Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/2007/NQ-HĐND

Lạng Sơn, ngày 15 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN TỈNH LẠNG SƠN ĐẾN NĂM 2020.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng; Thông tư số 15/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 1151/QĐ- TTg ngày 30/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt-Trung đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 65/TTr-UBND ngày 06/12/2007 của UBND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, với các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu:

- Đầu tư phát triển hệ thống các đô thị, trọng điểm là thành phố Lạng Sơn, các thị xã, thị trấn khác và trung tâm các vùng kinh tế trong tỉnh để giữ vai trò chủ đạo thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Xây dựng chiến lược phát triển hệ thống dân cư phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

- Định hình các không gian phát triển đô thị, hành lang đô thị, cụm đô thị trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn.

- Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với an ninh quốc phòng, phát huy tiềm lực của vùng.

2. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn:

a) Lựa chọn hướng phát triển:

Mạng lưới đô thị phát triển tập trung theo vùng trọng điểm và các hành lang đô thị hoá, chọn các đô thị trọng tâm để đầu tư xây dựng làm động lực tăng trưởng kinh tế.

b) Hệ thống đô thị và điểm dân cư trên các vùng lãnh thổ:

Vùng I: là vùng có tốc độ phát triển đô thị nhanh, gồm:

- Vùng kinh tế trọng điểm Lạng Sơn- Đồng Đăng;

- Vùng Mẹt (Hữu Lũng)- Đồng Mỏ (Chi Lăng).

Vùng II: là vùng có tốc độ phát triển đô thị trung bình, gồm:

- Vùng Lộc Bình- Na Dương- Đình Lập gồm các thị trấn, xã ven quốc lộ 4B;

- Vùng Thất Khê- Na Sầm gồm các thị trấn, xã ven quốc lộ 4A;

- Vùng Bắc Sơn- Bình Gia- Văn Quan gồm các thị trấn, xã ven quốc lộ 1B.

Vùng III: là vùng gồm các xã còn lại.

c) Chương trình phát triển hệ thống đô thị.

- Tập trung nguồn lực để phát triển thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng: Đầu tư mạnh mẽ khu kinh tế Đồng Đăng-Tân Thanh, khu kinh tế đô thị Đồng Đăng- Lạng Sơn và xây dựng phát triển thành phố Lạng Sơn cùng với thị trấn Đồng Đăng và các khu kinh tế cửa khẩu trở thành trung tâm thương mại, công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đây là vùng kinh tế động lực chính của tỉnh và có ảnh hưởng lớn tới các vùng xung quanh.

- Tạo điều kiện thuận lợi để các công ty phát triển đầu tư xây dựng các khu đô thị mới nhằm phát triển nhà ở, các công trình dịch vụ và hạ tầng đô thị: khu đô thị mới ở thành phố Lạng Sơn, khu đô thị Đồng Bành… .

- Nâng cấp đô thị: Tập trung đầu tư mạnh mẽ để đến năm 2015 nâng cấp thị trấn Chi Lăng thành đô thị ứng với tiêu chuẩn đô thị loại IV.

- Phát triển các đô thị hiện tại: Các thị trấn huyện lỵ và các thị trấn chuyên ngành hiện có được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó cần khuyến khích phát triển các cơ sở kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nông thôn xung quanh.

- Phát triển một số đô thị mới: Ngoài việc đầu tư xây dựng mới thị trấn huyện lỵ Cao Lộc, hàng năm tỉnh sẽ có kế hoạch để tạo điều kiện có thể nâng cấp một số thị tứ, trung tâm cụm xã thành thị trấn như: Văn Mịch, Điềm He, Ngả Hai, chợ Phổng-Vân Nham, Hội Hoan, Lũng Vài, Na Hình. Xây dựng mới một số thị trấn cửa khẩu như: Tân Thanh, Chi Ma, Bản Chắt, Bình Nghi, Long Thịnh- Quốc Khánh… .

d) Chương trình phát triển điểm dân cư nông thôn.

- Các thị tứ hiện có: Văn Mịch, Ngả Hai, Chợ Phổng, Điềm He. Các thị tứ hiện có này dự kiến sẽ nâng cấp thành thị trấn vào năm 2010- 2015.

- Các điểm dân cư dự kiến phát triển: Thị tứ Bắc Lệ - huyện Hữu Lũng; Thị tứ Châu Sơn-huyện Đình Lập; Thị tứ Vạn Linh-huyện Chi Lăng; Thị tứ Vũ Lăng-huyện Bắc Sơn; Thị tứ Hoàng Văn Thụ- huyện Văn Lãng.

- Phát triển trung tâm xã: Xây dựng kiên cố các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, trụ sở hành chính, chợ và điểm dân cư… Ngoài ra cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trung tâm như đường giao thông, cầu cống; hệ thống điện nước, thông tin liên lạc.

- Kết hợp với quy hoạch, xây dựng thủy lợi phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, cần quy hoạch bố trí lại dân cư theo hướng xây dựng các tuyến cụm dân cư ổn định, tương đối tập trung đảm bảo cung cấp các dịch vụ phúc lợi công cộng cho người dân.

- Có chương trình để đưa các hộ sống đơn lẻ về các tuyến, cụm dân cư nông thôn; tạo điều kiện chỗ ở cho những gia đình ở nơi khác tới làm việc lâu dài trên địa bàn nông thôn trong tỉnh.

3. Cơ chế, chính sách xây dựng.

a) Tăng cường hiệu lực bộ máy quản lý đô thị, nông thôn, đổi mới cơ chế và chính sách phát triển đô thị

Nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý đô thị các cấp, hướng sự hoạt động của chính quyền đô thị vào việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là quản lý nhà nước theo lãnh thổ trên cơ sở sử dụng có hiệu quả ba công cụ chủ yếu là: quy hoạch, pháp luật và kế hoạch vĩ mô để đô thị được quản lý và phát triển có kỷ cương, có trọng tâm, trọng điểm theo các chương trình, dự án đã đề ra trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

b) Chính sách quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển đô thị

Ưu tiên lập các đồ án quy hoạch chung và các đồ án quy hoạch chi tiết các đô thị, xây dựng các chương trình và các dự án đầu tư, đảm bảo cho đô thị phát triển theo định hướng phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh đã được duyệt. Trọng tâm là các đô thị hạt nhân phát triển vùng.

c) Chính sách xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn

Chính sách phát triển đa mục tiêu, xây dựng các dự án phát triển kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm xóa đói, giảm nghèo như phát triển giao thông nông thôn, phát triển thủy lợi vừa và nhỏ, cấp điện, cấp nước và xây dựng mô hình nông thôn mới.

Chính sách phát triển nông sản hàng hóa: chủ yếu phát triển cây công nghiệp và chế biến; phát triển cây ăn quả và công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm; phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc.

Chính sách an ninh lương thực, thực phẩm: chủ yếu là phát triển vùng lương thực hàng hóa thâm canh cao sản, xây dựng vành đai thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu người tiêu dùng đô thị và nông thôn.

Chính sách phát triển lâm nghiệp: mục tiêu chủ yếu là trồng rừng kinh tế, phát triển vốn rừng phòng hộ, đặc dụng; chính sách bảo vệ môi trường sinh thái.

d) Chính sách và giải pháp tạo vốn phát triển cơ sở hạ tầng đô thị

Sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước cho công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng, bảo vệ môi trường và các công trình không trực tiếp thu hồi vốn, hoặc không có khả năng thu hồi vốn.

Huy động tối đa các nguồn vốn trong nước và tranh thủ thêm các nguồn vốn nước ngoài thông qua biện pháp: Thực hiện các dự án phát triển đất đô thị, đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng hoặc xây dựng nhà để bán, cho thuê, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhà ở, các cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng, phát triển trái phiếu, cổ phiếu, gửi tiền tiết kiệm, động viên góp lao động nghĩa vụ công dân và cộng đồng. Tranh thủ vốn viện trợ, vốn vay nước ngoài, khuyến khích đầu tư nước ngoài.

đ) Chính sách về nhà và đất đô thị.

Tiếp tục tổ chức thực hiện Luật Đất đai và các văn bản pháp luật về đất đai, rà soát sửa đổi, bổ xung và hoàn chỉnh cơ chế sử dụng đất, kinh doanh bất động sản trong đô thị.

Hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngoài kế hoạch, nhằm khắc phục tình trạng giảm sút diện tích trồng lúa nước và đất trồng cây công nghiệp có giá trị cao.

Xây dựng chính sách về đất đai để xây dựng nhà ở, lập quỹ phát triển nhà ở, trong đó huy động sự đóng góp của các tổ chức đơn vị và cá nhân.

e) Chính sách về quy hoạch và kiến trúc đô thị - nông thôn.

Rà soát, lập và xét duyệt các đồ án quy hoạch đô thị, các dự án xây dựng nông thôn, phục vụ cho việc lập các dự án đầu tư xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch, giao đất và quản lý xây dựng công trình theo pháp luật.

Nghiên cứu ban hành các chính sách bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa dân tộc và phát triển kiến trúc đô thị mới hiện đại, kết hợp với truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc. Tổ chức công bố các vùng cấm xây dựng trong đô thị để nhân dân biết và thực hiện.

Ban hành các văn bản chính sách về quản lý trật tự xây dựng đô thị. Thường xuyên tổ chức thanh tra và xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn Khoá XIV, kỳ họp thứ 11 thông qua ./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục KTVB-Bộ Tư pháp;
- Bộ Xây dựng;
- TT.Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐNH tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành , đoàn thể, tổ chức CTXH;
- VKSND, TAND, UBMT TQ tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- CPVP HĐND, CV, KT Đoàn ĐBQH;
- CPVP, các phòng CV VP UBND tỉnh;
- Công báo Lạng Sơn;
- Lưu: VT, HS.

CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Bích Ly