Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Nghị quyết số: 12-NQ/TW

Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XI): MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG HIỆN NAY.

I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Trải qua hơn 80 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dạn dày kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Thành tựu 25 năm đổi mới là thành quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

2. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…

Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.

Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.

3. Tình hình trên đây có nguyên nhân khách quan do việc thực hiện đổi mới kinh tế phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chưa lường hết được những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, chưa có sự chuẩn bị thật kỹ về lập trường, tư tưởng và cả cách thức tiếp cận mới cho cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, còn thiếu những cơ chế, chính sách đồng bộ, khoa học để chủ động ngăn ngừa những vi phạm.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển với quy mô ngày càng lớn, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước, đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển.

Trong khi đó, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan:

Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.

Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ, chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao.

4. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách sau đây:

Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

II. MỤC TIÊU, PHƯƠNG CHÂM:

1. Mục tiêu: Phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng.

2. Phương châm: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh. Các giải pháp phải bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo. Phải làm kiên quyết, kiên trì, xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành, làm từng bước vững chắc, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng cũng chính là để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị. Phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức, không chuyển biến được tình hình; giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ.

III. GIẢI PHÁP:

Cùng với việc tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, các quy định đã có về xây dựng Đảng, cần tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau đây:

1. Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên

Một là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm; làm rõ nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng. Hai là, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống. Ba là, các đồng chí ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế. Trong quá trình kiểm điểm cần liên hệ, gắn với xem x ét việc thực hiện các quy chế, quy định; việc giải quyết những vấn đề về tổ chức, cán bộ; về giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, cơ quan hoặc địa phương.

Trước khi kiểm điểm, cần có hình thức phù hợp lấy ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm.

2. Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, theo cương vị công tác. Làm tốt việc kiểm điểm để có căn cứ xem xét, sàng lọc đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị và chuẩn bị quy hoạch cấp ủy, các chức danh chủ chốt các cấp nhiệm kỳ tới.

Hai là, phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp. Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Ba là, tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước. Kê khai tài sản phải trung thực và được công khai ở nơi công tác và nơi cư trú.

Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện; gắn với xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực sự có hiệu quả, ngăn chặn sự lạm quyền, độc đoán. Sơ kết rút kinh nghiệm để có chủ trương về việc đại hội đảng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp ủy có số dư. Triển khai thực hiện quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2020; tích cực tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu, chuyên gia cấp chiến lược. Thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ trì cấp trên nói chung phải qua chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ trì ở cấp dưới. Hướng dẫn để sớm thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quy định việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ kết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Bốn là, thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý; thực hiện q uy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Năm là, chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sớm tổng kết toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Kiện toàn và tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm.

Bảy là, định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội.

3 – Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách

Một là, khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Trọng tâm là đánh giá cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ; quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị. Ban hành quy chế để hằng năm Ban Chấp hành Trung ương góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ban chấp hành đảng bộ các cấp góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên ban thường vụ cấp ủy cấp mình.

Thực hiện nghiêm Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác cán bộ. Ủy ban kiểm tra các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý trong việc chấp hành các quy định của Đảng và Nhà nước về cán bộ, công chức; hàng năm cần có báo cáo kết quả thực hiện của cán bộ thuộc cấp ủy quản lý trong việc chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; loại trừ khả năng để cán bộ và người thân của cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.

Hai là, rà soát cơ chế, chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản nhà nước.

Ba là, tích cực thực hiện cải cách hành chính nhà nước và cải cách hành chính trong Đảng. Rà soát, loại bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.

Bốn là, đẩy nhanh việc cải cách, thực hiện sớm chế độ tiền lương, nhà ở, chống bình quân, cào bằng; đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi; gắn với tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.

Năm là, trong năm 2012 ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp; trong đó có cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

4 – Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả.

Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng của các cấp theo tinh thần Nghị quyết này, tạo niềm tin trong Đảng và nhân dân.

Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đưa vào nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp trung ương.

Bốn là, chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống… Tập trung chấn chỉnh, quản lý thông tin trên mạng Internet, các mạng xã hội và blog cá nhân.

Năm là, cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị, Kế hoạch, phân công chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, định rõ lộ trình thực hiện, làm từng bước vững chắc; giữa nhiệm kỳ sơ kết, cuối nhiệm kỳ tổng kết báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Đại hội Đảng; trực tiếp chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2- Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị ở các cấp chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, giải quyết từng vấn đề cấp bách, xác định rõ những việc cần làm ngay, làm quyết liệt có hiệu quả, thời gian hoàn thành và phân công người chịu trách nhiệm cụ thể.

3- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ, đề xuất sửa đổi, xây dựng mới để thực hiện tốt các giải pháp nêu ra trong Nghị quyết này.

Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan rà soát và kiện toàn tổ chức những cơ quan của Đảng, Nhà nước chưa phù hợp, hoạt động chưa hiệu quả. Đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, từ đó đề xuất việc kiện toàn để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức này.

4- Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng xây dựng kế hoạch, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư nội dung gợi ý cho các cấp ủy viên ở những nơi cần thiết trước khi tiến hành tự phê bình và phê bình; tổ chức kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng về thực hiện Nghị quyết này.

5- Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến nội dung nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, Bộ Chính trị về vấn đề này và kết quả thực hiện theo tiến độ chặt chẽ, kịp thời, tránh nhận thức sai lệch, hiểu nhầm, ngộ nhận; không để các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng kích động, làm mất ổn định chính trị. Các cấp ủy, cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quản lý, chấn chỉnh các cơ quan báo chí của mình, bảo đảm đúng định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước. Tăng cường quản lý và chấn chỉnh các trang mạng và blog có nội dung xấu.

6- Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trình Bộ Chính trị ban hành.

7- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để quản lý, sử dụng, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản của Nhà nước, không để sơ hở, thất thoát.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng tin tưởng, với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết này, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

 

 

Nguyễn Phú Trọng

(đã ký)