếp nhận mọi khoản tự nguyện đóng góp của các tổ chức, cá nhân;

- Việc bình xét, miễn giảm đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh cho từng đối tượng phải đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, đúng pháp luật ở từng thôn, khu phố;

- Nguồn Quỹ quốc phòng - an ninh được quản lý theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước;

- Quỹ quốc phòng - an ninh của địa phương không bao gồm kinh phí hàng năm cho việc xây dựng, hoạt động tự vệ ở các cơ quan Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và các doanh nghiệp.

2. Đối tượng:

a) Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể, các tổ chức hợp tác xã, các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh;

b) Đóng góp tự nguyện của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, cá nhân và các tổ chức khác cho Quỹ quốc phòng - an ninh.

3. Chính sách miễn, tạm miễn đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh:

a) Các đối tượng được miễn đóng góp:

- Hộ gia đình có cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa;

- Hộ gia đình đang có cha, mẹ, chồng, vợ, con là liệt sĩ hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước;

- Hộ gia đình có người được phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", "Anh hùng lực lượng vũ trang", "Anh hùng lao động";

- Hộ gia đình đang nuôi dưỡng thương binh hoặc có người hưởng chính sách như thương binh các hạng. Hộ gia đình đang nuôi dưỡng bệnh binh hoặc có người hưởng chính sách như bệnh binh mất sức lao động.

b) Các đối tượng tạm miễn đóng góp:

- Hộ gia đình có người đang thi hành nghĩa vụ quân sự;

- Hộ gia đình có người đang tham gia dân quân cơ động ở cấp xã, dân quân thường trực ở cấp huyện;

- Hộ gia đình có người tham gia dân phòng do cấp xã thành lập;

- Hộ gia đình có công dân tham gia phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; - Hộ gia đình bị thiệt hại về tài sản, nhà cửa do thiên tai, hỏa hoạn xảy ra;

- Hộ gia đình nghèo, cận nghèo được Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận;

- Hộ gia đình người già neo đơn, mất sức lao động.

Việc xét duyệt các đối tượng miễn hoặc tạm miễn do Hội đồng xét duyệt địa phương tại xã, phường, thị trấn xét một năm một lần và công bố rộng rãi, công khai cho nhân dân biết để giám sát, theo dõi.

4. Mức đóng góp:

- Hộ gia đình đang sinh sống trên địa bàn tỉnh: 5.000 đồng/tháng;

- Hộ kinh doanh cá thể: 10.000 đồng/tháng;

- Các hợp tác xã: 50.000 đồng/tháng;

- Các loại hình doanh nghiệp phân theo số lượng công nhân lao động:

+ Dưới 100 công nhân, lao động: 60.000 đồng/tháng;

+ Từ 100 đến dưới 500 công nhân, lao động: 200.000 đồng/tháng;

+ Từ 500 đến dưới 1.000 công nhân, lao động: 300.000 đồng/tháng;

+ Từ 1.000 công nhân, lao động trở lên: 400.000 đồng/tháng.

5. Quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh:

a) Số thu quỹ quốc phòng - an ninh được phân phối như sau:

- Trích 10% tổng số tiền đóng góp đã thu được (không kể khoản đóng góp tự nguyện của các đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1) để chi thù lao, bồi dưỡng cho người trực tiếp thu và bộ phận chỉ đạo, quản lý công tác thu tại cơ sở. Trong đó:

+ 2% chi cho công tác quản lý của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn bao gồm: chi phí chỉ đạo công tác thu và chi phí hành chính khác; 8% chi thù lao cho người trực tiếp thu.

- Số tiền còn lại sau khi trích (bao gồm cả khoản đóng góp tự nguyện của các đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1) được nộp vào tài khoản "Quỹ quốc phòng - an ninh" của xã, phường, thị trấn do Ủy ban nhân dân cấp xã mở tại Kho bạc Nhà nước để chi cho công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương.

b) Quỹ quốc phòng - an ninh của xã, phường, thị trấn được dùng để chi cho các công việc sau:

- Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và an ninh cơ sở;

- Tập huấn, huấn luyện, diễn tập, hội thi và hội thao quốc phòng - an ninh;

- Tuần tra, canh gác;

- Mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ quốc phòng an ninh cơ sở;

- Thi đua khen thưởng công tác dân quân tự vệ và an ninh cơ sở;

- Chi hỗ trợ cho các lực lượng tham gia công tác đảm bảo an ninh - trật tự theo sự điều động của cấp có thẩm quyền.

c) Số tiền thu được vào Quỹ quốc phòng - an ninh trong năm chưa sử dụng hết được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định. Quỹ được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành của Nhà nước.

6. Một số biện pháp tổ chức thực hiện chủ yếu:

a) Tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, cơ quan quân sự và cơ quan công an, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để động viên các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện đóng góp tự nguyện cho Quỹ quốc phòng - an ninh nhằm góp phần cùng Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh tại địa phương;

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tốt việc vận động đóng góp tự nguyện cho Quỹ quốc phòng - an ninh;

c) Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức vận động đóng góp tự nguyện, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh theo đúng quy định pháp luật;

d) Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thu và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Điều 2. Giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 21/2001/NQ-HĐVII ngày 17/01/2001 của Hội đồng nhân dân tỉnh (khóa VII) về thu Quỹ quốc phòng - an ninh và Nghị quyết số 68/2003/NQ-HĐVII ngày 10/12/2003 của Hội đồng nhân dân tỉnh (khóa VII) về điều chỉnh tỷ lệ trích nguồn thu Quỹ quốc phòng - an ninh.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2011 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hùng