HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 111/NQ-HĐND | Quảng Trị, ngày 07 tháng 12 năm 2023 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2024 NGUỒN VỐN CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 21
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019;
Căn cứ Nghị quyết số 105/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024;
Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 10/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024;
Xét Báo cáo số 264/BC-UBND ngày 19/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch đầu tư công năm 2024; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương với các nội dung chủ yếu sau:
Tổng vốn cân đối ngân sách địa phương kế hoạch 2024 là 1.309.012 triệu đồng, bao gồm:
- Nguồn vốn đầu tư cân đối theo tiêu chí: 416.312 triệu đồng
- Nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất: 800.000 triệu đồng
- Nguồn thu từ xổ số kiến thiết: 45.000 triệu đồng
- Đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương: 53.200 triệu đồng
Chi tiết các công trình, dự án tại Phụ lục I, II, III, IV, V, VI, VII kèm theo.
Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp
1. Khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 ngay khi được Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh giao kế hoạch, bảo đảm theo đúng các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Ưu tiên vốn cho những dự án cấp bách, quan trọng, mang tính kết nối, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
2. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án. Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị mọi điều kiện để hoàn thành thủ tục đầu tư nhằm nâng cao tính sẵn sàng, khả thi và khả năng triển khai thực hiện dự án; đảm bảo phù hợp với thực tế, hạn chế vướng mắc hoặc phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Quá trình chuẩn bị đầu tư phải dự báo hết những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; khảo sát, điều tra vị trí, chất lượng, khả năng cung ứng, cung đường vận chuyển, thủ tục khai thác mỏ vật liệu, bãi đổ thải, nguồn đất đắp.
3. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức thực hiện và kết quả giải ngân của đơn vị, địa phương mình. Có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 gắn với quản lý chất lượng công trình để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.
4. Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn của các công trình, dự án. Rà soát tình hình thực hiện từng dự án, phân nhóm các dự án gặp khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, đấu thầu; nhóm các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; nhóm các dự án vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân để xử lý hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Chủ động, linh hoạt trong rà soát, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đối với các dự án giải ngân kém, giải ngân không đúng tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
5. Tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo hướng chủ động, linh hoạt; làm gọn từng phần, kiểm đếm đến đâu, thẩm định, phê duyệt, chi trả tới đó; có mặt bằng sạch tới đâu thì triển khai thi công đến đó. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với các dự án nhà nước thực hiện thu hồi đất; tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin trong công tác quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
6. Đẩy nhanh tiến độ cấp phép, đấu giá khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định, các giải pháp để tăng nguồn cung đất làm vật liệu san lấp trong năm 2024 và thời gian tiếp theo. Công bố kịp thời các định mức, đơn giá, chỉ số giá xây dựng phù hợp, đầy đủ chủng loại, đặc biệt là các vật tư, vật liệu có biến động giá. Kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm sớm tháo gỡ các khó khăn về vật liệu xây dựng xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn của các công trình, dự án.
7. Các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư thực hiện xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án. Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đề ra. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để chỉ đạo, định hướng giải quyết ngay từ đầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Nghiêm cấm việc phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, chỉ thực hiện khối lượng công việc trong phạm vi kế hoạch vốn được giao.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan tập trung nhân lực, nguyên vật liệu, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thực hiện để giải ngân kế hoạch vốn được giao; yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm về tiến độ cũng như chất lượng công trình; trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình xây dựng, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.
Thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu; nghiêm túc thực hiện lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng; xây dựng hồ sơ mời thầu chất lượng, bảo đảm không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
8. Tiếp tục triển khai các hạng mục công trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt, trong đó tập trung hoàn thành các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị có tính hiệu quả, bền vững. Tăng cường lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án và từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để tập trung xây dựng nông thôn mới tại địa bàn các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
9. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác đầu tư công. Đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024. Rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để giải ngân hết tất cả các nguồn vốn vào năm cuối kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VIII, Kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|