HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2012/NQ-HĐND | Tây Ninh, ngày 11 tháng 7 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP , ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 57/QĐ-TTg , ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020;
Xét Tờ trình số 1330/TTr-UBND, ngày 29 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân Tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2020 với những nội dung chính sau:
1. Quan điểm
- Phát triển lâm nghiệp một cách toàn diện, coi trọng cả 3 khâu: Bảo vệ rừng hiện có, trồng mới và sử dụng tổng hợp lợi ích tài nguyên rừng;
- Phát triển lâm nghiệp phải đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của tỉnh Tây Ninh;
- Phát triển rừng gắn với chủ trương xã hội hóa nghề rừng, với chủ quyền Quốc gia, an ninh biên giới, và phát triển nông thôn mới, góp phần ổn định an ninh vùng biên giới;
- Bảo tồn nguyên trạng tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử; sử dụng tài nguyên rừng theo hướng đa mục đích;
- Nâng cao số lượng và chất lượng rừng để phát huy tối đa khả năng phòng hộ của rừng và giảm biến đổi khí hậu;
- Nâng cao giá trị kinh tế của rừng sản xuất.
2. Mục tiêu
- Nâng độ che phủ của rừng từ 13,5% năm 2010 lên 16,2% năm 2015 và 16,29% vào năm 2020 thông qua việc bảo vệ, trồng mới rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng;
- Về kinh tế: Sử dụng rừng theo hướng đa mục đích để phát huy tối đa giá trị của rừng như: Phát triển du lịch; thực hiện thu phí dịch vụ môi trường theo quy định nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư cho rừng;
- Về xã hội: Tạo công ăn việc làm cho người lao động thông qua giao khoán bảo vệ, trồng mới, chăm sóc rừng, các hoạt động du lịch, khai thác mủ cao su trong rừng sản xuất;
- Về môi trường: Bảo vệ tốt vốn rừng hiện có, đồng thời phát triển thêm rừng trồng mới sẽ góp phần cải tạo môi trường sống; giữ nguồn nước cho sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng, giảm bớt thiên tai, biến đổi khí hậu.
3. Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020
Tổng diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2020: 71.400ha, trong đó:
a) Rừng đặc dụng: 31.850ha
- Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát: 19.156ha
- Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc: 10.711ha
- Khu rừng Văn hóa Lịch sử Núi Bà: 1.761ha
- Khu rừng di tích lịch sử Căn cứ Huyện ủy Châu Thành: 190ha
- Khu rừng di tích lịch sử Căn cứ Đồng Rùm (huyện Tân Châu): 32ha
b) Rừng phòng hộ: 29.555ha
- Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (phòng hộ đầu nguồn): 29.555ha
c) Rừng sản xuất: 9.995ha
- Rừng sản xuất khu vực Chàng Riệc: 1.322ha
- Rừng sản xuất khu vực Dầu Tiếng: 3.495ha
- Rừng sản xuất huyện Châu Thành: 4.408ha
- Rừng sản xuất huyện Bến Cầu: 770ha
4. Quy hoạch sử dụng đất và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020
Quy hoạch sử dụng đất và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020
TT | Loại đất loại rừng | Hiện trạng đầu kỳ | Hiện trạng cuối kỳ | So sánh |
| Tổng cộng | 71.400 | 74.400 | 0 |
1 | Đất có rừng | 48.810 | 59.753 | 10.943 |
| - Rừng tự nhiên | 38.691 | 45.543 | 6.852 |
| - Rừng trồng | 10.119 | 14.210 | 4.091 |
2 | Đất chưa có rừng | 9.040 | 2.083 | -6.957 |
3 | Đất nông nghiệp | 12.898 | 8.857 | -4.041 |
4 | Đất khác | 652 | 707 | 55 |
5. Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học
a) Mục tiêu: Bảo vệ vốn rừng hiện có, kiên quyết ngăn chặn các hoạt động xâm hại trái phép vào rừng; nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng.
b) Đối tượng: Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã có rừng, đất đang khoanh nuôi tái sinh và rừng trồng mới (năm 2011: 44.090ha; năm 2015: 49.847ha; năm 2020: 59.753ha).
c) Biện pháp: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các đơn vị chủ rừng; xử lý đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm và sử dụng không đúng mục đích; tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng dân cư; nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng bảo vệ rừng ở các đơn vị chủ rừng; trang bị các phương tiện phục vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo tồn đa dạng sinh học.
6. Quy hoạch phát triển rừng
a) Khoanh nuôi tái sinh rừng
- Đối tượng khoanh nuôi tái sinh: Đất chưa có rừng trạng thái rừng IC, IB có mật độ tái sinh cây có triển vọng trên 1.000 cây/ha;
- Khối lượng: Giai đoạn 2011 - 2015 là 6.854ha.
- Biện pháp: Khoanh nuôi bảo vệ, xúc tiến tái sinh tự nhiên, bảo vệ phòng chống cháy và chống các tác nhân gây hại đến rừng.
b) Trồng rừng mới
- Đối tượng: Đất trống, trảng cỏ, đất trống có cây bụi, đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm và sử dụng không đúng mục đích.
- Khối lượng: 4.107ha, giai đoạn 2011 - 2015: 3.773ha, giai đoạn 2016 - 2020: 334ha diện tích còn lại trong rừng phòng hộ.
- Biện pháp: Trồng bằng cây gỗ lớn với cây phụ trợ che bóng phù hợp theo chức năng các loại rừng; đối với rừng sản xuất chọn cây trồng có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng nhanh và phát triển trồng cây cao su.
c) Trồng cây phân tán: Đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán trong toàn tỉnh, đa dạng hóa loại hình trồng cây, trồng xen trong đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, trong vườn nhà, công trình công cộng, bình quân mỗi năm trồng 1 triệu cây.
7. Quy hoạch sử dụng rừng
a) Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng
Phát triển du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng là nhằm khai thác tiềm năng về cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học, lịch sử - văn hóa của các khu rừng.
b) Cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái.
c) Phát triển, khai thác và sử dụng cây cao su trong đất lâm nghiệp
Thực hiện quản lý diện tích cây cao su trong đất lâm nghiệp phát triển theo đúng quy hoạch, kế hoạch, tạo rừng kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện đời sống, thu nhập cho người dân,…
8. Chế biến gỗ
- Rà soát lại các cơ sở chế biến gỗ trên toàn tỉnh;
- Quy hoạch lại các cơ sở chế biến trên toàn tỉnh theo nhóm sản phẩm hàng hóa chủ yếu;
- Đầu tư công nghệ tiên tiến, chuyển từ chế biến cơ lý sang chế biến cơ lý hóa tổng hợp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm.
9. Triển khai thực hiện chỉ trả dịch vụ môi trường rừng
- Xác định đối tượng cung cấp dịch vụ môi trường rừng;
- Xác định đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng;
- Xác định đối tượng được trả tiền cung cấp dịch vụ môi trường rừng.
10. Vốn đầu tư
Khái toán nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2011 - 2020 là 431.152 triệu đồng.
a) Phân theo giai đoạn
- Giai đoạn 2011 - 2015: 289.983 triệu đồng;
- Giai đoạn 2016 - 2020: 141.169 triệu đồng.
b) Phân theo nguồn vốn
- Ngân sách Trung ương: 221.428 triệu đồng (chiếm 51,4%);
- Ngân sách địa phương: 40.307 triệu đồng (chiếm 9,3%);
- Các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình: 39.417 triệu đồng (chiếm 9,1%);
- Từ thu chi trả dịch vụ môi trường rừng: 130.000 triệu đồng (chiếm 30,2%).
11. Giải pháp thực hiện
a) Về tổ chức quản lý
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại các Ban quản lý rừng theo mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, để hoạt động có hiệu quả, hoàn thiện bộ máy quản lý từ tỉnh tới cấp cơ sở; tuyển dụng đủ, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, khi quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với những dự án từ 50 ha trở lên, Ủy ban nhân dân Tỉnh phải báo cáo, xin ý kiến Hội đồng nhân dân Tỉnh trước khi quyết định, trình Chính phủ và Quốc hội cho chủ trương.
b) Về khoa học công nghệ
Tập trung nghiên cứu và ứng dụng các mô hình có sử dụng rừng theo hướng tiếp cận sử dụng rừng đa mục đích; ứng dụng công nghệ mới trong quản lý rừng, quản lý tài nguyên rừng.
c) Vận dụng hệ thống chính sách trong quản lý rừng và đất lâm nghiệp
- Chính sách giao khoán bảo vệ rừng;
- Chính sách thu hút đầu tư;
- Chính sách tài chính và tín dụng;
- Phát triển nguồn nhân lực.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân Tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này đảm bảo đúng quy định. Định kỳ hàng năm sơ kết đánh giá và báo cáo Hội đồng nhân dân Tỉnh kết quả thực hiện.
Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 630/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 huyện Lạng Giang do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành
- 2 Quyết định 57/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 4364/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011-2020
- 4 Nghị quyết 20/2011/NQ-HĐND về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011 - 2020
- 5 Nghị định 23/2006/NĐ-CP thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng
- 6 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 7 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 630/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 huyện Lạng Giang do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành
- 2 Quyết định 4364/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011-2020
- 3 Nghị quyết 20/2011/NQ-HĐND về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011 - 2020