Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2021/NQ-HĐND

Đắk Lắk, ngày 13 tháng 8 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH KHU VỰC KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHĂN NUÔI; VÙNG NUÔI CHIM YẾN; CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DỜI CƠ SỞ CHĂN NUÔI RA KHỎI KHU VỰC KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật chăn nuôi;

Căn cứ Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi;

Xét Tờ trình số 47/TTr-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Báo cáo thẩm tra số 85/BC-HĐND ngày 10 tháng 8 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Khu vực không được phép chăn nuôi (các loại vật nuôi gồm: gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi; trừ loại vật nuôi làm cảnh, loại vật nuôi trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) trên địa bàn tỉnh bao gồm: Khu vực thuộc Tổ dân phố thuộc phường của thành phố, thị xã; tổ dân phố thuộc thị trấn của các huyện và khu dân cư ở trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Vùng nuôi chim yến

1. Vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 1.

2. Đối với các nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực nhưng không đáp ứng quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới; nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.

3. Các tổ chức, cá nhân nuôi chim yến phải tuân thủ các quy định của nhà nước về quản lý nuôi chim yến theo quy định tại Điều 64 của Luật chăn nuôi năm 2018 và Điều 25 của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ.

Điều 3. Chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

1. Đối tượng hỗ trợ

Các cơ sở chăn nuôi có thường xuyên từ 01 đơn vị vật nuôi trở lên nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi (trừ cơ sở nuôi chim yến) quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này và xây dựng, hoạt đông trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành phải di dời cơ sở chăn nuôi đến khu vực được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

2. Nguyên tắc hỗ trợ

a) Ngoài các chính sách hỗ trợ nêu tại Nghị quyết này, các đối tượng thụ hưởng chính sách được hưởng các chính sách khác của Trung ương, của tỉnh theo quy định nhưng không trùng lắp về nội dung hỗ trợ. Trường hợp trong cùng thời điểm và cùng một nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chỉ được hỗ trợ một lần và lựa chọn một mức hỗ trợ cao nhất.

b) Chính sách hỗ trợ được thực hiện sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn thành việc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề có xác nhận của chính quyền địa phương.

c) Các cơ sở chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này không thực hiện di dời hoặc không chấm dứt hoạt động chăn nuôi sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ, đồng thời bị xử lý theo quy định.

d) Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi được hưởng hỗ trợ từ chính sách này phải chịu sự kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách hỗ trợ di dời của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

3. Nội dung hỗ trợ

a) Hỗ trợ để ổn định đời sống, sản xuất

Đối với các cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ tại khoản 1 Điều này khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi hoặc tự di dời cơ sở đến khu vực được phép chăn nuôi (chưa thống nhất với khoản 1) thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 06 tháng. Mức hỗ trợ tương đương 30 kg gạo/01tháng/lao động theo giá do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm hỗ trợ số lao động được hỗ trợ theo quy mô chăn nuôi như sau:

- Chăn nuôi nông hộ: 01 lao động/cơ sở.

- Trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ (từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi): không quá 03 lao động/cơ sở.

- Trang trại chăn nuôi quy mô vừa (từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi): không quá 05 lao động/cơ sở.

- Trang trại chăn nuôi quy mô lớn (từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên): Chủ cơ sở và hợp đồng lao động thực tế tại cơ sở.

b) Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

Các cơ sở chăn nuôi thuộc khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi và di dời đến khu vực được phép chăn nuôi thì được hỗ trợ kinh phí với các mức cụ thể như sau:

- Chăn nuôi nông hộ:

Từ 01 đến dưới 05 đơn vị vật nuôi: 02 triệu đồng/cơ sở.

Từ 05 đến dưới 10 đơn vị vật nuôi: 05 triệu đồng/cơ sở.

- Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: 10 triệu đồng/cơ sở.

- Chăn nuôi trang trại quy mô vừa: 20 triệu đồng/cơ sở.

- Chăn nuôi trang trại quy mô lớn: 30 triệu đồng/cơ sở.

c) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề

Chủ cơ sở, người lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi có nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề đối với đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng thì được hỗ trợ chi phí đào tạo theo nhóm đối tượng III quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk quy định về mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 4. Kinh phí thực hiện

Ngân sách nhà nước theo phân cấp và các nguồn hợp pháp khác.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết và định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, kỳ họp thứ Hai thông qua ngày 13 tháng 8 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 8 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu;
- Các Bộ: Tài chính; NN&PTNT; TN&MT;
- Vụ Pháp chế: Bộ Tài chính; Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN tỉnh; Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Đắk Lắk, Đài PT&TH tỉnh;
- Công báo tỉnh; Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, CTHĐND.

CHỦ TỊCH




Y Vinh Tơr