Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/NQ-HĐND

Vĩnh Long, ngày 15 tháng 6 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ QUYẾT SỐ 260/NQ-HĐND NGÀY 07/07/2020 CỦA HĐND TỈNH THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25/11/2014;

Cần cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật nhà ở, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự ngày 11/01/2022

Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;

Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Căn cứ Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Thông tư số 07/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 và Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 260/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Chương trình phát triển nhà tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035;

Thực hiện Công văn số 820/BXD-QLN ngày 14/3/2022 của Bộ Xây dựng về việc xây dựng, điều chỉnh Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030;

Xét Tờ trình số 100/TTr-UBND ngày 06/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long dự thảo Nghị quyết điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Sửa tên Nghị Quyết số 260/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND tỉnh từ “thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” thành: “Nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030”.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 260/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND tỉnh, nội dung cụ thể như sau:

1. Sửa đổi nội dung khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 260/NQ-HĐND của HĐND tỉnh

(Có kèm theo Phụ lục 1)

2. Bổ sung nội dung khoản 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 260/NQ-HĐND của HĐND tỉnh

(Có kèm theo Phụ lục 2)

Các nội dung khác giữ nguyên theo Nghị quyết số 260/NQ-HĐND ngày 07/07/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long Khóa X, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2023 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Kiểm toán Nhà nước khu vực IX;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Vĩnh Long;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH &HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh, Trang tin VP.Đoàn ĐBQH &HĐND;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Bùi Văn Nghiêm

 

PHỤ LỤC 1

SỬA ĐỔI NỘI DUNG KHOẢN 2, KHOẢN 3, KHOẢN 4, KHOẢN 5, KHOẢN 6 CỦA PHỤ LỤC BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ QUYẾT 260/NQ-HĐND CỦA HĐND TỈNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 15 tháng 6 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2. Định hướng phát triển nhà ở

"1. Định hướng phát triển nhà ở khu vực đô thị

- Tuân thủ theo quy hoạch được phê duyệt;

- Gắn với chương trình phát triển đô thị;

- Đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại theo dự án góp phần đa dạng hóa sản phẩm nhà ở cho người dân lựa chọn, giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của người dân, tiết kiệm nguồn lực đất đai, tạo cảnh quan khang trang, hiện đại cho tỉnh;

- Phát triển nhà ở có quy mô, cơ cấu, giá cả đa dạng đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.

2. Định hướng phát triển nhà ở khu vực nông thôn

- Phù hợp với quy hoạch nông thôn mới;

- Tổ chức dân cư và phát triển nhà ở theo hướng tập trung tại trung tâm xã và hình thành các điểm dân cư tập trung; đưa dân định cư phân tán rải rác trong nội đồng, nhà sàn trên các tuyến kênh rạch vùng sâu vào các điểm dân cư tập trung.

- Phát triển nhà ở hình thành các tuyến dân cư nông thôn theo các trục hành lang chính kết nối với các đô thị nhằm khai thác hạ tầng sẵn có.

- Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát, đặc biệt tại các khu vực ven sông kênh rạch, vùng nguy hiểm dễ bị sạt lở;

- Huy động khả năng của các hộ gia đình, cá nhân kết hợp sự giúp đỡ hỗ trợ của cộng đồng và các thành phần kinh tế để thực hiện mục tiêu cải thiện nhà ở; thực hiện chính sách ưu tiên và hỗ trợ cải thiện nhà ở cho đồng bào dân tộc, các hộ gia đình nghèo; từng bước xóa bỏ loại hình nhà ở thiếu kiên cố, đơn sơ, phát triển nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu".

II. Sửa đổi, bổ sung khoản 3. Mục tiêu phát triển nhà ở

"1. Sửa đổi, bổ sung mục tiêu trong giai đoạn đến năm 2025

- Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt 30,0 m2 sàn/người trong đó: tại khu vực đô thị đạt 29,4 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 30,2 m2 sàn/người.

- Phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 96,9%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ còn 3,1%.

- Hoàn thành việc xây dựng thêm được khoảng 5.380.000 m2 sàn nhà ở trên địa bàn tỉnh, tương đương với khoảng 37.093 căn nhà. Trong đó:

+ Phát triển tăng thêm được khoảng 1.252.978 m2 sàn nhà ở thương mại, nhà ở trong các khu đô thị, khu dân cư, tương đương khoảng 8.353 căn nhà xây dựng mới.

+ Phát triển tăng thêm được khoảng 161.000 m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 2.300 căn nhà xây dựng mới. Tiếp tục kêu gọi, đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, cán bộ công chức viên chức, công nhân tại các khu công nghiệp,...

+ Khuyến khích người dân tự xây dựng mới, cải tạo nhà ở đạt chất lượng kiên cố hoặc bán kiên cố. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 diện tích sàn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 3.966.023 m2 sàn, tương ứng khoảng 26.440 căn nhà.

+ Không thực hiện các dự án xây dựng nhà ở tái định cư mà bố trí vốn ngân sách thực hiện đầu tư hạ tầng và bố trí quỹ đất tái định cư cho người dân đáp ứng 100% nhu cầu tái định cư trong từng giai đoạn.

+ Tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở theo chương trình mục tiêu.

2. Sửa đổi, bổ sung mục tiêu giai đoạn 2026-2030

- Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 36,0 m2 sàn/người, trong đó: tại khu vực đô thị đạt 33,9 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 36,9 m2 sàn/người, chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đạt 10 m2 sàn/người.

- Đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 97,4%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ còn 2,6%.

- Hoàn thành việc xây dựng thêm được khoảng 6.186.000 m2 sàn nhà ở trên địa bàn tỉnh, tương đương với khoảng 43.160 căn nhà. Trong đó:

+ Phát triển tăng thêm được khoảng 1.571.375 m2 sàn nhà ở thương mại, nhà ở trong các khu đô thị, khu dân cư, tương đương khoảng 10.476 căn nhà xây dựng mới.

+ Phấn đấu tăng thêm được khoảng 252.000 m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 3.600 căn nhà xây dựng mới. Tiếp tục kêu gọi, đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, cán bộ công chức viên chức, công nhân tại các khu công nghiệp,...

+ Khuyến khích người dân tự xây dựng mới, cải tạo nhà ở. Phấn đấu trong giai đoạn 2026 - 2030 diện tích sàn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 4.362.625 m2 sàn, tương ứng khoảng 29.084 căn nhà.

+ Không thực hiện các dự án xây dựng nhà ở tái định cư mà bố trí vốn ngân sách thực hiện đầu tư hạ tầng và bố trí quỹ đất tái định cư cho người dân đáp ứng 100% nhu cầu tái định cư trong từng giai đoạn.

+ Tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở theo chương trình mục tiêu".

III. Sửa đổi, bổ sung khoản 4. Nguồn vốn để phát triển nhà ở

"1. Tổng nguồn vốn

- Giai đoạn đến năm 2025 là 42.229 tỷ đồng, trong đó:

+ Nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư khoảng 10.475 tỷ đồng.

+ Nhà ở xã hội khoảng 1.776 tỷ đồng.

+ Nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 31.978 tỷ đồng

- Giai đoạn 2026 - 2030 là 56.201 tỷ đồng, trong đó:

+ Nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư khoảng 14.450 tỷ đồng.

+ Nhà ở xã hội khoảng 3.058 tỷ đồng.

+ Nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 38.693 tỷ đồng

2. Cơ cấu nguồn vốn bao gồm vốn ngân sách, vốn hỗ trợ từ ngân hàng chính sách xã hội và vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình

- Nhà ở thương mại được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.

- Nhà ở hộ gia đình, cá nhân do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng.

- Nhà ở xã hội được đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng chính sách xã hội...

- Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu[1] từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương.

BẢNG NHU CẦU VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

STT

Loại nhà ở

Quy mô (m2 sàn)

Suất đầu tư (triệu đồng/m2)

Cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 (tỷ đồng)

Ngân sách TW

Ngân sách địa phương

Doanh nghiệp

Người dân

Tổng

I

Nhà ở thương mại

1.252.978

8,36

 

 

10.475

 

10.475

II

Nhà ở xã hội

161.000

11,03

 

 

1.776

 

1.776

III

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

3.966.023

8,06

 

 

 

31.978

31.978

 

Tổng

5.380.000

 

-

-

12.251

31.978

44.229

BẢNG NHU CẦU VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN GIAI ĐOẠN 2026-2030

STT

Loại nhà ở

Quy mô (m2 sàn)

Suất đầu tư (triệu đồng/m2)

Cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 2026-2030 (tỷ đồng)

Ngân sách TW

Ngân sách địa phương

Doanh nghiệp

Người dân

Tổng

I

Nhà ở thương mại

1.571.375

9,20

 

 

14.450

 

14.450

II

Nhà ở xã hội

252.000

12,13

 

 

3.058

 

3.058

III

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

4.362.625

8,87

 

 

 

38.693

38.693

 

Tổng

6.186.000

 

-

-

17.508

38.693

56.201

IV. Sửa đổi, bổ sung khoản 5. Quỹ đất để phát triển nhà ở

Nhu cầu về diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở đến năm 2030 khoảng 1.578,89 ha, trong đó nhu cầu diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở giai đoạn 2021-2025 là 736,56 ha, giai đoạn 2026-2030 là 842,23 ha.

BẢNG NHU CẦU DIỆN TÍCH ĐẤT Ở PHÁT TRIỂN NHÀ Ở ĐẾN NĂM 2030

Xác định nhu cầu quỹ đất

Giai đoạn đến năm 2025 (ha)

Giai đoạn 2026-2030 (ha)

Quỹ đất phát triển nhà ở

464,88

543,37

Nhu cầu diện tích đất xây dựng nhà ở

736,56

842,23

Tại khu vực đô thị

453,99

578,97

Tại khu vực nông thôn

282,57

263,26

V. Sửa đổi, bổ sung khoản 6. Một số giải pháp để thực hiện Chương trình

“1. Bổ sung giải pháp về chính sách, quy hoạch

- Nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực tham gia phát triển nhà ở, hạ tầng đô thị.

- Trong quá trình lập quy hoạch đô thị, thực hiện điều chỉnh, quy hoạch lại, tái thiết các khu dân cư hiện hữu theo hướng giảm mật độ tập trung dân cư kết hợp mô hình nhà ở cao tầng hiện đại, đảm bảo đồng bộ hạ tầng, hoặc có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu dân cư hiện hữu; ưu tiên triển khai thực hiện các dự án nhà ở chung cư cao tầng tại các vị trí tiếp cận thuận tiện với các trục giao thông công cộng lớn.

2. Giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình

- Tận dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn vay từ ngân hàng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để đầu tư xây dựng nhà ở.

- Sử dụng nguồn thu từ quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để thực hiện hỗ trợ một phần chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng đối với các dự án nhà ở xã hội.

- Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho phù hợp, chú ý xác định rõ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu phát triển nhà tại mỗi đơn vị hành chính; làm căn cứ đẩy nhanh công tác chấp thuận đầu tư các dự án nhằm tăng tính hấp dẫn trong việc kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản, nhà ở.

- Mở rộng quy mô của các quỹ từ thiện để bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách kết hợp với các chương trình mục tiêu.

3. Giải pháp bố trí quỹ đất

- Dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất, quỹ nhà ở để bố trí tái định cư phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện các dự án trọng điểm.

- Khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong các giai đoạn tiếp theo cần căn cứ nhu cầu quỹ đất để phát triển nhà ở được đề xuất trong Chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở.

- Thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà, đất không phù hợp quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp.

- Bố trí đủ quỹ đất để thực hiện mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở nhằm đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

4. Giải pháp về phát triển nhà ở ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu

- Xem xét xây dựng và công bố một số thiết kế mẫu nhà ở ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Lập kế hoạch di dời nhà ở ven sông, kênh rạch và công bố công khai để tổ chức tuyên truyền người dân thực hiện di dời tránh các tác động xấu do triều cường, mưa lớn và các nguy cơ do tình trạng biến đổi khí hậu.

- Phối hợp với các tổ chức có uy tín xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, xác định các khu vực có nguy cơ cao để đề xuất các giải pháp phát triển nhà ở phù hợp, cập nhật vào Chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh.

5. Giải pháp hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách.

- Thực hiện việc hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và phù hợp với các quy định của pháp luật.

- Lồng ghép các chương trình mục tiêu kết hợp với kêu gọi hỗ trợ bổ sung từ các tổ chức, cá nhân để tăng nguồn kinh phí hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách.

- Thực hiện hỗ trợ về nhà ở phải đi đối với hỗ trợ phát triển về kinh tế, tăng thu nhập để các hộ gia đình chính sách có điều kiện tiếp tục cải thiện chất lượng nhà ở và điều kiện sinh hoạt.

- Mở rộng quy mô của các quỹ từ thiện để bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách kết hợp với các chương trình mục tiêu.

6. Giải pháp phát triển nhà ở theo dự án

- Ưu tiên phát triển các dự án nhà ở tại những khu vực đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Không phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới tại những khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng tương ứng;

- Thực hiện quy hoạch và bố trí quỹ đất để thực hiện các dự án có quy mô lớn tại khu vực các đô thị đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tạo điểm nhấn cho cảnh quan khu vực đô thị;

- Bên cạnh việc thực hiện cơ chế hỗ trợ đặc biệt của tỉnh đối với các dự án phát triển nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội, về phía các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt dự án, giảm thiểu các thủ tục cho chủ đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật;

- Kết hợp giữa việc kêu gọi đầu tư và tuyên truyền cho người dân cũng như tổ chức để doanh nghiệp tiếp xúc với người dân trong phạm vi dự án nhằm sớm đi đến thống nhất phương án đền bù giải phóng mặt bằng tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án.

- Rà soát quỹ nhà ở công vụ hiện có để bố trí cho cán bộ đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, đánh giá lại tình trạng sử dụng để có phương án cải tạo, sửa chữa phù hợp hoặc xây dựng lại, triển khai xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở công vụ trong kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương khi có nhu cầu.”.

 

PHỤ LỤC 2

BỔ SUNG NỘI DUNG KHOẢN 1 CỦA PHỤ LỤC BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ QUYẾT 260/NQ-HĐND HĐND TỈNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 15 tháng 6 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

“I. Bổ sung Quan điểm phát triển nhà ở

- Phát triển nhà ở sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, giữ gìn cân bằng sinh thái, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Tuân thủ quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Phát triển nhà ở ưu tiên việc an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Kết hợp các nguồn vốn đa dạng để phát triển nhà ở, huy động các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ về nhà ở cho các gia đình chính sách, người có công, người nghèo và hộ gia đình bị ảnh hưởng bơi thiên tai, biến đổi khí hậu.

- Phát triển nhà ở phải bảo đảm an toàn và đáp ứng các điều kiện về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, tiện nghi và thân thiện với môi trường; phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm năng lượng theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

II. Bổ sung nhiệm vụ phát triển nhà ở

1. Phát triển nhà ở phải phù hợp với phát triển đô thị

- Phát triển nhà ở phải phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chương trình, Kế hoạch và định hướng phát triển đô thị của tỉnh.

- Các chỉ tiêu phát triển nhà ở phải phù hợp với mục tiêu đô thị hóa, dự báo dân số khu vực đô thị.

- Khu vực phát triển nhà ở phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị và đảm bảo có kế hoạch phát triển hạ tầng tương ứng.

- Các loại hình phát triển nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở dân tự xây) phải phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của các nhóm lao động đã và đang dịch cư đến các đô thị.

2. Phát triển nhà ở phải đồng bộ với phát triển hạ tầng

Phát triển nhà ở phải đồng bộ với phát triển hạ tầng kỹ thuật - giao thông và hạ tầng xã hội; phát triển nhà ở lan tỏa theo hệ thống giao thông đô thị như các tuyến đường chính kết nối các đô thị vệ tinh phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng.

3. Phát triển nhà ở kết hợp chỉnh trang, cải tạo khu dân cư hiện hữu

Chú trọng phát triển nhà ở dựa trên cơ sở chỉnh trang, cải tạo khu dân cư hiện hữu, giữ gìn bản sắc, tạo cảnh quan đô thị khang trang, di dời nhà ở ven sông kênh rạch.

4. Đẩy mạnh phát triển nhà ở theo dự án tại khu vực trung tâm kinh tế - xã hội

Kêu gọi đầu tư, phát triển thêm nhiều dự án nhà ở thương mại, khu đô thị khu dân cư, khuyến khích kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân các khu công nghiệp và các đối tượng được hướng chính sách nhà ở xã hội theo quy định."

 



[1] Đối với vốn ngân sách tỉnh để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thuộc các chương trình mục tiêu, sau khi có Quyết định ban hành chương trình mục tiêu của cấp có thẩm quyền, UBND tỉnh xác định nguồn vốn ngân sách cụ thể để thực hiện chương trình mục tiêu, sau đó trình HĐND tỉnh thông qua.