CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2002/NQ-CP | Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2002 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 10/2002/NQ-CP NGÀY 06 THÁNG 9 NĂM 2002 VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8 NĂM 2002
Trong 2 ngày 03 và 04 tháng 9 năm 2002, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8 năm 2002, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2002 - 2007.
Chương trình hành động nhiệm kỳ 2002 - 2007 của Chính phủ khẳng định sự tiếp tục thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội và định hướng Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2002 - 2007 mà Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội, tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ lớn, xuyên suốt nhiệm kỳ Chính phủ:
Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trọng tâm là xây dựng hệ thống thể chế, gắn sản xuất với thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát huy mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Hai là, tạo bước tiến mới về phát triển con người một cách toàn diện, giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội bức xúc, cải thiện môi trường xã hội và tự nhiên, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, xoá đói giảm nghèo và việc làm, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, hạn chế tai nạn giao thông.
Ba là, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực cao, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, quan liêu, mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và trong xã hội.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2002 - 2007, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động của mình.
2. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình Báo cáo "Một số vấn đề về đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ".
Yêu cầu cấp bách của sự nghiệp đổi mới đất nước đòi hỏi tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của Chính phủ các khoá trước, phải đổi mới, tăng cường hiệu lực của công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế và quản lý xã hội, trọng tâm là nâng cao chất lượng xây dựng thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thực tiễn đất nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho các Bộ và chính quyền địa phương; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đề cao kỷ luật chấp hành thể chế, coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên trong hoạt động của Chính phủ. Với yêu cầu đó, cần khẩn trương sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ, làm rõ các mối quan hệ trong nội bộ Chính phủ, giữa Chính phủ với cả hệ thống hành chính nhà nước và hệ thống chính trị của đất nước, bảo đảm cho hoạt động chỉ đạo điều hành thông suốt và hiệu quả.
Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ, trình Chính phủ xem xét, thông qua.
3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cụ thể hoá các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992 và phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội thời gian qua, nay so với yêu cầu thực tiễn của đất nước và quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 đã có nhiều điểm không còn phù hợp, cần phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời theo hướng: phân định rành mạch chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, tránh chồng chéo, trùng lắp; giảm đầu mối, tầng nấc trung gian; thực hiện một việc chỉ do một Bộ chịu trách nhiệm chính, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là thẩm quyền của Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước; đẩy mạnh phân công, phân cấp...
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan mình trình Chính phủ xem xét, ban hành; trước mắt, Bộ Nội vụ sớm trình Chính phủ các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ mới thành lập.
4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình dự thảo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI (2002 - 2007) và năm 2003; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Chương trình.
Thời gian qua, hoạt động lập pháp của Nhà nước ta đã có những nét đổi mới và tiến bộ, đã kịp thời thể chế hoá và quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý giải quyết các vấn đề bức xúc của công cuộc đổi mới đất nước và của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh đề ra còn quá nặng, thiếu tính khả thi, việc thực hiện thường chỉ đạt 60 - 70% dự án đăng ký. Vì vậy, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống luật pháp, các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, chất lượng của một số văn bản pháp luật chưa cao.
Tình hình hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra những yêu cầu mới cho hoạt động xây dựng pháp luật của Chính phủ khoá XI. Vì vậy, Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Chính phủ nhiệm kỳ 2002- 2007 và năm 2003 cần thể chế hoá đầy đủ, kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh bản dự thảo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
5. Chính phủ đã nghe Báo cáo về tình hình thiên tai và công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả từ đầu năm đến nay do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình.
Từ đầu năm đến nay, trên phạm vi cả nước, hạn hán, mưa lũ liên tiếp xảy ra ở mức độ cao, trên diện rộng và diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Rút kinh nghiệm phòng chống thiên tai các năm trước, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động đối phó với thiên tai, tăng cường công tác tu bổ đê điều, kiện toàn bộ máy chỉ huy phòng chống lụt bão, diễn tập hộ đê, cứu nạn, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", chủ động ứng cứu kịp thời nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại; công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai được tiến hành khẩn trương, có hiệu quả, mau chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Tình hình thời tiết còn diễn biến rất phức tạp và khó lường. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, theo dõi, xử lý kịp thời các sự cố và có giải pháp lâu dài củng cố hệ thống đê điều ở các tỉnh phía Bắc; hồ đập ở các tỉnh miền Trung; tình hình lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, lũ quét và sụt lở đất đai ở các tỉnh miền núi; bảo đảm an toàn về dân sinh, nhất là đối với người già và trẻ em; khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
6. Chính phủ đã xem xét Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2002, một số giải pháp chỉ đạo thực hiện trong 4 tháng cuối năm do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.
Tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm có những tiến bộ trên một số lĩnh vực: sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao; nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức về thời tiết và thiên tai, duy trì được mục tiêu phát triển; dịch vụ có bước tiến mới, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 có tiến bộ hơn tháng trước; vốn đầu tư phát triển và thu ngân sách nhà nước tăng khá; hoạt động tiền tệ có tiến bộ, giá cả thị trường ổn định; các lĩnh vực hoạt động xã hội có nhiều chuyển biến tốt.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong tháng 8 và 8 tháng qua là tình hình hạn hán khắc nghiệt và lũ lụt lớn xảy ra ở một số địa phương; kim ngạch xuất khẩu vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ và chưa đạt mức kế hoạch.
Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung mọi nỗ lực, tích cực chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP ngày 24/4/2002 về một số giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội năm 2002, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2002.
Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1 Nghị quyết số 12/2003/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2003 do Chính phủ ban hành
- 2 Nghị quyết số 11/2002/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2002 do Chính phủ ban hành
- 3 Nghị quyết số 09/2002/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2002 do Chính Phủ ban hành