Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/2021/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 30 tháng 8 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG PHÁT TRIỂN QUỸ ĐẤT VÀ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TẠO QUỸ ĐẤT SẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

Xét Tờ trình số 137/TTr-UBND ngày 11/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển quỹ đất và giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành cơ chế tài chính xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển quỹ đất và giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như sau:

1. Nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển quỹ đất và giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, bao gồm:

- Thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất ở; đấu giá, đấu thầu dự án sử dụng đất (thu từ tiền sử dụng đất);

- Ứng vốn từ Quỹ phát triển đất;

- Ngân sách nhà nước;

- Vốn viện trợ, tài trợ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ chế tài chính để xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển quỹ đất và giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch:

a) Đối với cấp tỉnh:

- Trích 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho nhiệm vụ đo đạc, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên. Trong trường hợp kinh phí được trích lập lớn hơn kinh phí thực hiện nhiệm vụ đo đạc, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên hàng năm, thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh lập phương án phân bổ phần chênh lệch cho các dự án đầu tư phát triển trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng đề án tổng thể về đo đạc, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên chung cho toàn tỉnh, trong đó có phân cấp thực hiện theo nhiệm vụ (tỉnh/huyện/xã) trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định để chủ động trong điều hành ngân sách;

- Trích 5% nguồn thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung cho quỹ phát triển đất tỉnh. Khi quy mô Quỹ phát triển đất đạt mức 1.000 tỷ đồng, giao Ủy ban nhân dân tỉnh lập phương án bổ sung chi đầu tư phát triển trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định; trong đó, ưu tiên phân bổ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của các địa phương có quỹ đất tham gia đấu giá, đấu thầu dự án; đồng thời điều chỉnh lại quy định sử dụng Quỹ phát triển đất cho phù hợp;

- Trích tối đa 47% nguồn thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất ở cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển quỹ đất;

- Trích tối thiểu 38% nguồn thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất ở cho các dự án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

b) Đối với cấp huyện:

- Trích 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho nhiệm vụ đo đạc, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên theo cơ chế của tỉnh. Trong trường hợp kinh phí được trích lập lớn hơn kinh phí thực hiện nhiệm vụ đo đạc, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên hàng năm, thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện lập phương án phân bổ phần chênh lệch cho các dự án đầu tư phát triển trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định;

- Trích 5% nguồn thu từ tiền sử dụng đất bổ sung Quỹ phát triển đất của tỉnh;

- Trích 85% nguồn thu từ tiền sử dụng đất còn lại do Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, Khoá VIII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 30 tháng 8 năm 2021, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 và thay thế Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển quỹ đất và giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ;
- Vụ Pháp chế của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Cục KTVBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TVTU, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: TU, Đoàn ĐBQH&HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Báo Quảng Trị, Đài PTTH tỉnh;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu : VT, KTNS.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đăng Quang