HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/NQ-HĐND | Cà Mau, ngày 07 tháng 12 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2019
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ BẢY
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Thực hiện Quyết định số 537/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Xét Tờ trình số 145/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Báo cáo thẩm tra số 101/BC-HĐND ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Ban Pháp chế; Báo cáo thẩm tra số 102/BC-HĐND ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách; Báo cáo thẩm tra số 103/BC-HĐND ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Ban Văn hóa - Xã hội; Báo cáo thẩm tra số 104/BC-HĐND ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh;
Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Khóa IX, Kỳ họp thứ Bảy đã thảo luận và thống nhất,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018
Năm 2018, với sự quyết tâm, nỗ lực của các ngành, các cấp và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, cùng với các chủ trương, chính sách của trung ương được triển khai thực hiện nghiêm túc; từ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và đạt tăng trưởng khá 7%, bằng kế hoạch (có 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Nghị quyết đề ra). Việc triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược (cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng) gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được triển khai tích cực và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Hợp tác, liên kết vùng được tăng cường; thực hiện tốt vai trò là Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, nhiệm kỳ 2017 - 2018.
Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân từng bước cải thiện. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đã đạt những kết quả ngày càng tốt hơn; Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh được cải thiện và tăng thứ hạng.
Công tác quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh được tăng cường. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế chuyển biến tích cực. Hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, góp phần phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Tăng trưởng chưa mạnh, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát hiệu quả; đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn.
Điều 2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019
1. Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế; chú trọng tăng trưởng, chất lượng, bền vững, hiệu quả; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường hợp tác, liên kết vùng trong phát triển kinh tế-xã hội. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ, triển khai thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
(1) Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo giá so sánh: tăng 07%.
(2) Thu ngân sách 4.569 tỷ đồng.
(3) Chi ngân sách 9.696 tỷ đồng.
(4) Tổng vốn đầu tư xã hội 13.400 tỷ đồng.
(5) Kim ngạch xuất khẩu 1.200 triệu USD.
(6) Tỷ lệ lao động qua đào tạo (không kể truyền nghề) 47%.
(7) Giải quyết việc làm 38.500 lao động.
(8) Tỷ lệ hộ nghèo (không bao gồm hộ thuộc diện bảo trợ xã hội) giảm 1,3%.
(9) Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 11,1%.
(10) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 89%.
(11) Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 25,6%.
(12) Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn có hệ thống xử lý nước thải theo quy định đạt 100%.
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
a) Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nâng cao năng suất lao động, năng suất, chất lượng sản phẩm, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả;
- Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng tăng tỷ lệ hàng tinh chế, thu hút đầu tư phát triển năng lượng điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện sinh khối theo cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh;
- Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng và trật tự đô thị, tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công; tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng; tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công;
- Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung các giải pháp chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế. Quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm và hiệu quả. Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch Tài chính - Ngân sách 03 năm 2019 - 2021;
- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Bạc Liêu theo các nội dung đã ký kết;
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
b) Tiếp tục thực hiện tốt những vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, quản lý và sử dụng tài nguyên và môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ trong các đề tài, dự án một cách đồng bộ và hiệu quả trên các lĩnh vực;
- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học; tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm, đảm bảo đúng quy định;
- Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, kiểm soát chặt chẽ diễn biến bệnh dịch;
- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú và đa dạng; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các cấp;
- Chú trọng tạo việc làm, đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình, ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động;
- Triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đối với người có công; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về đảm bảo an sinh xã hội;
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc; về công tác tôn giáo;
- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, lồng ghép các chỉ tiêu phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên theo hướng bền vững;
- Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
c) Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
- Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc gắn với giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo. Tổ chức Diễn tập Khu vực phòng thủ tỉnh năm 2019;
- Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội được phát hiện, xử lý nhiều hơn; tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ, giảm thiểu tai nạn giao thông;
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức;
- Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến đóng góp của đại biểu, bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo; chỉ đạo thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết tâm, nhằm đảm bảo hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp này.
2. Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác thực hiện giám sát, tuyên truyền, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Khóa IX, Kỳ họp thứ Bảy thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2018./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Nghị quyết 10/NQ-HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 2 Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 3 Nghị quyết 25/2018/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do tỉnh Cao Bằng ban hành
- 4 Quyết định 537/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 1 Nghị quyết 10/NQ-HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 2 Nghị quyết 25/2018/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do tỉnh Cao Bằng ban hành
- 3 Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do tỉnh Nghệ An ban hành