Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/2015/NQ-HĐND

Quảng Bình, ngày 10 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN BẰNG NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi số 83/2015/QH13;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13;

Căn cứ Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ ban hành Quy chế xem xét quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;

Căn cứ Quyết định 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Qua xem xét Tờ trình số 1519/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020; sau khi nghe Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua nội dung về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020.

I. NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRONG CÂN ĐỐI DO ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ

1. Nguyên tắc chung

- Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Bảo đảm quản lý thống nhất, tập trung về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương.

- Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

- Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong tỉnh.

- Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia, dự án quan trọng của tỉnh, chương trình mục tiêu, dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các cấp, các ngành.

- Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Cơ cấu phân bổ vốn đầu tư giữa các ngành, đơn vị cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Tổng nguồn đầu tư phát triển trong cân đối do địa phương quản lý được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ổn định trong 5 năm từ 2016 - 2020 (không bao gồm vốn chi đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ công ích, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ có mục tiêu, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia, xổ số kiến thiết, thu bổ sung từ ngân sách tỉnh, các khoản thu chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương), định mức phân bổ:

- Các ngành, đơn vị cấp tỉnh: 60%.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: 40%.

Các ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố phân bổ chi tiết 90% tổng mức vốn được giao, dành lại dự phòng 10% để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Kế hoạch đầu tư trung hạn của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.

3. Phân bổ vốn đầu tư phát triển đối với các ngành, đơn vị khối tỉnh

Việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trung hạn theo từng ngành, lĩnh vực, chương trình của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 theo thứ tự ưu tiên sau đây:

- Ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ XDCB và hoàn tạm ứng các công trình, dự án;

- Bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư;

- Bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt;

- Bố trí vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 5 Điều 54 của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công.

4. Phân bổ vốn đầu tư phát triển đối với các huyện, thị xã, thành phố

a) Đối tượng đầu tư:

Bố trí vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước để trả nợ XDCB, công trình chuyển tiếp, chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án các ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý bao gồm: Đầu tư cho nông lâm ngư nghiệp; công nghiệp; giao thông vận tải từ đường liên xã trở xuống; các dự án thuộc lĩnh vực cấp nước và xử lý rác thải, nước thải; kho tàng, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ; giáo dục đào tạo (trường THCS, tiểu học, mầm non,...); y tế (trạm y tế,...); xã hội; tài nguyên môi trường; quản lý nhà nước (trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp xã); quốc phòng - an ninh.

b) Thứ tự ưu tiên phân bổ:

- Thanh toán nợ XDCB và hoàn tạm ứng các công trình, dự án hoàn thành do các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư;

- Bố trí cho các công trình, dự án dự kiến hoàn thành năm kế hoạch;

- Đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài về xây dựng cơ bản (dự án do huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư);

- Vốn đầu tư của huyện, thị xã, thành phố tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư;

- Trả nợ vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn và các khoản nợ vay khác, vốn đối ứng các dự án theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh (phần tỷ lệ vốn huyện theo thỏa thuận nguồn vốn);

- Bố trí cho các công trình, dự án chuyển tiếp;

- Bố trí vốn chuẩn bị đầu tư các công trình do huyện, thành phố quản lý;

- Bố trí cho các công trình khởi công mới nằm trong quy hoạch được phê duyệt và có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công.

5. Tiêu chí phân bổ vốn đầu tư cho các huyện, thị xã, thành phố

Bao gồm 5 nhóm tiêu chí sau đây:

- Tiêu chí dân số gồm 2 tiêu chí: Số dân số trung bình và số người dân tộc thiểu số;

- Tiêu chí về trình độ phát triển gồm 2 tiêu chí: Tỷ lệ hộ nghèo, số thu nội địa (không bao gồm khoản thu sử dụng đất);

- Tiêu chí diện tích gồm 2 tiêu chí: Diện tích đất tự nhiên, tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên;

- Tiêu chí về đơn vị hành chính gồm 4 tiêu chí: Số đơn vị hành chính cấp xã; số xã miền núi, bãi ngang cồn bãi; xã vùng cao; xã biên giới.

- Các tiêu chí bổ sung, bao gồm:

+ Thành phố thuộc tỉnh.

+ Thị xã thuộc tỉnh.

+ Thị trấn huyện lỵ miền núi.

+ Thị trấn huyện lỵ đồng bằng.

+ Hỗ trợ huyện chia tách

+ Huyện đạt nông thôn mới đến năm 2020

6. Xác định số điểm của từng tiêu chí cụ thể

a) Tiêu chí dân số: Bao gồm dân số trung bình và số người dân tộc thiểu số (căn cứ vào số liệu dân số trung bình của Cục Thống kê và số người dân tộc thiểu số của Ban Dân tộc năm 2014). Cách tính cụ thể như sau:

- Điểm của tiêu chí dân số:

Dân số trung bình

Điểm

Đến 50.000 người được tính

10

Trên 50.000 người, cứ tăng thêm 10.000 người được tính thêm

3

- Điểm của tiêu chí số người dân tộc ít người:

Số người dân tộc thiểu số

Điểm

Cứ 500 người được tính

0,2

b) Tiêu chí về trình độ phát triển gồm 2 tiêu chí: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nội địa (không bao gồm khoản thu sử dụng đất).

- Điểm của tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo:

Tỷ lệ hộ nghèo

Điểm

Cứ 5% tỷ lệ hộ nghèo được tính

3,5

Tỷ lệ hộ nghèo được xác định căn cứ số liệu công bố của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2014.

- Điểm tiêu chí thu nội địa:

Thu nội địa (không bao gồm số thu sử dụng đất)

Điểm

a) Đến 50 tỷ đồng

3

b) Trên 50 tỷ đồng đến 150 tỷ đồng, cứ 25 tỷ đồng tăng thêm được tính thêm

4

d) Trên 150 tỷ đồng, cứ 25 tỷ đồng tăng thêm được tính thêm

6

Số thu nội địa căn cứ số giao dự toán năm 2015 của Sở Tài chính (không bao gồm các khoản thu sử dụng đất).

c) Tiêu chí diện tích:

- Diện tích tự nhiên:

Diện tích đất tự nhiên

Điểm

Đến 50.000 ha được tính

6

Trên 50.000 ha đến 100.000 ha, cứ tăng thêm 10.000 ha được tính thêm

2

Trên 100.000 ha trở lên, cứ tăng thêm 10.000 ha được tính thêm

1

- Diện tích đất trồng lúa

Tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên

Điểm

Đến 5%

1

Trên 5% đến 10%, cứ tăng thêm 1% được tính thêm

0,5

Trên 10% đến 15% cứ tăng thêm 1% được tính thêm

1

Trên 15% trở lên, cứ tăng thêm 1% được tính thêm

2

(Số liệu của Cục Thống kê năm 2014).

d) Tiêu chí đơn vị hành chính:

- Điểm của đơn vị hành chính cấp xã:

Đơn vị hành chính cấp xã

Điểm

Cứ 1 xã, phường, thị trấn được tính

1

Cứ 1 xã miền núi, bãi ngang được tính thêm

0,5

Cứ 1 xã vùng cao được tính thêm

0,5

Cứ 1 xã biên giới được tính thêm

1

(Số liệu của Cục Thống kê và Ban Dân tộc năm 2014).

đ) Các tiêu chí bổ sung:

Đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố

Điểm

Thành phố được tính

30

Thị xã được tính

10

Thị trấn huyện lỵ miền núi được tính

4

Thị trấn huyện lỵ đồng bằng được tính

3

Huyện Quảng Trạch chia tách

20

Thị xã Ba Đồn chia tách

10

Huyện, thị xã, TP đạt nông thôn mới đến năm 2020

10

(Số liệu của Cục Thống kê và Văn phòng Điểu phối nông thôn mới năm 2014).

7. Xác định mức vốn đầu tư trong cân đối của các huyện, thị xã, thành phố

Căn cứ vào các tiêu chí trên để tính ra số điểm của từng huyện, thị xã, thành phố và tổng số điểm của tất cả các huyện, thị xã, thành phố làm căn cứ để phân bổ vốn đầu tư trong cân đối, theo công thức sau:

Gọi: - VĐT là tổng vốn đầu tư giao cho các huyện, thị xã, thành phố.

- Đ là tổng điểm của tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

- Đn là tổng điểm của 1 đơn vị huyện, thị xã, thành phố.

- Vn là vốn phân bổ cho 1 huyện, thị xã, thành phố ứng với Đn.

Như vậy vốn phân bổ cho 1 đơn vị huyện, thị xã, thành phố được tính theo công thức như sau:

Vn =

VĐT

x Đn

Đ

II. HỖ TRỢ TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH TỈNH CHO ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ

Căn cứ vào khả năng cân đối Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 nguồn vốn ngân sách tỉnh, tình hình thực tế của các huyện, thành phố, thị xã, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách tỉnh đối với một số công trình, dự án cần thiết cấp bách để phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố, thị xã.

III. NGUỒN VỐN CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ THEO MỤC TIÊU VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Thực hiện phân bổ theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và các quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVI, kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016./. 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQVN tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các Ban và các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, thị xã, TP;
- Báo Quảng Bình, Đài PTTH Quảng Bình;
- Trung tâm Tin học - công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lương Ngọc Bính