Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2021/NQ-HĐND

Cà Mau, ngày 04 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI VÀ TỶ LỆ PHẦN TRĂM PHÂN CHIA CHO CÁC CẤP NGÂN SÁCH TỈNH CÀ MAU THỜI KỲ ỔN ĐỊNH 2022 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019);

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020);

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;

Xét Tờ trình số 187/TTr-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia cho các cấp ngân sách tỉnh Cà Mau thời kỳ ổn định 2022 - 2025; Báo cáo thẩm tra số 104/BC-HĐND ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chi tiết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia ngân sách cho chính quyền các cấp, gồm: Ngân sách cấp tỉnh; ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã, nhằm cụ thể hóa trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, điều hành ngân sách các cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chính quyền địa phương các cấp.

2. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ thu ngân sách ở các cấp.

3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng ngân sách.

4. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến ngân sách nhà nước.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho chính quyền các cấp nhằm bảo đảm chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tăng cường trách nhiệm cân đối thu, chi ngân sách; phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của mỗi cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.

2. Phân cấp nguồn thu phải đảm bảo ổn định nhiệm vụ quản lý nguồn thu, đối tượng thu của các cấp chính quyền địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách.

3. Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo. Trường hợp cấp có thẩm quyền ban hành chế độ, chính sách, định mức mới làm ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách thì phải có những giải pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo khả năng cân đối ngân sách của từng cấp.

4. Tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách địa phương được ổn định từ năm 2022 đến năm 2025. Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên, cơ quan có thẩm quyền quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới so với năm đầu thời kỳ ổn định.

Chương II

PHÂN CẤP NGUỒN THU NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Điều 4. Nguồn thu ngân sách cấp tỉnh

1. Nguồn thu ngân sách địa phương hưởng 100%, phân cấp cho ngân sách cấp tỉnh hưởng 100%

a) Thuế tài nguyên, không kể thuế tài nguyên thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí;

b) Lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc cấp tỉnh quản lý;

c) Thu tiền sử dụng đất do cấp tỉnh quản lý;

d) Tiền cho thuê mặt đất, mặt nước thuộc thẩm quyền quản lý của cấp tỉnh, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không kể tiền cho thuê mặt đất, mặt nước từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí;

đ) Tiền cho thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do cấp tỉnh quản lý;

e) Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết;

g) Các khoản thu hồi vốn của ngân sách cấp tỉnh đầu tư tại các tổ chức kinh tế (bao gồm cả gốc và lãi); thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh đại diện chủ sở hữu; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh đại diện chủ sở hữu;

h) Thu từ quỹ dự trữ tài chính của tỉnh;

i) Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất, chuyển mục đích sử dụng đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý;

k) Thu viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho ngân sách cấp tỉnh;

l) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước của cấp tỉnh thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu thì được phép trích lại một phần hoặc toàn bộ, phần còn lại thực hiện nộp ngân sách theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan;

m) Lệ phí do các cơ quan nhà nước của cấp tỉnh thực hiện thu;

n) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước của cấp tỉnh thực hiện;

o) Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh xử lý, sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật;

p) Thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cấp quyền khai thác tài nguyên nước do địa phương cấp phép theo quy định của pháp luật;

q) Thu tiền sử dụng khu vực biển do địa phương cấp phép theo quy định của pháp luật;

r) Thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác thuộc cấp tỉnh quản lý;

s) Huy động từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật cho ngân sách cấp tỉnh;

t) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật cho ngân sách cấp tỉnh;

u) Thu kết dư ngân sách cấp tỉnh.

2. Nguồn thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, phân cấp cho ngân sách cấp tỉnh hưởng 100%

a) Thuế giá trị gia tăng từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh do cấp tỉnh quản lý, không kể thuế giá trị gia tăng thu từ hàng hóa nhập khẩu;

b) Thuế thu nhập doanh nghiệp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh do cấp tỉnh quản lý, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí;

c) Thuế thu nhập cá nhân;

d) Thuế tiêu thụ đặc biệt, không kể thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa nhập khẩu;

đ) Thuế bảo vệ môi trường, không kể thuế bảo vệ môi trường thu từ hàng hóa nhập khẩu.

3. Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương.

4. Thu chuyển nguồn của ngân sách cấp tỉnh từ năm trước chuyển sang.

Điều 5. Nguồn thu ngân sách cấp huyện

1. Nguồn thu ngân sách địa phương hưởng 100%, phân cấp cho ngân sách cấp huyện được hưởng 100%

a) Lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc cấp huyện quản lý;

b) Thu tiền sử dụng đất do cấp huyện quản lý;

c) Tiền cho thuê mặt đất, mặt nước thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện;

d) Tiền cho thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do cấp huyện quản lý;

đ) Lệ phí trước bạ, không kể lệ phí trước bạ nhà đất;

e) Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất, chuyển mục đích sử dụng đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện quản lý;

g) Thu viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho ngân sách cấp huyện;

h) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước của cấp huyện thực hiện; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập phần nộp ngân sách cấp huyện theo quy định pháp luật;

i) Lệ phí do các cơ quan nhà nước của cấp huyện thực hiện thu;

k) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước của cấp huyện thực hiện;

l) Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện xử lý, sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật;

m) Thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác thuộc cấp huyện quản lý;

n) Huy động từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật cho ngân sách cấp huyện;

o) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật cho ngân sách cấp huyện;

p) Thu kết dư ngân sách cấp huyện.

2. Nguồn thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, phân cấp cho ngân sách cấp huyện được hưởng 100%

a) Thuế giá trị gia tăng từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh do cấp huyện quản lý;

b) Thuế thu nhập doanh nghiệp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh do cấp huyện quản lý.

3. Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp tỉnh.

4. Thu chuyển nguồn ngân sách cấp huyện từ năm trước chuyển sang.

Điều 6. Nguồn thu ngân sách cấp xã

1. Nguồn thu ngân sách địa phương hưởng 100%, phân cấp cho ngân sách cấp xã được hưởng 100%

a) Lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh;

b) Thuế sử dụng đất nông nghiệp;

c) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

d) Lệ phí trước bạ nhà, đất;

đ) Các khoản phí, lệ phí do các cơ quan nhà nước thuộc cấp xã thực hiện thu;

e) Thu từ các hoạt động sự nghiệp của xã phần nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

g) Thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác thuộc cấp xã quản lý;

h) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước thuộc cấp xã thực hiện;

i) Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước do các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc xã xử lý theo quy định của pháp luật, sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật;

k) Các khoản huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân gồm: Các khoản huy động đóng góp theo quy định của pháp luật, các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do Hội đồng nhân dân xã quyết định đưa vào ngân sách xã quản lý;

l) Thu viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho ngân sách cấp xã;

m) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật cho ngân sách cấp xã;

n) Thu kết dư ngân sách cấp xã.

2. Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp huyện.

3. Thu chuyển nguồn từ ngân sách cấp xã năm trước chuyển sang.

Chương III

NHIỆM VỤ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Điều 7. Nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh

1. Chi đầu tư phát triển

a) Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do cấp tỉnh quản lý

Xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng trụ sở làm việc các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã;

Xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng các cơ sở vật chất, công trình thuộc các lĩnh vực y tế, văn hóa - thông tin, phát thanh truyền hình, thể dục - thể thao, phúc lợi - công cộng, môi trường, khoa học - công nghệ,... theo các chương trình, dự án;

Xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng quy mô các cơ sở vật chất, công trình thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo đối với các trường trung học phổ thông công lập (đối với thành phố Cà Mau được phân cấp thêm nhiệm vụ chi này); trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường đào tạo, trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị, trường dân tộc nội trú do cấp tỉnh và cấp huyện quản lý;

Đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông theo phân cấp quản lý như: Đường từ tỉnh đến các huyện, liên huyện, đường về trung tâm các xã (kể cả cầu cống trên các tuyến đường); các tuyến đường đấu nối vào các khu di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh; bến xe, tàu liên tỉnh; các cảng sông, cảng biển do tỉnh quản lý;

Đầu tư mới, mở rộng, nạo vét các công trình thủy lợi như: Các sông, kênh thủy lợi (cấp II) do tỉnh quản lý; các đê, kè, cống, đập thủy lợi xung yếu do cấp tỉnh quản lý;

Đầu tư các dự án, công trình phục vụ cho phát triển sản xuất của ngành nông nghiệp do cấp tỉnh quản lý;

Đầu tư kết cấu hạ tầng cho các khu công nghiệp theo phân cấp quản lý;

Đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, dịch vụ theo phân cấp quản lý;

Hỗ trợ đầu tư các công trình phục vụ quốc phòng - an ninh theo phân cấp quản lý;

Mua sắm, trang bị mới các phương tiện, máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn,... cho các cơ quan chức năng do cấp tỉnh quản lý;

Mua sắm, trang bị mới các tài sản, cơ sở vật chất có giá trị lớn do cấp tỉnh quản lý;

Vốn đối ứng các chương trình, mục tiêu, dự án do cấp tỉnh quản lý theo thỏa thuận với phía đối tác; vốn lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án phân cấp cho cấp tỉnh quản lý; vốn bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình, dự án do cấp tỉnh đầu tư;

Đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội khác theo quy định của pháp luật do cấp tỉnh quản lý,... (trừ các chương trình, dự án có nguồn vốn đầu tư riêng và các lĩnh vực thực hiện chủ trương xã hội hóa);

b) Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do nhà nước đặt hàng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật;

c) Chi đầu tư các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia do Trung ương hỗ trợ cho ngân sách tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh thực hiện;

d) Chi trả các khoản nợ gốc đến hạn theo cam kết và hợp đồng vay đã ký kết theo quy định của pháp luật;

đ) Các khoản chi đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi thường xuyên

a) Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề gồm: Giáo dục trung học phổ thông (trung học cơ sở nếu có trường ghép), bổ túc văn hóa, phổ thông dân tộc nội trú và các hoạt động giáo dục khác đã phân cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý; trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề, đào tạo ngắn hạn và các hình thức đào tạo bồi dưỡng khác đã phân cấp cho các đơn vị cấp tỉnh quản lý;

b) Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ gồm: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các hoạt động sự nghiệp khoa học, công nghệ khác đã phân cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quản lý;

c) Chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình gồm: Phòng bệnh, khám chữa bệnh và các hoạt động y tế khác từ cấp tỉnh đến cấp xã và các chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực y tế thuộc cấp tỉnh quản lý;

d) Chi sự nghiệp văn hóa - thông tin, gồm: Bảo tồn, bảo tàng, thư viện, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động văn hóa khác đã phân cấp cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quản lý;

đ) Chi sự nghiệp phát thanh - truyền hình, gồm: Phát thanh, truyền hình và các hoạt động thông tin khác đã phân cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quản lý;

e) Chi sự nghiệp thể dục - thể thao, gồm: Bồi dưỡng và huấn luyện cho huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển cấp tỉnh; các giải thi đấu cấp tỉnh; quản lý các cơ sở thi đấu thể dục - thể thao và các hoạt động thể dục - thể thao khác đã phân cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quản lý;

g) Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, gồm: Tăng cường năng lực quản lý môi trường, chi cho phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường của cấp tỉnh;

h) Chi sự nghiệp kinh tế, gồm:

Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cầu đường và các công trình giao thông khác; lập biển báo và các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường đã phân cấp cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quản lý; duy tu, bảo dưỡng khu di tích văn hóa, lịch sử cấp tỉnh quản lý và các đài tưởng niệm trên địa bàn tỉnh;

Duy tu bảo dưỡng các tuyến đê, các công trình thủy lợi, các trạm, trại nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; khoanh nuôi, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã phân cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quản lý;

Công tác khuyến công; hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ, phục hồi và phát triển làng nghề; tìm kiếm thị trường, tiếp cận thông tin, công nghệ hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, giới thiệu quảng bá sản phẩm;

Đo đạc, lập bản đồ, lưu trữ hồ sơ địa chính và các hoạt động sự nghiệp địa chính khác do cấp tỉnh quản lý; hoạt động điều tra cơ bản và các sự nghiệp kinh tế khác do các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quản lý;

i) Hoạt động của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh; hoạt động của các tổ chức chính trị cấp tỉnh; hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân; hỗ trợ các đơn vị cấp tỉnh của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;

k) Chi đảm bảo xã hội, gồm: Các trại xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội; thực hiện các chính sách xã hội và các hoạt động xã hội khác đã phân cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quản lý;

l) Chi hỗ trợ các nhiệm vụ về quốc phòng, gồm:

Tổ chức hội nghị, tập huấn nghiệp vụ và báo cáo công tác quốc phòng của cấp tỉnh; thực hiện kế hoạch xây dựng tỉnh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc theo phân công của Chính phủ;

Tổ chức và huy động lực lượng dự bị động viên thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định tại Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về Dự bị động viên;

Tổ chức và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dân quân tự vệ;

Đảm bảo chế độ chính sách đối với sĩ quan dự bị và đào tạo sĩ quan dự bị thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam;

Đảm bảo công tác phòng không nhân dân thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về công tác Phòng không nhân dân;

Tổ chức thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, công tác tuyển quân thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương; thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương;

Kinh phí cho công tác giáo dục quốc phòng và chi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ, công chức lãnh đạo chủ chốt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về giáo dục quốc phòng;

Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo nhiệm vụ chi được phân công tại Nghị định của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền, biên giới biển;

Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trụ sở làm việc, doanh trại, kho tàng, trường quân sự, trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh, trung tâm huấn luyện dự bị động viên của đơn vị quân sự địa phương, biên phòng và các đơn vị quân đội chủ lực khác theo khả năng cân đối của ngân sách tỉnh; đảm bảo công tác động viên công nghiệp cho quốc phòng theo quy định của pháp luật;

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế xã hội và các công trình quốc phòng, khu quân sự theo phân cấp và đảm bảo các nhiệm vụ khác thuộc nhiệm vụ chi quốc phòng của ngân sách địa phương theo quy định pháp luật;

m) Chi hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ an ninh và trật tự an toàn xã hội, gồm: Các chiến dịch phòng ngừa, phòng chống các loại tội phạm; các chiến dịch giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội; công tác phòng cháy, chữa cháy; công tác phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm môi trường; sửa chữa nhà tạm giam, tạm giữ; sơ kết, tổng kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; một số nhiệm vụ quan trọng khác theo quy định của pháp luật;

n) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi trả các khoản lãi, phí và chi phí phát sinh khác theo cam kết và hợp đồng vay đã ký kết theo quy định của pháp luật.

4. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính.

5. Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách cấp tỉnh.

6. Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới.

7. Chi hỗ trợ cho các đơn vị thuộc cấp trên quản lý đóng trên địa bàn tỉnh trong trường hợp cần khẩn trương huy động lực lượng cấp trên khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp cấp thiết khác để đảm bảo ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của địa phương; các đơn vị cấp trên quản lý đóng trên địa bàn khi thực hiện chức năng của mình, kết hợp thực hiện một số nhiệm vụ theo yêu cầu của tỉnh (bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã); sử dụng dự phòng ngân sách cấp tỉnh để hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng.

Điều 8. Nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện

1. Chi đầu tư phát triển

a) Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, gồm:

Xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng các trường trung học cơ sở, tiểu học, mẫu giáo, nhà trẻ. Riêng thành phố Cà Mau phân cấp thêm nhiệm vụ chi xây dựng trường trung học phổ thông công lập;

Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị, điện chiếu sáng công cộng, cấp thoát nước, giao thông đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh đô thị và các công trình phúc lợi công cộng khác,… (trừ các hệ thống hạ tầng thuộc quản lý ngành dọc và tổ chức kinh tế đầu tư quản lý sử dụng); các trung tâm, công trình văn hóa thông tin, thể thao cấp xã;

Xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông liên xã, từ xã đến ấp, giao thông liên ấp, đến các cụm điểm dân cư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động nhân dân thực hiện; các bến bãi giao thông do cấp huyện quản lý;

Xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, bờ kè, cống, đập; đào mới các kênh mương nội đồng, nạo vét kênh cấp III trở xuống;

Duy tu, sửa chữa: Trụ sở làm việc cơ quan cấp huyện và cấp xã; các công trình, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (kể cả các công trình đầu tư từ các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia giao lại), hỗ trợ quốc phòng, an ninh,... trên địa bàn do cấp huyện quản lý;

Vốn lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án; vốn bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình, dự án do cấp huyện quản lý; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất để đầu tư các công trình từ nguồn vận động tài trợ, viện trợ,... cho cấp huyện;

b) Xây dựng các công trình, dự án thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ có mục tiêu do tỉnh ủy quyền cho ngân sách cấp huyện;

c) Các khoản chi đầu tư khác theo theo quy định.

2. Chi thường xuyên

a) Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề, gồm: Chi cho sự nghiệp giáo dục từ cấp học nhà trẻ đến trung học cơ sở và các hoạt động giáo dục; đào tạo dạy nghề, đào tạo ngắn hạn và các hình thức đào tạo bồi dưỡng;

b) Chi sự nghiệp khoa học - công nghệ, gồm: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và nhân rộng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật (không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ);

c) Chi sự nghiệp y tế: Thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực y tế thuộc cấp huyện;

d) Chi sự nghiệp văn hóa, thông tin, gồm: Thư viện, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động văn hóa;

đ) Chi sự nghiệp phát thanh, gồm: Phát thanh và các hoạt động thông tin cổ động;

e) Chi sự nghiệp thể dục thể thao, gồm: Bồi dưỡng và huấn luyện cho huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển cấp huyện, các giải thi đấu cấp huyện, quản lý các cơ sở thi đấu thể dục, thể thao và các hoạt động thể thao khác;

g) Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, gồm: Các hoạt động về đảm bảo môi trường; xử lý các điểm ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn huyện và xã; chi cho công tác quản lý chất thải;

h) Chi sự nghiệp kinh tế, gồm:

Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cầu đường và các công trình giao thông khác, lập biển báo và các biện pháp an toàn giao thông trên các tuyến đường đã phân cấp cho cấp huyện quản lý; duy tu, sửa chữa các khu di tích văn hóa, lịch sử cấp huyện quản lý;

Duy tu, bảo dưỡng các tuyến đê, công trình thủy lợi, các trại, trạm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủy sản; công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; khoanh nuôi, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã phân cấp cho cấp huyện quản lý;

Công tác khuyến công; hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ phục hồi và phát triển làng nghề; tìm kiếm thị trường, tiếp cận thông tin, công nghệ hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, giới thiệu quảng bá sản phẩm cho các đối tượng thuộc cấp huyện quản lý;

Duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, giao thông nội thị, công viên và các sự nghiệp thị chính khác;

Đo đạc lập bản đồ, lưu trữ hồ sơ địa chính; hoạt động điều tra cơ bản phân cấp cho cấp huyện quản lý và các sự nghiệp kinh tế khác theo quy định của pháp luật phân cấp cho cấp huyện quản lý;

i) Hoạt động của các cơ quan nhà nước cấp huyện; hoạt động của các tổ chức chính trị cấp huyện; hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân; hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp huyện theo quy định của pháp luật;

k) Chi sự nghiệp bảo đảm xã hội, gồm: Các trại xã hội, cứu tế xã hội, cứu đói, phòng chống các tệ nạn xã hội, cán bộ ở xã nghỉ hưu; thực hiện chính sách xã hội đối với các đối tượng chính sách do cấp huyện quản lý và các hoạt động xã hội khác;

l) Chi hỗ trợ các nhiệm vụ quốc phòng, gồm:

Tổ chức hội nghị, tập huấn nghiệp vụ và báo cáo công tác quốc phòng của cấp huyện;

Tổ chức và huy động lực lượng dự bị động viên, huấn luyện dân quân khung B thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện;

Đảm bảo chế độ, chính sách đối với sĩ quan dự bị và đào tạo sĩ quan dự bị thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện;

Tổ chức thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, công tác tuyển quân thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện; thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở cấp huyện;

Kinh phí cho công tác giáo dục quốc phòng và chi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các bộ, công chức;

Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo nhiệm vụ chi được phân công;

Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trụ sở làm việc, doanh trại, kho tàng của đơn vị quân sự địa phương, biên phòng và các đơn vị quân đội chủ lực khác theo khả năng cân đối của ngân sách cấp huyện;

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội và các công trình quốc phòng, khu quân sự theo phân cấp và đảm bảo các nhiệm vụ chi quốc phòng khác của ngân sách cấp huyện theo quy định của pháp luật.

m) Chi hỗ trợ nhiệm vụ an ninh và trật tự an toàn xã hội, gồm: Tuyên truyền, giáo dục phong trào quần chúng bảo vệ an ninh; hỗ trợ các chiến dịch gìn giữ an ninh và trật tự an toàn xã hội; hỗ trợ các hoạt động, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ hoạt động an ninh, trật tự cơ sở và các nhiệm vụ an ninh và trật tự an toàn xã hội khác theo quy định;

n) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách cấp huyện.

4. Chi bổ sung cân đối ngân sách cấp dưới.

5. Chi hỗ trợ cho các đơn vị thuộc cấp trên quản lý đóng trên địa bàn trong trường hợp cần khẩn trương huy động lực lượng cấp trên khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp cấp thiết khác để đảm bảo ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của địa phương; hỗ trợ các đơn vị cấp trên quản lý đóng trên địa bàn khi thực hiện chức năng của mình, kết hợp thực hiện một số nhiệm vụ theo yêu cầu của huyện (bao gồm cấp huyện và cấp xã); sử dụng dự phòng ngân sách cấp huyện để hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng.

Điều 9. Nhiệm vụ chi ngân sách cấp xã

1. Chi đầu tư phát triển

a) Chi đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do nhà nước và nhân dân cùng làm thuộc cấp xã quản lý; các công trình do cấp tỉnh, cấp huyện đầu tư hoàn thành giao lại cho cấp xã quản lý, sử dụng;

b) Các khoản chi đầu tư từ nguồn thu vượt dự toán ngân sách hàng năm.

2. Chi thường xuyên

a) Chi sự nghiệp giáo dục: Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo trên địa bàn xã;

b) Chi cho nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ (không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ);

c) Chi sự nghiệp y tế: Hỗ trợ công tác phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn xã;

d) Chi hoạt động văn hóa, thông tin do cấp xã quản lý;

đ) Chi hoạt động phát thanh, truyền thanh thuộc cấp xã quản lý;

e) Chi hoạt động thể dục, thể thao thuộc cấp xã quản lý, chịu trách nhiệm;

g) Chi hoạt động bảo vệ môi trường, bao gồm thu gom, xử lý rác thải và các hoạt động bảo vệ môi trường khác thuộc cấp xã quản lý;

h) Chi các hoạt động kinh tế bao gồm: Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo các công trình phúc lợi, các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình khác do xã quản lý; hỗ trợ khuyến khích phát triển các hoạt động kinh tế như: Khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm theo chế độ quy định; các hoạt động kinh tế khác. Riêng đối với đô thị loại V thực hiện nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, giao thông nội thị, công viên và các sự nghiệp thị chính khác;

i) Chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật:

Chi hoạt động của các cơ quan nhà nước: Tiền lương cho cán bộ, công chức; tiền công lao động và hoạt động phí đại biểu Hội đồng nhân dân; các khoản phụ cấp khác theo quy định của Nhà nước; công tác phí; chi về hoạt động, văn phòng, như: Chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, phí bưu điện, điện thoại, hội nghị, chi tiếp tân, khánh tiết; chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên trụ sở, phương tiện làm việc và tài sản cố định khác; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho cán bộ xã và các đối tượng khác theo chế độ quy định; chi khác theo chế độ quy định;

Kinh phí hoạt động của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ở xã;

Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở xã (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân) sau khi trừ các khoản thu theo điều lệ và các khoản thu khác (nếu có);

Kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở xã theo quy định của pháp luật;

Chi phụ cấp các chức danh ở ấp, khóm và hỗ trợ các hoạt động của ấp, khóm;

k) Chi cho công tác xã hội do xã quản lý: Trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã nghỉ việc theo chế độ quy định (không kể trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã nghỉ việc và trợ cấp thôi việc 01 lần cho cán bộ xã nghỉ việc từ ngày 01 tháng 01 năm 1998 trở về sau do bảo hiểm xã hội chi trả); chi thăm hỏi các gia đình chính sách; trợ giúp xã hội và công tác xã hội khác;

l) Chi quốc phòng: Chi thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ và các khoản chi khác về dân quân tự vệ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách xã theo quy định của Luật dân quân tự vệ; chi thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, công tác nghĩa vụ quân sự khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách xã theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự; các nhiệm vụ chi quốc phòng khác theo quy định của pháp luật;

m) Chi an ninh và trật tự an toàn xã hội: Chi tuyên truyền, vận động và tổ chức phong trào bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã; hỗ trợ các hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ hoạt động an ninh, trật tự cơ sở; các nhiệm vụ chi an ninh và trật tự an toàn xã hội khác theo quy định của pháp luật;

n) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách cấp xã.

4. Chi hỗ trợ cho các đơn vị thuộc cấp trên quản lý đóng trên địa bàn trong trường hợp cần khẩn trương huy động lực lượng cấp trên khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp cấp thiết khác để đảm bảo ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của địa phương; sử dụng dự phòng ngân sách cấp xã để hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Khóa X, Kỳ họp thứ thông qua ngày 04 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- BTT. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT. HĐND, UBND huyện, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hải