Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2016/NQ-HĐND

Trà Vinh, ngày 08 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI CHO CÁC CẤP NGÂN SÁCH TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2017-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
KHOÁ IX - KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Xét Tờ trình số 4024/TTr-UBND ngày 17/11/2016 của UBND tỉnh về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho các cấp ngân sách tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017- 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho các cấp ngân sách tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017 - 2020 (đính kèm).

Điều 2. Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện; Ban Kinh tế - Ngân sách và đại biểu HĐND tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khoá IX - kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 08/12/2016 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Trí Dũng

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI CHO NGÂN SÁCH CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Trà Vinh)

I. NGUYÊN TẮC PHÂN CẤP

- Phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương theo quy định của pháp luật và phù hợp với đặc điểm kinh tế, dân cư của từng vùng và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đảm bảo tính hiệu quả;

- Gắn nguồn thu với nhiệm vụ chi và khả năng quản lý của từng cấp chính quyền địa phương, hạn chế việc bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới; khuyến khích các cấp tăng cường quản lý thu, chống thất thu; nguồn thu gắn liền với vai trò quản lý của cấp chính quyền nào thì phân cấp cho ngân sách chính quyền đó;

- Hạn chế phân cấp cho nhiều cấp ngân sách đối với các nguồn thu có quy mô nhỏ;

- Bảo đảm tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu cho ngân sách cấp mình và ngân sách các cấp dưới, không được vượt quá tỷ lệ phần trăm phân chia theo quy định của cấp trên về từng khoản thu được phân chia.

- Ngân sách huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là ngân sách cấp huyện), ngân sách xã, phường, thị trấn (gọi tắt là ngân sách cấp xã) được phân cấp thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, không thực hiện nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ.

II. PHÂN CẤP NGUỒN THU

1. Nguồn thu ngân sách cấp tỉnh

1.1. Các khoản thu ngân sách cấp tỉnh hưởng 100%

a) Thuế tài nguyên của các doanh nghiệp do Cục thuế tỉnh quản lý thu;

b) Thuế bảo vệ môi trường;

c) Thu tiền sử dụng đất do cấp tỉnh quản lý;

d) Tiền cho thuê đất, thuê mặt nước của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế do tỉnh quản lý;

đ) Tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do tỉnh quản lý;

e) Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết;

g) Thu nhập từ vốn góp của ngân sách cấp tỉnh, tiền thu hồi vốn của ngân sách cấp tỉnh tại các cơ sở kinh tế;

h) Thu từ quỹ Dự trữ tài chính địa phương;

i) Thu sự nghiệp, phần nộp ngân sách theo quy định của pháp luật của các đơn vị do cơ quan đơn vị thuộc tỉnh quản lý;

k) Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho cấp tỉnh theo quy định của pháp luật;

l) Các khoản phí, lệ phí phần nộp ngân sách theo quy định của pháp luật do các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh tổ chức thu (không kể lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông);

m) Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, phần nộp ngân sách cấp tỉnh theo quy định của pháp luật do các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh tổ chức thu, thu từ các hoạt động chống buôn lậu và kinh doanh trái pháp luật;

n) Huy động, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

o) Thu từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 của Luật Ngân sách nhà nước;

p) Thu kết dư ngân sách cấp tỉnh;

q) Thu chuyển nguồn của ngân sách cấp tỉnh;

r) Thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách cấp tỉnh;

s) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

1.2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện

a) Thuế giá trị gia tăng (không kể của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh do tỉnh quản lý);

b) Thuế thu nhập doanh nghiệp (không kể của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh do tỉnh quản lý);

c) Thuế thu nhập cá nhân;

d) Thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hoá dịch vụ trong nước (không kể thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hoá dịch vụ của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh do tỉnh quản lý, thuế tiêu thụ đặc biệt từ hoạt động xổ số kiến thiết);

đ) Các khoản thu khác từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh (không kể khoản thu khác từ khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh do tỉnh quản lý).

2. Nguồn thu của ngân sách cấp huyện

2.1. Các khoản thu ngân sách cấp huyện hưởng 100%

a) Thuế giá trị gia tăng từ các doanh nghiệp hoạt động xây dựng cơ bản (vãng lai);

b) Thuế tài nguyên (không kể thuế tài nguyên các doanh nghiệp do Cục thuế tỉnh quản lý thu);

c) Thu tiền sử dụng đất (không kể thu tiền sử dụng đất do cấp tỉnh quản lý, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã);

d) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (trừ các xã, thị trấn);

đ) Lệ phí trước bạ (trừ nhà, đất);

e) Thu sự nghiệp phần nộp ngân sách của các đơn vị do cơ quan, đơn vị thuộc huyện quản lý;

g) Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho cấp huyện theo quy định của pháp luật;

h) Các khoản phí, lệ phí phần nộp ngân sách cấp huyện theo quy định của pháp luật do các cơ quan, đơn vị thuộc huyện tổ chức thu (không kể lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông);

i) Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực phần nộp ngân sách cấp huyện theo quy định của pháp luật do các cơ quan, đơn vị thuộc huyện tổ chức thu, thu từ các hoạt động chống buôn lậu và kinh doanh trái pháp luật;

k) Huy động, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

l) Thu kết dư ngân sách huyện;

m) Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên;

n) Thu chuyển nguồn ngân sách cấp huyện;

o) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2.2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã

a) Thuế giá trị gia tăng từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh (CTN-NQD) do huyện quản lý, trừ trường hợp thu từ các doanh nghiệp hoạt động xây dựng cơ bản (vãng lai), ngân sách huyện hưởng 100%;

b) Thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh (CTN-NQD) do huyện quản lý;

c) Thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hoá, dịch vụ trong nước của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh (CTN-NQD) do huyện, thị xã, thành phố quản lý;

d) Thuế thu nhập cá nhân;

đ) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với xã, thị trấn;

e) Lệ phí trước bạ nhà, đất;

g) Lệ phí môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh;

h) Các khoản thu khác từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh do huyện quản lý.

3. Nguồn thu của ngân sách cấp xã

3.1. Các khoản thu ngân sách cấp xã hưởng 100%

a) Thuế sử dụng đất nông nghiệp;

b) Các khoản phí, lệ phí thu vào ngân sách cấp xã theo quy định;

c) Thu từ các hoạt động sự nghiệp của xã, phần nộp vào ngân sách nhà nước theo chế độ quy định;

d) Thu đấu thầu, thu khoán theo mùa vụ từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác theo quy định của pháp luật do xã quản lý;

đ) Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức và cá nhân ở ngoài nước trực tiếp cho ngân sách cấp xã theo chế độ quy định;

e) Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực phần nộp ngân sách cấp xã theo quy định của pháp luật do các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh tổ chức thu, thu từ các hoạt động chống buôn lậu và kinh doanh trái pháp luật;

g) Các khoản huy động đóng góp của tổ chức, cá nhân gồm: các khoản huy động đóng góp theo pháp luật quy định, các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do HĐND xã quyết định đưa vào ngân sách cấp xã quản lý và các khoản đóng góp tự nguyện khác;

h) Thu kết dư ngân sách cấp xã năm trước;

i) Thu chuyển nguồn năm trước sang;

k) Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên;

l) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

3.2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách cấp xã với ngân sách cấp huyện theo quy định

a) Thuế giá trị gia tăng từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh (CTN-NQD) do huyện quản lý, trừ trường hợp thu từ các doanh nghiệp hoạt động xây dựng cơ bản (vãng lai), ngân sách cấp huyện hưởng 100%;

b) Thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh (CTN-NQD) do huyện quản lý;

c) Thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hoá, dịch vụ trong nước của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh (CTN-NQD) do huyện, thị xã, thành phố quản lý;

d) Thuế thu nhập cá nhân;

đ) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với xã, thị trấn;

e) Lệ phí trước bạ nhà, đất;

g) Lệ phí môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh;

h) Thu tiền sử dụng đất (thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã).

III. PHÂN CẤP NHIỆM VỤ CHI

1. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh

1.1. Chi đầu tư phát triển

a) Đầu tư cho các dự án do tỉnh quản lý theo các lĩnh vực quy định tại điểm 1.2 Khoản 1 Mục này.

b) Đối ứng các dự án ODA, NGO và các nguồn huy động hợp pháp khác; đối ứng cho các công trình do Bộ, Ngành đầu tư trên địa bàn trong đó có phần đối ứng của tỉnh giao cho ngành quản lý.

c) Đầu tư hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do nhà nước đặt hàng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật.

d) Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

1.2. Chi thường xuyên

a) Các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Chính phủ và của UBND tỉnh.

b) Các hoạt động sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, xã hội, văn hoá thể dục thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, khoa học và công nghệ, sự nghiệp hoạt động môi trường theo phân cấp quản lý:

- Các hoạt động sự nghiệp giáo dục: Giáo dục phổ thông trung học, phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề và các hoạt động giáo dục khác theo phân cấp của tỉnh.

- Đào tạo, dạy nghề: Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề, đào tạo ngắn hạn và các hình thức đào tạo bồi dưỡng khác do tỉnh quản lý.

- Y tế: Phòng bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và các hoạt động y tế khác trên địa bàn toàn tỉnh; chi thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với những đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT theo Luật bảo hiểm y tế và chủ trương của cấp có thẩm quyền.

- Xã hội: Các trại xã hội, cứu tế xã hội, thăm hỏi lễ tết các đối tượng chính sách, cứu đói, phòng, chống các tệ nạn xã hội và các hoạt động xã hội khác.

- Văn hóa: Bảo tồn, bảo tàng, thư viện, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động văn hoá khác.

- Phát thanh, truyền hình và các hoạt động thông tin khác.

- Thể dục thể thao: Bồi dưỡng, huấn luyện huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển cấp tỉnh, các giải thi đấu cấp tỉnh; quản lý các cơ sở thi đấu thể dục, thể thao và các hoạt động thể dục, thể thao khác.

- Khoa học công nghệ: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động sự nghiệp khoa học, công nghệ khác.

- Các sự nghiệp khác do tỉnh quản lý.

c) Các hoạt động sự nghiệp kinh tế do tỉnh quản lý

- Sự nghiệp giao thông: duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa cầu đường và các công trình giao thông khác; lập biển báo và biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường.

- Sự nghiệp nông nghiệp, thuỷ lợi, ngư nghiệp và lâm nghiệp: duy tu, bảo dưỡng các tuyến đê, các công trình thuỷ lợi, các trạm trại nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; công tác khuyến lâm, khuyến nông, khuyến ngư; chi khoanh nuôi, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản,…

- Sự nghiệp thị chính: duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, giao thông nội thị, công viên và các sự nghiệp thị chính khác.

- Đo đạc, lập bản đồ và lưu trữ hồ sơ địa chính.

- Điều tra cơ bản.

- Các sự nghiệp kinh tế khác: bao gồm các nhiệm vụ chi quy hoạch, cấp bù thủy lợi phí và sự nghiệp kinh tế khác do tỉnh quản lý.

d) Chi hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp và các chợ thuộc tỉnh quản lý. Xây dựng bãi rác trung tâm các huyện, hỗ trợ cho doanh nghiệp công ích đối với hoạt động thu gom, xử lý rác thải, nước thải theo định mức kinh tế kỹ thuật được cấp thẩm quyền phê duyệt và một số hoạt động khác trong lĩnh vực môi trường.

đ) Hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh.

e) Hoạt động của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam cấp tỉnh.

g) Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân.

h) Hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

i) Thực hiện các chính sách xã hội đối với các đối tượng do tỉnh quản lý.

k) Các chương trình quốc gia do Chính phủ giao cho tỉnh quản lý.

l) Trợ giá theo chính sách của Nhà nước.

m) Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định của pháp luật.

1.3. Chi trả lãi tiền huy động cho đầu tư theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước.

1.4. Chi bổ sung quỹ Dự trữ tài chính của tỉnh.

1.5. Chi bổ sung cho ngân sách cấp huyện.

1.6. Chi chuyển nguồn ngân sách cấp tỉnh.

2. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện

2.1. Chi đầu tư phát triển

a) Đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế: hỗ trợ các công trình hạ tầng kỹ thuật: đường, điện, nước, thủy lợi, cây xanh, lát vỉa hè, điện chiếu sáng huyện lỵ và các thị trấn; các đường nội ô huyện lỵ, hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn, đối ứng ODA, NGO và các nguồn huy động hợp pháp khác do huyện làm chủ đầu tư,… (bao gồm cả công trình chuyển tiếp và công trình đầu tư mới).

b) Đầu tư cho các công trình hạ tầng xã hội: Trụ sở các cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện, xã; trụ sở làm việc công an và quân sự các xã, thị trấn; hỗ trợ xây dựng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các cơ sở dạy nghề, nước sạch nông thôn, trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, trung tâm bồi dưỡng chính trị, nhà bia, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa trang nhân dân,….(bao gồm các công trình chuyển tiếp và khởi công mới do huyện làm chủ đầu tư).

c) Đối với thị xã Duyên Hải, thành phố Trà Vinh: được phân cấp thêm thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng các trường phổ thông công lập các cấp, các công trình phúc lợi công cộng, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông nội thị, an toàn giao thông, vệ sinh đô thị.

2.2. Chi thường xuyên

a) Chi hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội theo quy định.

b) Các hoạt động sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề:

- Giáo dục trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, mẫu giáo, trung tâm chính trị, trung tâm giáo dục thường xuyên dạy nghề, trung học cơ sở dân tộc nội trú thuộc cấp huyện và các hoạt động giáo dục khác.

- Chi đào tạo đào tạo nghề, đào tạo ngắn hạn và các hình thức đào tạo bồi dưỡng khác.

c) Các hoạt động sự nghiệp văn hoá, thông tin, phát thanh, truyền hình, thể dục thể thao và các hoạt động văn hoá khác:

- Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thông tin lưu động và các hoạt động văn hoá khác.

- Phát thanh, truyền thanh và các hoạt động thông tin khác.

- Bồi dưỡng, huấn luyện vận động viên các đội tuyển cấp huyện, các giải thi đấu cấp huyện; quản lý các cơ sở thi đấu thể dục, thể thao và các hoạt động thể dục, thể thao khác do huyện quản lý.

d) Chi đảm bảo xã hội và các sự nghiệp khác do cơ quan cấp huyện quản lý: Chi thực hiện các chế độ bảo trợ xã hội, cứu tế xã hội, thăm hỏi lễ tết các đối tượng chính sách, cứu đói, phòng, chống các tệ nạn xã hội và các hoạt động xã hội khác.

đ) Chi sự nghiệp khoa học công nghệ: Chi hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động sự nghiệp khoa học, công nghệ khác (không thực hiện nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ).

e) Các hoạt động sự nghiệp kinh tế do cơ quan cấp huyện quản lý:

- Duy tu, bảo dưỡng sửa chữa nâng cấp các công trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, giao thông từ nguồn kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa, cấp bù thủy lợi phí, vốn xổ số kiến thiết.

- Sự nghiệp kiến thiết thị chính: duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, giao thông nội thị, công viên và các công trình phúc lợi công cộng khác.

- Các sự nghiệp kinh tế khác (bao gồm các nhiệm vụ chi quy hoạch do cấp huyện quản lý).

g) Các hoạt động sự nghiệp môi trường: Chi xử lý điểm nóng về môi trường trên địa bàn huyện, hỗ trợ các xã kinh phí xây dựng bãi rác, nghĩa trang nhân dân.

h) Hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện.

i) Hoạt động của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam cấp huyện.

k) Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân.

l) Hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

m) Các chương trình quốc gia tỉnh giao cho huyện quản lý.

n) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

2.3. Chi bổ sung cho ngân sách cấp xã.

2.4. Chi chuyển nguồn ngân sách cấp huyện.

3. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp xã

3.1. Chi đầu tư phát triển

a) Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn theo phân cấp của tỉnh.

b) Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của xã như: giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng của xã, phường, thị trấn từ nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho từng dự án nhất định theo quy định của pháp luật, do Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định đưa vào ngân sách cấp xã quản lý; từ nguồn kết dư ngân sách và nguồn tăng thu ngân sách sau khi đảm bảo cân đối chi thường xuyên.

c) Đầu tư cơ sở hạ tầng theo mục tiêu cho xã có nguồn thu thấp.

d) Đối ứng đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới.

đ) Thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã từ nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

3.2. Chi thường xuyên

a) Hỗ trợ kinh phí cho nhà trẻ, mẫu giáo trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

b) Chi công tác xã hội, hoạt động văn hoá thông tin, phát thanh, thể dục thể thao do xã, phường, thị trấn quản lý.

c) Quản lý, sửa chữa, cải tạo các công trình phúc lợi, các công trình hạ tầng cơ sở như: nhà văn hoá, đài tưởng niệm, cầu, đường giao thông, công trình cấp thoát nước công cộng,.... Riêng đối với phường, thị trấn còn có nhiệm vụ chi quản lý sửa chữa, cải tạo vỉa hè, đường phố nội thị, đèn chiếu sáng,....

d) Hỗ trợ khuyến khích phát triển các sự nghiệp kinh tế như: khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách xã, phường, thị trấn.

đ) Chi xử lý rác thải, nước thải bảo vệ môi trường.

e) Hoạt động của các cơ quan Nhà nước xã, phường, thị trấn.

g) Hoạt động của các cơ quan Đảng, đoàn thể gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân.

h) Hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

i) Công tác dân quân tự vệ, trật tự an toàn xã hội: huấn luyện dân quân tự vệ; đăng ký nghĩa vụ quân sự; tuyên truyền vận động và tổ chức phong trào bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

k) Chi hỗ trợ ứng dụng các hoạt động sự nghiệp khoa học, công nghệ khác (không thực hiện nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ).

l) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3.3. Chi chuyển nguồn ngân sách cấp xã./.