Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 112/2014/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 163/2010/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2011 - 2015;

Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2014

Năm 2014, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động bất lợi đến sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và đời sống của nhân dân. Song, được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy; giám sát của HĐND; sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể nhân dân; sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, chính quyền các cấp; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nên tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014 của tỉnh ta đã đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Trong số 16 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, có 9 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch; lần đầu tiên trong 10 năm qua, toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch đều vượt và hoàn thành kế hoạch. Những kết quả nổi bật trong năm 2014 là: tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 11,6%, cao nhất trong 3 năm qua; năng suất lúa và sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, quan hệ đối ngoại liên tục được mở rộng và đạt kết quả tích cực; huy động vốn đầu tư phát triển vượt kế hoạch, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách vượt dự toán và tăng cao so với cùng kỳ; nhiều dự án lớn, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được khởi công xây dựng; kết quả thi đại học, thể thao thành tích cao đạt nhiều thành tích vượt bậc so với năm trước và duy trì vị trí tốp đầu trong cả nước; mặc dù còn nhiều yếu tố tác động bất lợi nhưng quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội vẫn được giữ vững, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả đạt được trong năm 2014, cùng với một số dự án trọng điểm đã và đang được đầu tư xây dựng, sẽ tạo ra thế và lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2015 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp so với mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2011 - 2015; hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa có nhiều chuyển biến; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện của nhiều dự án trọng điểm còn chậm và chưa có nhiều chuyển biến; khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép còn diễn ra nhưng chưa được xử lý dứt điểm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân cả nước; dạy thêm, học thêm trái quy định, lạm thu đầu năm còn xảy ra ở một số trường học; nợ bảo hiểm xã hội còn ở mức cao; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa chủ động, thiếu chặt chẽ; tình hình an ninh trật tự và tệ nạn xã hội ở một số nơi còn diễn biến phức tạp.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2015

1. Mục tiêu

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ thời cơ, sức lan tỏa của các dự án lớn để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 11,7% trở lên. Nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; tăng cường bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,7% trở lên, trong đó: nông, lâm, thủy sản tăng 3,4%; công nghiệp - xây dựng tăng 13,6%; dịch vụ tăng 12,8%.

- Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP: ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 17,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 42%, dịch vụ chiếm 40,4%.

- Sản lượng lương thực đạt 1,6 triệu tấn trở lên.

- GDP bình quân đầu người đạt 1.520 USD.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD.

- Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn khoảng 108.000 tỷ đồng.

- Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7.003 tỷ đồng.

- Giải quyết việc làm cho 63.000 lao động (xuất khẩu 10.000 lao động).

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên.

- Tốc độ tăng dân số tự nhiên dưới 0,65%.

- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế 45%.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 17%.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52%.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 86%.

- Tỷ lệ chất thải rắn, chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 83%.

III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phát triển theo định hướng tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch sản phẩm theo định hướng tái cơ cấu kinh tế. Xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng mỗi ngành, lĩnh vực chỉ xây dựng từ 1 - 2 cơ chế, chính sách thật sự cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các cấp, các ngành, các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thử XVII, đề ra các giải pháp và tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất Nghị quyết Đại hội. Rà soát, phân loại những hạn chế, yếu kém của ngành, địa phương mình và đề ra các giải pháp, thời gian khắc phục cụ thể, tạo sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ ở ngành, địa phương, đơn vị.

Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; xây dựng và triển khai thực hiện đề án nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực. Tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch, cơ cấu lại các sản phẩm theo định hướng tái cơ cấu nông nghiệp; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm sạch, an toàn; tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao lên 63.100 ha; chuyển đổi 5.000 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô, trồng cỏ chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết, hợp tác sản xuất với hộ nông dân. Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị; duy trì chăn nuôi nông hộ theo phương thức áp dụng các tiến bộ KHKT, chăn nuôi có kiểm soát, an toàn dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa; quan tâm phát triển bò thịt chất lượng cao.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, tăng diện tích rừng sản xuất để trồng rừng gỗ lớn, phấn đấu trồng mới 12.000 ha rừng tập trung; tiếp tục tháo gỡ khó khăn thực hiện trồng mới 800ha cây cao su; làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phòng chống cháy rừng.

Tập trung phát triển thủy sản nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Phát triển cả nuôi trồng, đánh bắt, gắn với chế biến và dịch vụ hậu cần; tập trung phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và xuất khẩu; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đầu tư nâng cấp tàu thuyền công suất lớn để nâng cao năng lực khai thác. Nâng cao hiệu quả khai thác các cảng cá, bến cá; hoàn thành đầu tư Trung tâm nghiên cứu giống thủy sản và khu neo đậu tránh trú bão Lạch Trường.

Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện cụ thể và nguồn lực của từng địa phương; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng nông thôn, phấn đấu năm 2015 có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là về thị trường, vốn vay, mặt bằng, thủ tục hành chính...; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; phát huy tối đa năng lực hiện có, tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất. Xây dựng chiến lược phát triển một số doanh nghiệp lớn, tạo ra sản phẩm mới, chất lượng cao để nâng cao sức cạnh tranh. Rà soát, dự báo và xác định các sản phẩm công nghiệp theo nhóm để tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực phát triển. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt chính sách tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay. Tháo gỡ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm đang triển khai, nhất là các dự án có tiến độ chậm. Quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; du nhập, nhân cấy một số nghề mới có tiềm năng phát triển.

Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu và phát triển ngành dịch vụ, tập trung chỉ đạo phát triển một số ngành dịch vụ trọng điểm, có tiềm năng; phát triển dịch vụ trong Khu Kinh tế Nghi Sơn. Tiếp tục đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân; mở thêm các đường bay mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Phát triển thương mại nội địa gắn với thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”; khuyến khích đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển du lịch; tổ chức thành công "Năm Du lịch quốc gia 2015" gắn với khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch.

2. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới về thu hút đầu tư vào tỉnh.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; khẩn trương hoàn thành và công bố điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm, quy hoạch mở rộng KKT Nghi Sơn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai các thủ tục hành chính, giảm bớt đầu mối, mẫu hóa tối đa các hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết cho doanh nghiệp và nhân dân; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo sự hấp dẫn để thu hút đầu tư.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cập nhật, điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và định hướng của nhà đầu tư, nhà tài trợ. Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2015, chú trọng xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn, nhất là các dự án phụ trợ sau lọc hóa dầu, cảng biển, dịch vụ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư; nghiên cứu tổ chức xúc tiến đầu tư ở một số tỉnh, thành phố trong nước. Thực hiện các cam kết, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch đúng tiến độ cho các nhà đầu tư.

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT, PPP; tiếp tục củng cố và nâng tầm quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để tranh các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn, Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng và các khu công nghiệp khác. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 30 tháng 4 năm 2015; tranh thủ sự lan tỏa sau khởi công các dự án lớn để thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.

Củng cố và nâng tầm quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính lớn như WB, ADB, JICA, Ngân hàng XNK Hàn Quốc... và các tổ chức phi chính phủ để tranh thủ sự hỗ trợ, tư vấn và kêu gọi nguồn vốn ODA đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp tục đấu mối, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của nhà tài trợ để ký hiệp định tài trợ vốn cho các dự án: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Giảm nghèo khu vực miền núi và hỗ trợ phát triển chính sách tỉnh Thanh Hóa, Hệ thống thủy lợi sông Lèn, nâng cấp hồ đập thủy lợi,...

3. Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án lớn, dự án trọng điểm.

Tăng cường đấu mối với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế; có giải pháp để huy động nguồn lực trong dân, trong doanh nghiệp nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về phân cấp, ủy quyền trong quản lý đầu tư cho phù hợp với các quy định hiện hành. Kiểm soát chặt chẽ việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn NSNN, TPCP theo quy định của pháp luật; nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và các sở chuyên ngành trong việc lập, thẩm định dự án đầu tư; quản lý chặt chẽ việc tạm ứng, sử dụng vốn tạm ứng, nhất là các công trình, dự án có số dư tạm ứng từ năm 2012 trở về trước; xử lý nghiêm các chủ đầu tư chậm trễ trong việc đôn đốc nhà thầu thực hiện các thủ tục hoàn ứng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Chỉ đạo khắc phục tình trạng nợ xây dựng cơ bản ở cấp huyện, cấp xã.

Rà soát các quy định về phân cấp, ủy quyền trong quản lý đầu tư xây dựng để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật xây dựng và các quy định mới ban hành. Thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn FDI để thu hồi đối với các dự án triển khai thực hiện chậm trễ, kéo dài, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án công nghiệp, như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn; xi măng Công Thanh (mở rộng); thủy điện: Trung Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước I; các công trình hạ tầng thiết yếu, như: Đường từ Cảng hàng không đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường tránh thành phố Thanh Hóa, Đại lộ Nam sông Mã, Đại lộ Lê Lợi kéo dài, đường Hồi Xuân - Tén Tằn, hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân, các tuyến đường trục chính và các cầu cảng trong Khu kinh tế Nghi Sơn;... Tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Trung ương và các dự án do doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án: nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát, cầu Bút Sơn, cầu Thắm và chuẩn bị khởi công dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa và các dự án hạ tầng du lịch, như: Dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế cao cấp FLC tại thị xã Sầm Sơn,... Đấu mối tích cực với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để khởi công Dự án nhiệt điện Nghi Sơn II vào quý III năm 2015, tạo thêm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta. Chuẩn bị tích cực các dự án về hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê điều,... để báo cáo các Bộ, ngành Trung ương đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020.

4. Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước; nuôi dưỡng và khai thác hiệu quả các nguồn thu; giảm nợ đọng, thất thu thuế; điều hành chi ngân sách theo kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Chỉ đạo rà soát, đánh giá việc về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn 2011 - 2015; xây dựng phương án thực hiện năm 2016 ổn định đến năm 2020.

Thực hiện tốt các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, kiên quyết thu hồi các khoản nợ đọng theo quy định, nhất là đối với khoản nợ tiền cấp quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu giá cấp quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất, đấu giá, cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; chủ động xử lý các khoản chi đột xuất, khẩn cấp. Các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, đánh giá các khoản thu, xây dựng phương án xử lý nợ đọng đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

5. Nâng cao chất lượng hoạt động các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tiếp tục giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; nâng cao hình ảnh, vị thế của người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.

- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành thị trường khoa học công nghệ.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thông tin; xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa theo hướng thực chất hơn; xây dựng và triển khai Đề án tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lòng tự hào của quê hương Thanh Hóa để nâng cao hình ảnh, vị thế của người Thanh Hóa trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch, trình duyệt theo quy định; hoàn thiện hồ sơ khoa học Di tích khảo cổ học Hang Con Moong và các di tích phụ cận trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp Quốc gia, cấp đặc biệt. Tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2015. Đẩy mạnh các phong trào thể thao quần chúng; chú trọng phát triển thể thao thành tích cao; chuẩn bị tốt lực lượng vận động viên để tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới công tác tuyển sinh đầu vào các lớp đầu cấp học; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2015 tại điểm thi Thanh Hóa để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn, cải thiện thành tích thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo, dạy thêm, học thêm trái quy định, lạm thu tại các trường học và cơ sở đào tạo. Thực hiện quyết liệt việc tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành giáo dục.

- Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh chuyển giao, phân tuyến kỹ thuật cho bệnh viện tuyến huyện và mở rộng điều trị ngoại trú để giảm quá tải cho bệnh viện tuyến tỉnh; chuẩn bị các điều kiện để thành lập khoa quốc tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện chấn thương - chỉnh hình, Bệnh viện ung bứu; tiếp tục phát triển các bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện Trung ương. Đẩy mạnh hoạt động Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa. Đấu mối chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và Học viện Nông nghiệp Việt Nam để thành lập Phân hiệu Học viện Nông nghiệp tại Thanh Hóa. Tăng cường công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề y dược tư nhân. Nâng cao chất lượng dịch vụ dân số, gắn với chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ cho các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và ngành kinh tế trọng điểm. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nhà ở cho công nhân; giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, hạn chế đình công, nghỉ việc tập thể trong các doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo của Chính phủ gắn với thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, người có công; nắm chắc đời sống nhân dân để hỗ trợ kịp thời, không để nhân dân thiếu đói.

6. Tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án giao đất, cho thuê đất, các dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất; kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án không triển khai thực hiện, triển khai chậm, kéo dài, sử dụng đất không đúng mục đích. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, vận chuyển, tập kết, chế biến khoáng sản trái phép.

Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của xã hội trong bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, giám sát và thực hiện có hiệu quả các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là tại các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Khuyến khích xã hội hóa để các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế rác thải; ứng dụng công nghệ mới để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao năng lực phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

7. Đảm bảo quốc phòng - an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng các lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn trong các ngày lễ, sự kiện chính trị quan trọng, Đại hội Đảng các cấp; chủ động phương án ngăn chặn biểu tình, bạo động do lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông và trong khu vực, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các doanh nghiệp. Thực hiện tốt kế hoạch tuyển quân năm 2015.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự”; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các đề án bảo đảm an ninh trật tự đã ban hành; nắm chắc tình hình biên giới, trên biển và các địa bàn trọng điểm để chủ động xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, như: hoạt động tôn giáo trái phép, di cư tự do, người dân xuất cảnh trái phép, xe quá khổ, quá tải. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật.

8. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và công bố công khai các thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng ISO vào công tác quản lý, điều hành. Tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các đơn vị, của cán bộ, công chức, tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ. Ban hành mới Quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và Đề án vị trí việc làm để triển khai thực hiện. Xiết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân và doanh nghiệp; thực hiện nghiêm nguyên tắc “3 không” trong giải quyết công việc; đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công khai, minh bạch thông tin về tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính và thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân đối với các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cá nhân và cộng đồng.

Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng cụ thể, sâu sát; cùng với thực hiện toàn diện các mặt công tác, các ngành, các địa phương phải lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét. Tập trung chỉ đạo chấn chỉnh sai phạm và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước những lĩnh vực còn yếu kém.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2015.

Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh theo chứng năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Khóa XVI, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 31 tháng 12 năm 2014.

 

 

Nơi nhận:
- VPQH, VPCTN, VPCP;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TTr Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh;
- VPTU, VP Đoàn ĐBQH và HĐND, VPUBND tỉnh;
- TTr HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, KTNS.

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến