Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2004/NQ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2004

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 5 NĂM 2004

Ngày 02 tháng 6 năm 2004, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5, bàn và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình dự án Luật Đường sắt Việt Nam; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật.

Vận tải đường sắt có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải nước ta và đã có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy vậy, trước những yêu cầu đổi mới công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả, hoạt động đường sắt đang còn nhiều hạn chế: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật chưa đầy đủ và đồng bộ, chậm được cập nhật, đổi mới, đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng như công tác quản lý nhà nước của ngành; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được quan tâm đúng mức. Tình hình trên đặt ra những đòi hỏi bức xúc cần sớm ban hành Luật Đường sắt Việt Nam.

Dự án Luật này phải thể chế hoá được đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế nhiều thành phần trong hoạt động đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt; kế thừa các quy phạm pháp luật hiện hành và bổ sung, điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngành hiện nay và hướng phát triển trong tương lai, phù hợp với yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.

Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, làm rõ thêm mối quan hệ giữa quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt, hoàn chỉnh dự án Luật Đường sắt Việt Nam; giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Bộ luật này.

Bộ luật Hàng hải Việt Nam được ban hành năm 1990 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã từng bước thiết lập và hoàn chỉnh hành lang pháp lý, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động hàng hải, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải và nền kinh tế đất nước, tạo lập những điều kiện cần thiết để ngành hàng hải Việt Nam chủ động hơn trong tham gia hoạt động hàng hải quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn, an ninh hàng hải. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Bộ luật, thực tiễn hoạt động hàng hải đã phát sinh nhiều vấn đề mới, do vậy nhiều quy định trong Bộ luật không còn phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ hàng hải quốc tế cần được bổ sung, sửa đổi kịp thời.

Việc sửa đổi Bộ luật cần bảo đảm tính kế thừa những nội dung hợp lý của Bộ luật Hàng hải năm 1990; sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh hoặc quy định chưa rõ, thiếu thống nhất; nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành Hàng hải Việt Nam; bảo đảm sự phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật đất nước và luật pháp quốc tế.

Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Bộ luật này.

3. Chính phủ đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả giao ban sản xuất, xuất nhập khẩu, đầu tư tháng 5 và tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2004; Bộ Thương mại báo cáo tình hình thị trường trong nước tháng 5 và dự báo thị trường, giá cả tháng 6 năm 2004.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm nhìn chung có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng; sản xuất nông nghiệp tiến triển tương đối thuận lợi, nhiều địa phương đang cố gắng phục hồi nhanh đàn gia cầm; xuất khẩu tiếp tục đạt kết quả khá, nhập siêu giảm so với cùng kỳ năm trước; du lịch tăng cao. Các hoạt động xã hội như giáo dục - đào tạo, văn hoá - thông tin, khoa học - công nghệ, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động... có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong tháng có xu hướng tăng chậm lại; giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới diễn biến phức tạp, nhất là giá dầu thô trên thế giới tăng mạnh gây khó khăn thêm cho sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; thu ngân sách đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước; thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách, nhất là giải ngân vốn từ nguồn phát hành trái phiếu đạt thấp; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả thấp; chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng; hoạt động buôn lậu gia tăng; tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội khác vẫn còn nhiều bức xúc...

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2004, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, tháo gỡ nhanh các vướng mắc để thu hút đầu tư nước ngoài; tiếp tục rà soát đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, nhất là các sản phẩm có lợi thế và thị trường; phân tích, đánh giá kịp thời những biến động của tình hình giá cả, dự báo những tác động dây chuyền để chủ động có giải pháp ứng phó hữu hiệu, giữ vững các cân đối lớn, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định đời sống nhân dân; điều hành chính sách tiền tệ và kiểm soát giá cả một cách thận trọng, linh hoạt; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các công trình sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, công trái giáo dục; đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; khẩn trương khôi phục đàn gia cầm đồng thời với tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đề phòng dịch cúm gà tái phát; tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống thiên tai; xử lý tốt hơn các vấn đề xã hội bức xúc, tập trung chỉ đạo các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh của ngành giáo dục - đào tạo.

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)