Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HĐND TỈNH LẠNG SƠN
KỲ HỌP THỨ 3-KHOÁ XIII
---------------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC
----------------

Số: 08/2000/NQ-HĐND

Lạng Sơn, ngày 27 tháng 7 năm 2000

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ GIỮ GÌN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo và tờ trình số 24/TT-UB ngày 24/7/2000 của UBND tỉnh, ý kiến của các đại biểu HĐND,

QUYẾT NGHỊ:

Tán thành tờ trình của UBND tỉnh về giữ gìn vệ sinh môi trường và những vấn đề cần giải quyết.

HĐND tỉnh nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau đây:

I- Về hiện trạng vệ sinh môi trường:

Vệ sinh môi trường là vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống con người và văn minh xã hội. Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, biện pháp giải quyết đồng bộ từ nhận thức đến hành động thiết thực bảo vệ môi trường.

Những năm gần đây, tỉnh ta cũng đã đề ra nhiều biện pháp xử lý vệ sinh môi trường. Kết quả là ở một số trung tâm quan trọng như thị xã, thị trấn có mặt đã được cải thiện. Nhưng do sự phát triển kinh tế-xã hội ngày càng tăng nhanh, trong khi việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ, xử lý những vấn đề thuộc vệ sinh môi trường lại chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời, ý thức giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng của nhiều người chưa được đề cao: tình trạng vứt, đổ rác, chất thải bừa bãi vẫn thường xuyên xẩy ra, đã làm cho môi trường tiếp tục bị ô nhiễm, có nơi, có lúc mức ô nhiễm rất nghiêm trọng, gây bức bối trong cộng đồng dân cư. Do vậy tìm mọi biện pháp để giữ gìn tốt vệ sinh môi trường đang đặt ra nhiệm vụ rất cấp bách.

II- Các giải pháp giữ gìn vệ sinh môi trường:

Để từng bước khắc phục dần tình trạng gây ô nhiễm môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường với mục tiêu là tạo ra một môi trường xanh, sạch, đẹp góp phần nâng cao sức khoẻ đời sống con người trước mắt cũng như lâu dài cần khẩn trương thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

1- Bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể và của từng cộng đồng dân cư với phương châm có sự đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân.

2- Những cơ sở có phát sinh nguồn ô nhiễm như lò mổ gia súc, chế biến lương thực, thực phẩm, vận chuyển vật liệu... phải có các giải pháp xử lý kịp thời để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Các cơ sở sản xuất công nghiệp có chất thải gây ô nhiễm vệ sinh môi trường phải có biện pháp xử lý thích hợp, hiệu quả.

3- Khẩn trương quy hoạch và sớm đầu tư xây dựng các bãi chứa rác thải hợp vệ sinh. Trước mắt mỗi huyện phải có một bãi rác hợp lý để tập trung rác thải của huyện và quy định các nghĩa trang tập trung phù hợp với mỗi khu vực, nhất là địa bàn thị xã, thị trấn. Xây dựng các nhà vệ sinh nơi công cộng, có dịch vụ, vận động nhân dân ở vùng nông thôn di dời chuồng trại gia súc ra cách xa nhà ở, hạn chế đến mức tối đa việc đổ các nguồn nước thải bẩn trực tiếp vào các nguồn nước sông, suối. Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình cấp, thoát nước.

4- Khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động về dịch vụ vệ sinh môi trường trên cơ sở các quy định của Nhà nước.

5- Xử phạt nghiêm minh đối với mọi hành động, việc làm gây mất vệ sinh môi trường theo đúng các quy định của pháp luật.

HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện cụ thể Nghị quyết này.

Nghị quyết đã được Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIII thông qua ngày 27 tháng 7 năm 2000./.

 

Nơi nhận:
- 56 đại biểu HĐND tỉnh
- UB T.vụ Quốc hội (thay b/c)
- Chính phủ (thay b/c)
- TT Tỉnh uỷ
- TT HĐND tỉnh
- CT, PCT UBND tỉnh
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể
- VKS, TA, UBMTTQ tỉnh
- TT.HĐND, UBND các huyện, thị
- CPVP, các tổ CV
- Lưu VT

TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH




Trần Ngát