Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2003/NQ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2003

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 11/2003/NQ-CP NGÀY 05 THÁNG 9 NĂM 2003 VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8 NĂM 2003

Trong 2 ngày 28, 29 tháng 8 năm 2003, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2004 và tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2003; Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2003 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2004.

Chính phủ nhận định, trong 8 tháng đầu năm 2003, tuy gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, với nỗ lực phấn đấu trong những tháng còn lại, chúng ta có khả năng đạt và vượt phần lớn các mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2003. Thu ngân sách nhà nước tăng, cơ cấu chi ngân sách có chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch rõ nét, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao. Nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển đạt khá, cơ cấu đầu tư đã hướng vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện. Các lĩnh vực xã hội đều có tiến bộ, công tác giáo dục - đào tạo, xoá đói giảm nghèo, công tác y tế đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt, đã khống chế và kiểm soát thành công dịch bệnh SARS; giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông; nhiệm vụ chuẩn bị cho SEAGAMES 22 bảo đảm tiến độ. Quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển.

Mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng như trên, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2003 có khả năng đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng của kế hoạch 5 năm 2001- 2005. Chất lượng phát triển chưa cao, chưa bền vững, khả năng cạnh tranh của hàng hoá còn thấp, đầu tư ở một số lĩnh vực kém hiệu quả, tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản còn phổ biến, lãng phí, thất thoát, tiêu cực còn nhiều. Công tác cải cách hành chính tiến hành chậm, việc triển khai đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu và khoán chi hành chính ở nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số vấn đề xã hội vẫn còn rất bức xúc, nhất là chất lượng giáo dục, việc làm và tệ nạn xã hội.

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và nhiệm vụ còn lại của kế hoạch 5 năm 2001-2005, các Bộ, ngành và địa phương cần phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đặc biệt chú trọng giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới chính sách động viên tài chính, tăng nguồn thu, tạo sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp, bảo đảm nguồn ngân sách thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước, tăng tích luỹ, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế trong mọi tình huống; đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục xoá đói giảm nghèo, cải thiện mức sống của nhân dân; tạo bước chuyển biến đột phá về cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thể chế và thủ tục hành chính. Tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai; triển khai thắng lợi nhiệm vụ năm học mới và tập trung mọi nỗ lực tổ chức tốt SEAGAMES 22 vào cuối năm.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh các Báo cáo, trên cơ sở đó dự kiến phương án phân bổ cụ thể vốn đầu tư xây dựng cơ bản và dự toán ngân sách nhà nước năm 2004 cho các Bộ, ngành và địa phương, chuẩn bị trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2003 và báo cáo Quốc hội vào thời gian tới.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Đề án phân cấp quản lý nhà nước Trung ương - địa phương và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước Trung ương - địa phương.

Phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thời gian qua, Chính phủ đã phân cấp cho chính quyền địa phương về thẩm quyền, trách nhiệm trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án đầu tư, phân bổ và điều hành ngân sách địa phương... Việc phân cấp đã đem lại những kết quả bước đầu: phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tốt hơn các nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu về một bộ máy hành chính nhà nước có hiệu quả đòi hỏi phải giải quyết một cách cơ bản, có hệ thống vấn đề phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh, trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có phân công, phân cấp hợp lý, bảo đảm sự chỉ đạo điều hành tập trung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết hợp với phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành và theo lãnh thổ; tăng cường phân cấp đi đôi với nâng cao năng lực quản lý, điều hành, gắn quyền hạn với trách nhiệm.

Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh bản Đề án và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh, trình Chính phủ xem xét trong một phiên họp khác.

3. Chính phủ nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự án Luật.

Sau 5 năm thực hiện, Luật Các tổ chức tín dụng đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định và tăng trưởng kinh tế; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các tổ chức tín dụng, nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các tổ chức này. Tuy nhiên, đến nay Luật cũng đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý: nhiều quy định còn chưa rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh, giữa ưu đãi của nhà nước trong hoạt động tín dụng với quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng; một số quy định của Luật chưa phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay, gây phiền hà và làm chậm trễ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp và công dân; một số nội dung của Luật chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật Các tổ chức tín dụng cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tháo gỡ các vướng mắc đang cản trở hoạt động của các tổ chức tín dụng; tạo cơ sở pháp lý cho việc thay đổi phương thức quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ và việc xây dựng hệ thống ngân hàng hiện đại theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo sự thống nhất, đồng bộ với các Luật có liên quan.

Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình dự án Pháp lệnh Thú y (sửa đổi); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh.

Pháp lệnh Thú y năm 1993 được ban hành trên cơ sở tổng kết, chọn lọc từ thực tiễn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về thú y những năm trước đây, đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh và mở rộng quan hệ thương mại quốc tế về động vật, sản phẩm động vật.

Tuy vậy, đến nay một số quy định của Pháp lệnh đã không còn phù hợp với các quy định của các Luật, Pháp lệnh có liên quan; ngành chăn nuôi ngày một phát triển đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý nhà nước về thú y và trách nhiệm quản lý nhà nước về thú y giữa các ngành, các cấp; tránh việc chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; hệ thống thú y cũng cần được đổi mới, kiện toàn.

Việc sửa đổi Pháp lệnh Thú y phải quán triệt quan điểm bảo vệ và phát triển động vật, bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về thú y, quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh Thú y (sửa đổi); giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh này.

5. Chính phủ đã xem xét Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Chính phủ năm 2004 do Bộ Tư pháp trình. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xin ý kiến các thành viên Chính phủ, tổng hợp hoàn chỉnh Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Phan Văn Khải

(Đã ký)