Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2024/NQ-HĐND

Kiên Giang, ngày 26 tháng 6 năm 2024

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ THÀNH LẬP, TIÊU CHÍ VỀ SỐ LƯỢNG THÀNH VIÊN TỔ BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ; MỨC CHI VÀ MỨC HỖ TRỢ, BỒI DƯỠNG CHO LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở ngày 28 tháng 11 năm 2023;

Căn cứ Nghị định 42/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy;

Căn cứ Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở;

Căn cứ Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22 tháng 4 năm 2024 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở;

Xét Tờ trình số 158/TTr-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức chi và mức hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Báo cáo thẩm tra số 27/BC-BPC ngày 21 tháng 6 năm 2024 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự; mức chi và mức hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Tiêu chí thành lập Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự; tiêu chí về số lượng thành viên Tổ Bảo vệ an ninh trật tự

1. Tiêu chí thành lập Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự

a) Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự bao gồm lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó Đội Dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định tại Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

b) Mỗi ấp, khu phố thuộc xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập một Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự.

2. Tiêu chí về số lượng thành viên của Tổ Bảo vệ an ninh trật tự

a) Tại các ấp thuộc xã: Mỗi Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự được bố trí 04 thành viên, gồm: Tổ trưởng, Tổ phó và các Tổ viên. Đối với các ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên, cứ tăng thêm 1/2 số hộ theo mức quy định (mức quy định là 350 hộ) thì được tăng thêm 01 thành viên; các ấp thuộc xã biên giới, hải đảo được tăng thêm 01 thành viên; các ấp thuộc xã trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội được tăng thêm 01 thành viên, nhưng tổng số không quá 07 thành viên.

b) Tại các khu phố thuộc phường và thị trấn: Mỗi Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự được bố trí 07 thành viên, gồm: Tổ trưởng, Tổ phó và các Tổ viên. Đối với các khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên, cứ tăng thêm 1/3 số hộ theo mức quy định (mức quy định là 500 hộ) thì được tăng thêm 01 thành viên; các khu phố thuộc phường, thị trấn biên giới, hải đảo được tăng thêm 01 thành viên; các khu phố thuộc phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội được tăng thêm 01 thành viên, nhưng tổng số không quá 10 thành viên.

Điều 4. Hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

1. Mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng

a) Tổ trưởng Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự: 1.800.000 đồng/tháng;

b) Tổ phó Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự: 1.600.000 đồng/tháng;

c) Tổ viên Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự: 1.400.000 đồng/tháng.

2. Mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế

a) Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng bằng 14% mức thu nhập được lựa chọn bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Chính phủ.

b) Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 2/3 mức đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất trong hộ gia đình.

c) Những trường hợp đã được ngân sách đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các quy định khác của pháp luật hiện hành thì được hưởng mức hỗ trợ cao nhất. Thành viên Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự không tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì không được hưởng kinh phí hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

3. Mức bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ, được quy định như sau:

a) Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân.

b) Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, làm việc trong ngày nghỉ, ngày lễ thì hưởng mức bồi dưỡng được tính như sau: Số giờ làm việc ngoài giờ x 150% mức tiền hỗ trợ của 1 giờ làm việc bình thường (tính theo tháng làm việc 30 ngày) và được hưởng không quá 300 giờ/người/năm.

c) Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách; thực hiện nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ với mức hỗ trợ: 100.000 đồng/người/ngày.

4. Mức hỗ trợ cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ:

a) Hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ tiền ăn hằng ngày trong thời gian điều trị nội trú đến khi ổn định sức khỏe ra viện: Tiền ăn 50.000đ/người/ngày; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh bằng 50% mức người có tham gia bảo hiểm y tế.

b) Trường hợp người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội hoặc có tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 60 tháng bị thương, bị tai nạn dẫn đến chết: Thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí bằng 5 lần mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng tại thời điểm người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chết và mức trợ cấp một lần bằng 1,5 lần mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng.

Điều 5. Hỗ trợ mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị; công tác tập huấn, diễn tập, hội thi do địa phương tổ chức; bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

1. Hỗ trợ mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị; trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

2. Mức chi hỗ trợ công tác tập huấn, diễn tập, hội thi, sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng và các điều kiện khác bảo đảm hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo các quy định của pháp luật và khả năng ngân sách của địa phương.

Điều 6. Hỗ trợ thôi việc đối với Công an xã bán chuyên trách khi sắp xếp kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Công an xã bán chuyên trách đang được sử dụng mà không tiếp tục tham gia Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự thì được hưởng chế độ hỗ trợ một lần như sau:

1. Mỗi năm công tác được hưởng hỗ trợ một tháng phụ cấp hiện hưởng cộng với phụ cấp kiêm nhiệm (nếu có).

2. Trường hợp thời gian công tác từ 6 tháng đến dưới một năm thì được tính tròn là 1 năm; thời gian công tác dưới 06 tháng thì được tính là nửa năm để làm căn cứ tính chế độ hỗ trợ.

Điều 7. Kinh phí thực hiện

Kinh phí bảo đảm thực hiện Nghị quyết này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách; quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản khác thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

2. Các nghị quyết sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành gồm:

a) Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định số lượng mức phụ cấp và chế độ hỗ trợ thôi việc đối với Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

b) Nghị quyết số 284/2020/NQ-HĐND ngày 02 tháng 01 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho Công an viên làm nhiệm vụ thường trực tại xã trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

c) Nghị quyết số 235/2019/NQ-HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội Dân phòng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

d) Nghị quyết số 24/2011/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành chế độ phụ cấp đối với Bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang khóa X, Kỳ họp thứ Hai mươi ba thông qua ngày 24 tháng 6 năm 2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024./.

CHỦ TỊCH




Mai Văn Huỳnh